Thứ Ba, 2024-12-03, 11:32 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 16 » Bắt đầu thảm hoạ kinh tế – xã hội: Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan
4:20 PM
Bắt đầu thảm hoạ kinh tế – xã hội: Doanh nghiệp phá sản hàng loạt, thất nghiệp tràn lan
Sài Gòn (NV) - Trong vài tuần qua, tại Sài Gòn, đã có hàng loạt doanh nghiệp ngưng hoạt động, tuyên bố giải thể, một số giám đốc bỏ trốn do không còn khả năng trả nợ.

Theo tờ Tuổi Trẻ, công ty Sunrising Kim Vina, tọa lạc tại phường Bình Trị Ðông A, quận Bình Tân, vừa thông báo tạm ngưng hoạt động bốn tháng do khó khăn về tài chính và trở thành doanh nghiệp thứ tư tại quận Bình Tân, ngưng hoạt động trong tháng này.

Ðại diện công ty Sunrising Kim Vina, giải thích với tờ Tuổi Trẻ, những khó khăn tài chính bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ khó khăn kinh tế tại Mỹ - thị trường chính của công ty này - nên họ không thể nhận được phí gia công để có vốn duy trì hoạt động. Công ty Sunrising Kim Vina nhận gia công hàng hóa cho công ty Come Long Sơn Kim, tọa lạc trong khu công nghiệp Cát Lái nhưng đến ngày giao hàng thì chủ hàng không nhận hàng nữa.

Cũng theo tờ Tuổi Trẻ, công ty Come Long Sơn Kim, nơi thuê công ty Sunrising Kim Vina gia công hàng hóa để xuất cảng sang Mỹ, cũng vừa gửi thông báo giải thể vì thua lỗ đến ban quản lý các khu chế xuất-khu công nghiệp của Sài Gòn. Ðây là doanh nghiệp đầu tiên nằm trong các khu công nghiệp-khu chế xuất ở Sài Gòn xin giải thể.

Ngoài khó khăn do chủ hàng bỏ nhận hàng, nhiều doanh nghiệp ngấp nghé vực phá sản vì không có đơn đặt hàng. Công ty Silver Star VN ở quận Bình Tân đã ngừng hoạt động vì khách hàng rút đơn đặt hàng. Công ty Leaprodexim Saigon ở quận Gò Vấp, cũng ngừng hoạt động vì lý do tương tự. Theo lãnh đạo công ty này, từ khi EU (Liên Hiệp Âu Châu) áp dụng thuế chống bán phá giá các sản phẩm giày da có xuất xứ từ Việt Nam, đặc biệt là trong tình hình kinh tế toàn cầu suy giảm, việc hợp tác gia công với các doanh nghiệp nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, đơn đặt hàng giảm đáng kể.

Ngoài tình trạng xin giải thể hoặc tạm ngưng hoạt động, đang có tình trạng giám đốc nhiều doanh nghiệp tại Sài Gòn bỏ trốn vì không có khả năng trả nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội, nợ trợ cấp thôi việc... của công nhân. Công nhân các công ty như: Công nghệ may mặc Việt Nam ở quận Thủ Ðức, Quang Sung Vina ở quận Gò Vấp, Vina Haeng Woon Industries ở quận 8... vừa săn lùng giám đốc, vừa bao vây nhà xưởng của các công ty này để đòi nợ cũng như ngăn chặn tình trạng tẩu tán tài sản.

Tại Sài Gòn, số công nhân thất nghiệp đang tăng từ hàng ngàn lên hàng chục ngàn và được dự đoán là sẽ tiếp tục tăng nhanh hơn, nhiều hơn. Cô Nguyễn Thị Ánh, một công nhân của công ty Sunrising Kim Vina, than thở: “Chẳng thấy chỗ nào tuyển người”. Cô Trần Thị Phượng, một công nhân khác, nhẩm tính tiền trọ là 700,000 đồng/tháng, tiền ăn cho cả gia đình bốn người là 1 triệu đồng/tháng nhưng không biết trông vào đâu.

Báo chí Việt Nam kể rằng, hàng trăm công nhân của công ty Quang Sung Vina đã chia nhau canh gác 24/24 để ngăn cản người cho công ty Quang Sung Vina thuê mặt bằng mang máy móc của công ty này ra ngoài. Họ hy vọng việc thanh lý tài sản của công ty Quang Sung Vina sẽ giúp họ nhận được khoản lương ít ỏi mà chủ công ty này chưa trả cho họ.

