Ngô Nhân Dụng
Sống
lâu cũng có điều hay, khi được thấy những chuyện mà mình tưởng cả đời
không bao giờ xảy ra. Bà Ann Nixon Cooper năm nay 106 tuổi. Bà mới đi
bỏ phiếu, bầu cho ông Barack Obama, 47 tuổi. Suốt 100 năm qua, người
phụ nữ da đen này không ngờ có ngày được thấy một người gốc Phi Châu
được bầu làm tổng thống Mỹ. Bà nhớ lại, trong cuộc đời suốt 100 năm có
lúc bà muốn đi bỏ phiếu cũng không được.
Ở nước Mỹ nửa thế kỷ
trước lá phiếu có khi là một món xa xỉ dành riêng cho một số người sử
dụng, trong đó không có bà Ann Cooper.
Ðừng nói gì những người
100 tuổi. Nhiều người Mỹ trẻ hơn cũng không ngờ có ngày một người da
mầu có thể làm tổng thống. Trong thập niên 1960, nhà hài hước Dick
Grogory da đen nói đùa: “Người ta hay hỏi tôi liệu một anh mọi đen
(negro) có thể được bầu làm tổng thống hay không. Tôi trả lời rằng, có
chứ, khó gì, nếu hắn tranh cử với một anh gốc Puerto Rican!”
Mà
cũng đừng nói chuyện mầu da. Loài người chúng ta có thể viện rất nhiều
lý do để nhìn nhau với cái tâm phân biệt. Năm nay, khi cựu Thống Ðốc
Romney còn tranh cử trong đảng Cộng Hòa, các báo Mỹ đã đặt câu hỏi,
“Nước Mỹ đã sẵn sàng chấp nhận một người theo đạo Mormon làm tổng thống
hay chưa?” Mormon là một tôn giáo thiểu số, ít người hiểu họ. Năm 2000,
khi Nghị Sĩ Lieberman ứng cử phó tổng thống trong liên danh Al Gore,
nhiều nhà bình luận đã thấy “có vấn đề;” là nếu ông Gore gặp chuyện
chẳng may thì một “người gốc Do Thái” sẽ thành tổng thống Mỹ! Ðó là
những cách họ nhắc nhở, đánh thức dậy cái tâm phân biệt nơi người khác.
Chính
những người Mỹ gốc da đen không phải ai cũng muốn bỏ phiếu cho các ứng
cử viên cùng mầu da. Khi ông Jesse Jackson tranh cử sơ bộ trong đảng
Dân Chủ, nhiều người da đen ủng hộ đối thủ. Năm 1992 và 1996, người da
đen ủng hộ ông Bill Clinton, chính ông này được họ coi là “người da đen
đầu tiên” làm tổng thống. Năm nay, đa số cử tri Mỹ da đen chọn bà
Hillary Clinton chứ không phải ông Barack Obama trong những cuộc bỏ
phiếu sơ bộ đầu tiên, trước khi ông có vẻ sẽ thắng. Ở những tiểu bang
như Virginia, North Carolina, các lãnh tụ da đen ở địa phương đều cổ
động cho bà nghị sĩ New York. Năm 2004, Al Sharpton tranh cử độc lập,
90% người da đen không bỏ phiếu cho ông ta. Khi tranh cử, những lãnh tụ
da đen đã được bầu lên cao nhất là chức thống đốc tiểu bang. Những
người Mỹ da đen nổi bật đã bước vào hàng ngũ lãnh đạo quốc gia qua
những ngả khác con đường bầu cử; như các ông Marshall, ông Thomas đã
lần lượt vào ngồi trong Tối Cao Pháp Viện.
Khi nhìn ông Obama
nói trước đám đông trong đêm bầu cử, nhiều người như bà Oprah, Mục Sư
Jesse Jackson đều rưng rưng nước mắt. Họ đứng im lặng giữa đám đông,
nhìn những người chung quanh reo hò, người da đen cũng như da trắng.
Chứng kiến lịch sử đang thay đổi, họ không cầm được giọt lệ. Ðây là
cảnh mà nhiều người Mỹ gốc Phi Châu đã mơ ước, đã chờ đợi, nhưng ít ai
hy vọng sẽ thấy trong đời mình. Nói kiểu người Việt Nam ngày xưa: Họa
tới Tết Congo mới thấy!
