Mới
đây, đại diện Bộ Thông Tin & Truyền Thông cho biết họ đang soạn
thảo một văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định về quản lý thông tin
điện tử, trong đó có cả phần quản lý các blog cá nhân.
Hình chụp trang báo điện tử VietnamNet
Thứ
trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Thông tin điện tử là
lĩnh vực mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý.
Nghị định này sẽ ảnh hưởng tới giới viết blog và
các lĩnh vực thông tin khác ra sao? Thông tín viên Hà Giang có bài viết về vấn
đề đáng quan tâm này.
Trên
thế giới hiện có hơn 120 triệu blogs, thêm vào đó, mỗi ngày có khoảng 140 ngàn
blogs mới ra đời. Theo thống kê của Bộ
Thông Tin và Truyền Thông, thì Việt Nam đã có trên 3 triệu blogs xuất
hiện, và con số này, đang gia tăng mỗi ngày.
Thế
giới truyền thông phi chính thức
Khi
bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem sự hiểu biết của mình truyền
tải cho người khác, để mọi người cùng được biết, qua đó, mọi người cùng bàn luận,
cùng dùng quyền công dân của mình để đòi hỏi công chức Nhà nước phải thực hiện
cho đúng chức năng, nhiệm vụ, và trong quyền hạn mà luật pháp quy định.
Blogger Tạ Phong Tần
Thoạt
tiên, blogs chỉ là những trang nhật ký, để người viết chia xẻ ý kiến hay tâm trạng
của mình. Nhưng tình trạng thiếu tự do báo chí, đã khiến cho độc giả Việt Nam
có nhu cầu tìm kiếm những thông tin khách quan, mà các tờ báo trong nước không
có.
Từ
thực tế này, nhiều blogs đã nhanh chóng chuyển mình trở thành những tờ báo
không chính thức. Nhiều bloggers thì đã biến thành những ký giả nhiệt thành, họ
không ngần ngại đăng tải tất cả những tin tức nhạy cảm mà giới truyền thông
chính thức không thể làm được.
Một
blogger chia xẻ cái nhìn của mình:
“Qua vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Trường Sa và thành lập thành phố
Tam Sa, các cuộc biểu tình của sinh viên thanh niên ở trong nước, thì ta thấy
không một báo chí nào dám đăng. Nhưng mà nhờ cộng đồng blog, mọi người đã biết
rằng là sinh viên ở trong nước biểu tình trước tòa đại sứ và lãnh sự quán Trung
Quốc để phản đối kế hoạch Tam Sa...”
Chủ
nhân trang blog có cái tên là blog Lảm Nhảm, nói rằng anh đã đến với blog trong
một hoàn cảnh hết sức tình cờ, và nhờ đó phát hiện ra được một thế giới mới, đó
là thế giới blog, một thế giới truyền thông phi chính thức. Nhiều tin tức thuộc
loại “nhạy cảm”, những vấn đề “tế nhị” mà 700 tờ báo chính thức không có - hoặc
không dám - đưa ra thì ở blog, mọi việc được phô bày ra hết. Ở đây, người ta
tìm thấy đủ các loại thông tin thượng vàng hạ cám. Từ vụ “chìm xuồng” PMU18, đến
những vụ “biểu tình” tại thành phố Hồ Chí Minh và Thái Hà. Người viết trang
blog còn thú nhận từ đó anh đã vào blog thường xuyên hơn để tìm xem các thông
tin.
Blogger Tạ Phong Tần thì chính thức kêu gọi: “Mỗi blogger hãy là một nhà báo
công dân”. Bà lập luận: “Khi bạn đưa thông tin lên blog của bạn, tức bạn đã đem
sự hiểu biết của mình truyền tải cho người khác, để mọi người cùng được biết,
qua đó, mọi người cùng bàn luận, cùng dùng quyền công dân của mình để đòi hỏi
công chức Nhà nước phải thực hiện cho đúng chức năng, nhiệm vụ, và trong quyền
hạn mà luật pháp quy định”.
