Bùi Tín
Ông
Nguyễn Văn Linh khi mới nhận chức tổng bí thư năm 1986 đã tỏ ra khá cởi
mở. Được ông Trần Độ góp ý, ông Linh rất gần, còn tỏ ra quý trọng các
văn nghệ sĩ, các nhà báo.
Những câu nói của ông Linh, đến nay nhiều người còn nhớ. Trong 2 ngày
gặp văn nghệ sĩ và nhà báo, ông nghe nhiều hơn nói. Sau khi lắng nghe 9
tiếng đồng hồ, ông phát biểu có 20 phút. Ông nói đại ý:
- anh chị em phải tự mình giành quyền tự do nghĩ và tự do viết;
- hãy tự mình cởi trói cho mình;
- nếu không đứng dậy tự cứu thì không ai cứu mình đâu;
- anh chị em chớ bao giờ bẻ cong ngòi bút; không ai có thể ngăn cấm mình viết lên sự thật;
- người lãnh đạo giỏi chính là người biết phát huy hết khả năng tự do sáng tạo của anh chị em...
Trong cơn hăng hái, ông viết liền gần 80 bài báo N.V.L. (Nguyễn Văn Linh): "Nói Và Làm", góp ý về những khuyết điểm, thiếu sót trong bộ máy nhà nước và lãnh đạo.
Đáng tiếc là ông Nguyễn Văn Linh bỏ cuộc hơi bị sớm. Ông giật mình khi
thấy các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị nhào, tường Berlin đổ, ông
mở cửa đã bị trúng gió, liền đóng sập cửa xuống đài xin giữ vai cố vấn.
Những lời khuyên chí tình của ông đã góp phần mở ra thời kỳ khởi sắc
của văn nghệ và báo chí, với những tác phẩm, bài viết của Nguyễn Huy
Thiệp, Phạm Thị Hoài, Trần Huy Quang, Nguyễn Duy, Dương Thu Hương, Bảo
Ninh, Kim Hạnh, Trần Đình Bá, Thái Duy ...
Vậy mà gần đây, ông Nguyễn Tấn Dũng lại nói ngược lại.
Ông Dũng ra lệnh đảng cho phép nói điều gì, viết ra sao thì báo mới được nói và viết. Ban biên tập và nhà báo không được tự do nữa.
Ông Dũng ra lệnh: đảng bảo ai đúng ai sai thì báo chí phải viết đúng
như thế, dù đó là sai sự thật. Như trong vụ PMU 18, đảng bảo ông Nguyễn
Việt Tiến không tham nhũng, rằng Bùi Tiến Dũng không chạy án thì báo cứ
phải viết theo như thế. Như vậy ông Dũng bắt nhà báo bẻ cong ngòi bút.
Ông Dũng ra lệnh dù cho báo Nhật và báo Mỹ nêu lên vụ Pacific
Consultant Institute PCI và Công ty Nexon hối lộ các quan chức Việt Nam
hàng triệu đôla, không báo nào được nói đến 2 vụ này, dù chỉ một tin
nhỏ, chưa nói đến việc cử phóng viên đi điều tra, lấy tài liệu, viết
bài, phối hợp với ngành điều tra và tổ chức xã hội khác, như ở mọi nước
khác. Có phải như vậy là trói tay nhà báo không?
Tại sao ông Dũng lại khinh ghét nhà báo đến vậy? Ông còn tuyên bố nghiêm cấm tư nhân
làm báo. Ai cũng biết về bản chất mỗi bài báo là một sản phẩm tư nhân.
Mỗi bài báo lớn nhỏ đều có ký tên người viết. Không có 2 bài báo viết
hệt như nhau. Không có 2 tờ báo giống nhau. Mỗi bài báo mang dấu ấn
riêng của cá nhân nhà báo, trình độ, sở trường, lập luận, xét đoán,
trách nhiệm, tay nghề, cống hiến của tác giả. Cái hay, lý thú, bổ ích
của mỗi bài báo là ở đó.
Ông Dũng cấm tư nhân làm báo, biến hơn 10 ngàn nhà báo viết, báo nói, báo ảnh thành viên chức nhà nước hết để họ viết theo lệnh của đảng và chính quyền, công chức hoá triệt để ngành báo, thế là ông thủ tướng đã thủ tiêu bản chất tự do của báo chí, thủ tiêu tính chất thông tin nhanh nhậy, chất sinh động, hấp dẫn, từ đó bóp chết tác dụng xã hội cao quý của báo chí.
Ông thủ tứơng có nghĩ rằng làm như vậy là ông đã tự mình thủ tiêu một
công cụ đắc lực giúp cho việc cầm quyền của chính ông trong việc chống
tham ô lãng phí, phổ biến luật pháp, xây dựng nếp sống văn minh? Tự ông
đã lấy đá nện ngay xuống bàn chân mình!
Điều rất lạ là cả 14 uỷ viên bộ chính trị và cả chính phủ không ai can
ngăn ông thủ tướng về một quyết định hệ trọng nhưng tối tăm và dại dột
này. Chính cái quyết định kỳ khôi này làm cho thế giới xếp Việt Nam vào
hàng thứ 169 trên 173 nước về tự do báo chí, chỉ hơn có Congo, Cameroun, Cuba, Miến Điện. Thật đẹp mặt giữa thời mở cửa!
Một lý do có thể là vì lớp bộ chính trị hiện nay là giàu nhất về đôla, nhà cửa, nhưng lại kém nhất
về học vấn và nhân cách. Có thể nói cả 14 vị BCT không ai tự viết được
một bài báo. Cho nên họ không hiểu gì về báo chí, khinh ghét, dị ứng
đến thế với nghề báo chí.
Là nhà báo tự do, tôi xót xa với hoàn cảnh hiện tại của đồng nghiệp
trong nước, vô số là bạn cũ, một số vẫn là bạn thân, lại có hơn 80 đồng
nghiệp trẻ vốn là "học viên" của tôi trong 2 lớp báo chí những năm
1984-88. Tôi mến phục nhà báo Trần Đình Bá trong tố cáo vụ nhà cửa bê
tha của Tô Duy, tính cương trực của nhà báo Nguyễn Trần Thiết trong
vạch mặt cơ hội của tên Đặng Đình Loan, bản lĩnh trung thực của nhà báo
Kim Hạnh, lòng dạ ngay thật của nhà báo già dặn Thái Duy... Họ đều bị
các quan chức lườm nguýt, doạ dẫm.
Vụ đày đoạ nhà báo không đảng viên Nguyễn Việt Chiến 24 tháng tù giam
làm cốc nước căm hờn cường quyền của cả làng báo trong nước tràn miệng.
Thật quá thể! Thật quá đáng! Thật không thể tưởng tượng nổi!
Các bạn trong nước đang góp lòng góp sức an ủi, chữa bệnh cho anh Tiến
đang nằm trong tù, giúp chị Tiến và cháu, trong khi Hội nhà báo bỏ rơi
anh trong cơn hoạn nạn. Các bạn quyết đứng vững, không thể bẻ cong ngòi
bút. Hơn bao giờ hết các bạn càng yêu quý nghề báo, rủ nhau trụ vững,
không đi tìm nghề khác, vì các bạn hiểu rằng không có nghề nào thú vị,
đáng mê say, thật sự cao quý và tự do bằng nghề làm báo. Nhiều bạn tạm
chuyển sang làm blogger.
Paris 15-11-2008
Bùi Tín
Nguồn: Thông Luận
|