Tính
đến nay (14/11/2008) chuyện sôi động ở Thái Hà đã diễn ra tròn ba
tháng. Ngọn nến công lý và sự thật từ Thái Hà dường như bây giờ đã lan
tỏa ra khắp nơi, trong nước cũng như nước ngoài.
Tuần
rồi, chúng tôi có dịp vào Sài Gòn, tạm trú tại ngôi nhà sát bên cạnh
một ngôi thánh đường, thỉnh thoảng lại giật mình khi nghe thấy lời kinh
hòa bình được cất lên. Hỏi chuyện một số giáo dân trong giáo xứ này,
chúng tôi được biết, hóa ra là kể từ khi xảy ra biến cố Thái Hà và Tòa
Khâm Sứ Hà Nội, các hội đoàn trong và ngoài giáo xứ thường đến viếng
nhà thờ, viếng hang đá Đức Mẹ, hát kinh hòa bình cầu nguyện cách đặc
biệt cho công lý và sự thật được tỏ hiện trên quê hương Việt Nam.
Trong
dịp này, chúng tôi cũng có cơ hội tham dự hai buổi cầu nguyện cho công
lý và hòa bình diễn ra tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn, 38 Kỳ
Đồng. Buổi đầu có tới hơn 200 linh mục, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế và
khoảng chừng 1500 giáo dân tham dự. Buổi thứ hai số giáo dân tham dự
đông hơn, đa phần là di dân đang sinh sống và làm việc trong thành phố.
Điều khiến chúng tôi lấy làm ngạc nhiên và cảm động là anh chị em bán
hàng rong chở luôn cả khoai, cả bắp đến thắp nến cầu nguyện. Sau buổi
cầu nguyện, mọi người mua hết hàng của anh chị em này, nhờ thế tối đó
có lẽ họ được trở về nhà trọ sớm hơn mọi ngày.
Trở
lại Thái Hà sau hơn một tuần công du Sài Gòn, chúng tôi cũng không khỏi
ngạc nhiên nhiều chuyện. Nghe biết hai tuần trước Thái Hà ngập chìm
trong nước, bây giờ thì đã khô ráo hoan toàn, tuy cảnh vật có vẻ tiêu
điều đôi chút. Nhưng giáo dân tối đến vẫn tấp nập tuốn về Thái Hà cầu
nguyện cho công lý và sự thật. Tới tận 22h vẫn có những bạn trẻ cầu
nguyện trước tượng Nữ Vương Công Lý. Vẫn còn đó những “bà mẹ đất” tối
sớm thắp những ngọn nến sáng trước ngai tòa Đức Mẹ Công Lý cho giáo dân
cầu nguyện. Vẫn còn đó những bà, những cô tận tụy cắm hoa, dọn dẹp
khuôn viên tượng Đức Mẹ. Vẫn còn đó những buổi cầu nguyện đông đảo sau
mỗi thánh lễ. Vẫn còn đó những buổi lẫn chuỗi mân côi mỗi tối vào lúc
20h.
Đến nay, xem ra chuyện Thái Hà vẫn là
đề tài nóng bỏng nhiều người bàn đến. Có thể ban đầu giáo dân Thái Hà
chỉ đi tìm mảnh đất thánh đã bị chia năm sẻ bảy, đã bị tư túi. Nhưng có
lẽ Đấng mà người dân Thái Hà hằng cầu xin đã cho họ nhiều hơn những gì
họ xin. Có thể nói, dân Thái Hà xin sự công bằng, sự thật nơi một mảnh
đất đã bị chiếm dụng, nhưng Chúa ban cho người ta cả một phong trào
thắp nến cầu nguyện cho công lý và hòa bình rộng khắp, trong nước cũng
như nước ngoài. Điều mà Thái Hà đã làm được (nói đúng hơn, Chúa đã làm
qua sự kiên Thái Hà và Tòa Khâm Sứ) ấy là làm cho nhiều người ý thức
được trách nhiệm của mình trong việc mưu cầu và xây dựng một xã hội
công bằng, bác ái, trong đó công lý và hòa bình được hiện tỏ.
Thiên Ân