>> Công chức "cộng sinh" và những nẻo đường ly tán
>> Chất lượng cán bộ, công chức: Tốt đẹp phô ra, xấu xa...
|
Quyền “không cho” - Vũ khí ngầm của công chức Ảnh minh họa: seminarianslike.com |
Quyền “không cho” - Vũ khí ngầm của công chức
Ở mỗi cơ quan công quyền thực sự
chỉ rất ít người có quyền “cho”, như giám đốc hay trưởng phòng. Và chỉ
những người này mới có thể lạm dụng trực tiếp cái quyền đó để trục lợi
cá nhân.
Những bộ phận, cá nhân khác chỉ có nhiệm vụ tham mưu
xử lý vụ việc, chứ không có quyền quyết định. Nhưng chính những bộ
phận, cá nhân này mới gây bức xúc cho người dân hơn hết. Bởi tuy không
có quyền “cho”, nhưng ai trong số họ cũng có quyền “không cho”.
Một thủ tục hành chính dù đơn
giản nhất cũng phải qua vài khâu xem xét, xử lý, và người phụ trách ở
mỗi khâu đều có quyền, hay chính xác hơn, có khả năng làm ách tắc hồ sơ
vì đủ thứ lý do trên trời dưới đất, kể cả những lý do không hề liên
quan đến hồ sơ như bận đi họp, đi học …
Vụ cán bộ địa chính phường Lê Đại Hành,
quận Hai Bà Trưng, Hà Nội dạo nọ là thí dụ tiêu biểu. Chỉ một cán bộ
tép riu mà đã có thể nhũng nhiễu người dân tới làm thủ tục như thế, đủ
biết người dân qua được tất cả các cửa ải sẽ khổ cực đến mức nào.
Dù
người ta đã đặt ra các quy trình xử lý hồ sơ cùng thời hạn giải quyết,
nhưng những công chức biến chất luôn có lý do chính đáng để trì hoãn,
mà thường thấy nhất là viện cớ công việc quá tải!
Hồi xưa, trong vụ Tân Trường
Sanh, khi Phùng Long Thất và đám nhân viên hải quan biến chất bị bắt,
bị xử tù và tử hình vì tiếp tay cho buôn lậu, các doanh nghiệp chân
chính không thấy thoả mãn chút nào. Bởi thực tế, số tiền đám công chức
hải quan biến chất nhận từ bọn buôn lậu để “cho phép” hàng lậu nhập
cảng chẳng thấm vào đâu so với số tiền cưỡng đoạt từ các doanh nghiệp
làm ăn chân chính dưới chiêu bài “bồi dưỡng”.
Nếu không có chút “bồi dưỡng”
này, hàng hoá sẽ bị ách tắc ngay lập tức gây thiệt hại ghê gớm cho
doanh nghiệp. Quyền “không cho” đấy!
Mỗi năm, có hàng triệu tờ
khai hải quan, hàng triệu container, hàng chục triệu tấn hàng hoá xuất
nhập khẩu, tất cả đều phải chi tiền ở các khâu, trong đó chủ yếu là
hàng hoá đàng hoàng; số hàng lậu chỉ chiếm một phần rất, rất nhỏ.
Nhưng đã có công chức hải quan nào bị xử lý hình sự vì chuyện nhận tiền
“bồi dưỡng” chưa? Kể cả xử lý hành chính cũng cực kỳ hiếm hoi.
Ở các lĩnh vực khác cũng thế, số
tiền tham nhũng từ việc lợi dụng quyền hạn để “cho” cái gì đó trái luật
thường ít hơn nhiều so với số tiền kiếm được từ việc “không cho” cái gì
đó đúng luật. Hành vi thứ nhất rủi ro hơn, dễ bị trừng phạt hơn, trong
khi hành vi thứ hai rất hiếm khi bị trừng phạt.