Quản lý blog là một cái việc làm vi phạm nhân quyền,
làm sao mà anh đòi hỏi anh kiểm soát, anh quản lý tư tưởng, cái suy nghĩ của
người ta được?
Một blogger
Với kỹ năng “kết nối” của blog, ngoài vai trò một tờ báo công dân, blog còn đã
phát triển để trở thành một phòng họp vượt không
gian, một trạm thông tin mở cửa 24/24 cho những người có cùng một quan tâm. Chẳng
hạn như trong thời gian chuẩn bị cho cuộc biểu tình phản đối kế hoạch Tam Sa của
Trung Quốc, các bloggers đã dùng blog để thông báo cho nhau chương trình hành động
và các điểm hẹn đã phải thay đổi liên tục vì nhu cầu bảo mật. Gần đây nhất,
thông báo về các cuộc thảo luận của bloggers đã được đăng trên blog Vàng Anh.
Phản ứng của giới blogger
Một blogger cho rằng việc quản lý blog có thể sẽ mang đến ảnh hưởng tiêu cực
cho tâm lý của người viết:
“Cái chiêu này nó hãm được sức mạnh tinh thần của một số bloggers.
Công an họ chỉ cần biết được địa chỉ của anh blogger này, họ lôi người đó ra,
làm một tấm gương trước toàn dân là các bloggers ớn liền.”
Cũng có nhiều bloggers cho rằng đây là một quy định
biểu hiện quyết tâm đàn áp nhân quyền một cách triệt để của nhà nước.
“Quản lý blog là một cái việc làm vi phạm nhân quyền, làm sao mà anh đòi hỏi
anh kiểm soát, anh quản lý tư tưởng, cái suy nghĩ của người ta được?”
và họ cũng quyết tâm không kém trong việc bảo vệ
tự do của mình.
“Nếu mà cái văn bản nó căng thẳng quá và ràng buộc giới blogger quá, chúng
ta có thể làm cái gì rõ ràng hơn nữa, chứ chúng ta không thể ngồi như vậy được.
Phải biểu tình, nếu cần thiết.”
Theo tôi nhà nước lập ra cục kiểm soát thông tin điện
tử cho vui vậy thôi, chứ quản lý thì quản lý không được đâu, chắc chắn là như
thế!
Một blogger
Blogger
khác đưa ra nhận xét:
“Theo tôi nhà nước lập ra cục kiểm soát thông tin điện tử cho vui vậy thôi,
chứ quản lý thì quản lý không được đâu, chắc chắn là như thế!”
Đa số dư luận đồng ý rằng việc quản lý blog sẽ rất khó thực hiện. Thứ nhất,
kiểm duyệt hàng triệu trang blogs đòi hỏi một lực lượng hùng hậu khó ai có thể
đáp ứng được. Thứ hai, nếu một blog bị cấm không cho xuất hiện, thì chỉ năm
phút sau chủ nhân của blog này có thể cho ra đời một blog mới để tiếp tục viết
một cách dễ dàng. Thứ ba, vì hệ thống chằng chịt của blog, và các tương quan chặt
chẽ giữa các bloggers cùng quan điểm, họ sẽ có khuynh hướng liên kết với nhau
trong các thái độ phản kháng nếu cần, và hỗ trợ nhau trong những thông tin và
kiến thức kỹ thuật để tránh sự kiểm duyệt.
Việt
Nam không phải là quốc gia duy nhất có ý định quản lý blog. Tại Ấn Độ, một nơi
mà bloggers cũng bị chính quyền kiểm soát chặt chẽ, Ông Anivar Aravind, một
blogger chuyên nghiệp, viết trên blog của ông “các chính phủ cần phải
hiểu rằng mọi kiểm duyệt trên mạng lưới toàn cầu đều không dễ thực hiện”,
vì “cộng đồng dân mạng sẽ dùng hết tất cả sự hỗ trợ của kỹ thuật để vượt qua
mọi chướng ngại” trong mục đích bảo vệ cho tự do tư tưởng và tự do ngôn luận
của họ.