Thứ Ba, 2024-12-03, 11:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 16 » Những người phụ nữ đó rất cần được chia sẻ
3:55 PM
Những người phụ nữ đó rất cần được chia sẻ

Nguyễn Thượng Long

Đó là một buổi sáng cũng rất bình thường như mọi buổi sáng đã đến với tôi. Dù cho tôi chưa hoàn toàn bình phục sau suốt nửa tháng ròng bị hội chứng Gout cấp tính hành hạ, tôi vẫn quyết định đến gặp Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Phòng khách của ông từ lâu đã là địa chỉ thân quen của nhiều anh em dân chủ trong đó có tôi. Đây là nơi để những con người trong tay không một tấc sắt, không một kịch bản lật đổ ai bằng bạo lực, tiếm quyền của ai theo kiểu “Súng đạn sẽ tạo ra Nhà nước!”. Đây là nơi tụ hội của những con người duy nhất sở hữu một lòng yêu nước nồng nàn, một ý thức công dân đầy trách nhiệm trước thời cuộc. Tôi biết cuộc gặp gỡ ngày hôm nay sẽ khác với những cuộc đàm đạo thường diễn ra nơi đây. Hôm nay anh em dân chủ sẽ gặp gỡ, tiếp xúc với những người vợ của một số anh em bị bắt giữ vào trung tuần tháng 9 năm 2008 vừa qua. Tôi nghĩ rằng cuộc gặp gỡ này là cần thiết và cũng rất bình thường với những con người hoàn toàn tự nguyện đến với nhau, tình nguyện đi với nhau trên con đường gập ghềnh đầy đe doạ chờ đón. Cuộc gặp mặt này cũng tự nhiên mà nói với cuộc đời rằng, những người dân chủ trước hết phải là những người sống có trách nhiệm với nhau. Trong nội bộ dân chủ, nếu anh không chân thành, chân thực với nhau không biết hy sinh cái riêng tư để vì cái toàn cục thì làm sao anh là người có trách nhiệm trước nhân dân, trước cộng đồng? Cuộc gặp gỡ này cũng đủ cơ sở để nói rằng, dù cho hiện nay rất nhiều giá trị đạo đức, rất nhiều những chuẩn mực căn bản của xã hội đang có chiều suy vi sa sút... thì vẫn còn đó những con người biết tìm đến với những giá trị nhân văn cao cả mà tổ tiên đã từng răn dạy:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Từ trái sang phải: chị Rề (vợ anh Lê Văn Túc), chị Lộc (vợ sắp cưới của anh Nguyễn Kim Nhàn),

Ts. Nguyễn Thanh Giang, chị Mai (vợ anh Vũ Hùng), chị Nga (vợ anh Nguyễn Xuân Nghĩa),

chị Trang (vợ anh Phạm Văn Trội)
Có thể nói tháng 9 năm 2008 là tháng của những biến cố mà tôi tin rằng người ta sẽ còn phải tốn không ít giấy mực để luận bàn. Có thật tình hình xã hội, chính trị của Việt Nam những ngày đó là ổn định? Đảng với dân, chính quyền với dân là khoan hoà là trên dưới vững âu vàng! Tôi nghĩ rằng không. Âu vàng – Âu bạc gì đâu khi lạm phát còn phi mã, khi vật giá còn cao ngất ngưởng đe doạ tới nồi cơm, nồi canh của triệu triệu gia đình. Ổn định gì đâu khi trong biến cố ở Toà Khâm Sứ 42 phố Nhà Chung và ở Giáo xứ Thái Hà để trả lời cho những nguyện vọng hết sức ôn hoà của một số linh mục và giáo dân ở đây, lại là sự hiện diện của cảnh sát cơ động, của CS 113, của an ninh chính trị, của dùi cui điện, của hơi cay của các hội đoàn quần chúng, thanh niên tình nguyện thật, thanh niên tình nguyện dởm cùng sự hiện diện của các loại chó nghiệp vụ! Đáng buồn thay người ta đã huy động cả một đội quân rất hùng hậu với đầy đủ các quân binh chủng của sức mạnh truyền thông “một chiều bên phải” như: báo giấy, báo tiếng, báo hình, báo mạng điện tử. Những ngón nghề đưa tin lấp lửng, những sảo thuật cắt xén ngôn từ đã được những người gọi là có học hành tung ra thi thố để đánh dập vùi vài ba ông linh mục và một nhóm giáo dân.