Thậm chí, nhiều vị lãnh đạo cơ
quan còn cho rằng “anh em làm việc vất vả mà lương thấp quá, thôi thì
để họ kiếm tí chút bồi dưỡng, miễn là đừng quá mức khiến người ta kêu
là được”. Điều này lý giải vì sao tuy lương rất thấp nhưng không công
chức nào chết đói; biết lương thấp mà vẫn chạy chọt xin vào bằng được.
Như thế, cơ chế “xin - cho” có lẽ
còn chưa đáng ghét bằng thủ đoạn “xin – không cho”. Cải cách thủ tục
hành chính có thể triệt tiêu ngay lập tức cơ chế xin – cho ở một số
lĩnh vực, chẳng hạn thay việc cấp phép bằng đăng ký. Tuy nhiên việc thủ
tiêu cơ chế “xin – không cho” xem ra khó khăn hơn, vì như đã nói ở
trên, các công chức luôn có lý do để biện minh cho việc chậm giải quyết
nếu như bị khiếu nại (còn thông thường ít khi người dân dám khiếu nại,
mà chỉ nhẫn nhục chịu đựng hoặc chi tiền cho xong).
Họ có thể
làm như vậy, vì họ dựa vào vị thế “độc quyền tự nhiên” của thiết chế
chính quyền. Một khi đã độc quyền, thì người ta chả việc gì phải chiều
chuộng khách hàng, chả việc gì phải PR cho bản thân như các tổ chứ phi
độc quyền khác.
|
Khi độc quyền, người ta không cần tới PR. Ảnh minh họa: tuoitre |
Vì sao công chức không cần PR?
Chúng ta nói khá nhiều đến công
tác dân vận – về tầm quan trọng của nó, cũng như sự yếu kém của nó
trong giai đoạn hiện nay. Dân vận chính là PR trong lĩnh vực chính trị.
Và dân vận đã có từ rất lâu, trước khi môn PR ra đời.
Truyền thuyết Nguyễn Trãi cho
người dùng mỡ viết lên lá cây để kiến theo đó đục thủng thành dòng chữ
“Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” nhằm khích lệ lòng dân là một ví
dụ đặc sắc.
Còn công tác dân vận đã đóng vai
trò quan trọng như thế nào trong cách mạng Việt Nam thì chắc không cần
phải nhắc lại. Nội một việc thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải
phóng quân, với phương châm mà Hồ Chủ Tịch đã dặn đi dặn lại anh Văn
- tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp: “Đặt nặng chính trị hơn quân sự, coi
trọng tuyên truyền hơn tác chiến”, đã nói lên điều đó.
Vậy tại sao sau khi nắm được
chính quyền công tác dân vận lại yếu kém đến thế, dù về hình thức chúng
ta vẫn có Ban dân vận từ trung ương tới các cấp? Và nếu như môn PR được
dạy cho công chức, thì liệu có làm thay đổi được thái độ của công chức
đối với người dân không?
Với câu hỏi thứ nhất, câu trả lời
là: PR sẽ vô ích nếu bản thân sản phẩm kém chất lượng, và Ban dân vận
thật khó thuyết phục người dân nếu các công chức trong chính quyền quá
tồi tệ. Với câu hỏi thứ hai, câu trả lời là “không”, chừng nào công
chức còn chưa phải nỗ lực giành lấy thiện cảm của người dân, coi đó là
động lực tồn tại của mình. Lý do khá đơn giản: khi độc quyền, người ta
không cần tới PR!
Khi một ngành kinh tế nào đó còn
ở vị thế độc quyền, như điện, nước, bưu chính viễn thông chẳng hạn, thì
ngành đó sẵn sàng cười khẩy lên mọi thứ "pi-a pi-iếc"! Điều tương tự
cũng diễn ra trong các lĩnh vực khác.
Nếu như trong nhiều lĩnh vực
chúng ta đã xoá được đáng kể tình trạng độc quyền, thì riêng trong lĩnh
vực công quyền tình hình lại biến chuyển hết sức chậm chạp. Công quyền
dường như là một lĩnh vực đặc thù, ở đó “độc quyền tự nhiên” có vẻ là
điều không tránh khỏi. Chẳng thể nào có 2 hay nhiều hơn cơ quan công
quyền giống nhau ở cùng một địa phương, hẳn thế! Và vì thế người dân
không có quyền chọn lựa.
