Bùi
Trọng Liễu
Thường
thì người có dịp đi xa, thấy
chuyện lạ nơi người, thì về
kể lại nơi quê nhà, để hiểu
thêm cái hay cái dở để so sánh
mà hoàn thiện cuộc sống. Tôi
lại làm việc ngược lại, vì
hoàn cảnh của tôi cũng khác :
do tôi định cư đã lâu ở
nước ngoài, quen phong tục tập quán
nơi xa, nhìn về cố hương, có
một số nhận xét so sánh, thiết
tưởng nói ra cũng có thể góp
phần cải thiện cuộc sống nơi quê
nhà. Chuyện hay thì đã có quá
nhiều người kể, người viết,
tôi không dám phụ họa thêm, vì
tôi kém tài trong việc này. Tôi
chọn nêu những điểm tôi thấy
lạ (mà tôi không thể tán
dương). Đây là sự chân thành,
không hề có ý mỉa mai vô cớ
châm biếm (châm biếm thì có
lợi gì cho tôi đâu !). Tôi
cũng cố tránh đề cập chi tiết
đến những vấn đề không thuộc
lĩnh vực chuyên môn tôi, tuy bàn
dân thiên hạ đều bàn tán (1).
Chuyện
lạ mà tôi muốn đề cập trong
bài này chỉ khiêm tốn thu gọn
trong lĩnh vực giáo dục đào tạo
và nghiên cứu khoa học thôi. Và
bước đẩu tôi cũng chỉ dám
đề cập đến một chuyện : « Số
lượng » đè « chất
lượng ».
Trước
hết là « Số lượng »
đè « chất lượng » trong
nghiên cứu khoa học. Từ ngày vấn
đề nghiên cứu khoa học được
nêu như một vế quan trọng trong giáo
dục đại học, có một sự
« hăng tiết » đếm số
lượng, coi đó như là khuôn
vàng thước ngọc để đo sự
tiến bộ. Có một sự đề cao
khẩu hiệu « publish or
perish » (hoặc
là có ấn phẩm hoặc là chết »).
Thực ra, nghiên cứu khoa học đâu
có đơn giản như vậy, kể cả
việc có bài đăng trong các tập
san khoa học có tiếng. Tôi xin nhắc
lại 4 thí dụ (2)
:
-
a) Năm 1974, ông William Summerlin, một nhà
miễn dịch học thuộc Viện
Sloan-Kettering ở thành phố New York, khẳng
định là đã tìm ra một kỹ
thuật cấy tế bào giữa loại khác
nhau mà không gây phản ứng loại
bỏ tế bào ghép. Để chứng
minh sự kiện này, ông trưng ra một
con chuột trắng mà ông bảo là
đã ghép da một con chuột đen cho
nó. Nhưng những người đồng
nghiệp đa nghi đã khám kỹ con
chuột và nhận xét là màu da
được ghép biến mất sau khi đã
được lau bằng cồn. Hóa ra
Summerlin chỉ dùng bôi mực đen để
giả ghép da. Cuộc điều tra sau đó
cũng cho thấy là vụ Summerlin tuyên bố
là đã ghép giác mạc (cornée)
của [con] người cho mắt của [con] thỏ
cũng chỉ là trò bịp bợm.
-
b) Nhà khảo cổ Nhật Shinichi Fujimura, vào
những năm thuộc thập niên 1990 nhiều
lần lén chôn đá đã tạc
đã đẽo sẵn xuống những lớp
đất xưa, để rồi sau đó
công bố đã « phát hiện ».
Năm 2000 bị tờ báo Mainichi Shimbun lật
tẩy khi ông ta khoe có phát hiện mới,
vì phóng viên báo này có
bằng chứng lén quay phim lúc ông này
đang chôn đồ đá giả trước
đó 4 ngày.
-
c) Nhà vật lý điện tử người
Đức Jan Hendrik Schön, thuở mới ở
tuổi 32 mà đã được người
ta biết danh tiếng, được Bell Labs ở
Mỹ tuyển dụng. Khoảng năm 2001, ông
ta trung bình cứ mỗi tuần có 1 ấn
phẩm khoa học trong nhiều tờ tập san
khoa học có tiếng, kể cả Science và
Nature. Nhưng một số nhà khoa học nghi
ngờ kết quả của ông ta. Một cuộc
điều tra năm 2002 đưa ra kết luận
rằng trong số 24 bài báo của ông
Schön, 16 bài thuộc loại bịp và
6 thuộc loại đáng nghi : ông ta
ngụy tạo kết quả của các thí
nghiệm của mình, để cho các kết
quả khớp với kết luận của mình.