Cũng tháng 9 vừa qua một loạt các chiến sỹ dân chủ bất ngờ bị tống giam vào ngục thất mà hồ sơ tội trạng chưa một ai thực sự rõ họ bị bắt vì những tội gì? Nhờ báo mạng, tôi mới được biết: Nguyễn Xuân Nghĩa, Trần Đức Thạch, Nguyễn Văn Túc, Phạm Văn Trội, Vũ Hùng, Lê Thị Kim Thu, Nguyễn Kim Nhàn, Ngô Quỳnh, Nguyễn Văn Tính, Phạm Thanh Nghiên, Bùi Văn Toản đã bị tống giam vì những cáo buộc họ liên quan tới việc treo biểu ngữ ở cầu Vượt Nam Thăng Long – Hà Nội, cầu Vượt ở Hải Phòng, Hải Dương và Nam Định. Tôi không hiểu có ở đâu trên thế gian này việc bắt giữ người lại dễ dàng và đơn giản như ở đất nước tôi không? Có dân tộc nào trên thế gian này vì khát khao được sống với tự do – dân chủ và nhân quyền lại khốn khổ như dân tộc chúng tôi không! Tôi không thể lý giải nổi vì sao nhà cầm quyền lại nổi giận với những biểu ngữ như thế. Tôi cố tìm đọc các bộ luật của đất nước chúng tôi chẳng thấy một điều nào, luật nào lại cấm công dân treo băng role biểu ngữ cả! Chính vì thế mà ở dọc đường quốc lộ thôi thì đủ loại biểu ngữ của cơ quan dân chính Đảng, của các doanh nghiệp, các ông chủ, bà chủ các nhà hàng,... nào là: “Mừng Đảng - mừng xuân”, “Học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”,”Kiên quyết chống tham ô, tham nhũng, làm sai làm trái”, “Nói không với ma tuý, mại dâm”... lẫn lộn với những biểu ngữ “Khai trương nhà hàng bia... uống 2 cốc tặng 1 cốc”, “Khuyến mại đặc biệt mua 2 tặng 1”, các ông chủ bà chủ cửa hàng ăn thì “Thăng long đệ nhất phở”, “Em ơi! Hà Nội bún”, “À đây rồi cầy tơ chín món”, những dịch vụ nhạy cảm thì “Nhà hàng lá cọ”... Vậy thì trong cả một rừng biểu ngữ khẩu hiệu kiểu như thế các chiến sỹ dân chủ với băng role:
- Tham nhũng là hút máu dân
- Lạm phát, tăng giá là giết dân
- Mất đất, biển, đảo là có tội với tổ tiên
- Thực thi: Đa nguyên đa đảng
Họ đã phạm những điều gì đây? Điều 88 Bộ luật hình sự quy định sẽ phạt vạ những ai làm ra lưu trữ và phát tán các tài liệu có nội dung chống lại Nhà nước CHXHCNVN.

Biểu ngữ vừa rồi là thứ tài liệu này chăng? Thật khó mà nói như thế được. Nói rằng họ đã chống lại Nhà nước Việt Nam thì đổi ngược những nội dung đó sẽ là không chống lại Nhà nước Việt Nam hay sao? Một người bình thường và tỉnh táo nào có thể lọt tai, lọt mắt được không nếu biểu ngữ trên, để tránh tội chống lại Nhà nước nó phải sửa lại thành:
- Tham nhũng là tiếp máu cho dân!
- Lạm phát và tăng giá là làm lợi cho nhân dân!
- Mất đất, biển, đảo ... là có công với tổ tiên!
- Thực thi đa nguyên đa đảng là đẩy lùi tiến hoá!
Tôi nghĩ rằng kết tội theo điều 88 cho những người treo biểu ngữ này là không ổn, không thuyết phục, không hợp lý như những gì mà chính Đảng và Nhà nước vẫn thường kêu gọi mọi người dân phải phấn đấu làm theo. Kể cả nội dung thứ tư cũng không thể dựa vào đó để kết tội cho những người treo biểu ngữ được vì không ai có thể bỏ tù một ước muốn, một hoài bão được sống trong một môi trường chính trị xã hội tiến bộ mà tuyệt đại bộ phận các quốc gia văn minh trên thế giới đang sống.