Dù có ghét cái tay địa chính phường đến mấy thì ông cụ khốn khổ ở phường Lê Đại Hành,
quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, vẫn cứ phải đến gặp đúng tay đó để làm giấy
tờ. Và nếu đã thế, thì việc gì tay cán bộ đó phải làm "pi-a" với người
dân?
|
Nếu như người dân có
thể lựa chọn cán bộ tiếp nhận, thụ lý hồ sơ, thay vì luôn phải thông
qua một công chức duy nhất, thì khả năng nhũng nhiễu của công chức đã
giảm đáng kể. Ảnh minh họa: tuoitre |
Xoá độc quyền, để buộc công chức phải học và làm "pi-a"
Kêu gọi công chức tu dưỡng đạo
đức hầu như vô ích, khi mà sống trong sạch thì nghèo, còn biến chất thì
giàu. Tăng cường giám sát, hoàn thiện quy trình làm việc để hạn chế tối
đa khả năng nhũng nhiễu của công chức có vẻ khả thi hơn. Tuy nhiên điều
đó chỉ có thể khiến công chức bớt sách nhiễu, chứ chưa thể khiến họ tận
tâm phục vụ người dân, coi người dân như “vua” như ngành PR yêu cầu.
Vậy phải làm sao?
Nếu như có cách nào đó xoá bỏ
tình trạng độc quyền của công chức trong việc xử lý công việc, buộc họ
chịu sự cạnh tranh, đồng thời đánh giá công chức thông qua số lượng và
mức độ hài lòng của người dân được phục vụ, từ đó có chế độ đãi ngộ
tương xứng như cách các công ty vẫn làm, thì có thể khiến công chức
thay đổi cung cách hành xử của mình. Điều này không phải bất khả thi.
Chẳng
hạn, tại một cơ quan, nếu như người dân có thể lựa chọn cán bộ tiếp
nhận, thụ lý hồ sơ, thay vì luôn phải thông qua một công chức duy nhất,
thì khả năng nhũng nhiễu của công chức đã giảm đáng kể.
Một ví dụ khác. Khi việc chứng
giấy tờ phải thực hiện ở một phòng công chứng nhất định theo địa bàn
thì người dân khổ sở hết sức, và thái độ của công chức khó có thể nói
là dễ thương. Nhưng từ khi bãi bỏ quy định về địa hạt công chứng, người
dân có thể chọn lựa giữa phòng công chứng này với phòng công chứng
khác, thì sự độc quyền giảm đáng kể, và thái độ của công chức cũng buộc
phải thay đổi: nơi nào có nhiều người dân đến sẽ thu được nhiều lệ phí
hơn, và báo cáo thành tích cũng đẹp hơn! Tiếp đó, với sự xuất hiện của
các phòng công chứng tư, thì sự độc quyền xưa kia trong lĩnh vực này đã
hoàn toàn bị thủ tiêu.
Hoàn toàn có thể áp dụng mô hình
đó cho nhiều nơi khác. Chẳng hạn, doanh nghiệp xuất nhập hàng tại cảng
Sài Gòn không nhất thiết phải làm thủ tục ở chi cục Hải quan cảng Sài
Gòn, mà có quyền mời hải quan chi cục nơi khác tới kiểm hoá. Số lượng
hàng hoá thông quan, mức độ hài lòng của doanh nghiệp sẽ là tiêu chí
đánh giá cán bộ. Việc giám sát để không có sự thông đồng vi phạm pháp
luật lại là chuyện khác. Những ví dụ trên đây chỉ là gợi ý về một hướng
đi.
Chỉ đến khi đó việc dạy PR cho
công chức may ra mới có ý nghĩa. Và rất có thể chính các công chức tự
bỏ tiền túi theo học cũng nên! Biết đâu khi đó các công ty PR lại có
thêm đất dụng võ, với khách hàng mới là chính quyền các cấp!