Main » 2008 » Tháng Mười Một » 19 » Tàu Trịnh Hòa hàn gắn "tình đồng chí"?
2:59 PM Tàu Trịnh Hòa hàn gắn "tình đồng chí"? |
Shirong Chen
Biên tập viên BBC chuyên về Trung Quốc
Điều không ai nghi ngờ là cả Bắc Kinh và Hà Nội đều đang cố gắng trình diễn ra một màn kịch hữu nghị.
|
Tàu hải quân Trịnh Hòa của Trung Quốc |
Chuyến thăm của tàu hải quân Trịnh Hòa đến cảng Đà Nẵng tuần này (18-22
tháng 11) đánh dấu sự kiện lần đầu tiên từ bảy năm qua trong quan hệ
của Việt Nam với nước láng giềng "vừa là đồng chí, vừa là anh em" ở
Phương Bắc.
Tàu Trịnh Hòa là chiến thuyền huấn luyện mang tên vị đô đốc vốn là hoạn
quan, người từng chỉ huy hạm đội vượt biển qua Việt Nam đi nhiều nơi
trên thế giới trước khi Christopher Columbus "phát hiện" ra châu Mỹ.
Các chuyến viễn du mang màu sắc đế chế Trung Hoa đó phản ánh sự thống
trị của Trung Quốc trên các đại dương gần sáu thế kỷ trước.
Trung Quốc hy vọng giành lại vị thế đó sau hàng chục năm tăng trưởng
kinh tế hoặc ít ra thì cũng phát triển hải quân lớn tới mức đủ sức bảo
vệ 19 nghìn hải lý bờ biển mà nước này nhận là của mình.
Cũng một cách tình cờ, ngay trước chuyến thăm đến Việt Nam, các tư lệnh
của Trung Quốc xác nhận họ có tham vọng xây dựng và triển khai một hàng
không mẫu hạm để "phòng thủ bờ biển".
Đây là một tín hiệu mạnh gửi tới Đài Loan, nhưng cũng có thể gây xôn
xao ở Việt Nam và các nước khác, nơi người ta lo ngại về tham vọng vươn
ra "vùng nước xanh" của Trung Quốc.
Tranh chấp hải phận
Việt Nam và Trung Quốc từng cùng sát cánh chống lại Hoa Kỳ nhưng quan hệ xấu đi sau đó, dẫn tới cuộc chiến Biên giới năm 1979.
Các vụ xung đột trên biển xảy ra ngoài vùng biển Nam Trung Hoa (Biển
Đông) từ 1974 và năm 2002 quanh các quần đảo Paracels và Spratlys.
Trung Quốc gọi đây là Tây Sa và Nam Sa trong khi Việt Nam đặt tên Hoàng
Sa và Trường Sa. Cả hai nước đều nói mình có chủ quyền đối với hai vùng
quần đảo.
Mới chỉ vài tháng trước, Trung Quốc cảnh cáo việc khai thác dầu trong
vùng nước tranh chấp khi Việt Nam hợp tác với một số công ty dầu nước
ngoài. Đây chính là bối cảnh khiến chuyến thăm hiện nay của tàu Trung
Quốc thu hút sự quan tâm đặc biệt.
Trung Quốc có tham vọng vươn lên thành một cường quốc nhưng ban lãnh
đạo của họ cũng hiểu rằng cần phải sắp đặt các ưu tiên cho đúng và dung
hòa chúng với các mục tiêu khác nữa. Chiến lược của họ là giữ thái độ
yên lặng và kín đáo trong khu vực.
Trung Quốc đã giải quyết xong vấn đề biên giới trên bộ rất dài với Nga và tạm thời gác lại tranh chấp với Nhật Bản về phía Đông.
Nay Trung Quốc quay sang các vấn đề biên giới với Việt Nam và khi Chủ
tịch Hồ Cẩm Đào đón Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tại Bắc Kinh
tháng trước, ông muốn nước láng giềng phía Nam đồng ý cùng phát triển
và khai thác các vùng tranh chấp.
|
Cảng Tiên Sa ở Ðà Nẵng
|
Quan hệ ASEAN
Một đường biên giới yên ả với Việt Nam sẽ có tác dụng lâu dài tạo ổn định với các nước còn lại trong ASEAN.