Tình trạng doanh nghiệp phá sản hàng loạt không gây ngạc nhiên bởi điều đó đã từng được dự đoán từ Tháng Tám vừa qua. Lúc đó, ông Cao Sĩ Kiêm, cựu thống đốc Ngân Hàng Nhà Nước, nay là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Nghiệp Vừa và Nhỏ, tiết lộ với báo điện tử VietNamNet rằng, từ khi chính quyền CSVN, thực hiện chính sách “siết chặt tín dụng”, nhằm ngăn chặn lạm phát, đã có khoảng 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ bị phá sản, 60% khác đang thoi thóp.

Ông Kiêm ước đoán: “Chỉ một phần năm doanh nghiệp vừa và nhỏ có khả năng thích ứng với tình hình và có thể tiếp tục phát triển nhờ nhiều vốn, áp dụng kỹ thuật mới và có thương hiệu tốt”.

Những doanh nghiệp đã “đột tử” theo cách gọi của báo chí Việt Nam, cũng như các doanh nghiệp đang thoi thóp đều là nạn nhân của tình trạng suy thoái kinh tế ở Việt Nam. Những doanh nghiệp này không cân đối được “đầu vào, đầu ra” do giá nguyên liệu tăng quá cao và đặc biệt là vì thiếu vốn mà không được ngân hàng tiếp tục cho vay do chính sách “siết chặt tín dụng, chống lạm phát” của chính quyền CSVN.

Theo Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam, Việt Nam hiện có khoảng 350,000 doanh nghiệp tư nhân có qui mô vừa và nhỏ (có vốn dưới 10 tỷ đồng và sử dụng từ 300 công nhân trở xuống). Nếu dựa trên nhận định của ông Cao Sĩ Kiêm thì số doanh nghiệp đã “đột tử” khoảng 70,000. Số doanh nghiệp thoi thóp khoảng 200,000 doanh nghiệp và số doanh nghiệp còn “khỏe mạnh” chỉ chừng 70,000.

Sản lượng công nghiệp của cả tư nhân trong nước lẫn tư nhân nước ngoài - nghĩa là khu vực đầu tư có vốn nước ngoài - chiếm 75% tổng sản lượng. Các chuyên gia kinh tế dự đoán, việc khu vực tư nhân đổ vỡ hàng loạt sẽ là một thảm họa kinh tế, xã hội.

Vào thời điểm kể trên, trả lời đài RFA, Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh, một chuyên gia kinh tế, cho rằng: “Trong những năm gần đây, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tạo ra 92% việc làm mới. Tuy nhiên, việc hạn chế tín dụng khiến nhiều doanh nghiệp cạn vốn và khó duy trì hoạt động. Lạm phát, chi phí đầu vào cao đã gây khó khăn lớn cho họ, chưa kể các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa thể tiếp cận nguồn ngoại tệ để thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu”.

Tiến Sĩ Lê Ðăng Doanh bảo rằng: “Các doanh nghiệp đang cố gắng duy trì hoạt động, đặc biệt họ có ý thức là phải duy trì công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên một số chuyên gia cho rằng, có thể vào cuối năm 2008, đầu năm 2009, có thể có một số doanh nghiệp nhỏ và vừa kiệt sức. Tôi nghĩ là tình huống đó có thể xảy ra. Vì vậy tôi rất mong chính quyền nên đặc biệt lưu ý đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Ðáng chú ý là tất cả những dự báo đó đã không được quan tâm đúng mức. Vào Tháng Mười, Cục Thuế Sài Gòn loan báo, tại thành phố này, số doanh nghiệp nợ thuế tăng vọt, tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp đã lên đến hàng trăm tỷ đồng và nguyên nhân của tình trạng đó chủ yếu là do khó khăn trong kinh doanh.

Tờ Tuổi Trẻ cho biết, trong một cuộc họp hồi Tháng Mười, về tình hình kinh tế-xã hội ở Sài Gòn suốt 9 tháng đầu năm, giới hữu trách xác nhận, tại Sài Gòn, hơn 50% doanh nghiệp trong nước báo cáo đang thua lỗ và khoảng 60% doanh nghiệp nước ngoài có báo cáo tương tự. (G.Ð.)
Category: Kinh tế | Views: 871 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 6
Khách: 6
Thành Viên: 0