Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:11 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 25 » Hai "sự kiện mất mặt"
9:53 AM
Hai "sự kiện mất mặt"
Văn Quang

Hai vụ "nghi án" đang làm chấn động dư luận trong và ngoài nước khiến người dân Việt Nam không những chỉ có quan tâm, mà cảm thấy xấu hổ, xót xa cùng với một tâm trạng căm giận. Vụ mới toanh vừa mới được “phát hiện”, đó là vụ mua bán sừng tê giác lậu của một hoặc hai nhân viên sứ quán VN tại Nam Phi. Vụ thứ hai lùng bùng từ tháng 6 năm nay (2008), các cựu lãnh đạo Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) ở Nhật thừa nhận từng đưa cho một cán bộ có liên quan đến việc giám sát các công trình xây dựng ở TP. Sài Gòn 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng. Nhưng mãi đến ngày 11-11 Tòa án quận Tokyo mới đưa ra xét xử trong phiên điều trần đầu tiên.

Cả hai vụ "nghi án" này đều do những cơ quan điều tra nước ngoài phát hiện và được các cơ quan thông tin đại chúng nước này loan báo trên báo chí, truyền thanh truyền hình. Điều đó cũng dễ hiểu vì đó là những "tội phạm" ảnh hưởng trực tiếp tới an ninh chính trị và sự lành mạnh của đất nước họ. Cho đến nay chưa nguồn tin nào tiết lộ, trong thời gian ở Nhật Bản và Nam Phi điều tra về hai "nghi án" này, họ có thông báo và phối hợp với phía Việt Nam hay không.

Nhưng dù thế nào thì hai "sự kiện mất mặt" cũng làm tổn hại nặng nề tới danh dự Quốc Gia, nếu đây là sự thật. Dù cho đến nay “sự thật” đã có nhiều bằng cớ chính xác, tuy nhiên theo pháp luật, cần phải có một phiên tòa công khai và có kết luận cuối cùng mới có thể xác định làm họ phạm tội. Tạm thời xin để bạn đọc tìm hiểu và đánh giá.

Xin tóm tắt từng sự kiện cho rõ ràng, từ mới tới cũ.

Đài Truyền hình Nam Phi chiếu phim trinh thám?

“Một người đàn ông mang sừng tê giác tới trước cửa đại sứ quán Việt Nam ở thủ đô Pretoria của Nam Phi. Hai người khác từ bên trong ra và kiểm tra hàng trước khi trao một túi, mà nhóm điều tra đoán là bên trong đựng tiền”.

Đó là những hình ảnh đầu tiên, người dân Nam Phi xem được trong chương trình mang tên 50/50 tối 17-11 của kênh truyền hình Nam Phi SABC. Nếu chỉ là một truyện phim loại “hành động” giữa các băng đảng mafia thì chẳng có gì đáng nói. Nhưng đây lại là một đoạn phim có thật, 99,9% là thật. Bởi nó được sản xuất không phải từ một hãng phim mà từ nhóm chuyên viên điều tra của ông Jaap Pienaar, một quan chức thuộc cơ quan Các vấn đề kinh tế, Môi trường và Du lịch ở Easten Cape, Nam Phi. Đoạn phim này được bí mật ghi lại từ hai tháng trước đó. Có lẽ vì cần giữ bí mật để tiếp tục điều tra thu thập thêm bằng chứng, đến nay họ mới công bố.

Nhiều tháng trước, khi được tin một người trong sứ quán Việt Nam muốn mua sừng, nhóm của Jaap bắt đầu mở cuộc điều tra. Họ theo dõi một người đàn ông Nam Phi, được cho là tay trung gian trong vụ mua bán này, đi từ sân bay OR Tambo tới sứ quán Việt Nam.

Họ chờ một vài phút thì thấy một người ở trong sứ quán đi ra gặp tay buôn. Nhóm điều tra đứng cách đó vài mét và dùng máy quay ghi lại cảnh thỏa thuận. Sau một lúc trao đổi, người phụ nữ gọi một người đàn ông trong sứ quán ra ngoài. Hai người kiểm tra những chiếc sừng tê giác.

Một lúc sau, người phụ nữ này vào bên trong rồi trở ra với một chiếc túi, được cho là tiền trả cho vụ mua bán này. Khi tiền được trao, sừng tê giác nhanh chóng được đưa vào túi đen và đưa vào bên trong sứ quán.

Dù chưa rõ liệu những chiếc sừng này có được phép bán hợp pháp hay không, việc chúng được bán cho công dân nước ngoài là trái pháp luật.

