Thứ Bảy, 2024-12-21, 10:00 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 24 » Sơn La: “Nhà nước tự trị về tôn giáo”
11:45 AM
Sơn La: “Nhà nước tự trị về tôn giáo”

Kỳ I: GIÁO HỘI HẦM TRÚ SƠN LA

Một vùng trắng về nơi thờ tự

Sơn La, nơi ngày xưa vẫn thường đến với tâm trí chúng tôi qua những câu chuyện và những bài viết về một vùng đất hùng vĩ và nhiều kỳ bí. Tuổi trẻ chúng tôi tha hồ dùng trí tưởng tượng của mình để mơ tưởng về một vùng đất chỉ được biết qua những bài học như “Tây Bắc – Hòn ngọc của Tổ quốc” – Phạm Văn Đồng. Hay những câu chuyện về nơi của những phong cảnh hữu tình, nơi của rừng vàng và bạt ngàn những phong tục lạ lùng của cư dân ở đó.

Một trong những mơ ước của tôi khi lớn lên là đi hết mọi miền Tổ Quốc và nhất định sẽ đến Sơn La.

Cuộc đời thật khéo chiều, những chuyến công tác xa nhà đã đưa tôi đến những vùng đất mà tôi từng mơ ước, nhất là các tỉnh miền núi. Những chuyến công tác đến Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Cao Bằng và miền Trung, Tây nguyên… đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm đẹp và không đẹp, nhiều điều dễ nhớ. 

Nhưng ấn tượng nhất, vẫn là khi đến Sơn La.

Đến Sơn La nhiều lần, nhưng đa số là những chuyến đi đến các thị xã, thị trấn… đi qua những con đường dốc đứng, bên là vực thẳm, bên là núi cao sẵn sàng trượt sập vào mình bất cứ lúc nào, nhất là mùa mưa. Đường đi khi đó còn là những con đường đất, chỉ hai vệt bánh xe là hằn rõ, còn lại là chỗ cho cỏ mọc, nhiều khi đã lên xe, chỉ biết nhắm mắt lại mà giao phó linh hồn và xác cho... lái xe. Những con đường mà xe đi mãi, vẫn thấy chỗ mình đi qua đang ở dưới chân. Những chuyến đi về Phù Yên, Bắc Yên gặp trời mưa và sương mù, cứ như trò chơi cảm giác mạnh đã để lại trong tôi những ấn tượng rất sâu sắc về một vùng đất đầy khó khăn và gian khổ. Cũng qua đó, tôi hiểu hơn và sức mạnh dân tộc qua những địa danh được ghi trong lịch sử khi học về chiến thắng Điện Biên và thật tiếc khi nghĩ rằng điều đó chỉ có được khi cả dân tộc đoàn kết. Khi đó, tôi cảm thấy tự hào và yêu mến Sơn La biết bao.

Những con người thuộc các dân tộc vô tư, đơn giản sống trong vất vả cam chịu với những phong tục, tập quán lâu đời, nhất là sự chân thật mến khách… đã để lại cho tôi nhiều cảm tình về tình người khi thế giới văn minh cộng sản chưa tác động đến họ nhiều.

Những phong tục, tập quán văn hoá của người dân Sơn La là đề tài cho người ta bàn tán sôi nổi trong các câu chuyện bên ấm trà Tà Xùa họ mang về xuôi. Trong đó, có cả phong tục và những hủ tục, nhất là của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Nhưng điều tôi thấy lạ lùng nhất khi đến Sơn La, là nơi đó không một bóng dáng của Thánh đường Công giáo. Nhất là khi thỉnh thoảng tôi vẫn gặp những gia đình trưng bày tượng Thánh, hoặc những con người mang Thánh Giá. Điều đó đã để lại cho tôi nhiều điều thắc mắc mà chưa có dịp giải đáp.

Gần đây, trong những ngày nhàn cư và nổi cơn hứng chí. Tôi và bạn bè có dịp trở lại Sơn La quyết một phen tìm hiểu về đời sống tôn giáo thực của những người Công giáo Sơn La.

Chuyến xe đưa chúng tôi trở lại những con đường cũ. Giờ đây đường sá đã đổi thay nhiều hơn trước, đường phẳng hơn, đỡ quanh co hơn. Những cua tay áo gấp khúc ghê người đã được dần dần loại bỏ, những con đường rải nhựa đã mở rộng hơn. Cảnh vật của Sơn La đã nhanh chóng thay đổi theo bước tiến đất nước chỉ sau một thời gian chưa dài. Từ khi đảng “cởi trói” cho nhân dân bằng cách mở cửa cho cơ chế thị trường mà người cộng sản vốn từng ghét cay ghét đắng mò vào đất nước, Sơn la đã thay da, đổi thịt.

