Thứ Năm, 2025-01-23, 3:46 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 19 » Những vết rạn trong đạo thầy trò
3:18 PM
Những vết rạn trong đạo thầy trò
Cơn sốt về sự xuống cấp của nền giáo dục nói chung, chắc chắn bao hàm cả phần thổn thức về rạn nứt tình cảm thầy trò  - một sự xói mòn của nền đảng đạo đức nói chung.

Trọng thầy hay trọng kết quả?

Trong xã hội Việt Nam - vốn được coi là hiếu học, đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, tình thầy trò là một chân giá trị. Nhưng xã hội đổi thay, sự dạy và sự học đổi thay, tình thầy trò cũng có nhiều biến đổi. Cơn sốt về sự xuống cấp của nền giáo dục nói chung, chắc chắn bao hàm cả phần thổn thức về rạn nứt tình cảm thầy trò  - một sự xói mòn của nền tảng đạo đức nói chung.

Đó là khi người thầy từ chối nghĩa vụ dìu dắt và hướng dẫn một cách nhiệt thành và vô vụ lợi, khi người học bội ơn những người đã trao truyền cho mình những giá trị công cụ trong hành trang vào đời.
Vì quá trọng kết quả, cha mẹ nhiều khi đánh giá chất lượng giáo viên bằng... điểm số của con em mình. (Ảnh chỉ có tính chất minh họa: VietNamNet)

Ở nhiều nơi, khái niệm "trọng thầy" gần như được đánh đồng với khái niệm trọng kết quả thành công của chính mình, hay con em mình. Nhiều phụ huynh thăm nom thầy để "quan tâm đến cháu nó nhiều hơn", để... xin cho con được ngồi bàn đầu, (nếu con cao quá so với các bạn cùng lớp thì cũng xin được... ngồi đầu bàn), xin được thường xuyên gọi lên bảng, thường xuyên kiểm tra vở...Sinh viên đi thăm thầy giáo để...khoanh vùng đề thi, xem xét điểm chác

Vì quá trọng kết quả, cha mẹ nhiều khi đánh giá chất lượng giáo viên bằng... điểm số của con em mình. Nếu điểm tổng kết của cháu nó cao, lớp nhiều học sinh tiên tiến, nhiều học sinh giỏi, tức là thầy cô đó dạy giỏi. Ngược lại, thấy điểm số con mình chưa tăng, ắt hẳn là thầy cô này dạy kém.

Trong học sinh, sinh viên có khái niệm thầy cô "khó tính" và "dễ tính", thể hiện ở chỗ cho điểm có chặt không, nâng điểm có dễ không.

 

Tin bài liên quan

Giảng viên "lãng quên" và sinh viên "trộn lẫn"

Quan hệ kiểu "dịch vụ", chiếc phong bao và những điều mới

Vị giáo sư với "đôi mắt xanh"


Có biết đâu, còn những giá trị không có trong bảng điểm, rất cần cho sự hình thành nhân cách, nhưng ít được xuất hiện trong khung đánh giá, nên phụ huynh  - học sinh cũng quên mà thầy cô cũng phải cắt dần.

Phụ huynh khi có con em đang theo học, nhất là bậc mẫu giáo và tiểu học, có đến gần chục ngày lễ tết để đến thăm nhà thầy cô giáo: 8/3, 20/10, 20/11, Tết Âm lịch, Tết Dương lịch, ngày khai trường nhận lớp.... Đó là chưa kể đến những dịp bất thường như: xin chuyển lớp, khi thầy cô đau ốm hay gia đình có đám hiếu hỉ...

Nhiều khi người ta không thấy được cái sự vinh hạnh được ngồi nói chuyện với người đang dẫn dắt cho con em mình, mà chỉ xin phép dăm ba phút vào chào hỏi, "có chút quà gọi là", rồi... xin phép vì còn có việc bận, và còn để... đến lượt phụ huynh khác vào.  

Vỡ đạo thầy trò

Hiện nay, dù vô tình hay hữu ý, bằng những cách diễn đạt rất khác nhau, ngụy danh "nhu cầu cuộc sống", "mặt trái của kinh tế thị trường", "nhịp sống hiện đại"... nhiều người đã đẩy mối quan hệ thiêng liêng thầy trò - vốn không thể đo đếm được, vào những nấc thang tính toán.

