Đinh Tấn Lực
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Lê Dũng vừa thông báo Tuần dương hạm Trịnh
Hòa của Trung Quốc sẽ cặp cảng Đà Nẵng từ ngày 18-11 đến ngày
22-11-2008. Cùng lúc, Ban Tuyên giáo Trung ương lại chỉ thị cho dàn
truyền thông ở đây “tuyên truyền chừng mực, không ồn ào” và nên dùng
tên phiên âm là Zheng He thay vì từ Hán Việt là Trịnh Hòa.
Vậy, Trịnh Hòa là ai? Có liên hệ gì tới Việt Nam? Vì sao Hà Nội lại phải sợ húy kỵ?
Phần đông du khách Việt Nam đến viếng Malacca, Mã Lai (cạnh eo biển
giữa Mã Lai & Singapore) đều khá ngạc nhiên về kiến trúc của thành
phố cổ này không khác gì Hội An của ta. Từ mái ngói, cổng chùa, cửa
hàng, con hẽm, cho tới cả món cơm gà hấp…
Đến khi ghé vào nhà Bảo tàng Lịch sử ở khu Tháp Đồng Hồ (Clock Tower),
người ta mới khám phá ra điểm chung của Malacca và Hội An: Cả hai cùng
nằm trên bản đồ hải hành của Thủy sư Đô đốc TQ Trịnh Hòa cách đây đã
600 năm.
Trịnh Hòa (Zheng He /Cheng Ho), sinh năm 1371, tên thật là Mã Hòa (Ma
Ho), thuộc dòng dõi một gia đình chiến tướng Mông Cổ từng viễn chinh
rồi định cư ở Makkah, Ả Rập Saudi, và theo đạo Hồi. Trong triều nhà
Minh, Trịnh Hòa được biết đến dưới tên gọi là Mã tam bảo Thái giám, có
tài thủy chiến, thông thạo ngôn ngữ Ả Rập, am hiểu cả thiên văn, địa
lý. Đến năm 1404, Thái giám Mã Hòa được hoàng đế Vĩnh Lạc (tức Minh
Thành Tổ Chu Đệ, con thứ tư của Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương) sắc
phong cho đổi tên hoàng tộc thành Trịnh Hòa.
Cùng thời, một thái giám người Việt Nam tên là Nguyễn An (vốn là một
kiến trúc sư, do Hồ Hán Thương con của Hồ Quý Ly cống nạp để được Bắc
Triều sắc phong chức An Nam Quốc Vương) cũng từng được Minh Thành Tổ
Chu Đệ giao cho trọng trách xây dựng thành Bắc Kinh (tên cũ là Yên
Kinh) từ năm 1404, đến năm 1420 mới hoàn tất.
Năm 1405, Chu Đệ sai sứ sang Việt Nam đòi đất Lộc Châu. Hồ Quý Ly và Hồ
Hán Thương sai Cát địa sứ Hoàng Hối Khanh cắt đất của 59 thôn ở Cổ Lâu
dâng cho nhà Minh. Đó là giai đoạn khởi đầu thời Minh thuộc của Việt
Nam ta, trước khi người anh hùng áo vải đất Lam Sơn Lê Lợi dấy binh
dựng cờ khởi nghĩa giành lại độc lập cho nước nhà.
Cũng bắt đầu từ năm 1405, kéo dài cho đến 1433, Trịnh Hòa đã chỉ huy
các đoàn chiến thuyền và thương thuyền TQ thực hiện bảy chuyến viễn
dương chu du qua 37 nước ven biển Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương và Đại
Tây Dương, tổng cộng gần 300.000 cây số, tương đương với hơn 7 vòng
trái đất.
Chuyến xuất phát của hạm đội Trịnh Hòa vào năm 1405 (tức 87 năm trước
chuyến thám hiểm của Christopher Columbus) bao gồm 317 chiến thuyền và
thương thuyền chở tơ lụa, vàng bạc, khí cụ… với 27.870 thủy thủ, binh
lính, thông ngôn, thương nhân, thầy thuốc và các nhà địa lý Tàu. Đa
phần các thương thuyền này dài khoảng 100m, tương truyền rằng chiếc
soái hạm dài đến 140m (tức gấp 5 lần chiếc tàu của Columbus khám phá ra
Tân đại lục lúc gần cuối thế kỷ 15, và gấp đôi chiếc tàu hơi nước đầu
tiên xuyên Đại Tây Dương 4 thế kỷ sau nó). Trên hải trình đi vào vịnh
Thái Lan rồi xuyên eo biển Malacca để vòng qua Ấn Độ Dương, cảng đầu
tiên đoàn tàu này ghé lại chính là Hội An.
