Mấy hôm nay hàng loạt các tờ báo như TT, TN, TP, VnE…
dồn dập đưa tin về vụ “cá độ 100 tỷ” giữa chủ đầu tư một tòa cao ốc ở
HN và nhóm bạn đọc của 1 tờ báo. Hic, sau vụ Hoa hậu chưa tốt nghiệp
PTTH, vụ này cũng hút nhân lực và thời lượng của báo chí không kém.
Hôm 13-11, Báo Cựu Chiến Binh Việt Nam
đăng bức thư nặc danh (một nhóm cựu chiến binh, chuyên gia xây dựng) đề
nghị thách cược 100 tỷ đồng với Công ty K. về tiến độ xây dựng tòa nhà
ở Hà Nội. Theo đó, nhóm bạn đọc nặc danh kia “hứa tặng” 100 tỷ đồng cho
K. nếu công trình của họ hoàn thành đúng tiến độ xây dựng tòa nhà vào
dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long-Hà Nội. Ngoài bức thư và phát ngôn của
TBT báo CCB, không có tin tức gì về động cơ cũng như lý do nhóm bạn đọc
nặc danh kia đưa ra lời thách cược.
Đáng
lưu ý là sau đó 1 ngày, K. đã thông báo chấp nhận lời thách cược và dự
kiến hôm nay 18-11 hai bên sẽ ký cam kết tại… tòa báo CCB! Thậm chí
chính quyền Thủ đô cũng được kéo vào vai “chứng giám”?!
Như
vậy vụ việc đủ tiêu chuẩn giật gân, câu khách thuộc diện “người cắn
chó” được báo chí hồn nhiên đưa, bạn đọc cũng tò mò theo dõi. Nguyên
nhân cũng chỉ vì kiểu thách đố này chưa từng có tiền lệ và số tiền 100
tỷ cũng quá lớn.
Tờ Pháp Luật TP HCM
hôm nay dẫn ý kiến luật sư Lê Thành Kính, Đoàn luật sư TP.HCM, nói rằng
vụ việc có thể tưởng nhầm là một giao dịch hứa thưởng (quy định tại
Điều 590 Bộ luật Dân sự) nhưng thực chất không phải như vậy. “Hứa
thưởng được hiểu là quan hệ trong đó một bên có trách nhiệm thực hiện
công việc, nếu thực hiện được thì bên kia có trách nhiệm trả thưởng chứ
không phải dạng “có đi có lại” - “hoặc là anh chết hoặc là tôi mất” như
trường hợp này” - ông Kính phân tích. Bên thách cược hiện vẫn là “nặc
danh” mà mới mọi phát ngôn chỉ thông qua TBT tờ báo, cho nên đó không
thể là một giao dịch dân sự hợp pháp, bởi tính hợp pháp được hiểu là
“người tham gia giao dịch phải có năng lực hành vi dân sự”.
Hơn
thế, nếu như “hai bên ký hợp đồng về việc thách đố, rồi đặt cọc, đặt
cược hoặc ký quỹ để đảm bảo thực hiện lời thách cược thì sẽ xuất hiện
dấu hiệu của tội đánh bạc” - luật sư Kính khẳng định. Trên thực tế,
cũng chưa từng có một văn bản nào của nhà nước Việt Nam có quy định về
một ngoại lệ cá độ nào là hợp pháp. “Chúng tôi khá ngạc nhiên khi thấy
một sự việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng, được các bên tuyên
bố đàng hoàng trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng lại chưa
có cơ quan chức năng nào “thổi còi” để chấm dứt” – LS Nguyễn Văn Hậu,
Hội Luật gia VN nói.
Về phía chính quyền TP
Hà Nội, đại diện UBND TP khẳng định: “Về bản chất, hành vi đó là cá độ.
Không thể có chuyện UBND TP đứng ra chứng kiến hay làm chứng việc các
bên thách cược hay cá cược với nhau. Chính quyền chỉ giải quyết các vấn
đề liên quan đến luật pháp, đến quy định hợp lệ”.
Chưa
biết buổi “ký kết” chiều nay có diễn ra tại Báo CCB hay không, song
việc đăng thư nạc danh của báo này mang nội dung cổ vũ cho hành vi cá
độ (đánh bạc) có khả năng bị “thổi còi” quy định tại khoản 1, Điều 5
Nghị định 51/2002 về thi hành Luật Báo chí.
Như vậy, mục tiêu PR như đồn đoán chưa chắc đã thành công, nhưng nhà báo thì có khả năng bị thổi còi việt vị!