Thứ Năm, 2025-01-23, 3:35 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 19 » CHUYỆN GIÁO DỤC NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO
3:01 PM
CHUYỆN GIÁO DỤC NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO


§ Hoàng Cúc

Người Việt chúng ta dường như rất thích tự so sánh với người Nhật. Mỗi khi nói về vấn đề phát triển đất nước, nhiều người luôn đặt ra chỉ tiêu rằng năm này năm nọ chúng ta sẽ đuổi kịp nước Nhật, rằng nước Nhật, cũng như rất nhiều các nước tư bản phát triển khác, giờ đây đã già cỗi lắm rồi, đang sắp giẫy chết đành đạch, trong khi chúng ta đang hừng hực khí thế vươn lên.

Cứ bàn mãi về chuyện này, chẳng mấy chốc người Việt chúng ta sẽ bay vù lên tận tầng mây, cao chót vót so với đám nhân quần thấp kém còn lại. Thiết nghĩ chúng ta cần dành ít phút thử nhìn vào thực trạng bằng đôi mắt tỉnh táo qua vài vấn đề trong nền giáo dục hiện tại, nhằm tìm ra một hướng đi cho tương lai.

Mục tiêu

Nếu ai đó thử tìm đọc vài cuộc phỏng vấn các quan chức ngành giáo dục xem đâu là mục tiêu các vị đó nhắm tới, người đó sẽ nhận được câu trả lời nào là mục tiêu ngắn mục tiêu dài, nào là mục tiêu một năm hay năm năm, rồi mục tiêu mười năm hay thậm chí trăm năm, để rồi sẽ váng đầu hoa mắt trong mê hồn trận của những mục tiêu to mục tiêu nhỏ. Kết quả của những mục tiêu ấy là là các thế hệ học trò Việt Nam cứ thế hệ sau tệ hơn thế hệ trước. Những câu trả lời thiếu hiểu biết đến ngờ nghệch về lịch sử, văn hoá của giáo viên cũng như học sinh Việt Nam phơi đầy trên mặt báo những năm gần đây liệu đã đủ là bằng chứng? Hay những video clips về những vụ học trò mạt sát nhau bằng những lời khủng khiếp không thể tượng tượng được, hoặc những cuộc sát phạt vô nhân tính, những vụ trò đánh thầy nhan nhản trên các diễn đàn điện tử liệu chưa phải là phản ảnh thực trạng giáo dục hiện tại? Sự tụt dốc thảm hại nằm ở tất cả các mặt đức dục, trí dục cũng như thể dục.

Các quan chức giáo dục của chúng ta tài giỏi lắm, vì các vị đó sẽ đổ lỗi cho những điều kiện khách quan, do việc mở cửa kinh tế dẫn đến một bộ phận học sinh sinh viên bị tiêm nhiễm lối sống vô đạo đức, do các thế lực thù địch lôi kéo xúi giục do vân vân và vân vân thứ. Chứ đảng ta là đảng lãnh đạo sáng suốt và tài tình, từ xưa tới nay hình như đảng ta mới chỉ dấm dúi nhận sai có vài lần. Vậy mà đảng lãnh đạo sát sàn sạt ngành giáo dục, làm sao sai được.

Vậy chứ đảng đã chẳng kéo cả nước lao rầm rập vào cuộc thử nghiệm xây thiên đường mù, đến lúc ngã ngửa ra rằng cứ kiên trì xây như thế thì chết là cái chắc mới bẻ vẹo tay lái chút xíu, rồi hả hả ra rả tự tâng bốc nhau rằng úi giờ ơi sao chúng mình thông minh tài giỏi quá đi mất!

Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của đảng, kế thừa truyền thống quang vinh cũng của đảng, các quan chức ngành giáo dục cũng không ngừng đưa các thế hệ con trẻ đất Việt lao vào hết các cuộc thử nghiệm này đến cuộc thử nghiệm khác bằng những cải cách liên tục không mệt mỏi, càng ngày càng kém, sách giáo khoa càng cải cách càng sai choe choét. Làm ăn kiểu ấy mà nếu các thế hệ con trẻ Việt Nam không thế hệ sau tệ hại hơn thế hệ trước mới là điều lạ.

