Thứ Tư, 2025-01-08, 1:08 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 21 » Obama với Việt Nam và Việt Nam với Obama
11:12 AM
Obama với Việt Nam và Việt Nam với Obama

Bùi Tín

 

Hoa Kỳ có tổng thống mới.

Tổng thống Hoa Kỳ tập trung nhiều quyền lực, vừa là Nguyên thủ Quốc gia, vừa là người cầm đầu Chính phủ hay Nội các, lại cũng là Tổng tư lệnh các lực lượng hải lục không quân của cường quốc giàu mạnh nhất thế giới.

Rồi đây, với tổng thống mới, mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam sẽ ra sao đây? Obama sẽ quan tâm đến Việt Nam nhiều hay ít, có góp phần tích cực thúc đẩy công cuộc dân chủ hóa, hỗ trợ mạnh mẽ dân ta giành lại tự do và nhân quyền, nhất là quyền tự do báo chí và tự do tôn giáo hay không? Một vấn đề đang được đặt ra.

Obama, ông là ai ?

Đã có nhiều nhận định sâu sắc về Tổng thống Mỹ thứ 44 , 47 tuổi, từng là giáo sư, luật sư, tổng biên tập một tạp chí lớn Luật pháp, Thượng nghị sĩ, nhà hoạt động xã hội nhiệt tình, xuất thân từ giới bình dân, thành đạt chủ yếu dựa vào ý chí và nghị lực tự lập của chính bản thân mình.

Đối với Việt Nam, nhận thức, thái độ và chính sách của chính quyền Obama sẽ ra sao ? Ông ít kinh nghiệm về ngoại giao, hiện mới ở thời kỳ tập sự. Mỹ kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam năm 1973, khi cậu học sinh Obama mới 12 tuổi.

Thế nhưng với Obama, không phải không có một điểm thuận lợi nào cho cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ ở Việt Nam. Ngược lại. Có thể kể những lợi điểm sau:

- Obama có nguồn gốc Kenya, một nước ở phía đông châu Phi, nguyên là thuộc địa của Bồ đào nha rồi của đế quốc Anh, được trao trả độc lập từ tháng 12-1963; Obama cũng sống thời nhỏ, từ 6 đến 10 tuổi với mẹ và bố dượng ở Indonesia; theo báo Mỹ và Nhật, Obama am hiểu khá rõ nền văn hoá châu Phi và châu Á, dễ thông cảm với dân các nước thuộc địa cũ, chậm tiến, chưa có tự do nhân quyền. Ông nói tên người và tên địa phương ở châu Phi và châu Á khá là chuẩn, không lơ lớ ngọng nghịu, nói sai như nhiều chính khách Mỹ;

- Obama từng hoạt động thời sinh viên trong các tổ chức tình nguyện - xã hội và tổ chức đấu tranh cho quyền dân sự của công dân ở vùng ngoại ô Chicago, với tinh thần dấn thân gương mẫu, do đó Obama tổng thống dễ thông cảm và am hiểu hoàn cảnh bất công, bất bình đẳng của dân ta do sự cai trị độc quyền độc đoán của đảng cộng sản;

- thêm nữa, từng là giáo sư ngành luật, chuyên dạy về môn luật hiến pháp, bà vợ Michelle cũng là luật sư, Obama còn kiêm 4 năm là nhà báo, Tổng biên tập tạp chí Luật pháp, nên Obama tổng thống có điều kiện để nhạy cảm và phản ứng đúng mức với những hiện tượng chà đạp pháp luật, xử án bất công, trói tay các nhà báo, cấm báo tư nhân một cách quá ư ngang ngược ở Việt Nam;

- Obama khi tranh cử từng hứa hẹn một kiểu cách cầm quyền có đạo lý, thiết thực, xắn tay hành động thật sự (real action), nói là làm, nhắm vào hiệu quả, luôn đựa vào quần chúng, lắng nghe quần chúng ở cơ sở, nhằm tới đích thay đổi bộ mặt của đất nước và thay đổi cả thế giới theo hướng tiến bộ, kiểu cầm quyền như thế thật là hay nếu áp dụng được.