Nhóm của Jaap sau đó tới sứ quán để hỏi về vụ mua bán này. Người phụ nữ ở quầy lễ tân, trông rất giống người đã mua sừng, tự giới thiệu là Dung. Người này bác bỏ thông tin rằng bà chính là người trong đoạn video mà nhóm điều tra ghi lại được. Tuy nhiên nhóm điều tra cho rằng hai người này là một.

Bà bí thư thứ nhất Vũ Mộc Anh là người trong phim

Đại sứ quán VN ở Nam Phi đã chính thức xác nhận bí thư thứ nhất sứ quán Vũ Mộc Anh là người trong đoạn băng ghi cảnh giao dịch với một trùm buôn sừng tê giác ngay trước cổng sứ quán VN ở thủ đô Pretoria.

Ông Thi khẳng định và cho biết trong ngày 18-11 đại sứ quán họp khẩn cấp về vấn đề này. Đại sứ Thi nói thêm là bí thư thứ nhất Mộc Anh vẫn chưa chịu thừa nhận hành vi sai phạm của mình và vẫn chưa viết bản tường trình.

Nhìn trong phim có thể thấy rõ bà Mộc Anh mặc quần trắng, áo khoác xanh thẫm nói chuyện với tên buôn sừng. Sau khi tên này cất sừng tê giác vào cốp xe, bà Mộc Anh mỉm cười và quay vào sứ quán.

Một chi tiết đáng lưu ý nữa là trong khuôn hình có cả chiếc xe của tham tán Phạm Công Dũng (biển số 127D) ở ngay phía bên đường đối diện cùng với một người Việt nữa đứng cạnh. Không rõ chiếc xe của tham tán Công Dũng xuất hiện ở đây với mục đích gì?

Không phải lần thứ nhất

Hồi đầu năm nay, một người Việt khi bị bắt tại sòng bạc ở Northern Cape cũng sử dụng xe của ông Công Dũng và trên xe lúc đó có 18kg sừng tê giác. Được hỏi về chuyện này, ông Trần Duy Thi khẳng định: “Anh Dũng đang nghỉ phép tại VN. Chúng tôi đã đề nghị Bộ Ngoại giao triệu tập anh Dũng lên làm việc”. Ông cho biết đã nhắc nhở tham tán Dũng kể từ khi xe của ông xuất hiện trong vụ 18kg sừng tê giác lần trước. Chưa biết Bộ Ngoại Giao ở Việt Nam đã mời ông tham tán Công Dũng lên "làm việc" chưa, có lẽ vụ việc còn trong vòng điều tra, nên chưa thấy công bố ông tham tán có "dính chấu" hay không.

Hai năm trước, từng có trường hợp tùy viên thương mại Khánh Toàn ở đại sứ quán bị phát hiện có liên quan tới việc buôn lậu sừng tê giác trái phép và cũng đã bị “xử lý”. Nhưng "xử lý" như thế nào và xử kiểu gì thì quả thật người viết bài này chưa hề nghe nói. Đại sứ Thi cho biết sứ quán sẽ báo cáo và đề nghị hình thức xử lý. Ông khẳng định quan điểm của VN là “nghiêm cấm và sẽ trừng trị những người có sai phạm”. Ông Đại sứ nói một câu nói "tất nhiên phải là như thế" mà chúng ta thường nghe cả triệu lần rồi nên không có gì phải bình luận thêm. Chỉ có điều đáng “bình” hơn cả: đây không phải là lần thứ nhất đại sứ quán VN ở Nam Phi có liên quan tới việc buôn bán sừng tê giác. Một sự việc, theo như chính ông Đại sứ Trần Duy Thi nói: “việc này tầy đình”, như vậy mà mọi việc vẫn không bị ngăn chặn đến nơi đến chốn, vẫn chỉ đóng khung trong “nhắc nhở nhiều lần”, thậm chí cũng chẳng có một bản “kiểm điểm”, cho nên nhân viên tòa Đại sứ mới dám tiếp tục vi phạm. Còn chuyện ông tham tán Công Dũng, với hai lần chiếc xe của ông có mặt trong vụ buôn bán này cũng là điều "trùng hợp" khó hiểu.

Trước đó, tuần báo Mail & Guardian từng viết: “Các băng nhóm người Việt hiện đang tìm cách độc chiếm thị trường buôn bán sừng tê giác ở Nam Phi trong những năm gần đây”. Tờ báo nói nhân viên sứ quán có liên quan đến đường dây vận chuyển sừng tê giác và thường sử dụng túi hàng ngoại giao để vận chuyển sừng tê giác tới khu vực Viễn Đông để bán lại. Hiện giá sừng tê giác giao dịch tại Nam Phi khoảng 1.200 - 2.000 USD/kg, nhưng khi xuất ngoại giá lên đến 10.000 USD/kg do giá sừng tê giác đã tăng mạnh trong những năm gần đây.

