Thứ Năm, 2025-01-23, 3:51 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 19 » Trí thức Việt kiều nghĩ gì về việc đóng góp xây dựng đất nước?
9:39 AM
Trí thức Việt kiều nghĩ gì về việc đóng góp xây dựng đất nước?
Nhã Trân, phóng viên RFA
2008-11-18

Chính quyền Việt Nam trong nhiều năm gần đây kêu gọi sự hợp tác của Việt kiều trong việc đóng góp phát triển đất nước. Với xu hướng ấy, giới lãnh đạo Việt Nam tiếp tục theo đuổi đường lối đó trong thời gian này.

AirportVietKieu250.jpg
Sau hàng chục năm sinh sống và làm ăn ở nước ngoài, người Việt hải ngoại đang có những đóng góp cho sự phát triển của quê hương. AFP PHOTO.
Giới kiều bào trí thức có suy nghĩ gì trước nỗ lực kêu gọi hợp tác của Hà Nội?  Nhã Trân trao đổi với một số trí thức hải ngọai và trình bày.

Đóng góp cho quê hương

Giới lãnh đạo Việt Nam hiện vẫn tuyên bố đánh giá cao giá trị của giới Việt kiều trí thức và kêu gọi họ bắt tay xây dựng quê mẹ.  Hồi tháng sáu năm nay trong chuyến thăm Hoa Kỳ, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng không quên gặp gỡ trí thức Việt kiều tại bang Texas và nhấn mạnh rằng người Việt khắp nơi hãy đòan kết, chung sức chung lòng. 

Cùng một chủ trương, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm Liên bang Úc hồi tháng ba cũng có cuộc gặp gỡ đại biểu trí thức Việt kiều ở bang New South Wales với lời lẽ tương tự.

Đứng trước các kêu gọi tha thiết ấy người Việt trí thức ở hải ngọai có một số suy nghĩ và ý kiến.    

Rất nhiều Việt kiều cho rằng góp phần xây dựng quê hương là điều nên làm của mọi con dân nước Việt.  Một trong những người này là tiến sĩ giáo sư kinh tế Nguyễn Hải Bình, nguyên khoa trưởng trừơng Đại học kinh thương Minh Đức, rời nước đã hơn 30 năm, hiện ngụ tại Canada:

"Những Việt kiều trí thức nếu có cơ hội thì có thể đóng góp cho quê hương.  Tôi thấy những gì mà người Việt hải ngọai trí thức có thể đóng góp được rất là quan trọng.  Việc đóng góp đó là để xây dựng cho lớp trẻ; đó là tương lai của Việt Nam."

Những Việt kiều trí thức nếu có cơ hội thì có thể đóng góp cho quê hương.  Tôi thấy những gì mà người Việt hải ngọai trí thức có thể đóng góp được rất là quan trọng.  Việc đóng góp đó là để xây dựng cho lớp trẻ; đó là tương lai của Việt Nam.

GS Nguyễn Hải Bình

….và tiến sĩ điện tử Phùng Thanh Sơn, thuộc thành phần trí thức trẻ ở Mỹ, cũng đã xa quê hương từ mấy mươi năm:

"Ý kiến dùng chất xám của Việt kiều để giúp đỡ đất nước thì rất là tốt.  Người dân Việt Nam cần phải làm bất cứ điều gì để đóng góp cho đất nước.  Trí thức Việt kiều phải vạch một hướng đi cho chính phủ Việt Nam và cho chính phủ Việt Nam thấy được cách để phát triển đất nươc.  Việt kiều có thể trực tiếp về tham gia, hay có thể cố vấn từ hải ngọai."

Cần một chính sách hợp lý

Tuy nhiên cũng có những Việt kiều trí thức cho rằng cần phải xét lại quyết định có nên bắt tay với giới cầm quyền Việt Nam xây dựng xã hội, ít ra là vào thời điểm này.

Lý do nào dẫn đến quan điểm ấy?  Những người có suy nghĩ này giải thích đó là vì chính sách của nhà nước Việt Nam có những điều đáng ngại.  Tiến sĩ giáo sư kinh tế, chính trị và luật Vũ Quốc Thúc, sang định cư ở Pháp từ năm 1978, nói: 

"Tôi lúc nào lòng cũng hướng về quê hương, lúc nào cũng có hoài bão đem tất cả sở kiến của mình để góp phần vào cuộc xây dựng đất nước, tái thiết đất nước để đất nước có thể đứng vào hàng ngũ các nước tiền tiến trên thế giới.  Thế nhưng trứơc hết phải có những hòan cảnh như thể nào để mình làm việc này mà không thấy ân hận."

Một nữ giáo sư trung học ở Việt Nam trước năm 1975 và tốt nghiệp cao học giáo dục ở Canada thì cho rằng: 

"Tôi nhận thấy rằng lúc này chưa phải là lúc mà ngừơi Việt trí thức hải ngọai có thể về Việt Nam để mà đóng góp, bởi vì Việt Nam hiện giờ vẫn chưa có sự an toàn trong vấn đề tự do, chưa có những quyền tự do căn bản để quyết định; hoặc là được tự do làm việc theo sáng kiến."