Con đường mới đi tránh Thị trấn Mộc Châu đã thay con đường cũ, quán ăn 64 Mộc Châu quen thuộc ngày xưa nay đã chuyển dời, cao nguyên đã thay đổi nhiều. Thị xã Sơn La đã được đôn lên thành phố, những câu khẩu hiệu giăng đầy đường ngõ Sơn La mừng sự kiện này vẫn còn đó. Những công trình Thuỷ điện đã được khởi công, cả Sơn La đang thay đổi.

Thủy điện

Gặp lại những người thân khi xưa đến Sơn La, ai cũng hồ hởi rằng nếu như đảng cứ trói dân mấy chục năm qua, thì hoặc là dân đã không còn, hoặc đảng đã biến mất.

Những tưởng khi cuộc sống vật chất thay đổi, thì đời sống tinh thần của con người nhất là vấn đề tự do tôn giáo sẽ được tôn trọng hơn.

Những tưởng khi đảng kêu gọi mấy chục năm nay là “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi” thì ít nhất hàng ngũ cán bộ của đảng, của nhà nước đã có thể thấm nhuần tinh thần của Hiến pháp, của luật pháp trong các hoạt động của mình.

Nhưng tôi cũng như nhiều người khác đã nhầm, ở Sơn La đã hình thành một “nhà nước tự trị về tôn giáo”, một nhà nước riêng biệt mà ở đó, người dân được đối xử như kẻ thù khi theo tôn giáo. Ở đó, quyền tự do tôn giáo là vấn đề hoàn toàn xa lạ, nhất là với đồng bào Công giáo.

Tôi hoàn toàn bất ngờ, những phong tục của người dân cũng đã dần dần đổi khác. Cơ cấu của người dân, nhất là nhận thức của dân không còn như xưa. Nhưng đám cán bộ của đảng, dù chỉ cách Hà Nội mấy trăm cây số, vẫn lợi dụng sự cách trở, xa xôi và sự khó khăn của bà con các dân tộc ở đây để đặt họ trong một gọng kìm sắt của sự sỉ nhục quyền tự do tôn giáo, quyền căn bản và cao quý nhất của con người.

Điều này tôi tìm hiểu được qua chính những văn bản, được nhìn tận mắt hiện thực đời sống tôn giáo của người Công giáo Sơn La. Thực tế đã chứng minh cho tôi rằng những điều trên là hoàn toàn là sự thực

Một thời, Tây Bắc là vùng được đảng dùng để đưa những người xuôi từ Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng… nhất là những vùng đông giáo dân lên nơi khỉ ho, cò gáy này để “xây dựng vùng kinh tế mới”. Vì vậy ở những nơi như Lao Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, người ta vẫn lưu truyền nhau câu vè “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình – Ba Thái đồng tình, xây dựng Sơn La”.

Cả tỉnh Sơn La với rất đông các tín hữu Công giáo, trong số họ là những vùng dân tộc di cư sang từ Yên Bái, một số người Kinh từ xuôi lên theo diện kinh tế mới, hoặc làm ăn, buôn bán và định cư ở đó.

Có người dân là có nhu cầu tôn giáo, những tín ngưỡng họ mang theo là những tôn giáo được nhà nước công nhận, bảo hộ. Đạo Công giáo vào Sơn La cũng vậy, có nhiều tín hữu đến Sơn La, nhu cầu của họ được sinh hoạt bình thường cũng là điều dễ hiểu và hoàn toàn chính đáng. Nhưng, cả tỉnh Sơn La, không một bóng dáng Nhà thờ, biểu tượng linh thiêng và nơi tối cần thiết cho tín hữu. Nhiều người dân Công giáo ở Sơn La mấy chục năm nay không được tham dự Thánh lễ nào, khi lớn lên không được chịu các phép đạo hết sức cần thiết, khi chết đã cô đơn không được chịu các phép bí tích của giáo hội. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau đã rất lâu vẫn không thể chịu bí tích hôn phối...

Đó là thực trạng của giáo hội Công giáo ở tỉnh Sơn La, một tỉnh chỉ cách Hà Nội khoảng 300km.

“Nhà nước tự trị về tôn giáo” Sơn La đã làm gì với họ?