Nay Trung Quốc hy vọng sẽ mở rộng hợp tác và quan hệ thương mại với
Hiệp hội các nước Đông Nam Á theo mô hình Thị trường chung châu Á trong
lúc cán cân quyền lực toàn cầu chuyển dịch sang phía Đông.
Bắc Kinh không hề muốn bất cứ xung khắc vào với Hà Nội làm hỏng chiến
lược lớn này. Đó là lý do vì sao Trung Quốc đã ký Quy tắc Hành xử trên
biển Nam Trung Hoa.
Như là một sự tình cờ, tàu Trịnh Hòa đã thăm Campuchia và Thái Lan, cũng là hai nước ASEAN.
Bắc Kinh rất kiên nhẫn trong trận cờ này dù rằng một số nhà hoạch định
kế hoạch quốc phòng của họ không kiên nhẫn lắm. Chiến lược của Trung
Quốc vào lúc này là không đối đầu mà “không cần dụng binh vẫn chiến
thắng” như Tôn Tử đã dạy.
Gửi ra một chiến hạm chuyên về huấn luyện là cách làm giảm căng thẳng
và hiểu lầm nhưng cũng là cách tế nhị nhắc nhở về một tiềm năng quân sự
đứng đằng sau.
Trận cờ quyền bính
Mặt khác, Trung Quốc cũng ý thức được các thế lực khác đang có mặt
trong cuộc chơi ở Tây Thái Bình Dương. Có những dấu hiệu rằng Việt Nam
đang toan tính trong cách đi của mình rằng họ được nước cựu thù là Hoa
Kỳ quan tâm.
Các nước khác như Nga và Ấn Độ cũng để mắt đến Việt Nam.
Cho đến nay, Việt Nam có vẻ như cân bằng được quan hệ với các cường
quốc. Có những tin tức nói việc bố trí để tàu Trịnh Hòa vào Đà Nẵng gần
như lặp lại cách khu trục hạm USS Mustin của Hoa Kỳ đến thăm hồi tháng
10.
Trung Quốc chắc chắn không muốn đẩy Việt Nam vào một liên minh quân sự
với Mỹ hoặc các đồng minh của Washington ở châu Á. Bởi vậy, Bắc Kinh
muốn bỏ lại đằng sau những xung khắc để ra quân bằng ngoại giao quân sự.
Mặt khác, vùng biển Nam Trung Hoa lại quá quan trọng đối với Trung Quốc
vì các tuyến đường biển chiến lược cũng như các mỏ khí đốt và dầu thô.
Trung Quốc đang đi hai bài: ngoại giao và chiến thuật quân sự mạnh mẽ.
Hải quân của Quân Giải phóng đang xây dựng sự hiện diện rõ rệt tại Tam
Á trên bờ phía Nam của đảo Hải Nam trong khi chính quyền trung ương đặt
nền móng cho bất cứ cuộc tranh chấp trọng tài nào trong tương lai bằng
cách lập ra thành phố Tam Sa với nhiệm vụ quản lý cả ba nhóm đảo và
quần đảo.
Trước mắt, quan hệ hai bên giữa Việt Nam và Trung Quốc còn vướng mắc
vào cả một mạng lưới quyền lợi. Hai nước cần thúc đẩy sự thông biểu và
tránh tính tính toán sai lạc.
Chuyến thăm của tàu Trịnh Hòa có thể chỉ là bước đi đầu tiên và còn nhỏ
để giảm căng thẳng giữa hai nước láng giềng nhưng sẽ không thực tiễn
khi ta mong đợi hai nước một lần nữa “vừa là đồng chí vừa là anh em”
trong tương lai gần.
Nguồn: BBCVietnamese.com
|
Category: Chính trị |
Views: 763 |
Added by: danchu
| Rating: 0.0/0 |
|
Statistics
Đang online: 24 Khách: 24 Thành Viên: 0
|