Ngẫm lại mới hay rằng việc dạy dỗ con cái nên người luôn là bận tâm của các bậc phụ huynh. Dù người ta có đưa ra đủ thứ mục tiêu lớn nhỏ, thì mục tiêu sau cùng của mọi mục tiêu cũng thật đơn giản: dạy sao cho con trẻ nên người. Nói cách khác, ngành giáo dục phải làm thế nào để đào tạo ra những công dân lương thiện, có ích cho xã hội, nghĩa là những công dân có lương tâm, có ý thức và trách nhiệm, có khả năng vững vàng trong nghề nghiệp chuyên môn của mình, chứ không thể là đám chủ hèn nhát, chỉ biết khúm núm run rẩy xoắt xuýt đến thảm hại khi phải đối diện với lũ đầy tớ mất dạy.

Phương tiện và cách thức

Ở thời đại văn minh khoa học kĩ thuật hiện nay, phương tiện và cách thức để đạt được mục tiêu đề ra kể là nhiều vô kể. Vấn đề của giới hữu trách là chọn lựa và thích ứng cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của nước mình.

Để so sánh chút xíu về phương tiện và cách thức, ta thử cùng nhau đọc lại một đoạn lời bình bộ phim tài liệu Chuyện tử tế, đạo diễn Trần Văn Thuỷ: “Trước ngưỡng cửa cuộc đời, những đứa trẻ thơ ngây được chúng ta dạy rằng: Các em yêu quý! Các em là những đứa trẻ hạnh phúc, vì các em là con Hồng, cháu Lạc. Giang sơn của các em là gấm vóc, thiên nhiên ưu đãi, tài nguyên giàu có, tiền rừng bạc biển. Cũng ở một lớp học như vậy, ở nước Nhật thì người ta dạy con em người ta rằng: Các bạn nhỏ yêu quý! Các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi. Một đất nước từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn là trong tay các bạn.”

Là người, ai cũng thích những lời khen ngợi, nhưng không thể không cảnh giác với những lời bốc đồng không những vô bổ mà nhiều khi rất có hại.

Ngay từ khi vừa nứt mắt, đứa trẻ người Việt đã được nhồi vào đầu óc rằng dân tộc mình anh hùng lắm, thông minh lắm, giỏi giang và vĩ đại lắm, mình là lương tâm và nhân phẩm của thời đại. Nó sẽ ôm ấp và nuôi nấng những điều kì diệu đó trong lòng để chúng không ngừng lớn lên theo tầm vóc của nó, để rồi khi phải đối mặt với thực tế xót xa rằng so với những đất nước văn minh tiến bộ, đất nước Việt Nam của nó thật quá nghèo nàn, con người Việt Nam thật quá bất hạnh, nó chỉ còn biết tự bịt mắt lại và gào lên hòng át đi cái thực tế phũ phàng, rồi quay lưng lại với thực tế khủng khiếp bằng những kiểu lí luận vòng vò và những lời vuốt ve giả dối rằng thế nọ rằng thế kia. Nó hầu như đã đánh mất hoàn toàn khả năng đối diện với thực tế bằng cái nhìn tỉnh táo cần thiết để có thể thực sự vươn lên.

Thử nhìn lại xem, những thế hệ học trò hiện tại chính là câu trả lời hùng hồn về tính hiệu quả của phương pháp và cách thức giáo dục đang được sử dụng.