Trong những chuyến sau đó, hạm đội củaTrịnh Hòa đã hướng đến vịnh Ba
Tư, Biển Đỏ, ghé lại Mogadishu, Matindi, Mombassa, Zanzibar và có thể
họ đã đến cả Mozambique. Đến chuyến thứ bảy, họ đến châu Phi, và có giả
thuyết cho rằng họ đã khám phá ra châu Mỹ trước cả Columbus. Tuy nhiên
trên đường về, vào năm 1433, Trịnh Hòa đã qua đời sau khi ghé hải cảng
cuối cùng là Calicut, nam Ấn Độ. Trịnh Hòa đã được thủy táng trên biển
Ấn Độ, theo nghi thức Hồi giáo, cùng với bộ phận trên người từng bị cắt
và ướp giữ khi làm thái giám (để đầu thai nguyên vẹn kiếp sau, theo
cách tin của người TQ).
Hạm đội Trịnh Hòa, vào đầu thế kỷ 15, chính là niềm tự hào tột đỉnh của
TQ về sức mạnh thiên triều trên cả mặt biển. Trịnh Hòa đã đặt nền móng
chủ nghĩa thực dân của TQ trên những vùng đất từ Đông Nam Á qua tới Ấn
Độ và vịnh Ba Tư mà phải non thế kỷ sau đó, các đế quốc thực dân Bồ Đào
Nha, Hà Lan, Anh và Tây Ban Nha mới đến (theo dấu đoàn thám hiểm Vasco
de Gama đi vòng từ phía tây châu Phi).
Theo học giả Nguyễn Huy Đức ở Pháp trên một bài khảo cứu về các chuyến
viễn dương của Trịnh Hòa, thì “Nhiệm vụ của hạm đội này là thám hiểm
các đại dương và làm cho thiên hạ nể sợ ‘oai trời’ mà chấp nhận triều
cống nhà Minh. Trong ngày khánh thành Cấm Cung (năm 1421), Trịnh Hòa đã
đưa về Bắc Kinh các vua chúa và sứ thần từ các nước Á châu, Ả rập, Phi
châu để vào chầu Hoàng đế Vĩnh Lạc. Sự việc này chứng tỏ rằng nhà Minh
đã chủ trương áp đặt hệ thống triều cống lên những quốc gia mà họ đã
đặt chân đến”.
Cùng thời với các chuyến hải hành của Trịnh Hòa là giai đoạn nhà Minh
chiếm đóng Việt Nam (1406-1427), với các tên thái thú Trương Phụ, Mộc
Thạnh, Hoàng Phúc, Lý Bân, Mã Kỳ… Trong đó, Hoàng Phúc là kẻ thi hành
triệt để chủ trương của Minh triều là đồng hóa dân ta.
Sách Việt Nam Sử Lược của học giả Trần Trọng Kim viết: “Từ
khi nhà Minh sang cai trị An Nam, dân ta phải khổ nhục trăm đường,
tiếng oan không kêu ra được, lòng tức giận ngấm nghía ở trong tâm can,
chỉ mong mỏi ra cho khỏi đống than lửa”.
Tình hình trong nước bấy giờ được mô tả là dân tình điêu linh cực khổ nhất trong các thời Bắc thuộc, vì lẽ: “những
người An Nam như Nguyễn Huân, Lương Nhữ Hốt, Đỗ Duy Trung theo hàng nhà
Minh, khéo đường xu nịnh, được làm quan to, lại càng ỷ thế của giặc,
làm những điều tàn bạo hung ác hơn người Tàu. Vả, trong những lúc biến
loạn như thế, thì những đồ tham tàn gian ác, không có nghĩa khí, không
biết liêm sĩ, lại càng đắc chí lắm, cho nên dân tình cực khổ, lòng
người sầu oán”.
Xem ra, thời nay không khác là bao.
Trong cuộc tranh luận về chủ quyền lãnh thổ giữa VN và TQ, Bắc Kinh đã
viện dẫn các chuyến hải hành của hạm đội Minh triều để lập luận rằng
Trịnh Hòa đã khám phá ra Hoàng Sa và Trường Sa, và dùng đó để phản bác
các chứng cứ chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo này từ nhiều thế
kỷ trước đó.