-
d) Năm 2005, giáo sư sinh học Nam Hàn
Hwang Woo-Suk mạo nhận là đã thành
công trong việc sản xuất 11 dòng tế
bào mầm phôi con người lấy từ
tế bào da mà nhân đã được
cấy vào noãn con người mà nhân
đã bị lấy ra (nguyên văn tiếng
Pháp : produire 11 lignées de cellules souches
embryonnaires humaines à partir de cellules de peau dont le
noyau a été transféré à
l’intérieur d’ovules énuclées). Đó
là một tạo sinh vô tính con người
đầu tiên mà viễn tượng cho
ta hy vọng là sẽ có những trị
liệu vô cùng tân tiến. Nhưng sau
đó ban điều tra của đại học
ông ta cho biết là tất cả những
nghiên cứu đó là gian lận.
Vậy
thì có đáng cứ hết ngày
này ngày nọ hô khẩu hiệu sao có
số bài đăng thật nhiều, trong khi
không nhấn mạnh hơn đến chất
lượng ?
Rồi
tới « Số lượng » đè
« chất lượng » trong giáo
dục đào tạo, đặc biệt là
ở bậc đại học và cao đẳng
:
Tôi
đọc trong bảng số liệu thống kê
của Bộ Giáo dục Đào tạo
Việt Nam, thấy các con số khổng lồ
về số trường Đại học và
trường Cao đẳng (3),
với kèm với con số tí hon về
cán bộ giảng dạy có chức danh
(tôi giả định rằng trình độ
các vị tương xứng với chức
danh đó), mà thấy hãi. Sao có
thể cho phép thành lập nhiều trường
như thế, với nhiều sinh viên như
thế, với đội ngũ giảng viên
có trình độ ít ỏi như thế,
học và dạy như thế (4)
mà cứ khẳng định được
rằng đến năm này, năm kia, sẽ
có những đại học lọt được
vào danh sách top 200, top 100 đại học
thế giới (danh sách xếp hạng nào,
theo tiêu chuẩn của ai ?). Rồi lại còn
đề án 2 vạn tiến sĩ, trước
đây dự kiến hoàn thành cho năm
2015, nay đẩy lùi tới 2020, dự tính
với tỉ số 38 % đào tạo ở
nước ngoài (với những loại đề
tài nào, với những đại học
nước ngoài nào ?). Rồi đào
tạo ở trong nước như thế nào,
khi tình trạng đội ngũ giảng dạy
đại học trong nước được
bảng thống kê số liệu của Bộ
Giáo dục Đào tạo Việt Nam tả
như trên (xem chú thích 3). Đề án
tiêu tiền thì có thấy, nhưng lấy
gì bảo đảm rằng hễ cứ ghi
tên làm nghiên cứu sinh thì sẽ
tìm ra kết quả ? Không phải cứ
đưa ra con số mơ ước, sửa soạn
2 vạn bộ mũ áo lễ phục, dành
chỗ cho 2 vạn tên sẽ khắc trên
bia đá hoa cương rồi sẽ lòi
ra 2 vạn tiến sĩ có trình độ.
Rồi còn cả việc đào tạo ở
những mức độ khác, như thạc
sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên, các
chuyên viên quản trị, hành chính,
vv. Làm sao có được nhân viên
có trình độ thực sự để
đáp ứng nhu cầu ? (Nếu ví
von một chút thì có thể nói :
thuốc có đủ liều, thì mới
chữa được bệnh ; thuốc pha
loãng để số lượng tăng gấp
mười gấp trăm, thì chữa cái
gì, đó chưa nói đến thuốc
giả). Tôi thiết tưởng trong quản
lý Giáo dục Đào tạo không
thể dễ dàng tung ra những loại khẳng
định như vậy, mà không nghĩ
tới những hậu quả tai hại, liên
quan đến vấn đề phát triển
của đất nước trong nhiều thế
hệ.
Nhiều
nhà khoa học trong và ngoài nước,
và cả đại biểu Quốc hội (5)
cũng đã nhiều lần lên tiếng.