Tự huyễn hoặc

Người Việt chúng ta dường như có khả năng tự huyễn hoặc thiên tài. Cái kiểu tự vuốt ve mình rằng dân tộc ta thông minh lắm, cần cù chịu khó lắm, rằng nếu dân tộc mình không xếp ở hàng nhất thế giới thì nếu có kém chăng cũng chỉ kém vài dân tộc … dường như là cách suy nghĩ khá phổ biến của người Việt. Mà người Việt nghĩ vậy không phải vô căn cứ đâu nhé. Nào là học ở các trường với đủ sắc dân, kết quả học tập của người Việt luôn đứng ở hàng đầu. Trong những cuộc thi toán lí hoá vân vân và vân vân, người Việt luôn có thứ hạng khá cao. Nghĩ cũng lạ thật, một dân tộc thông minh và cần cù, lại sống ở một mảnh đất rừng vàng biển bạc, mà vẫn nghèo xơ xác đến thảm hại. Khó hiểu quá nhỉ!

Những kẻ tự huyễn hoặc, tự cao tự đại, tự mãn không bao giờ có khả năng lớn lên một cách thực sự, mà chỉ biết sung sướng với đám bọt bong bóng do miệng mình phù phù thổi ra, rồi khi đám bong bóng lần lượt tan vỡ thì chỉ còn biết nhắm mắt lại để tự tưởng tượng ra đủ thứ màu sắc vinh quang rực rỡ của chính mình.

Phải thừa nhận rằng khả năng học đối phó của người Việt là rất tuyệt và những học sinh được rèn luyện trong những lò giống như những lò luyện gà cũng rất tuyệt. Nên tất cả những thành tích nọ kia chẳng nói được gì nhiều.

Nói đến chuyện thành tích thì ngành giáo dục còn lắm chuyện kì khôi lắm, nhưng thôi, tôi cũng chẳng muốn nói đến những chuyện này làm gì. Thành tích hay chủ nghĩa thành tích chẳng qua là kiểu nói hoa mĩ của một sự thực phũ phàng: giả dối. Giả dối nên phải che đậy, phải sơn phết bằng bất cứ thứ gì và cách nào để có một vẻ ngoài hào nhoáng, khả dĩ khiến mình đỡ tủi trước cái nhìn soi mói của người ngoài và cũng an ủi được phần nào cái máu thích tự huyễn hoặc của chính mình. Gì chứ cái máu sĩ diện hão thì người Việt chúng ta dồi dào lắm. Nhưng nguy hiểm nằm ở chỗ là cứ tự huyễn hoặc mãi thì không những người khác mà ngay cả chính mình cũng tưởng rằng bong bóng xà phòng là vàng là bạc thật.

Thử nghĩ mà xem khi chúng ta cứ ra rả nào là rừng vàng biển bạc, nào là cần cù thông minh, trong khi đất nước chúng ta vẫn ở hàng những nước nghèo nàn xơ xác nhất thế giới thì thiết nghĩ chỉ có hai khả năng, hoặc là người Việt chúng ta là những kẻ ngu dốt, hoặc là chúng ta nói dối.

Thế mới hiểu nhà đạo diễn phim Chuyện tử tế có cái ước mơ mới giản dị mà xa xôi làm sao: “Giá như một lần, chúng ta dạy con em rằng: "Các em ạ! Cái nhục của sự nghèo khổ cũng chẳng kém gì cái nhục của sự mất nước. Đừng nghe những lời tâng bốc, hão huyền. Vì các em ạ! Bi kịch và hài kịch thường xảy ra ở bất cứ đâu khi giữa cuộc đời và thuyết giáo là một khoảng cách quá xa".”

Dĩ nhiên hệ thống và cơ cấu quản lí đất nước có lỗi rất lớn trong vấn đề này, nhưng chẳng lẽ cái đám nhân dân cứ trơ mắt ếch nhìn hệ thống quỉ quái kia tha hồ lộng hành tác oai tác quái lại không hề chịu một chút trách nhiệm nào? Thật xót xa làm sao khi đọc câu nhận định của một nhà báo nước ngoài về nhân dân cũng như hiện tình nước Việt: “Nhân dân nào chính phủ ấy. Các ông rất xứng đáng với chính phủ của các ông.”

Suy cho cùng, dường như mọi phương tiện, phương pháp cùng với cơ cấu của hệ thống giáo dục XHCN Việt Nam chỉ nhằm tạo ra những con người bị đè bẹp bằng những sức nặng vật chất và phi vật chất, để rồi trở thành những chiếc máy chỉ biết ngoan ngoãn tùng phục mệnh lệnh, một kiểu ngu dân và nô dịch hoá có hệ thống.

