Vấn đề tranh chấp tại khu đất 600 mét vuông ở ấp An Bắc, thuộc giáo xứ An Bằng, tại tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục căng thẳng.
Photo Vietcatholic
Cổng vào đài lễ ở giáp An Bắc-Giáo Xứ An Bằng
Phía chính
quyền tăng cường lực lượng an ninh đến khu đất có xây đài lễ và thánh giá,
trong khi cha xứ và những giáo dân thuần thành nhất mực không chịu tháo dỡ theo
ý của chính quyền địa phương.
Nguyên nhân
vì sao suốt hơn tháng nay hai phía không thể đi đến giải pháp tốt đẹp cho vấn đề?
Gia Minh tìm
hiểu và trình bày trong phần sau.
Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú
Vang tỉnh Thừa Thiên - Huế lâu nay nổi tiếng đối với nhiều người dân trong và ngoài
nước về khu lăng mộ bề thế được xây dựng, tô điểm như những biệt thự dành cho
người chết.
Nói chung nguồn
gốc đất thì tôi không biết, chỉ nghe nói ông Khinh canh phá; nhưng sau 75 thì đất
là do nhà nước quản lý, thuộc quyền sở hữu toàn dân. Đất đó chưa được cấp quyền
sử dụng đất.
Ông Nguyễn Bình Tịnh, UBNDX
Bẵng đi một thời gian, báo chí không còn
đề cập đến thành phố “buồn” này như dạo trước đây khi bắt đầu phong trào người
thân ở làng An Bằng từ Hoa Kỳ gửi tiền về để thi nhau xây lăng cho tổ tiên, cha
mẹ lớn hơn, đẹp hơn của người khác. Thế nhưng từ hồi tháng 9 vừa qua thì thông
tin về An Bằng lại xuất hiện: Trong nước thì chủ yếu trên truyền thông tỉnh Thừa
Thiên - Huế, còn ở nước ngoài thì trên mạng VietCatholic. Lý do là chính quyền
địa phương buộc ấp An Bắc, thuộc giáo xứ An Bằng phải tháo dỡ bàn lễ và cây
thánh giá trên khu đất mà chính quyền địa phương cho là nằm trong ranh giới rừng
phòng hộ. Ông Nguyễn Bình Tịnh, thuộc Ủy Ban Nhân Dân Xã cho chúng tôi biết một
số thông tin liên quan:
“Nói chung nguồn gốc đất thì tôi không
biết, chỉ nghe nói ông Khinh canh phá; nhưng sau 75 thì đất là do nhà nước quản
lý, thuộc quyền sở hữu toàn dân. Đất đó chưa được cấp quyền sử dụng đất.”
Đất gia tộc họ
Lê cúng tặng
Trong khi đó thì phía Ấp An Bắc và giáo
xứ An Bằng thì cho rằng khoảnh đất nơi có bàn lễ và thánh giá mà họ xây nên từ
sau lễ giáng sinh năm 2007 là đất do gia tộc họ Lê cúng tặng. Hiện ông Lê Tuân,
cháu nội ông Lê Khinh, người từng khai khẩn khu đất và rồi tặng lại cho Ấp An Bắc
để thờ phụng, cũng xác nhận thông tin này:
“Ông mất muốn cúng đất cho khu vực để thờ
phượng. Nay thì nhà nuớc nói là đất biên phòng; tuy nhiên trước đây chính bản
thân và ông, và cha năm nào cũng trồng cây ở đó. Khi chưa có quà Mỹ gửi về thì
cũng ra chặt cây để mua quà; nhưng nay cây thì nhà nước cũng không cho chặt.”
Làm đơn xin nhưng không được trả lời
Linh mục Nguyễn Hữu Giải, quản xứ An Bằng
cho biết, ấp An Bắc khi muốn xây dựng Thánh giá và đài lễ trên khu đất được hiến
tặng đã ba lần làm đơn trình lên xã nhưng xã không trả lời nên họ theo qui định
của pháp luật là sau 30 ngày mà không có ý kiến thì được phép làm.
Nếu đất không
phải công ích mà vì tư ích cho ai làm biệt thự thì chúng tôi không chịu.
LM Nguyễn Hữu Giải
“Nhà nước nói có ra qui định là từ mép
sóng vào 200 mét trong bờ là rừng phòng hộ, rồi từ mép sóng đi vào cho đến 200,
300, 400, 500 là những loại rừng phòng hộ khác nhau. Thánh giá của chúng tôi
cách bờ biển hơn 400 mét. Ngoài ra chúng tôi đã có đất từ trước năm 1975, sau
này khi nhà nước cho là đất thuộc rừng phòng hộ thì chưa hề có văn bản thu hồi
đất.”
Kinh doanh du lịch
Việt Nam đã có luật bảo vệ và phát triển
rừng, qui định rất nghiêm nhặt về việc quản lý các khu rừng phòng hộ, nhất là
nơi giúp bảo vệ đất, nguồn nước, chống xói mòn, giảm thiểu thiên tai như rừng
phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, tại An Bằng, kế hoạch của cơ quan chức năng địa
phương về qui hoạch rừng phòng hộ, rồi đường quốc phòng và dự án du lịch chỉ là
những thông tin chung chung không chính xác như phát biểu của một người dân
đang cư ngụ tại làng An Bằng sau đây:
“Trên kia có khu du lịch sinh thái,
tương lai bên trong rừng phòng hộ tôi nghe xây đường quốc phòng, ở tuyến biển
thì có dự án bãi ngang, làm khu du lịch. Vinh Thanh, Thuận An thì có rồi, An Bằng
thì có du lịch tâm linh vì lăng miếu nhiều, do những bà con đi xa có tiền gửi về
xây lăng.”
Bản thân người phụ trách giáo xứ An Bằng
là linh mục Nguyễn Hữu Giải thì tỏ ra nghi ngờ về các thông báo từ phía chính
quyền:
“Nếu đất không phải công ích mà vì tư
ích cho ai làm biệt thự thì chúng tôi không chịu.”
Qua những phát biểu của viên chức chính
quyền xã Nguyễn Bình Tịnh, rồi của một người dân tại làng An Bằng và của linh mục
chính xứ An Bằng, thì chính quyền không thuyết phục được giáo dân tháo dỡ thánh
giá và bàn lễ do những kế hoạch của chính quyền địa phương thiếu rõ ràng, gây
nghi ngờ đất đai trả lại cho chính quyền sẽ được sử dụng vào mục đích khác, nhất
là những khu đất ven biển đẹp như ở làng An Bằng có thể được biến hóa thành đất
tư để kinh doanh du lịch trong thời mở cửa hiện nay.