Thứ Năm, 2024-11-21, 7:06 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 23 » Cuộc chiến cho tiến bộ vẫn tiếp diễn
8:41 PM
Cuộc chiến cho tiến bộ vẫn tiếp diễn


William Ratliff

“…tại Việt Nam, một cuộc chiến cam go vẫn còn dai dẳng giữa thế lực đẩy mạnh phát triển kinh tế và thế lực muốn kìm hãm nó. Không phải lúc nào cấp lãnh đạo của đảng Cộng sản cũng đồng tình về những đề tài kinh tế …”

Về nhiều mặt, Việt Nam hôm nay đã trở thành đứa con cưng của nhà đầu tư và công ty đa quốc gia. Ít ra, đây là nhận định của tuần báo The Economist trong một bản báo cáo đặc biệt vào đầu năm nay.

Người ta đã trưng ra những con số ngoạn mục: Gần 1000 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) với giá trị 60 tỉ Mỹ kim đã được ký kết trong 10 tháng qua. Mức tăng trưởng trung bình của VN (GDP) từ năm 1991 cho đến nay là 7.5%/năm. Tỷ lệ nghèo đói đã giảm từ 70% (năm 1986) xuống 15% vào năm 2008 sau khi đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu áp dụng chương trình cải tổ.

Việt Nam đã trở thành một “con rồng nhỏ” mới của Châu Á. Tuy nhiên, nguy cơ thất bại trong cố gắng vươn mình bay vào quỹ đạo thịnh vượng ngày càng rõ nét. Nếu thực như vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thấp kém, chuyên sản xuất hàng hoá rẻ tiền cùng một đội ngũ công nhân với tay nghề thấp và chỉ chuyên xuất cảng những sản phẩm thiếu giá trị gia tăng: Một tình trạng tương tự như hiện nay.

Lý do của nguy cơ này không nhất thiết là cấp lãnh đạo Cộng sản không biết vận hành kinh tế. Trên nhiều khía cạnh họ đã chứng tỏ có khả năng. Họ đã tích lũy một bề dày từng trải. Họ có đầy đủ số liệu (mặc dù thống kê khá lôi thôi và không đáng tin cậy lắm). Họ thu nhập nhiều cố vấn sành sỏi để thi hành những thay đổi hầu bảo đảm sự thành đạt của đất nước. Thêm vào sự hiểu biết về cách thức tối ưu để đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, cấp lãnh đạo Cộng sản cũng hưởng được sự hỗ trợ nhiệt tình của thế giới. Hơn cả những nguồn FDI, Ngân Hàng Thế Giới (WB) đã tháo mở khoản nợ 60 tỉ Mỹ kim để Việt Nam có điều kiện hiện đại hoá ngành tài chánh. Ngân Hàng Phát Triển Châu Á (ADB) đã cho mượn 72 tỉ Mỹ kim để Việt Nam cải thiện hệ thống bảo dưỡng sức khỏe.


Thật ra, tại Việt Nam, một cuộc chiến cam go vẫn còn dai dẳng giữa thế lực đẩy mạnh phát triển kinh tế và thế lực muốn kìm hãm nó. Không phải lúc nào cấp lãnh đạo của đảng Cộng sản cũng đồng tình về những đề tài kinh tế. Nhân tố quyết định vẫn là văn hoá và sự ưu đãi của đảng viên. Căn nguyên của những yếu tố này là 50 năm cai trị của đảng Cộng sản, 2000 năm chịu ảnh hưởng văn hoá Nho giáo rộng ra là của Trung Hoa. Cốt lõi của thứ văn hoá này cũng na ná như mô hình yêu thương- thù ghét. Không thể định lượng được nó. Nhưng nó thường có triển vọng ảnh hưởng đến những quyết định hay cách hành xử. Tác động của nó mạnh hơn cả mọi số liệu, kiến thức, bài học và thường thức tổng cộng lại.

Những yếu tố trên từng đóng giữ vai trò quan trọng tại các nước Đông Á và Đông Nam Á trong vài thập kỷ vừa qua. Tại hai khu vực này, chúng đã khôi phục nền kinh tế và đã sinh sản ra những con rồng đầu tiên. Hầu hết các quốc gia kém phát triển này đều mang nặng văn hoá Trung Hoa, Nho giáo và đều có một cộng đồng Hoa kiều năng động trong kinh doanh.

Cội rễ của Nho giáo Việt Nam bắt nguồn từ hơn 2000 năm trước, vào thời điểm mà đất nước này còn thần phục Trung Quốc. Theo ghi nhận của ông Phạm Duy Nghĩa, giáo sư luật tại Hà Nội, sau khi những kẻ xâm lược đã rút về (khoảng 933 sau CN), Nho giáo vẫn tồn tại và phát triển để trở thành chuẩn mực chi phối xã hội trong hàng thế kỷ tiếp theo.