Tôi nghĩ rằng việc thẩm định nội dung của biểu ngữ trên xin giành cho nhân dân lao động Việt Nam, giành cho những người đang lao đao khốn khổ vì tham nhũng, vì lạm phát, vì tăng giá, vì mất đất, mất nhà, mất biển, mất đảo vì tham quan ô lại, vì giặc nội xâm, vì giặc ngoại xâm, vì tư bản đỏ,...

Tôi nghĩ rằng việc thẩm định nội dung của biểu ngữ trên xin giành cho nhân dân lao động Việt Nam, giành cho những người đang lao đao khốn khổ vì tham nhũng, vì lạm phát, vì tăng giá, vì mất đất, mất nhà, mất biển, mất đảo vì tham quan ô lại, vì giặc nội xâm, vì giặc ngoại xâm, vì tư bản đỏ,...

Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Thanh Giang hoàn toàn chính xác khi ông nói: “Chính Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, 14 UVBCTĐCS Việt Nam cùng hơn 3 triệu Đảng viên của Đảng phải là những người đầu tiên hô to ít nhất là 3 nội dung trên của biểu ngữ”. Bắt giữ rồi bỏ tù những người treo biểu ngữ với những nội dung như thế thì thật sự là không thể hiểu nổi. Không biết nhà cầm quyền sẽ giải thích thế nào với nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài về chuyện này. Tôi ngờ ngợ người ta làm việc này là do một mệnh lệnh nào đó từ bên ngoài lãnh thổ thì phải. Nếu điều này là đúng thì “Thôi rồi Lượm ơi!” (Tố Hữu). Một thời kỳ Bắc thuộc mới đã bắt đầu.

Những ý niệm đầy ám ảnh và lộn xộn trong đầu tôi chỉ thực sự lắng xuống vào lúc tôi bất ngờ xuất hiện trong phòng khách của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Tôi đến hơi muộn. Tiến sĩ Giang ở tuổi 72 vẫn rất cường tráng giữa những người bạn trẻ: Nguyễn Vũ Bình, Vi Đức Hồi, Nguyễn Phương Anh, Vũ Mạnh Hùng, Phan Văn Hùng, Đỗ Duy Thông, Nguyễn Bá Đăng cùng một số anh em dân oan những người mà tôi đã hơn một lần gặp mặt. Tôi không khỏi xúc động khi tiếp xúc với những người phụ nữ vợ của những chiến sĩ dân chủ đang nằm trong các nhà lao của chế độ. Thói quen của người viết khi thực hiện một ghi chép ngắn này, tôi chủ động kiệm lời, lặng lẽ quan sát, lặng lẽ lắng nghe những đối thoại như lẫn cả nước mắt mà họ nói với mọi người. Tôi thực sự xúc động khi được chứng kiến chị Rề vợ của anh Lê Văn Túc một nông dân ở Thái Bình nói về chồng của mình lúc bị bắt giữ. Chị Rề nói: Nhân dân nơi tôi ở bàng hoàng khi thấy hàng chục công an xuất hiện trước cửa nhà tôi. Khi đi ra, chồng tôi tươi cười đi giữa tốp công an. Anh chào hỏi mọi người trong ngõ xóm ra tiễn đưa anh ấy. Anh ấy phân bua với mọi người: Tôi vì yêu đất nước này mà phải đi tù. Tôi là người tù chính trị. Sống trong giai đoạn này vì chính trị mà phải đi tù là một vẻ vang cho gia đình họ mạc. Tôi đi tù rồi tôi sẽ lại trở về thôi. Tôi tạm biệt bà con. Nói rồi anh quay lại động viên an ủi tôi giữ gìn sức khoẻ lo lắng cho con cái ăn học. Hình ảnh cuối cùng mà anh ấy để lại cho tôi và mọi người là nụ cười tươi tắn với hai bàn tay giơ lên vẫy vẫy mọi người sau ô cửa kính của xe nghiệp vụ.