Lối thoát nào?

Những ai chứng kiến trận lụt vừa qua ở Hà Nội hẳn đã hiểu phần nào đâu là kết quả của niềm tin đặt vào đảng quang vinh. Vậy nên các vị hãy lo tự cứu lấy mình nếu không muốn để chính mình và tương lai của mình chết đuối. Ngay đám quan chức lãnh đạo cũng không hề tin tưởng vào hệ thống giáo dục do chính họ điều khiển. Họ tìm đủ mọi cách gửi con cái đi học trường nọ trường kia của đám tư bản đang giẫy chết. Vậy mà ai còn đặt lòng tin vào hệ thống giáo dục hiện tại ở Việt Nam, đầu óc kẻ đó nhất định có vấn đề.

Quí vị cứ thử nghĩ mà xem, hậu quả sẽ là gì nếu các công dân Việt Nam đều ý thức được đầy đủ trách nhiệm của mình đối với xã hội, với đất nước và dân tộc? Nên không đời nào đảng ta dám tiến hành một cuộc cải cách giáo dục thực sự và hữu hiệu. Với đảng ta, cải cách giáo dục thực sự và hữu hiệu sẽ là một hành vi tự sát, với họ điều đó còn khủng khiếp hơn cả việc bỏ điều bốn trong Hiến Pháp hiện hành.

Không còn cậy dựa được vào nền giáo dục của đảng ta thì ta phải làm gì? Dĩ nhiên tất cả người Việt chúng ta chẳng có khả năng gửi con cái chúng ta đi học ở những trường của bọn tư bản như các quan chức của đảng ta. Quyền mở trường lại là cái quyền đảng ta chỉ ưu tiên cho những thành phần mà uy tín chắc chắn chỉ ở bên dưới đảng ta! Phải làm sao đây trong một tình thế vô vọng như thế?

Khi không còn có thể trông cậy vào ai khác thì chúng ta hãy nghĩ đến chuyện tự cứu lấy tương lai của chính mình. Các cá nhân, các đoàn thể, hiệp hội, tôn giáo, đảng phái, trong chừng mực của mình ở mức giáo dục gia đình, đoàn thể hay giáo lí, hãy quan tâm nhiều hơn đến tương lai của đất nước và dân tộc bằng cách giáo dục con em mình thành những con người đàng hoàng tử tế, bắt đầu bằng những chuyện thật đơn giản như dạy dỗ về lòng chân thật, về lương tâm và trách nhiệm công dân đối với gia đình và xã hội, về lòng nhân ái vị tha, về khả năng và bản lĩnh trước những khó khăn của cuộc sống … Đồng thời, quí vị phải hết sức chú ý gột rửa cái gọi là đạo đức cách mạng mang đầy sắc máu mà con em chúng ta được nhồi nhét vào đầu trong nhà trường XHCN. Sự tàn ác và lòng hận thù đã tồn tại quá lâu và rộng khắp trên mảnh đầt Việt Nam. Dòng máu hận thù ấy cần phải được tẩy rửa.

Trong sách Quản Tử, Quản Trọng nói rằng: “Bách niên chi kế mạc như thụ nhân”, lời đó từng được ai đó cóp nhặt và biến báo thành của mình rằng “vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Thực ra, ai nói lời đó cũng không quan trọng lắm, điều quan trọng là lời nói đó có đáng tin và đáng theo hay không. Vậy nên, quí vị hãy nghĩ đến tương lai của gia đình cũng như đất nước. Hãy suy xét và ý thức rằng việc mỗi chúng ta lo lắng giáo dục con em chúng ta trở thành những công dân biết dấn thân gánh vác những bổn phận và trách nhiệm đúng nghĩa của công dân có lương tâm chính trực, chính kế sách trăm năm, là con đường cứu nước đích thực trong hiện tại.

Hoàng Cúc

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 727 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0