Mô hình xã hội này đã phát triển dưới hai hệ phái. Thứ nhất là hệ phái gia trưởng độc đoán với sự mờ nhạt của cá nhân trước tập thể, với sự miệt thị sáng kiến cá nhân và với cả một guồng máy để áp đặt ý muốn của mô hình này. Mặc cho những cải tổ từ năm 1986 trở đi, truyền thống độc đoán vẫn tồn tại sâu rộng và là công cụ chính đáng hoá nền chuyên chính của đảng Cộng sản Việt Nam.
Truyền thống này hiện rõ nét qua hiện tượng độc tài toàn trị đặc mầu sắc gia trưởng của đảng Cộng sản Việt Nam và qua hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Chính phủ vẫn khăng khăng quan niệm rằng DNNN sẽ là nền tảng của xã hội xã hội chủ ghĩa trong tương lai. Doanh nghiệp này chiếm đoạt 50% tài nguyên quốc gia nhưng lại tạo ra rất ít việc làm và tăng trưởng. Những cố gắng “cải tổ” nó đã được đón nhận không mấy nhiệt tình. Vì vậy, cơ chế doanh nghiệp này vẫn tiếp tục là tay sai phục vụ cho những đặc quyền đặc lợi của giới cầm quyền.

Mặt khác, văn hoá Trung Hoa cũng đã được Việt Nam hoá và đã sinh sản ra một hệ phái thứ hai rất khác với mô hình vừa trình bày trên. Nó rất dân dã. Trong thâm căn, mô hình Nho giáo bình dân truyền thống này thường chuyên chở những quy tắc chống lại hệ thống “bề trên độc đoán” để người dân đen có thể tồn tại. Một số chuẩn mực của mô hình Nho giáo bình dân này là tôn sư trọng đạo và xem giáo dục như lộ trình đi đến thành công; đề cao đạo đức trong cách làm việc; tôn kính cá tính cần kiệm khi sử dụng của cải.

Từ năm 1986 trở đi, luật pháp đã được nới rộng và, một cách chính thức hay bán chính thức, đã cho phép người dân gầy dựng những doanh nghiệp nhỏ mang tích cách gia đình. Khu vực này thường được gọi là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cùng với doanh nghiệp có vốn nước ngoài, doanh nhiệp tư nhân này đã kiến tạo 45% mức tăng tưởng và đem lại gần 100% công ăn việc làm cho xã hội. Tuy đã được hợp thức hoá, doanh nghiệp tư nhân vẫn còn khiêm tốn về tầm vóc và vẫn còn thiếu vốn tư bản. Khu vực này còn cam chịu nhiều cản trở từ nhà nước: Quyền sở hữu, vốn tín dụng và bảo đảm pháp lý.

Hai hệ phái Nho giáo này không chỉ xuất phát từ Khổng giáo, nhưng sự tác động hỗ tương giữa hai ảnh hưởng vừa tiêu cực vừa tích cực rất rõ nét tại các quốc gia kém phát triển tại Đông Nam Á. Hiện trạng của các con rồng Á Châu cho thấy ảnh hưởng của phần tích cực mạnh hơn ảnh hưởng của phần tiêu cực. Tuy nhiên tại Việt Nam, tranh chấp giữa hai thế lực này vẫn chưa ngã ngũ.

Khi chương trình cải thiện để gia tăng phát triển kinh tế bị gạt ngang hay chỉ được áp dụng một cách hờ hững thì phải hiểu rằng một thế lực “không thuần túy kinh tế” đang nắm chắc vận mệnh đất nước trong tay. Yếu tố quan trọng nhất trong mọi yếu tố vẫn là niềm tin vững chắc của đảng Cộng sản vào những quy tắc mang tính cách truyền thống và hệ thống. Những quy tắc này đi ngược lại với phát triển kinh tế. Chúng thể hiện qua một nhà nước gia trưởng và độc đoán đè bẹp doanh nhân và thị trrường tự do.

Giới lãnh đạo đảng cần cân nhắc kỹ những hậu quả của sự chọn lựa này. Nếu giới cầm quyền cho rằng sự dung hoà giữa mô hình gia trưởng độc đoán (hiện mang tên “xã hội chủ nghĩa”) và sáng kiến cá nhân sẽ giúp Việt Nam tiến xa (bằng cách khai thác sân chơi kinh tế khắp nơi trên đất nước), họ nên chứng tỏ sự quyết tâm hướng về mục tiêu đó. Nếu họ vẫn ngoan cố lần chần như hiện nay, họ sẽ giam hãm Việt Nam ở vị thế lạc hậu trong một thế giới tân tiến.

William Ratliff
Nguồn: Tạp chí kinh tế viễn đông, số tháng 11 2008
Nguyễn Huy Đức chuyển ngữ

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 805 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 89
Khách: 89
Thành Viên: 0