Những người công giáo với ý thức cộng đồng, tập trung nhau lại cùng cầu nguyện, đã bị nhà nước ngăn cấm ngang nhiên bằng nhiều hình thức. Noel năm 2007, linh mục Thoại đã bị công an rượt đuổi bắt vào đồn vì đã đến thăm đồng bào công giáo ở Mộc Châu.

Những cuộc cầu nguyện của các gia đình giáo dân với nhau bị công an theo dõi và kiểm soát gắt gao, thậm chí phá đám một cách trắng trợn. Những ngày giữa tháng 11, chính quyền Sơn La đã chuẩn bị để đối phó với giáo dân dịp lễ Noel. Những nơi giáo dân tập trung được chính quyền lưu ý đặc biệt và gây nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Một buổi cầu nguyện

Những tín hữu công giáo đã làm đơn theo yêu cầu của của luật pháp để được hưởng quyền tự do của họ, đã bị chính quyền Sơn La thẳng thừng bác bỏ bằng một câu xanh rờn: “ Nhà nước đảm bảo quyền tự do tôn giáo” nhưng chỉ được “tu tại gia”? Một cách quyết định hoàn toàn trái pháp luật và giáo luật đã được nhà nước công nhận.

Những văn bản của Toà Giám mục Hưng Hoá gửi đến, của các cộng đồng tôn giáo gửi lên chính quyền Sơn La thì nhận được một câu khẳng định: “Sơn La không có nhu cầu tôn giáo”!

Người dân thưa rằng nhu cầu tôn giáo là của chúng tôi, đâu có xin cho các cán bộ của đảng, của chính quyền mà dám bảo là không có nhu cầu? Chúng tôi thừa biết các vị đều là những kẻ vô thần, vô đạo. Nhưng là con người, chúng tôi cần thứ đó, sao các vị ngăn cấm chúng tôi?

Những người tín hữu Công giáo Sơn La đã và đang bị phân biệt đối xử, bách hại nghiêm trọng. Điển hình điều đó là họ không được là những công việc tối thiểu là tập trung cầu nguyện, chia sẻ và thực hiện các nghi lễ tôn giáo đã mấy chục năm nay. Mặc dù họ vẫn là người công giáo và chính quyền Sơn La rất rõ điều đó trong việc đối xử.

Nhiều hành động văn bản và hình thức bách hại giáo dân Sơn La đã được thực hiện.

Trong các tài liệu về tôn giáo ở Sơn La, chúng tôi đọc đươc nhiều điều mà cứ tưởng rằng đây là những quy định quái gở của một bộ lạc nguyên thuỷ nào đó với đám thổ dân của mình. Về khía cạnh pháp luật, đây là những hành vi và văn bản vi phạm pháp luật cách trắng trợn của chính quyền Sơn La.

Về khía cạnh nhà nước, đây là một nhà nước tự trị về tôn giáo, không chấp nhận những quy định cơ bản của Hiến pháp và luật pháp nhà nước mang danh Cộng Hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Tại công văn số 75/UBND-VP ngày 21/10/2008 mới đây của UBND Thành phố Sơn La, lại vẫn giọng điệu áp đặt nói lấy được theo đúng cách nói của những người cộng sản rằng “Tuyệt đại đa cố nhân dân các dân tộc Sơn La không đồng tình với việc sinh hoạt tôn giáo tập trung” (sic). Chắc chắn một điều, người dân Sơn La đã bị áp đặt cái ý nghĩ quái gở đó của mấy ông đảng viên chính quyền Sơn La để luôn mồm leo lẻo mà không biết họ đang tự chửi mình rằng “Chính quyền thành phố Sơn La luôn tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tạo điều kiện để người dân thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, được tu tại gia, không được tụ tập đông người để tổ chức cuộc lễ tập trung…”

Phép nước Việt Nam thua lệ làng Sơn La

Quái đản hơn nữa, Sơn La còn bày đặt ra những quy định đi ngược lại pháp luật. Chủ yếu và quan trọng nhất trong bản quy ước đó là chính quyền muốn tập trung vào việc tiêu diệt đời sống tín ngưỡng và cuộc sống của người Công giáo. Chẳng hạn, quy ước của Tổ 4 – Phường Quyết Thắng – Thành phố Sơn La như sau:

- “Không tụ tập đông người để cầu kinh, cầu nguyện (chỉ tu tại gia đình). Không tổ chức các nghi lễ tôn giáo khi chưa được chính quyền địa phương cho phép (Mà đã có văn bản là không cho phép –TG), không tự ý xây dựng nhà thờ, nhà nguyện, nhà giáo lý và các công trình phục vụ các hoạt động tôn giáo khi chưa được các ngành chức năng cho phép (Mà chắc chắn là không đời nào cho phép -TG). Không tổ chức quyên góp, không tự ý nhận tiền, vật tư, vật phẩm, quà tặng của các tổ chức tôn giáo”.