Tết Congo đã tới, không riêng cho những
người gốc Congo ở Mỹ. Khắp thế giới người ta cũng không ngờ nước Mỹ
thay đổi “nhanh” như vậy. Trong vòng một thế kỷ rưỡi, từ thân phận
những người nô lệ, nay có một người sắp làm nguyên thủ quốc gia!
Trên
con đường dẫn tới một ngôi đền cổ du khách chen chúc tại thành phố Kom
Ombo, Ai Cập, tôi thấy mấy người đàn ông đang ngồi coi báo. Một thanh
niên bản xứ bán đồ kỷ niệm, nghĩ tôi là người Trung Hoa, cười chào: “Nị
hảo?” Tôi nghiêng đầu chăm chú nhìn bức hình ông bà Obama đang tới thăm
ông bà Bush ở Tòa Bạch Ốc, trên trang nhất một tờ báo in những hàng chữ
Á Rập bay bướm, để khỏi phải trả lời những lời rao bán hàng. Chàng
thanh niên Ai Cập cũng nhìn bức hình, rồi quay lại nhìn tôi, anh ta nắm
bàn tay phải, đưa ngón tay cái chỉ lên trời (một cữ chỉ rất Mỹ), rồi
nói bằng tiếng Anh: “Good! Very good!” Chàng thanh niên Ai Cập này
nhoẻn miệng cười, như muốn chia sẻ niềm vui với một “người Tầu” xa lạ!
Anh đã phát biểu một ý kiến chính trị, quên cả công việc bán hàng của
mình. Chia sẻ một niềm vui quan trọng hơn việc thương mại!
Nhưng
cái gì thật sự là “good” ở đây? Tại sao một thanh niên sống bên bờ sông
Nile sâu thẳm dài 6000 cây số này lại quan tâm và lại muốn phê phán
việc dân Mỹ bầu tổng thống của họ; để chia sẻ với một du khách lạ từ
Phương Ðông tới?
Có thể đoán, hình như nhiều người muốn truyền
tai cho nhau nghe những “tiếng kêu trên đồng vắng.” Những lời báo hiệu
của hy vọng. Ðó là niềm hy vọng thế giới này có thể thay đổi.
Nếu
dân chúng Mỹ, đã bị các kẻ thù của nước Mỹ chỉ trích bao năm về phân
biệt chủng tộc, có thể thay đổi xã hội của họ nhanh như vậy, thì tại
sao chúng ta, người Châu Á, người Châu Phi, không hy vọng chính mình sẽ
thay đổi số phận xã hội mình? Người Ai Cập, người Kenya, người Trung
Quốc, người Việt Nam chắc cũng đang tự hỏi như vậy.
Niềm hy vọng
thay đổi của giới trẻ thế giới không đặt vào một ông tổng thống Mỹ mới
được bầu. Ông ta không thay đổi nước Mỹ, chính nước Mỹ thay đổi đã tạo
ra biến cố này. Ðiều thay đổi trong xã hội Mỹ không phải do một cá nhân
thực hiện được. Ðó là do những định chế chính trị tạo nhân duyên hằng
thế kỷ.
Ai cũng phải đặt câu hỏi: Người dân Mỹ, nói riêng dân da
đen ở Mỹ, họ đã sử dụng “khí cụ” nào để thực hiện sự thay đổi trong năm
2008 này? Họ không xuống đường, không bạo động, không đảo chính. Họ đã
dùng các định chế tự do dân chủ.
Dân tộc này thiết lập những thủ
tục chung sống với nhau đặt trên một số nguyên tắc, các nguyên tắc đó
cho phép xã hội thay đổi trong trật tự và hòa bình. Những quy tắc này
đã được thí nghiệm ở bên kia bờ Ðịa Trung Hải, với Desmosthene bên Hy
Lạp thời Thượng cổ, với Magna Carta bên Anh quốc trong thời phong kiến,
với bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền trong cuộc cách mạng Pháp.
Nhưng trong hai trăm năm nay dân Mỹ đã cải thiện các quy tắc sống đoàn
thể đó, đặt ra những “luật chơi dân chủ;” với lối bầu, chọn tổng thống
mà nhiều người còn thấy là kỳ quặc. Mà kết quả là, khi áp dụng các luật
chơi đó, trong trận đá banh mới nhất này, một người Mỹ cha gốc Kenya,
mẹ gốc Tô Cách Lan và Ái Nhĩ Lan, đã đắc cử tổng thống.