Thử hỏi làm sao không thể xúc động được khi tiếp chuyện với cô Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ của Phạm Văn Trội. Tôi thấy Trang còn quá trẻ, quá lấy bấy. Nét thơ ngây chưa phai hết trên một gương mặt học trò rất khả ái. Bờ vai người phụ nữ trẻ đó còn vương xoã tóc thề giờ đây phải gồng lên bởi gánh nặng hai con thơ lại thêm trách nhiệm nuôi chồng đang lọt vòng lao lý. Tôi hỏi Trang: Cháu còn trẻ quá, biến cố vừa qua đến với chồng cháu, đến với gia đình cháu, cháu tính sao bây giờ? Trang bảo: Chào thầy, anh Trội đã nói với cháu nhiều về thầy, hôm nay cháu mới được gặp thầy. Tôi thấy mình như lỡ lời mà đặt ra trước người phụ nữ đó một chất vấn quá sức của cô ta. Sau một thoáng bối rối Trang nói với tôi: Nhà cháu chẳng làm điều gì nên tội, anh ấy bị như thế cháu sút mất 3kg. Cháu đã tiếp tế được cho anh ấy 3 lần rồi. Bây giờ một mình cháu trông nuôi hai con còn nhỏ dại quá cháu phải cố gắng thôi biết làm sao bây giờ! Những tiếng cuối cùng của người phụ nữ đó như chới với trong dòng nước mắt mà cô cố kìm giữ. Là người duy cảm tôi rất bối rối trước nước mắt, ở đây lại là nước mắt của những người phụ nữ thuộc nhiều lứa tuổi. Giữa lúc tôi còn đang bối rối thì cánh cửa ra vào phòng khách kẹt mở, một người phụ nữ luống tuổi cùng một cháu thanh niên bước vào. Tôi quay sang Nguyễn Phương Anh như muốn một lời giới thiệu. Phương Anh bảo: Đó là mẹ con chị Nga, vợ của nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa ở Hải Phòng. Chị Nga mắt đỏ hoe cùng con trai đi chào hỏi mọi người, đến trước tôi chị Nga bảo tôi nhận ra anh qua tấm ảnh anh chụp cùng với anh Nghĩa, bác Quận và cô Trần Khải Thanh Thuỷ. Tôi cám ơn chị Nga và hỏi han tình hình sức khoẻ của anh em Hải Phòng, sức khoẻ của bác Quận, sức khoẻ của luật sư Trần Lâm và việc công an bắt giữ anh Nghĩa, anh Sơn, bác Tính và cháu Nghiên. Chị Nga cám ơn sự thăm nom, thăm hỏi của tất cả mọi người. Chị Nga bảo: Người ta bắt anh Nghĩa vào lúc đêm, lúc đó chỉ có mình anh ấy ở nhà. Tôi đi tập thể dục về thì thấy xe cảnh sát đậu kín trước cửa. Anh Nghĩa bình thản đứng giữa vòng vây của công an. Người ta đến cũng bất ngờ và đưa anh ấy đi cũng rất đột ngột. Dường như anh ấy không kịp dặn dò gì tôi. Tôi như quỵ xuống từ lúc đó. Tội quỵ xuống không phải chỉ vì gánh nặng gia đình từ nay chỉ còn một mình tôi gồng gánh. Tôi thật khó mà sống bình an trước những thị phi của người đời. Người nơi tôi ở hôm nay lạ lắm. Tôi nói với mọi người rằng “Chồng tôi là vô tội, anh ấy chỉ có mỗi một tội là yêu nước”. Tôi nói thế mọi người chẳng ai tin. Tôi nghĩ là chẳng thể trách được người ta vì người ta đã quá quen nghe và nói những lời nói dối rồi. Mình nói thật người ta chẳng tin thôi cũng đành.