Kể từ khi Nghị quyết 36 ra đời đến nay và sau nhiều năm kêu gọi của nhà nứơc Việt Nam, số chuyên gia người Việt hải ngọai về nước làm việc chưa mấy khả quan. 

Theo thông tin của chính quyền, sự hỗ trợ của trí thức Việt kiều đến năm 2008 này vẫn còn rất hạn chế.  Hàng năm lượng chuyên gia về nước làm việc chỉ khỏang 100 ngừơi, trong khi tổng số chuyên gia Việt kiều ở nước ngòai hiện giờ lên đến khỏang gần 400 ngàn.

Hồi năm 2007 phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, người đựơc xem là đặc biệt quan tâm đến việc thu hút trí thức Việt kiều, tỏ ý mong muốn trong vòng 10 năm sau có cả ngàn nhà khoa học Việt kiều về làm việc tại các cơ sở giáo dục ở quê nhà, vì lượng chuyên gia chịu về Việt Nam  còn quá khiêm tốn so với nhu cầu của quê hương. 

Tôi lúc nào lòng cũng hướng về quê hương, lúc nào cũng có hoài bão đem tất cả sở kiến của mình để góp phần vào cuộc xây dựng đất nước, tái thiết đất nước để đất nước có thể đứng vào hàng ngũ các nước tiền tiến trên thế giới.  Thế nhưng trứơc hết phải có những hòan cảnh như thể nào để mình làm việc này mà không thấy ân hận.

GS Vũ Quốc Thúc

Thiện chí từ 2 phía

Đánh giá của nhiều chuyên gia Việt kiều sau khi hợp tác với chính quyền Việt Nam là tuy Việt Nam có thiện chí nhưng chính sách và cơ chế thu hút nhân tài chưa được tốt. 

Thêm vào đó, sự bất nhất của thủ tục hành chính; điều kiện và môi trường làm việc không công bằng, minh bạch cũng là những nhân tố gây trở ngại cho những người sốt sắng muốn góp tay xây dựng quê hương.

Làm thế nào để khắc phục những khó khăn hoặc mâu thuẫn còn tồn tại để giới Việt kiều trí thức không e ngại bắt tay với chính quyền Việt Nam để cùng xây dựng đất nước?

Từ Canada tiến sĩ giáo sư kinh tế Nguyễn Hải Bình nêu lên trường hợp của ông:

"Tất cả những sự kêu gọi đó nếu thực lòng thì mọi ngừơi có thể về.  Những người trong lãnh vực giáo dục như chúng tôi, nếu có cơ hội làm việc thỏai mái thì có thể về.  Điều mà tôi mong đợi là nếu tôi về thì tôi có được sự tự do giảng dậy những chuyên môn của tôi."

Trong khi đó tiến sĩ điện tử Phùng Thanh Sơn ở Mỹ có quan điểm:   

"Thứ nhất, chính quyền Việt Nam cần phải thực sự muốn thay đổi, chứ đừng lợi dụng trí thức Việt kiều.  Việt kiều và chính phủ Việt Nam cần ngồi bên cạnh nhau, chứ không phải là bên này chỉ huy bên kia.  Thứ hai, chính quyền Việt Nam có sẵn sàng cho trí thức Việt kiều có tiếng nói trong việc xây dựng đất nước hay không? Thứ ba, nếu trí thức Việt kiều sẵn sàng hy sinh cho đất nước trong công cuộc này thì chính quyền Việt Nam sẽ cho Việt kiều những quyền lợi gì?"

Vị cựu giáo sư ở Việt Nam, cao học giáo dục ở Canada nói lên thực trạng mà một số chuyên gia Việt kiều gặp phải sau đáp ứng kêu gọi hợp tác của giới lãnh đạo Việt Nam:

"Lúc này cần phải xem là chính quyền Việt Nam thực sự có thiện chí xây dựng đất nước về nhiều phương diện hay không, vì tôi thấy có những người từng mơ ước đóng góp cho đất nước, thế nhưng họ đã bị vỡ mộng vì cảm thấy bị vắt chanh bỏ vỏ."

Lên tiếng tại Pháp, tiến sĩ giáo sư kinh tế, chính trị và luật Vũ Quốc Thúc khẳng định điều kiện cần có để giới chuyên gia Việt kiều hân hoan góp sức phát triển quê nhà:

"Tôi thấy điều căn bản là phải có tự do đã.  Tự do thông tin, tự do tìm hiểu, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do viết báo chí, tự do hội họp."

Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngòai Nguyễn Thanh Sơn có lần ví khối hàng trăm ngàn Việt kiều trí thức như một "kho báu lộ thiên" mà giới lãnh đạo cần tiếp cận và tạo sự tin tưởng để họ trở về đóng góp cho quê hương, và cho rằng chính phủ cần phải có kế họach, lộ trình để thu hút khối chất xám quí giá ấy.

Trí thức Việt kiều bày tỏ rằng họ không ngần ngại đóng góp khả năng, tri thức để đưa đất nứơc tiến lên, tuy nhiên cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia ngừơi Việt hải ngọai cần được cải tổ, hầu rút ngắn con đường xây dựng một tổ quốc dân giàu nước mạnh, một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh cho quê hương.

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 964 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 31
Khách: 31
Thành Viên: 0