Riêng tôi đã có dịp phát
biểu nhiều lần bằng bài viết hay
bằng lời nói. Đặc biệt là
vào ngày 21/5/2000 : nhân chuyến thăm
chính thức nước Pháp của Tổng
Bí thư Lê Khả Phiêu, một cuộc
gặp gỡ với một số Việt kiều
được tổ chức tại sứ quán
của ta ở Paris. Tổng Bí thư tỏ
thái độ thân mật, yêu cầu
đặt câu hỏi để ông trả
lời, tôi có đặt hai câu hỏi
, trong đó có câu hỏi về :
Sự khác biệt giữa áp dụng hình
án rất nặng đối với một số
vi phạm về kinh tế hoặc xã hội
(tôi nghĩ tới tham nhũng, hoặc buôn
bán ma tuý), và sự lơ là về
luật pháp đối với những vi phạm
trong giáo dục đào tạo mà sự
tác hại lại gấp bội, lan ra không
những trong thế hệ hiện nay mà cả
tới các thế hệ mai sau. Hôm đó,
có thể vì ông còn bận tâm
đên những vấn đề đối
ngoại và đối nội khác, nên
ông Tổng Bí thư không trả lời
trực tiếp, mà trả lời nguyên tắc
chung chung. Câu hỏi của tôi vẫn tồn
tại, đối với những nhà cầm
quyền hiện nay và trước công
luận. Xem ra, ngay trong Luật, định danh tội
phạm còn chưa công bằng, nói gì
đến khi áp dụng tội danh cho những
người có trách nhiệm ! Hình
như Bộ Giáo dục Đào tạo cứ
việc trơ như đá vững như đồng
với những khẩu hiệu « Nói
không »: Nói không với bệnh
thành tích, Nói không với …
bao nhiêu thứ gì gì. Mục tiêu
của Giáo dục Đào tạo đâu
có phải là trưng thành tích để lọt vào sách xếp hạng
kỷ lục Guinness ; đó là nói
nhẹ chưa ví với cặp bánh chưng
bánh dày không lồ giỗ tổ Hùng
vương cách đây mấy tháng
(6).
Riêng
tôi thì chi xin được nhắc lại
một lần nữa lời Trần Hưng Đạo
trả lời các quan nhà Trần xin tuyển
thêm binh để đánh giặc Nguyên :
“Binh cốt giỏi, chứ không cốt
nhiều; nếu nhiều mà không giỏi
thì như Bồ Kiên có trăm vạn
quân cũng không ích gì!” (7).
Bùi Trọng Liễu
(1)
Nguồn : Sciences et vie, số 1094, tháng 11/2008, bài « Quand
les scientifiques trichent », (khi những nhà khoa học gian
lận) tr. 56-69. Cám ơn bác sỹ VNQ đã dịch hộ tôi mấy câu trong
đoạn a) và d) trong bài.
(2)
Thí dụ như đề nghị bỏ án tử hình với tội danh tham nhũng, trong khi
hình như tội danh buôn ma tuý không được hưởng một sự ưu ái như thế
(xem vietnamnet).
Hay là thí dụ thân phận của người phụ
nữ ngày nay xem ra bị quá coi rẻ như : Hơn 160 cô gái "trình diễn" cho
7 ông Hàn tuyển vợ (dântrí).
Hay là thí dụ ráo riết kiểm tra chất
lượng của rượu – tất nhiên là cần thiết – thí dụ xem vietnamnet trong
khi không thấy đặt ra vấn đề kiểm
tra tệ nạn say sưa của các cán bộ trong khi đang thi hành công vụ.
(3)
Đọc trong trang mạng www.edu.net.vn
của Bộ Giáo dục Đào tạo Việt Nam (trong bảng số liệu năm 2006-2007),
thấy : số trường Đại học là 139, với 1173147 sinh viên, 445
giáo sư, 2432 phó giáo sư, với 5666 tiến sĩ ; số trường Cao
đẳng là 183, với 367054 sinh viên, 216 tiến sĩ trong đội ngũ giảng dạy.
(5)
Gần đây nhất là vietnamnet,
hay vnexpress
, vv. Còn « chuyện lo ngọn bỏ
gốc », thì cũng như chuyện con gà với quả trứng. Có gà thì mới
đẻ được ra trứng, có trứng thì mới nở được ra gà. Tha hồ luận tối ngày
sáng đêm. Nhưng xin đừng để toi gà, thối trứng.
(7)
Bồ Kiên đây là vua Tiền Tần thời cổ bên Tàu, có đến 100 vạn quân mà bị
thua nhà Tấn. Xin xem bài của tôi “Khiêm tốn thì dễ thành công” đăng
trong vietnamnet,
đăng lại trong cuốn sách Học một sàng
khôn của tôi, nxb Tri thức
2007, cũng có trên trang mạng btl
|