Một
chuyện phi thường! Nhưng đã trở thành chuyện bình thường, mà một chế độ
tự do dân chủ có thể đem lại! Khi tôi đi từ Los Angeles qua New York, 3
ngày sau khi dân Mỹ bỏ phiếu, tôi đã nhìn những người Mỹ da đen, da
trắng đi lại, làm việc chung quanh. Sau khi một biến cố lịch sử xẩy ra,
tôi muốn coi nét mặt của những người Mỹ bình thường này có lộ ra nét
xúc động nào hay chăng. Không ai khóc. Không ai reo hò. Trên màn ảnh ti
vi ở các phi trường người ta tha hồ loan tin và bình luận. Người dân Mỹ
vẫn tiếp tục cuộc sống bình nhật. Những người da đen đẩy xe chở hành lý
vẫn đẩy xe. Những người da trắng ngồi trước cái laptop trong phòng đợi
vẫn chăm chú làm việc. Chính đời sống bình thường đó đã có tính cách
phi thường. Phép lạ xảy ra đã được khơi mầm từ hàng ngàn năm trước, khi
loài người đặt ra thủ tục bỏ phiếu cho đa số quyết định. Phép lạ xảy ra
bây giờ vì từ hàng ngàn năm trước người ta đã nghĩ ra phải hạn chế
quyền hành của vua chúa, người cai trị phải tham khảo ý kiến của người
bị trị. Máu đã đổ trong các cuộc cách mạng ở Pháp, ở Nga, để loài người
cùng dò dẫm tìm cách nào sống chung với nhau bình đẳng và phồn thịnh.
Loài người đã đem máu xương mình ra thí nghiệm để tìm ra những thủ tục
chung sống yên ổn với nhau, tạo nên những cuộc sống bình thường và thay
đổi liên tục.
Ðịnh chế dân chủ cho phép xã hội thay đổi trong
hòa bình, trật tự. Ðây không phải chỉ là sự thành công của một cá nhân.
Ðây cũng là một vở kịch bi hùng mà nhân vật chính là thể chế dân chủ tự
do. Một lần nữa, Thần Tự Do đang đưa cao ngọn đuốc tỏa ánh sáng hy vọng
khắp mặt trái đất!
Chúng ta có thể tưởng nhớ những người Hungary
đã vùng lên năm 1956 và bị đàn áp tàn nhẫn. Năm đó, nhà thơ Thanh Tâm
Tuyền ở Việt Nam đã chia sẻ: “Hãy cho anh khóc bằng mắt em!” Chúng ta
có thể nhớ lại những thanh niên Trung Hoa rước tượng Nữ Thần Tự Do ở
Quảng Trường Thiên An Môn vào Tháng Năm năm 1989. Họ cũng bị tàn sát.
Nhưng cuối cùng, chúng ta có thể tin. Khát vọng Tự Do của loài người sẽ
thắng.
Chiến thắng của chế độ tự do dân chủ không diễn ra trong
sắt máu nữa. Ðó là một cuộc xây dựng trường kỳ, từng năm, từng tháng,
từng ngày, khi người dân được tự do phát biểu, tự do hội họp, và tự do
lựa chọn bằng lá phiếu.
Ký giả Rania Al Malky viết trên một tờ
báo độc lập ở Cairo giải thích rằng cuộc bầu cử ở Mỹ vừa qua cho thấy
“sự kiện dân tộc Mỹ tuân thủ các nguyên tắc của chế độ dân chủ tự do đã
cho phép dân chúng Mỹ có thể thay đổi lịch sử, chỉ bằng việc sử dụng lá
phiếu.” Bà Al Malky lại nghĩ tới dân tộc của bà. Bà tự hỏi đến bao giờ
người Ai Cập mới được phép thay đổi nước họ bằng lá phiếu như vậy.
Không
phải chỉ có người Ai Cập. Nhiều nhà trí thức ở các nước nhược tiểu cũng
đang đặt câu hỏi như nữa ký giả Malky. Trong đó có người Việt Nam chúng
ta. Ðến bao giờ người Việt Nam mới có cơ hội dùng lá phiếu để thay đổi
vận mệnh dân tộc mình? Chúng ta có phải chờ 100 năm nữa hay không?
Trong
khi chờ đợi, người dân những nước còn chế độ độc tài đành đóng vai
những “anh lùn đi xem hội, reo hò theo miệng người khác” còn chính mình
chẳng được thấy gì cả.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online
|