Thứ Năm, 2025-01-23, 3:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 16 » "Bản giao hưởng lúa gạo" trật nhịp
5:33 AM
"Bản giao hưởng lúa gạo" trật nhịp


2008-11-15

Vấn đề điều hành xuất khẩu lúa gạo 2008, được xem như bản giao hưởng đồng quê trình tấu bởi các nhạc công kém cỏi và điều khiển bởi một nhạc trưởng không xuất sắc.

Photo courtesy of VietNamNet

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: "Việc tạm ngừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo hồi tháng 3 vừa qua nhằm đảm bảo an ninh lương thực, kiềm chế lạm phát cũng như tính toán sản xuất giao hàng đủ theo hợp đồng đã ký trước". Ảnh: XL.

Trong tuần qua Quốc Hội VN đã chất vấn chính phủ nặng nề về chuyện nông dân bị thiệt hại lớn, do quyết định ngừng ký hợp đồng xuất khẩu hồi cuối tháng 3 đầu năm. Nhà sử học Dương Trung Quốc, đại biểu tỉnh Đồng Nai đã phát biểu hết sức ấn tượng: “Khi nhạc công có lỗi, nhạc trưởng có nhận trách nhiệm hay không?”

Phản ứng của nông dân

Hậu quả của một quyết định tai hại, đã làm hàng triệu tấn lúa hè thu và thu đông ở vùng đồng bằng sông Cửu Long bị ứ đọng không có đầu ra, cứ nghe tâm sự của nông dân thì sẽ thấy được họ chịu ảnh hưởng lớn lao thế nào:

Tôi kẹt khoảng ba mươi mấy tấn đó, cất nhà chứa, ra chợ mua bao rồi đem về chứa chứ làm sao giờ. Có người để ngoài sân, có người cất nhà, chất lên tới nóc nôm na chất cây là như chất củi vậy đó.”

Hoặc hơn thế nữa: “Nông dân kêu trời không thấu luôn, phải chịu mà chưa biết tính sao. Anh biết không, bây giờ có một số nhà bị đại lý vật tư vô nhà để xiết nợ. Đó là tôi thấy ở chính địa phương tôi.”

Quốc Hội chất vấn

Nông dân kêu trời không thấu luôn, phải chịu mà chưa biết tính sao. Anh biết không, bây giờ có một số nhà bị đại lý vật tư vô nhà để xiết nợ.

Một nông dân vùng ĐBSCL

Trong những ngày 11, 12, 13 diễn đàn quốc hội VN sôi nổi chưa từng có. Các đại biểu thay phiên chất vấn các bộ trưởng Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn Cao Đức Phát, bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng và cả thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chung quanh vấn đề lúa gạo và quyền lợi nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bị truy vấn tới tận cùng nên 2 vị bộ trưởng Cao Đức Phát và Vũ Huy Hoàng đã phải nhận trách nhiệm về dự báo sai sản lượng lúa gạo và tham mưu sai cho thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Bộ trưởng Cao Đức Phát tuyên bố chịu trách nhiệm trước chính phủ và quốc hội và sẵn sàng nhận mọi hình thức kỷ luật của quốc hội theo pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra quyết định dừng ký hợp đồng xuất khẩu hồi cuối tháng 3/2008. Khi ấy giá gạo thế giới đang lên tới đỉnh điểm trên dưới 1.000 USD/ tấn. Quyết định này dựa vào lý do bảo đảm an ninh lương thực, theo dự báo của Bộ NN&PTNT và tính toán của Bộ Công Thương. Đến tháng 7 chính phủ giải tỏa lệnh cấm thì là lúc giá gạo thế giới đã sụt giảm mạnh, gạo ngon cũng chỉ bán được 600 USD/tấn, còn gạo 25% tấm của VN chào bán chỉ hơn 300 USD mà vẫn không ký được hợp đồng.

TS Nguyễn Quang A, Viện trưởng viện nghiên cứu phát triển ở Hà Nội từng có nhận xét về vấn đề này:

Lẽ ra mình nghe nhiều ý kiến khác nhau ,có lúc người ta sợ rằng mất mùa người ta sợ cái này cái kia … cho nên lúc mà giá lúa cao nhất thì bảo là dừng xuất khẩu hoặc tạm ngừng xuất khẩu. Nhưng mà ngay khi đó GS Võ Tòng Xuân ở Đại Học An Giang đã cảnh báo ngay là không có chuyện thiếu lương thực, an ninh lương thực rất đảm bảo, lúc đó lẽ ra phải cứ để xuất khẩu gạo bình thường”.

Ngày 13/11 thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục bị quốc hội chất vấn về vấn đề lúa gạo. Một ngày sau khi các bộ trưởng đã nhận trách nhiệm về dự báo sai, lúc này ông Dũng mới tiết lộ một vài điều khá chấn động. Theo VN Express thủ tướng VN nói rằng, trước khi chính phủ quyết định dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo, không chuyên gia nào dám nói với ông là vụ đông xuân sẽ được mùa hay mất mùa, rất khó cho ông lựa chọn quyết định. VN Express tường thuật rằng khi thủ tướng bộc bạch những lời này, phía dưới hội trường, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khá trầm tư.

Trong một thời gian dài và ngay cả trong phiên chất vấn tại Quốc Hội cả ông Dũng và các bộ trưởng vẫn vin vào nhóm từ “Dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo chứ không ngừng xuất khẩu gạo”. Chẳng lẽ các bộ trưởng Cao Đức Phát, Vũ Huy Hoàng lại không biết rằng, không cho ký hợp đồng thì doanh nghiệp nào dám bỏ tiền đi mua gạo vừa kẹt vốn, chịu lãi ngân hàng và cũng không có đủ kho để trữ . Một vụ mùa ở đồng bằng sông Cửu Long chỉ kéo dài từ 75 ngày tới 90 hoặc 100 ngày và các địa phương thu hoạch sớm trễ khác nhau. Đặc thù hoạt động lúa gạo ở miền tây là giải phóng hàng hoá rất nhanh đối với nông dân cũng như doanh nghiệp.

