Không kể Hiến pháp năm 1946 khi cơ quan lập pháp của Việt Nam
được gọi là Nghị viện, tất cả các Hiến Pháp của Việt Nam được lập ra tại Hà Nội
từ năm 1959 đến nay đều gọi cơ quan lập pháp của Việt Nam là Quốc hội và đều
minh xác rõ Quốc hội là "Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất". Như vậy, trên văn
bản luật (de jury), Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền tối cao trong việc sửa
đổi, thiết lập các cơ chế quản lý quốc gia, thông qua hay phủ quyết mọi đề xuất
liên quan đến cuộc sống của cá nhân và sinh mệnh của cả đất nước. Với một vai trò quan trọng và một thẩm quyền tối cao đã được
minh định trên văn bản như thế, nhưng thực tế (de facto), từ hơn 54 năm nay trên
miền Bắc và 33 năm nay trên toàn đất nước Việt Nam, hình ảnh của Quốc hội Việt
Nam trong lòng dân chúng chỉ là những cuộc họp theo định kỳ để biến những nghị
quyết, chỉ đạo của một số người trong Đảng Cộng sản Việt Nam thành những văn bản
pháp lý (áp đặt) đối với toàn xã hội. Hình ảnh và sự coi trọng Quốc hội trong
các hoạt động lễ tân cũng hết sức tội nghiệp. Chủ tịch Quốc hội không bao giờ có
được vị trí trang trọng như Chủ tịch (Tổng bí thư) của Đảng Cộng sản. Các lãnh
đạo của Đảng Cộng sản luôn có thái độ dạy bảo, kẻ cả với các đại biểu Quốc hội.
Đây chính là một nghịch lý trớ trêu có tính phổ quát cho mọi hệ thống chính trị
độc đảng, độc tài ẩn dưới vỏ bọc là một Nhà nước Cộng hòa (Dân chủ). Nhưng chính
nghịch lý này cho thấy rõ điểm yếu cốt tử của mọi hệ thống chính trị độc đảng,
độc tài đó là quyền lực độc tài luôn cần một vỏ bọc chính danh để tồn tại hay
nói cách khác quyền lực độc tài sẽ trở nên suy yếu và phải chuyển hóa nếu vỏ bọc
chính danh của nó bị phá vỡ. Thực tế tại Việt Nam cũng thế, mặc dù nắm hết mọi công cụ
kiểm soát xã hội (truyền thông, cảnh sát, quân đội) Đảng Cộng sản Việt Nam hiện
nay vẫn phải cần một cơ quan có tên là Quốc hội, tất nhiên phải là một Quốc hội
tuân phục. Đa phần Đại biểu Quốc hội Việt Nam hiện nay đều có động cơ vụ lợi, cơ
hội cá nhân nên sự tuân phục của Quốc hội là điều dễ dàng (gần như tất yếu).
Nhưng để là một vỏ bọc đúng nghĩa, Đảng Cộng sản Việt Nam không thể để Quốc hội
chỉ gồm toàn những đại biểu "xôi thịt" như vừa kể. Đó chính là lý do nhiều nhà
khoa học, nhiều vị có uy tín trong một giới, một nghề nào đó vẫn luôn được Đảng
Cộng sản Việt Nam tìm cách đưa vào Quốc hội. Các đại biểu này sẽ luôn là đối
tượng của các lực lượng an ninh chính trị bám sát để vỗ về, mua chuộc, đe dọa
bằng nhiều thủ thuật tinh vi. Là thiểu số và lại bị thụ động, sự bất tuân phục
(nếu có) của các vị đại biểu Quốc hội tử tế đương nhiên sẽ vô cùng khó khăn, tế
nhị và có thể nguy hiểm. Nhưng, chỉ cần thay đổi cách nhìn, lợi thế hiện nay
luôn ở phía các đại biểu Quốc hội tử tế. Thứ nhất, chính Đảng Cộng sản đang rất
cần sự hiện diện của những người tử tế bên cạnh họ để che bớt sự thối nát của
chính quyền phản tiến bộ. Thứ hai, bất kỳ một xung đột dù là công khai hay âm
thầm với những người đang cho Đảng Cộng sản sự tử tế sẽ là thêm một nguy cơ lớn
cho Đảng Cộng sản Việt Nam tiến nhanh hơn đến một thảm họa chính trị. Thứ ba,
đông đảo quần chúng nhân dân đang mong chờ được ủng hộ những tiếng nói tử tế cất
lên từ trong lòng chế độ. Ngoài ra sẽ còn nhiều điểm lợi thế khác mà chỉ có các
vị Đại biểu Quốc hội mới biết. Và đồng thời cũng có nhiều khó khăn, gian khổ
khác mà chỉ các vị Đại biểu Quốc hội mới biết khi dấn thân cho sự tiến bộ. Nhưng
đã có ai trên đời không có gian khổ và có mấy ai trên đời có được cơ hội đón
nhận những gian khổ vinh quang như thế. Rõ ràng Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn có
thể phải kính nể các đại biểu Quốc hội.
Đối Thoại
|