Lãnh đạo Hà Nội, trong tư thế chư hầu khăn quàng đỏ của TQ, đã:
- ký công hàm 14-9-1958 công nhận chủ quyền của TQ trên quần đảo Trường Sa;
- không dám lên tiếng khi Quốc vụ viện TQ ban bố lệnh sáp nhập quản lý
hành chánh huyện/thị xã Tam Sa bao gồm cả Trường Sa lẫn Hoàng Sa vào
tháng 11-2007;
- khủng bố các cuộc tuần hành của thanh niên sinh viên VN phản đối vụ Tam Sa, tháng 12-2007;
- bắt nguội, đàn áp, truy bức và áp án những người biểu tình phản đối vừa nói, kể cả nhà báo tự do Điếu Cày, ngày 20-4-2008;
- ruồng bố sinh viên thanh niên VN có ý định tuần hành phản đối TQ,
ngược lại, bảo kê cho “du khách TQ” độc quyền biểu tình ủng hộ cuộc
rước đuốc Olympic ngang qua Sài Gòn ngày 29-4-2008;
- ngoan ngoãn chấp nhận “tuân thủ nghiêm túc nhận thức chung giữa lãnh
đạo cấp cao hai nước” và bảo đảm sự ổn định của vùng biển mà TQ gọi là
biển Nam Trung Hoa, cũng như không tiến hành bất kỳ hành động nào làm
phức tạp tình hình (Nguyễn Tấn Dũng, 25-10-2008).
- rập đầu trước Ủy viên Thường vụ BCT/TQ Chu Vĩnh Khang, rằng: “trước
sau như một, luôn hết sức coi trọng, chân thành mong muốn và làm hết
sức mình để phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, hữu nghị truyền thống
với Trung Quốc theo phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt” (Nông
Đức Mạnh, 29-10-2008).
Một tháng sau khi TT Nguyễn Tấn Dũng khấu kiến Bắc Kinh và Ủy viên
BCT/TQ Chu Vĩnh Khang tham quan Hà Nội, chiến hạm Trịnh Hòa (chứ không
phải là bất kỳ một chiến hạm nào khác) của TQ ghé cảng Đà Nẵng. Lãnh
đạo tối cao của Hà Nội lại ra chỉ thị cho dàn báo chính quy tránh nói
tục danh Trịnh Hòa, và ra lệnh chỉ được phép tuyên truyền chừng mực.
Tại sao?
Năm 2005, TQ tổ chức linh đình một lễ kỳ niệm 600 năm chuyến hải hành
đầu tiên của Trịnh Hòa. Năm 2006, TQ cho trình chiếu một bộ phim 40 tập
để tôn vinh “Trịnh Hòa – Một Columbus của TQ”, với các tài tử gạo cội
Đạo Quốc Cường thủ vai Chu Đệ, Lý Tiểu Lộ thủ vai Hoàng hậu… Đây là màn
giáo đầu tập huấn về vị trí, vai trò và truyền thống bá quyền của TQ
đối với các lân bang nói riêng và cả thế giới, nếu cần, nói chung.
Kế đến, tuần dương hạm Trịnh Hòa là một chiến hạm tối tân, hạ thủy năm
1987, từ bấy đến nay đã từng ghé Trân Châu Cảng và nhiều hải cảng quốc
tế phương Tây. Gần đây, nó được điều quay về “thăm viếng” các quốc gia
trong vùng Đông Nam Á. Trong số đó, nhiều người cho rằng điểm ghé thăm
quan trọng nhất của chiến hạm Trịnh Hòa trong vùng này là Việt Nam,
nhằm chuyển tải một số “thông điệp” cần thiết:
- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy sức mạnh cơ bắp về cả 3 mặt kinh
tế - chính trị - quân sự của Bắc Kinh, và vị trí bá chủ biển Đông của
TQ;
- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy thế tranh chấp thượng phong của
TQ thông qua lập luận Trịnh Hòa khám phá ra các quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa;
- biểu dương cho nhân dân VN nhìn thấy thành quả TQ khống chế lãnh đạo
VN thông qua các cuộc khấu kiến, gần nhất là với TT Nguyễn Tấn Dũng và
TBT Nông Đức Mạnh…
Thông qua chiến hạm Trịnh Hòa, tinh thần “Hữu Nghị” của Bắc Kinh đồng nghĩa với “Khuất Phục”.
Đảng và nhà nước quang vinh đã cúi đầu thần phục. Chỉ thị “tuyên truyền
chừng mực” và tránh kỵ húy Trịnh Hòa đã trọng thị biểu dương ý chí
khuất phục cao độ đó trước thiên triều.
Còn nhân dân Việt Nam anh hùng thì sao? Ta cần làm gì để tỏ thái độ đối
với sứ quán và lãnh sự quán TQ tại VN, trong dịp này, và liên tục cho
đến ngày đánh dấu tròn một năm vụ việc Tam Sa?
14-11-2008
Nguồn: Blogger Đinh Tấn Lực
|