Các trường công rục rịch gia tăng đủ loại học phí, phụ phí, bồi dưỡng phí... để "tạo điều kiện" hơn cho giáo viên, trường tư mở ào ạt mượn danh giáo sư tiến sĩ để chiêu sinh. Lò luyện thi mở ra đến bất tận để nhồi học sinh vào những giảng đường lớn. Các lớp học thêm được mở tràn lan để giáo viên cắt giờ trên lớp, bù vào giờ dạy thêm. Cả người dạy và người học đều có rất nhiều mục đích để tham gia vào hoạt động này, nhưng đối với phần lớn người dạy, có lẽ mục tiêu kinh tế đứng đầu trong tất cả.

Đúng là giáo viên có quyền được hưởng những quyền lợi đầy đủ hơn, đảm bảo đời sống để yên tâm giảng dạy khi mức sống xã hội đã được nâng lên. Nhưng chắc chắn, đó chưa bao giờ là lý do chính để quy định chất lượng giảng dạy. 

Nếu có một nghề nào đó "lo trước tiên trong thiên hạ, làm giàu sau cùng trong thiên hạ" - đó phải là nghề giáo.

Mồi mùa thi, mỗi mùa khai trường mở lớp, có bao nhiêu gia đình, học sinh, sinh viên lo lắng cho kết quả của mình mà phải đến "thăm" thầy cô. Sau dăm câu ba điều là đi thẳng vào vấn đề chính: đề - điểm.

Trong lúc đỡ trên vai cái danh "hiếu học", cũng có biết bao người cũng còng lưng gánh cho đặng những tấm bằng, quyển sổ học bạ, và chịu nỗi ám ảnh về kết quả học tập.
Đạo thầy trò, đáng lý ra phải được mở rộng ra ngoài phạm vi trường lớp
Ảnh minh họa: tuoitre.com.vn

Trọng thầy - trọng "tự nhiên"

Trọng thầy, hiểu rộng ra, chính là sự tôn trọng đối với những người đã có công dìu dắt, khai mở, khuyến khích và chỉ hướng cho mình. Thầy hoàn toàn không phải là người đánh giá thành bại của mình, càng không thể là người đem những thước đo định sẵn để áp đặt lên năng lực mỗi cá nhân. Hay nói cách khác, trọng thầy - phải là trọng khuynh hướng phát triển độc lập, tự nhiên của cá nhân.

Người thầy, trước hết là người tôn trọng những năng lực thiên bẩm của người trò. Khả năng đó có thể giống với mọi người, nhưng cũng rất có thể là kì quặc đối với không ít người. Nhưng may mắn, người thầy có thể nhìn ra được năng lực ấy và trước hết là.. tôn trọng nó.

Ví như, có trò có khả năng vẽ, tưởng tượng ra đủ cách để diễn tả những hình dung của mình về sự vật xung quanh. Thế thì không thể vì trò này chỉ thích vẽ, mà quy thành chỉ thích chơi, lười học.

Có thể lắm, một tài năng được ươm mầm bởi sự tôn trọng từ thuở trứng nước này.

Thầy ở cấp độ cao hơn nữa, là người có khả năng khai mở, đánh thức những khả năng tiềm ẩn của trò. Vì quá e ngại, quá tự ti, có thể một học trò không thể không nhận thức hết được năng lực của mình, không dám sống vì khả năng đó, và nhất là khi có những mơ ước có vẻ cao xa quá.

Người bình thường sẽ chê cười, và yêu cầu trò trở về đúng với vị trí "con ngoan trò giỏi" của mình, nghĩa là cứ vâng theo những lời căn dặn và ý muốn của thầy cô và cha mẹ. Người thầy thực sự sẽ khuyến khích học sinh đó thể hiện mình.

Người Việt Nam có câu: "một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy". Nghĩa là người dạy mình dù chỉ một chút cũng được coi là thầy mình. Trong một đời người trưởng thành có biết bao người thầy đáng kính trọng và hàm ơn.

Đạo thầy trò, đáng lý ra phải được mở rộng ra ngoài phạm vi trường lớp. Đó là sự tri ân thực sự với người đã truyền dạy và dẫn dắt cho mình, không phải là người công nhận mình bằng những nấc thang điểm chác và bằng cấp nhất định.

  • Linh Thủy
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 947 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 24
Khách: 24
Thành Viên: 0