Chỉ trong vòng một buổi sáng, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, thủ tục
đình chỉ chức vụ của ông Huỳnh Ngọc Sỹ đã được hoàn thành. Chiều
18-11-2008, tại Hà Nội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
cho biết, Thủ tướng đã giao cho Thành phố “giải quyết đúng pháp luật”
vụ các quan chức công ty PCI của Nhật khai đưa hối lộ cho ông Sỹ, Giám
đốc Ban quản lý Dự án đại lộ Đông Tây, 2,6 triệu USD. Sáng 19-11, ở TP
HCM, Ban Thường vụ Thành ủy nhóm họp và chỉ vài giờ sau, lúc 11g15,
Quyết định đã được Chủ tịch Lê Hoàng Quân ký và trao cho đương sự.
Thông tin về 3 quan chức Nhật đưa một khoản hối lộ cho ông
Huỳnh Ngọc Sỹ tương đương 10% giá trị hợp đồng bắt đầu xuất hiện trên
báo chí Nhật từ ngày 25-6-2008. Thế nhưng, cho tới chiều 12-11, khi các
quan chức Nhật đã nhận tội trước một tòa án ở Tokyo, theo một vị lãnh
đạo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, “cơ quan điều tra
(của Việt Nam) chỉ mới nắm tình hình và tiếp cận một số hồ sơ liên quan
chứ chưa làm việc với ông Huỳnh Ngọc Sỹ”. Khi nói với phóng viên Tuổi
Trẻ về các động thái sắp tới, “Vị lãnh đạo” này thừa nhận là còn phải
“chờ ý kiến chỉ đạo ở trên”.
Sáng 13-11, ngay sau khi những thông tin này được đăng trên
Tuổi Trẻ, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết đã chất vấn trực tiếp
Thủ tướng vấn đề mà ông coi là “danh dự của đất nước” này. Và, theo tờ
trình của Thường Trực Thành ủy, “Thủ tướng đã chủ động chỉ đạo” xử lý
vụ việc “với tinh thần tích cực đấu tranh chống tham nhũng”. Hy vọng,
sau khi ông Sỹ bị đình chỉ, cơ quan điều tra chống tham nhũng bắt đầu
được làm việc với ông. Vấn đề là tại sao các cơ quan chống tham nhũng
đã phải chờ “chỉ đạo của trên” trong khi hoàn toàn có thể tiến hành tố
tụng theo pháp luật.
Ba tháng trước, nhiều người đã thất vọng khi đọc bài “trả lời
phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam” của Thứ trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn,
với tuyên bố: “Ban quản lý Dự án nói là không có hành vi tiêu cực như
báo chí đã đưa”. Đồng thời, ông Sơn cho rằng: “Các thông tin mà các cơ
quan chức năng Nhật Bản cung cấp cho chúng ta vẫn rất sơ sài và chưa
phù hợp với các thủ tục pháp lý”. Cho dù chưa thể buộc tội ông Huỳnh
Ngọc Sỹ bằng những hồ sơ ấy thì những bằng chứng mà các cơ quan tố tụng
Nhật có thể kết án các quan chức của họ với tội danh đưa hối lộ rõ ràng
là những dấu hiệu quan trọng để các cơ quan tố tụng Việt Nam có thể
khởi tố vụ án ngay. Đặc biệt, công tác điều tra rất cần được tiến hành
lập tức để “truy tìm tất cả mọi tài sản có liên quan đến gia đình ông
Sỹ” như đề nghị của cơ quan công tố Nhật.
Những thông tin trên “báo chí Nhật” không phải là bằng chứng,
nhưng nếu như chống tham nhũng được coi là nhu cầu tự thân thì những gì
đã được báo chí Nhật đưa phải được coi là một nguồn tin quan trọng về
tội phạm mà chắc chắn là theo luật, các cơ quan tố tụng Việt Nam không
thể bỏ qua. Thật là ngạc nhiên khi Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn, trong bài
phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam, nói rằng, “chúng ta đã đề nghị phía
Nhật Bản trong khi vụ việc đang được điều tra chưa có kết luận cuối
cùng thì các cơ quan truyền thông của Nhật Bản cũng như của Việt Nam
đều không nên đưa tin”. Đề nghị của ông Hồ Xuân Sơn không những là một
điều không tưởng với một quốc gia tự do như Nhật mà còn không phù hợp
với Luật và truyền thống chống tham nhũng của báo chí Việt Nam. Ý kiến
của ông Sơn rõ ràng cũng mâu thuẫn với những gì mà Thủ tướng vừa chỉ
đạo.
Không phải vì có thêm bằng chứng mới mà nhờ “chỉ đạo” chỉ
trong một buổi sáng ông Huỳnh Ngọc Sỹ bị đình chỉ các chức vụ ngay. Nếu
như việc đình chỉ ông Sỹ được tiến hành từ năm tháng trước đây thì
không những rất thuận lợi cho công tác điều tra mà “uy tín quốc gia”
cũng giữ tốt. Tham nhũng chủ yếu là ở những người có chức, có thế, do
đó, quyết tâm chống tham nhũng của Chính phủ là rất cần. Tuy nhiên,
khởi tố, điều tra khi có các dấu hiệu vi phạm hình sự là trách nhiệm
đương nhiên của các cơ quan tố tụng. Không có một điều luật nào quy
định các cơ quan tố tụng phải chờ chỉ đạo mới điều tra. Luật chỉ buộc
tội những cá nhân có trách nhiệm mà không truy cứu trách nhiệm những
người phạm tội. Vụ ông Huỳnh Ngọc Sỹ cho thấy, nếu như các cấp chính
quyền, các cơ quan tố tụng không “độc lập tuân theo pháp luật” để hành
xử trách nhiệm mà cứ ỷ lại và chờ đợi vào những sự chỉ đạo ở trên thì
tham nhũng sẽ có rất nhiều thời gian để thoát.