Trong buổi gặp gỡ này không thể không dành cho một người phụ nữ đã luống tuổi quê ở Bắc Giang, qua Vi Đức Hồi tôi được biết đó là chị Lộc vợ chưa cưới của anh Nguyễn Kim Nhàn một dân oan nổi tiếng nhiều năm nay. Tôi được biết hạnh phúc muộn màng chưa kịp đến với chị thì anh Nhàn đã bị bắt giữ, nghe đâu cũng vì liên quan đến chuyện truyền đơn biểu ngữ gì đó. Chị như quá đau xót trước những bất hạnh trong những ngày này. Hai nửa cô đơn vào lúc xế chiều đã tìm đến với nhau để tìm một nơi nương tựa bỗng vụt vỡ tan tành trong chờ mong vô vọng. Chị Lộc bảo: Ở nơi tôi mọi người ghê sợ nhìn tôi như nhìn một thứ bệnh dịch. Tôi nói với mọi người, xin mọi người đừng bất công với anh ấy như thế, anh ấy chỉ một lòng một dạ kêu oan cho những người nông dân mất đất, mất ruộng, những người phải chịu nhiều thiệt thòi oan khuất mà thôi. Chẳng ai tin tôi nói, thôi cũng đành chịu vậy.

Không khí cuộc gặp mặt như trùng xuống vì câu chuyện nào cũng đau buồn dang dở và đẫm nước mắt. Tôi quay sang Nguyễn Vũ Bình hỏi nhỏ: Bình này, mình nghĩ rằng chỉ sau 4 tháng thôi người ta sẽ lần lượt trả tự do cho những người chồng của những phụ nữ này vì họ có tội gì đâu ngoài tội yêu nước. Bình bảo, kinh nghiệm mà em rút ra được từ thực tế lao tù là: Người ta sẽ trả tự do sớm trong hai tình huống, một là vì sức ép quá mạnh của dư luận trong và ngoài nước. Khả năng này là có, song xác suất là rất thấp. Hai là họ chỉ thả sớm khi họ biết chắc chắn là đối tượng hoàn toàn bị đánh gục về tư tưởng, thả ra sẽ là một con người hoàn toàn khác, một thứ rôbốt đã được cài đặt hệ điều hành theo ý của họ. Như thế là theo kinh nghiệm của Nguyễn Vũ Bình – nguyên phóng viên Tạp chí Cộng Sản, người đã từng trải qua nhiều năm lao lý của Đảng Cộng sản, thì những người chồng của những phụ nữ đang ngồi trước mặt tôi, ngày được trả tự do còn xa vời lắm. Không khí cuộc gặp gỡ càng về trưa càng trầm lắng. Rất may tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã làm thay đổi bầu không khí ngày một nặng trĩu bằng những lời động viên và chia sẻ của một con người từng trải. Anh Giang bảo: “Tôi đã 6 lần bị khám nhà, tịch thu máy móc tài liệu. Tôi đã từng bị bắt giữ giữa dọc đường, bị khủng bố tinh thần bằng đủ mọi phương cách như: Cắt điện thoại, điện thoại nặc danh, thư nặc danh, khủng bố bằng gạch đá đồ dơ bẩn, truy bức tinh thần bằng đấu tố trù dập, bị tống giam nhiều ngày ở B14. Giờ đây tôi tin tưởng rằng một khi hành động của chúng ta chỉ hướng tới lý tưởng mà chúng ta tôn thờ thì chúng ta sẽ có nghị lực, có sức mạnh để vượt qua hết thảy. Ở những nơi khác có thể tôi chưa nếm trải còn ở B14, nơi tôi đã có nhiều ngày ở đó, tôi không thấy có hành động tra tấn, nhục hình đâu. Các em các cháu không nên quá lo lắng”. Những thực tế trải nghiệm của nhà dân chủ, nhân vật bất đồng chính kiến hàng đầu của Việt Nam lúc này ít nhiều đã làm thay đổi bầu không khí chứa đầy những hoài niệm mà những người phụ nữ xa chồng đã mang tới.

