Huy Đức
Sau buổi tọa đàm có phát biểu của Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Thiện Nhân, báo Tuổi Trẻ, 18-11, hồ hởi: “Tất cả ở trong tầm tay nhà giáo”.
Đổi mới phương pháp giảng dạy, tên của cuộc tọa đàm, là một câu chuyện
lớn. Đề cao vai trò của các nhà giáo nhân ngày 20-11 có thể là đã “cài”
lên ngực họ những “đóa hoa”, nhưng cũng có thể, đã đặt một gánh quá
nặng lên vai các thầy cô giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đến cuộc tọa đàm này sau khi dự
giờ ở trường THCS Bạch Đằng và trường THPT Bùi Thị Xuân. Ở trường Bạch
Đằng, ông dự giờ dạy của một gương điển hình Tuổi Trẻ, thầy giáo Trần
Tuấn Anh. Phóng viên Vietnamnet, cùng đi với Bộ trưởng, tường thuật:
Vấn đề được học trò thảo luận là nên làm những gì và không nên làm
những gì. 100% học sinh giơ tay phát biểu và nói như cháo chảy: Không
nên xả rác ra đường, không vứt rác lung tung, không trộm cắp, không ma
túy, không chơi games... Từ những giờ dạy ấy, Bộ trưởng khen TP HCM là
“cái nôi sáng tạo trong giảng dạy”. Trong khi, phóng viên Vietnamnet
cảm thấy học sinh của thầy Tuấn Anh đã “vẹt” những điều được “nói đi
nói lại trên các phương tiện truyền thông nhưng rất ít hiệu quả trên
thực tế”.
Phải công nhận là thầy Tuấn Anh đã có rất nhiều cố gắng,
nhưng kết quả thể hiện qua các học trò cho thấy, vấn đề của giáo dục
không thể thành công chỉ nhờ vào những nỗ lực cá nhân. Có lẽ Bộ trưởng
đánh giá những bài giảng như thế là “sáng tạo” vì ông đã dựa trên những
chuẩn mực mà ông đang chủ trương. Chính phần trả lời chất vấn của ông
hôm 12-11 cũng được đại biểu Quốc hội Lê Văn Cuông nhận xét: “Có thể Bộ
trưởng đã chuẩn bị rất kỹ, học thuộc bài, kiến thức rộng, nhưng chưa
sát với những gì diễn ra trên thực tế”.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân biết, để có giờ học tốt, “học
sinh phải là đồng tác giả” trong quá trình giảng dạy. Tuy nhiên, những
việc như thế không thể “đẩy từ dưới lên”. Một cô giáo dạy sử nói với
chúng tôi, cô cũng đã định học thầy Tuấn, tự mua các giáo cụ trực quan
cho giờ giảng của cô, nhưng để làm như thế, mỗi bài học, cô phải chi
hết 50 đến 70 nghìn đồng, cao hơn mức lương mà cô được trả. Nhưng vấn
đề không chỉ là tiền bạc, làm sao mà học sinh và giáo viên có thể là
“đồng tác giả” trong khi cách hiểu các vấn đề lịch sử, môn dạy của cô,
đã được Bộ ấn định trong các bài thi và trong sách giáo khoa.
Thang điểm chấm các bài thi lịch sử yêu cầu trừ 0,75 điểm nếu
học sinh nói sai những “con số” như ngày “khởi nghĩa Yên Bái” hay ngày
“giải phóng Thủ đô”… Vì thế, học sinh đã chi phí rất nhiều thời gian
vật chất để học và nhớ những điều mà khi cần các em có thể vào Google
và click. Sách giáo khoa định ra một chương trình học rất nặng, tưởng
rằng có thể cung cấp cho học sinh một khối lượng kiến thức khổng lồ,
nhưng kết quả chỉ biến học sinh trở thành con vẹt, vì học sinh bị buộc
phải học thuộc thay vì được là “đồng tác giả” của những bài học ấy.
Chính không gian giáo dục bị thu hẹp thông qua những gì được
viết trong sách giáo khoa và cách “định chuẩn” trong các bài thi đã
định hình một môi trường dạy và học thụ động mà một vài “con én” như
thầy Tuấn không thể nào thay đổi. Trong các giờ dạy sử, các thầy giáo
vẫn thường hỏi học sinh, “Ai là người cõng rắn cắn gà nhà?”, và câu trả
lời ngay lập tức sẽ là “Nguyễn Ánh”. Nhà Nguyễn, triều đại có công mở
mang bờ cõi nước ta từ Thuận Hóa đến Hà Tiên, theo GS Phan Huy Lê, vẫn
được dạy như là một “thời kỳ chuyên chế phản động trong lịch sử”. Nếu
học sinh có vai trò trong giờ học và có thể đưa ra các phát hiện một
cách độc lập, sẽ có những học sinh sẽ gọi Nguyễn Ánh là “tên bán nước”
dựa trên Hiệp ước năm 1787 với Pháp và việc đưa 5 vạn quân Xiêm vào Gia
Định năm 1784; nhưng cũng sẽ có những học sinh ghi công lớn cho ông vì
ông chính là người đầu tiên thống nhất giang san từ Ải Nam Quan tới Mũi
Cà Mau và bắt đầu đưa Việt Nam bước vào một thời kỳ thịnh vượng.
Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã đúng khi đưa ra khái niệm
“đồng tác giả”. Tuy nhiên, để những ý tưởng giáo dục đó có thể bước qua
được những cánh cổng vững chắc đi vào trong các nhà trường, chính ông
phải bắt đầu bằng chính sách. Những tư liệu lịch sử về Nhà Nguyễn, cũng
như các thông tin khác về địa lý, kinh tế, khoa học… giờ đây có thể đến
với học sinh không chỉ thông qua sách giáo khoa. Thay vì nhồi nhét một
cách hiểu xơ cứng cho học sinh, hãy trang bị cho các em phương pháp tìm
kiếm các dữ liệu và khả năng tư duy độc lập. Đặc biệt, tạo ra một không
gian để ngay trong nhà trường, học sinh đã có thể đưa ra ý kiến cá nhân
dựa trên khả năng tiếp cận các vấn đề học thuật mà không bao giờ bị quy
chụp.
Cũng có không ít nhà giáo không mấy yêu nghề nhưng những
khuôn khổ được định ra trong giáo dục đã đóng vài trò chính làm giảm đi
vị trí đáng được “tôn sư” của các thầy cô giáo. Một du học sinh Việt
Nam nói với chúng tôi, anh đã rất thích tìm hiểu Chủ nghĩa Mác khi học
kinh tế học tại Úc trong khi cũng môn này chính anh đã rất chán thầy cô
khi học tại một trường trong nước. Không có môn học nào là tẻ nhạt,
không có vấn đề gì là khô khan nếu học sinh được tìm kiếm tới tận cùng
và được tự do trình bày những gì mà các em tìm hiểu được. Sự cắt khúc
các tư liệu nhằm áp đặt cách hiểu duy nhất lên học sinh trong thời đại
ngày này là không còn phù hợp. Nếu chỉ trông đợi những “chòi đạp” đơn
lẻ ở các thầy các cô thay vì bắt đầu từ những chính sách mở rộng không
gian học hỏi cho học sinh thì không những học sinh không thể nào trở
thành “tác giả” trong các giờ học ngày này, mà nền giáo dục cũng không
thể nào tạo ra cho Việt Nam một thế hệ thực sự là tác giả của tương lai
đất nước.
|