Thời cơ đó chứ đâu nữa !

Kinh nghiệm đấu tranh chống độc đoán đảng trị giành lại tự do dân chủ, nhân quyền dạy cho chúng ta bài học sâu sắc nhất là: phải tự lập, tự chủ, kết hợp chặt trong ngoài nước, dựa vào sức dân mình là chủ yếu, không dựa dẫm, ỷ lại, khoanh tay chờ đợi thời cơ hay lòng tốt của những ai đó khác.

Với quan niệm tự lập, tự cường, tự chủ, tất cả những lực lượng dân chủ, tiến bố, yêu nước ở trong và ngoài nước hãy bật dậy, coi việc có một tổng thống một chính quyền mới trẻ trung, năng động, mang một số lợi điểm đối với sự nghiệp dân chủ hóa nước ta, là một thời cơ quý báu và hiếm có. Những lợi điểm ấy nếu chúng ta không cùng nhau, thuyết phục nhau, vẫy gọi nhau tận dụng thì rồi sẽ bị bỏ qua, tuột khỏi tay, không thành lợi điểm, cũng chẳng thành thời cơ nữa.

Thêm nữa, sự yếu kém đến cùng cực của chế độ cầm quyền hiện tại, uy tín tụt xuống đến mức thảm hại của một bộ chính trị 14 người từng cam két chống tham nhũng như chống giặc nội xâm nay lại quay ngoắt lại che chở bọn trùm tham nhũng, bỏ tù những công dân tích cực chống tham nhũng nhất, còn bị báo chí nước ngoài ở Mỹ, Nhật và Pháp chỉ trích vì lờ đờ không có chút nhuệ khí nào để hợp tác với bạn phanh phui nhũng vụ tham nhũng cực lớn ở ngành giao thông và ngân hàng (vụ Pacific và vụ Nexon); cũng lại là lúc họ tỏ ra quỵ luỵ khuất phục và nhượng bộ bọn bá quyền phương Bắc, lấn chiếm từ đất đai đến lãnh hải và hải đảo của Tổ quốc, khủng bố các chiến sĩ yêu nước chống xâm lược. Đây là thêm một cơ hội, một lợi thế đấu tranh chúng ta cần tận dụng không thể bỏ qua.

Cũng cần nhận ra sự thật là nhóm cầm quyền trong nước, qua báo chí được họ kèm chặt có vẻ tích cực "bỏ phiếu", vận động cho McCain, và rất e ngại Obama. Ngược lại, các chiến sĩ dân chủ, tuổi trẻ, trí thức tiến bộ trong nước có nhiều cảm tình với Obama. Điều này cho thấy rõ thêm lợi điểm của Obama trong cuộc đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền ở nước ta.

Những hành động thiết thực

Trước tình hình mới mẻ hiện nay, mọi lực lượng dân chủ yêu nước hãy nhìn lại mình, đánh giá thời cuộc cho thật sát đúng, không lạc quan tếu ỷ lại vào người khác, nước khác, cũng không bi quan cho rằng các nước đều bận rộn giải quyết cuộc khủng hoàng kinh tế- tài chính đang lan rộng.

Trên đất Mỹ, sau cuộc tranh cử sôi nổi, quyết liệt, đôi khi rất căng, nay các đảng phái đối lập lại cố kết hòa đồng chung sức xây dựng đất nước. Cộng đồng ta ở Mỹ sau khi tranh cử quyết liệt, người chọn McCain người chọn Obama, nay cũng là lúc chung lòng ủng hộ hết mình tổng thống mới không phân vân e ngại.