Thời Báo Kinh Tế VN trích nhận định của ông Nguyễn Trung Nhân, Đại biểu Quốc Hội đơn vị Cần Thơ cho rằng “Ngừng ký hợp đồng xuất khẩu còn nguy hại hơn ngừng xuất khẩu”. Sự việc đó theo đại biểu Nhân đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Ngừng ký hợp đồng tức là ngừng ký giá cao.

Mục tiêu chống lạm phát?

Đọc các bài tường thuật của báo chí, có thể nhận ra một điểm lâu nay ít ai chú ý. Đó là việc thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng có mục tiêu khác khi quyết định chỉ đạo dừng ký hợp đồng xuất khẩu ngày 25/3. Nay thủ tướng nói rõ hơn việc tạm dừng ký hợp đồng xuất khẩu gạo nhắm tới mục tiêu chống lạm phát, chính phủ đã sợ rằng cho ký hợp đồng ngay thời điểm cao giá, có thể doanh nghiệp vét gạo trong nước để xuất khẩu, đẩy giá lương thực trong nước khiến lạm phát tăng lên. Ông Nguyễn Tấn Dũng biện giải rằng “Tuy dự báo chưa thật chính xác nhưng việc điều hành xuất khẩu gạo vừa qua dựa trên cơ sở lợi ích tổng thể của đất nước và đã cơ bản đạt được các yêu cầu”. Thủ tướng tán dương thành quả xuất khẩu gạo năm nay mang lại 2 tỷ 800 triệu USD, lãi 1 tỷ 700 triệu đô la tức 60%. Đại biểu Dương Trung Quốc đặt vấn đề phần lãi vừa nói rơi vào đâu, chỗ nào. Vì báo cáo cũng nói nông dân chỉ lãi 5, 4%. Vậy tại sao nông dân là người sản xuất trực tiếp lại nghèo nhất, bị bóc lột nhiều nhất, phải làm gì để nông dân hưởng lợi.

Nông dân bị thiệt thòi

Các đại biểu quốc hội đã nhận định một số chính sách vừa qua không hợp lòng dân, không mang lại lợi ích cho đại đa số người dân, nhưng mang lại ích lợi cho một tập đoàn lợi ích nào đó.

Đại biểu Nguyễn Trung Nhân

Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế độc lập cũng nhiều lần lên tiếng về sự thiệt thòi của nông dân VN:

“Hiện nay người nông dân sản xuất ra lúa gạo, nhưng mà cái cơ chế bảo vệ lợi ích chính đáng của họ là chưa được hình thành. Vì người nông dân, hội Nông Dân hiện nay chưa có những hoạt động hữu hiệu, để bảo vệ lợi ích của họ trong quá trình bán lúa gạo. Cho nên đấy cũng là ý kiến cần phải tham khảo, cần có sự thảo luận để có cơ chế để bảo vệ lợi ích của người nông dân.”

Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long chắc là không thể hiểu được là làm cho lúa ế, gạo xuống giá là giúp kiềm chế lạm phát, nhưng từng có người than thở “xin đừng cấy lúa trên lưng nông dân”. Và các đại biểu quốc hội trong đó có ông Nguyễn Trung Nhân xác định rằng Nhà nước phải có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người nông dân. Đại biểu Nhân nhấn mạnh trên VN Economy rằng, dự báo sai là một chuyện, còn lại là do bản lĩnh người điều hành chính sách chưa được tốt lắm. Trước vấn đề như vậy đưa ra một quyết sách vội vàng gây ra thiệt hại quá lớn.

Lợi ích cho một tập đoàn nào đó?

VN Economy nêu câu hỏi “Có ý kiến cho rằng một số quyết định vừa qua có thể chịu tác động từ các cuộc vận động chính sách mang màu sắc lợi ích nhóm”. Đại biểu Nguyễn Trung Nhân đáp rằng “phát triển theo mô hình thị trường thì xung đột lợi ích nhóm lúc nào cũng có, nhiều hay ít mà thôi”. Ông Nhân nhắc lại rằng các đại biểu quốc hội đã nhận định “một số chính sách vừa qua không hợp lòng dân, không mang lại lợi ích cho đại đa số người dân, nhưng mang lại ích lợi cho một tập đoàn lợi ích nào đó” và theo ông Nhân ở VN hiện đang có chuyện như vậy.

Vị đại biểu Cần Thơ cho rằng, về vấn đề gạo thì tác động của các tập đoàn lợi ích đến điều tiết chính sách không lớn. Còn với nhiều ngành khác như ô tô, dầu khí, sắt thép, điện lực, bưu chính viễn thông chẳng hạn, những ngành còn tồn tại tình trạng bao cấp lớn, những ngành có nhiều tập đoàn lớn thì ảnh hưởng của các nhóm lợi ích cũng lớn.

Là đại biểu từ vựa lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Trung Nhân đã xác định trách nhiệm những người gây thiệt hại cho hàng triệu nông dân trong vùng. Theo ông, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chính sách xuất nhập khẩu, còn Bộ Nông Nghiệp Phát Triển Nông Thôn trách nhiệm về dự báo, khuyến cáo, liên quan đến sản phẩm xuất khẩu. Và sau hết thủ tướng là người điều hành cao nhất, các bộ vẫn là người thừa hành. Ra quyết định là chính phủ ký, vậy thì chính phủ phải chịu trách nhiệm.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 1000 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0