Sau một bữa điểm tâm nhẹ vào giữa trưa, giữa lúc mọi người chuẩn bị chụp ảnh lưu niệm thì cửa phòng kẹt mở, cô Mai -vợ của Thầy giáo Vũ Hùng xuất hiện. Cũng như bốn người phụ nữ kia, câu chuyện cô Mai cũng dằng dặc nỗi nhớ thương chồng. Cô Mai bảo em cũng đã 3 lần tiếp tế được cho anh ấy. Không biết sức khoẻ anh ấy giờ đây thế nào mà người ta đang nỗ lực vận động gia đình nhà chồng em ký giấy bảo lãnh để đưa anh ấy đi giám định thần kinh. Bố mẹ anh ấy rất lo lắng và phân vân. Em kịch liệt phản đối vì ngót 20 năm nay anh ấy sống với em, anh ấy là con người lành lặn và mạnh khoẻ có đau ốm bệnh tật gì đâu mà phải đi giám định. Theo em nếu cần giám định xin hãy giám định anh ấy về lòng yêu nước thì hợp lý hơn. Giữa lúc anh em chúng tôi lịch kịch kê bàn dọn ghế cho phần chụp ảnh, năm người phụ nữ cùng một cảnh ngộ thuộc đủ lứa tuổi, đủ ngành nghề từ nhiều miền đất nước như ngã vào nhau trong những câu chuyện u buồn của riêng mình. Câu chuyện nào cũng đẫm nước mắt nhưng cũng cùng một niềm tự hào về người chồng của mình.

Mọi người lục tục chia tay nhau. Những người phụ nữ, những nhân vật chính của cuộc gặp gỡ này líu ríu qua chúng tôi gửi lời cám ơn tới các cơ quan đoàn thể cá nhân trong và ngoài nước đã và đang lên tiếng giúp đỡ gia đình họ trong những ngày khốn khó này.

Đường về. Tôi cứ bâng khuâng mãi trong lòng, sau “Gặt hái” bội thu ở biến cố 42 Nhà Chung và giáo sứ Thái Hà không biết Đảng và Nhà nước chúng ta đã thu hoạch được những gì nữa sau đợt bắt bớ đàn áp dân chủ một cách dữ dội chưa từng thấy vừa xảy ra. Người ta muốn dằn mặt mọi người, mọi giới trong xã hội! Người ta muốn đánh gục khát vọng của những chiến sĩ dân chủ đang tranh đấu để quyền định đoạt, quyền chọn lựa thể chế chính trị phải về tay người dân! Hay là người ta vẫn muốn chứng minh cho phần thế giới văn minh biết rằng: Việt Nam không hề có đối lập chính trị, không hề có tù nhân chính trị. Việt Nam chỉ có bọn trộm cắp lưu manh phạm tội hình sự. Là người duy cảm rất dễ xúc động trước những nỗi đau của đồng loại, lại cũng là người duy mỹ đến dại khờ trước một thế giới đang ngày càng có nhiều ô trọc, tốt nhất tôi không nên đưa ra bất cứ bình luận nào. Chỉ biết rằng sau 4 tháng có thể sẽ có 4 tháng lần thứ 2, lần thứ 3,... rồi có thể ra toà. Những chiến sĩ dân chủ vừa bị bắt giữ rồi sẽ hoá thân thành những con người gì? Tôi chưa thể biết. Sống trong thể chế chính trị rất hà khắc vì không có đối trọng này, đặc biệt từ những gì đã diễn ra ở phiên Toà xét xử 4 nhân vật chống tham nhũng trong vụ PMU18 vừa diễn ra hồi đầu tháng 10 năm 2008 tôi có thể rút ra được bài học đơn giản là: Điều gì cũng có thể xảy ra.

