Trong bối cảnh đảng Dân chủ đang chuẩn bị nắm quyền cả ở vị trí tổng thống, sau thắng thế ở thượng viện và hạ viện, một quan điểm từng được thượng nghị sĩ John Kerry đánh giá cao ngay trang bìa rất đáng được chú ý, và cũng là lý do BBC tiếng Việt muốn giới thiệu đến với độc giả.
Việt Nam cạnh Trung Quốc
"Phân tích của TS Henry Kenny về mối quan hệ phức tạp trong lịch sử giữ Việt Nam và Trung Quốc đưa ra nhiều suy nghĩ cho giới làm chính sách của Hoa Kỳ, cũng như những người trong chúng ta muốn chiến đấu mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam", thượng nghị sĩ John Kerry nhận định.
TS Kenny nhận thấy trong phần giữa của thế kỷ trước, Hoa Kỳ đã thực hiện ba cuộc chiến ở châu Á, tất cả đều nhằm mục tiêu ngăn chặn khả năng làm chủ khu vực của các cường quốc hiếu chiến hoặc nhiều khả năng trở nên hiếu chiến.
"Hôm nay, một trong số các nước mà quân đội Hoa Kỳ từng chiến đấu, được nhiều người coi là cường quốc đang lên, có khả năng lấn át về chính trị, kinh tế và cả ưu thế quốc phòng trong khu vực, chính là Trung Quốc", ông viết.
Trung Quốc đang ngày càng lấn át về ưu thế quốc phòng trong khu vực
Trong bối cảnh đó, nhiều nước châu Á sẵn sàng nhanh chóng ngả theo Trung Quốc, ngay cả trong trường hợp phải hi sinh các quyền lợi quốc gia truyền thống.
TS Kenny nhận định: "Xét về lịch sử đấu tranh giành độc lập từ Trung Quốc, Việt Nam là đối tượng đáng chú ý nhất trong số các nước đó."
Quan hệ thầy trò
Ông dành toàn bộ chương Năm để phân tích suy nghĩ của giới quan chức Việt Nam thời phát triển kinh tế, được làm khách sang Trung Quốc.
Họ nhìn thấy, tôn thờ những thành tựu mà chủ nhà đạt được, kéo theo tâm lý "học trò đối với thầy giáo" mà tác giả cho là dần hình thành trong não trạng của giới lãnh đạo Việt Nam.
TS Kenny cũng không quên nhắc lại rằng trong quá khứ, tư tưởng Khổng giáo bao trùm chính quyền phong kiến Việt Nam, còn giới lãnh đạo hôm nay nhìn sang Trung Quốc như một mô hình phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, kiểm soát chặt chẽ chính trị từ trung ương, và cải tổ kinh tế từng phần.
Chương Sáu tiếp tục nhìn mối quan hệ Việt Nam và Trung Quốc từ góc độ chính trị, phân tích tham vọng của Trung Quốc muốn kiểm soát chính sách quốc phòng và ngoại giao của nước láng giềng phương nam, gửi tín hiệu ra cho toàn bộ khu vực châu Á.
Chương này đề ra con đường khác cho Việt Nam chọn lựa, để nối tiếp bằng các phân tích mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc nhìn từ góc độ lợi ích và chính sách của Hoa Kỳ, chiếm toàn bộ nội dung chương Bảy.
Can thiệp của Hoa Kỳ
Thượng nghị sĩ John Kerry đánh giá cao nghiên cứu của TS Henry Kenny
"Trước hết, phát triển quan hệ thân cận giữa Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ làm giảm bớt chính sách của Trung Quốc muốn tăng cường ảnh hưởng ở Đông Nam Á."
"Thứ hai, bất kỳ mối quan hệ về quân sự nào giữa quân đội Mỹ và quân đội Việt Nam cần theo hướng hợp pháp hóa sự hiện diện trong tương lai của Hoa Kỳ ở Á châu".
"Và cuối cùng là thứ ba, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với VIệt Nam sẽ kéo theo cải tổ kinh tế và chính trị, mà đến một lúc sẽ thách thức vị trí, nếu không nói là tính chính danh của Đảng cộng sản", TS Kenny viết trong chương Giới thiệu của quyển sách.
Lập luận ở phần sau của tập sách dựa rất chắc vào các phân tích quá khứ quan hệ, từ tranh chấp biên giới trên bộ và trên biển trong chương Bốn, suốt 5.000 năm dấu ấn trong cả lịch sử lẫn truyện thần thoại như trình bày trong chương Ba, và những can thiệp và ảnh hưởng của Hoa Kỳ vào mối quan hệ này trong vòng vài chục năm qua, trong chương Hai.
Tiến sĩ Henry Kenny từng tham chiến Việt Nam và bị thương, sau 1975 tham gia các hoạt động xúc tiến tái quan hệ, có dịp gặp thủ tướng và các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, phỏng vấn thứ trưởng bộ ngoại giao, cựu bộ trưởng tư pháp, vụ trưởng vụ Trung Quốc ở bộ ngoại giao và các quan chức có liên quan trong quá trình nghiên cứu chuẩn bị cho tập sách. Ông từng phụ trách nghiên cứu cho quân đội Mỹ ở tổ chức CNA Corporation, và dạy môn học Quan hệ quốc tế và Đông Nam Á ở West Point.