Những quy ước này thực chất là tìm cách bóp chết người công giáo trong các hoạt động tín ngưỡng của mình. Ngoài ra, cuộc sống của họ sẽ hết sức khó khăn và bị đẩy vào chỗ chết, khi mà những chế độ của chính phủ đối với người dân tộc thiểu số, những người dân trên miền rẻo cao khi thiên tai, khi mất mùa đã bị cắt một cách ngang nhiên trắng trợn nếu họ không bỏ đạo mà không cho phép bất cứ sự cứu trợ nào.

Những bản hương ước kia, thực chất là sự vi phạm pháp luật một cách ngang nhiên và trắng trợn vì nó đã đi ngược lại Hiến pháp và pháp luật. Với cách này, chính quyền muốn giết một dòng họ, một cộng đồng hoặc cá nhân nào theo ý thích thì chỉ cần một bản hương ước là đủ dù nó bất chấp bất cứ một cơ sở luật pháp cơ bản nào?

Giáo hội vẫn sống động

Chúng tôi gặp những giáo dân đi xa hơn trăm km để tham gia một Thánh lễ, đây là chuyện bình thường. Nơi không bóng dáng bất cứ một Thánh đường, không một nhà nguyện nào được phép xây dựng, nơi mà không một cuộc tập trung cầu nguyện nào được nhà nước tha thứ, thì ở Sơn La vẫn có những giáo dân kiên vững và tin cậy vào Thiên Chúa, kiên trung với Giáo hội. Giáo dân Sơn La vẫn kiên vững ngày đêm cầu nguyện bất cứ ở đâu với lời nguyện tha thiết của mình, để mong Thiên Chúa nhậm lời, cởi bỏ ách nặng nề trên cổ họ là một chính sách tôn giáo hà khắc và bách hại của chính quyền Sơn La hiện nay.

Nhiều gia đình, với nhu cầu sinh hoạt tôn giáo thường ngày của mình được pháp luật bảo vệ nhưng không được chính quyền địa phương cho phép đã phải dùng căn phòng của gia đình để làm nơi cầu nguyện cho hàng xóm và tín hữu thì đã bị chính quyền đối xử hết sức bất công, vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Có những gia đình đã phải dùng những căn hầm bí mật để các tín hữu cùng cầu nguyện, cùng chia sẻ lời Chúa với nhau đã bị nhà nước Sơn La chi tiền của để khống chế họ tối đa.

Chúng tôi đã đến một căn hầm dưới một ngôi nhà dân, có cầu thang đi xuống để làm nơi cầu nguyện cho một số tín hữu. Ở đó mới được trưng bày ảnh tượng, bàn thờ và là nơi cầu nguyện lén lút hàng tuần của giáo dân Sơn La. Năm ngoái, nhân ngày lễ Noel, chính quyền Sơn La đã huy động một đội quân hùng hậu đến canh giữ nơi này.

Nhà thờ dưới hầm

Ở đó chúng tôi thấy rõ hơn hình ảnh một thời kỳ lịch sử sơ khai của Giáo Hội: Những hang toại đạo.

Ở đó chúng tôi thấy rõ hơn hình ảnh một thời kỳ lịch sử hiện đại của giáo hội trong thời cộng sản “giáo hội hầm trú” như đang diễn ra trên đất nước Trung Quốc hiện nay.

Ở đó, chúng tôi thấy rõ hơn chính sách với công giáo của “Nhà nước tự trị Sơn La” với đầy đủ những ngôn ngữ lừa bịp và dối trá để che đậy một chính sách tiêu diệt công giáo.

Ở đó, chúng tôi thấy sự trắng trợn của “nhà nước tự trị” Sơn La về việc tiêu diệt quyền tự do tín ngưỡng của người dân được thể hiện công khai không cần che đậy ngay cả trong các văn bản mà họ đem thực hiện theo kiểu lệ làng.

Ngày lễ kính Chúa Giêsu Kitô Vua 20.11.2008
Song Hà
(Còn tiếp)


Quy ước tổ dân phố

Category: Công giáo khắp nơi | Views: 738 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 21
Khách: 21
Thành Viên: 0