Sau 4 tháng bị cầm giữ, nhà tù của chế độ đã biến những người anh hùng chống tham nhũng, chống tiêu cực như: Nhà báo Nguyễn Việt Chiến (báo Thanh Niên), nhà báo Nguyễn Văn Hải (báo Tuổi Trẻ), Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc – Nguyên cục trưởng cục CSĐTTP về Trật tự xã hội – C14, Thượng tá Đinh Văn Huynh - Điều tra viên cao cấp Bộ công an, trở thành những con người bớt lãng mạn hơn.

Người ta vẫn thường nói, nhà tù của các thể chế cộng sản trên thế giới có thể làm tan thành cám những giá trị đối lập. Tôi tin là ai đó đã nói rất đúng. Nhưng, cũng có điều rất cần phải nói rõ giá trị dân chủ này bị tan thành cám thì rồi sẽ lại có những giá trị dân chủ khác hiển hiện lên mà thôi. Tiến trình dân chủ hoá đời sống chính trị xã hội cho nhân dân Việt Nam là không thể đảo ngược được. Dân tộc Việt Nam không hề là một dị thường trong đời sống của nhân loại văn minh.

Có lẽ rất cần phải nói thêm về người đồng nghiệp của tôi, Thầy giáo Vũ Hùng giáo viên trường PTCS Thạch Bích – Thanh Oai – Hà Tây (cũ). Trước kia những ngày là giáo viên văn hoá, Vũ Hùng cũng chỉ là một “Giáo Thứ” sống mỏi mòn nơi trường huyện với bao tự ti, mặc cảm cho thân phận chẳng ra gì của mình và của cả một giáo giới đang phải cúi mặt, phải thớ lợ, phải đổi màu, phải câm nín để tồn tại qua ngày. Vậy mà chỉ sau 9 ngày bị bắt giữ trong năm 2007 Vũ Hùng đã trở thành một con người khác hẳn. Những run rẩy đầy mặc cảm ngày nào đâu còn nữa, trước mặt tôi lúc đó là một Vũ Hùng bạo liệt đến cùng mình. Làm việc với an ninh chính trị không biết làm sao mà chiếc điều khiển ti vi từ tay một nhân viên công lực đã bay thẳng vào mặt Vũ Hùng trong một lần thẩm vấn. Hôm nay tôi vừa được gặp cô Mai vợ của Vũ Hùng, tôi rất lo lắng về tình trạng hiện tại của anh ta. Trong tương lai tôi sẽ còn gặp lại Vũ Hùng. Ngày đó nhà tù của chế độ sẽ luyện Vũ Hùng thành một Vũ ... gì đây? Vũ Hùng hay lại là một Võ Tòng trên đồi Cảnh Dương ở Lương Sơn Bạc! Tôi chưa thể đoán định được.

Thật cũng khó có thể đưa ra một lượng định nào về phong trào dân chủ về những người dân chủ trong nước sau đợt đàn áp khốc liệt giữa tháng 9 vừa qua. Chỉ biết rằng nếu những người bị bắt giữ là những người vô tội thì những người vợ, người yêu của họ mà tôi vừa gặp, chắc chắn họ là cả hai lần vô tội. Và nước mắt của những người phụ nữ tôi vừa gặp có khác gì đâu nước mắt của vợ những người cộng sản vài thập kỷ trước cũng đã từng rơi khi những người chồng của họ sa vào vòng lao lý của Nhà nước thực dân. Xét cho cùng những người phụ nữ này cũng chỉ là nạn nhân của bạo lực chính trị. Họ thực sự đáng được thương cảm, họ thực sự đáng được tôn trọng và chia sẻ. Tôi vững tin như vậy. Hà Đông, những ngày mưa gió thật buồn!

Ngày 01 tháng 11 năm 2008
Nguyễn Thượng Long


Nguồn: Thông Luận
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 746 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0