Việc cấp bách là các tổ chức chính trị, xã hội văn hoá của cộng đồng hãy chủ động tiếp xúc với bộ máy chính quyền mới, với các vị đại biểu dân cử mới ở cấp cơ sở, quận, tiểu bang đến trung ương, trình bày cho thật rõ tình hình cộng đồng cũng như tình hình trong nước, để chính quyền Obama ở mọi cấp đều quan tâm, tìm hiểu và có thái độ phù hợp với yêu cầu tự do hóa, dân chủ hóa ở nước ta.

Một hướng rất nên xúc tiến là chuẩn bị tiếp cận với bộ trưởng ngoại giao mới, các thứ trưởng, trợ lý bộ trưởng, các vụ trưởng thuộc bộ ngoại giao mới, góp ý ngay thật với các vị đó về tình hình rất nghiêm trọng về vi phạm tự do và nhân quyền ở Việt Nam - đặc biệt là về tự do báo chí và tự do tôn giáo; rất cần lưu ý họ rằng một số quan chức ngoại giao Mỹ vừa qua đã bị Hà Nội lừa để dắt dẫn đến nhận xét rằng "chính quyền vừa có tiến bộ rõ rệt vừa còn tồn tại một số vấn đề cần thúc đẩy"; thật ra một số tiến bộ chỉ mang tính chất hình thức, chiến thuật, nhằm che dấu mặt bản chất và chiến lược là đàn áp, là trừng phạt, là bóp ngẹt tự do và dân chủ của công dân.

Trong Ban chuyển tiếp chính quyền của tổng thống mới Obama có một chuyên gia gốc Việt, ông Linh Nguyễn, vốn ở tiểu bang New Mexico. Rồi sẽ có thể có một số người gốc Việt nữa. Những việc như thế có thể tạo nên những mối quan hệ để vấn đề Việt Nam được chú ý trong chính sách của chính quyền Obama.

Người Việt Nam ghi lại lời của tổng thống Obama trong diễn văn thắng cử đêm 4-11-2008: "...quyền lực thật sự của nước Mỹ không phải đến từ vũ khí, tiền bạc mà từ sức mạnh dài lâu của lý tưởng dân chủ, tự do, cơ hội và niềm hy vọng vững chắc " ("... the true strength of our nation comes not from the might of our arms or the scale of our wealth, but from the enduring power of our ideals: democracy, liberty, opportunity and unyielding hope").

Trước khi mong muốn chính quyền Obama quan tâm đến Việt Nam, chính Việt Nam ta, những người dân chủ Việt Nam cần chủ động tiếp cận Obama trước.

Cộng đồng người Việt trong và ngoài nước cần đến một nhận thức mới làm cơ sở cho những hành động và sáng kiến mới. Ở ngoài nước, đã đến lúc bà con ta làm mới chính mình, từ bỏ sớm những chia rẽ, đố kỵ không đáng có, hoài nghi nhau và chụp mũ cho nhau về những vụ việc chẳng đâu vào đâu, chẳng đáng gì, chỉ làm lợi và làm trò cười cho chính quyền độc đoán tham nhũng ở trong nước. Hãy biết quý trọng sức mình, không lãng phí sức và thời gian vào những chuyện nhỏ nhặt và nhỏ nhen, đồng thời quý trọng các anh chị em dân chủ ở trong nước, đừng nghi ngờ oan uổng cho những anh chị đã chứng tỏ sự dấn thân dứt khoát và nghị lực đấu tranh bất khuất của mình.

Với chúng ta, khẩu hiệu lớn "Thay đổi", "Chúng ta có thể thay đổi" (We Can Change) của nhiệm kỳ Obama cũng có nhiều ý nghĩa. Thay đổi cộng đồng, thúc đẩy phong trào để thay đổi dất nước, thay đổi chế độ theo hướng Tự do, Dân chủ và Hội nhập với Thế giới hiện đại ! Paris

20-11-2008
Bùi Tín


Nguồn: Thông Luận
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 771 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 2
Khách: 2
Thành Viên: 0