Mỗi ký sừng tê giác lời tới 8 ngàn USD thì “thơm” thật. Vài cái sừng tê giác là cả một gia tài rồi. Và cái được gọi là “valise diplomatique” (túi hàng ngoại giao) được miễn khám xét thì cứ xách như xách giỏ đi chợ qua các của ngõ hải quan là vô cùng tiện lợi. Ngoài cái sừng tê giác ra, biết đâu còn cả chục thứ khác? Mỗi chuyến “công du” đều có giá trị to lớn như vậy, mang về biết bao nhiêu “thành quả vĩ đại” cho… đất nước? Ấy là chưa kể những ngày nghỉ phép, những chuyến đi “tham quan” cũng tậu được ít nhất một cái biệt thự.

Cho nên người dân bây giờ chẳng tốn công hỏi: "Sao nó giàu thế nhỉ?"

Thần dược sừng tê giác và dân buôn lậu

Tại VN, không mấy người biết hình dạng con tê giác ra sao nhưng “thần hiệu” của nó có lẽ ai cũng đã từng nghe. Coi sừng tê giác là “thần dược chữa bách bệnh”, người mắc bệnh hiểm nghèo nghĩ ngay tới nó. Nhiều đại gia thừa tiền tìm đến sừng tê vì sự “sành điệu”... Người ta còn nhấn mạnh đặc tính kỳ lạ của loài thú này tập trung ở chiếc sừng, là "sức mạnh thần kỳ" của việc "chăn gối". Vì thế, chỉ việc mài sừng tê giác ra uống, người “yếu” mấy cũng trở nên “vô địch”!

Và tiền lời của nó của nó là "vô địch". Giới buôn lậu cho biết giá 1 kg sừng tê giác tại Nam Phi khoảng 13.000 USD; xuất ra khỏi nội địa chi phí mất khoảng 10% và về đến VN có thể bán tới 20.000 USD. (Một cái sừng tê giác nặng năm bảy ký thì tiền lời sẽ là vô địch). Nếu chỉ bán riêng phần chóp sừng, giá có thể tới 25.000 USD/kg. Song, VN cũng chỉ là điểm chuyển hàng, bởi sức mua không cao và giá cũng thấp hơn nhiều so với thị trường Hồng Kông.

Vì vậy nên vô số những vụ buôn lậu sừng tê giác với khối lượng nhỏ, xảy ra trong nước, cũng đã bị phát hiện. Đội Chống buôn lậu Công an TP Hà Nội cho biết việc buôn lậu sừng tê giác gần đây diễn ra rất phức tạp. Từ đầu năm đến nay, đội này đã phát hiện gần chục vụ với quy mô khác nhau, tạm kể vài vụ:

Cuối tháng 12-2005, tòa án TP Hà Nội đã tuyên phạt Nguyễn Linh Tùng, một sinh viên du học tại Angola, 22 tháng tù giam do buôn lậu sừng tê giác vào VN. Tháng 10-2004, Tùng bị phát hiện mang 2 sừng tê giác trắng nặng khoảng 10,75 kg qua cửa khẩu Nội Bài. Anh ta cho biết trong thời gian ở Angola có quen biết một người bạn Nam Phi và mua của người này 2 sừng tê giác.

Cách nay hơn 6 tháng, ngày 14-5, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất phát hiện trong hành lý của hành khách Nguyễn Văn Tân (SN 1983, bay từ Hồng Kông về) 2 chiếc sừng tê giác nặng 9 kg.

Tháng 1-2008, Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất cũng phát hiện Trần Quốc Lập (ở quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) từ Singapore về mang theo 5 chiếc sừng tê giác nặng 17,66 kg. Kết luận giám định cho thấy 5 chiếc sừng này là của tê giác hai sừng hâu Phi.

Rất có thể đã có những vu "lọt sổ" bằng một cách nào đó, thí dụ như qua đường "túi ngoại giao", qua những con đường… chỉ có Thánh mới biết.

Người dân đang chờ đợi kết quả cuối cùng của việc buôn bán giữa tòa Đại sứ này và dân buôn lậu Nam Phi. Mong rằng bà bí thư thứ nhất sứ quán Vũ Mộc Anh sẽà vô tội và chiếc xe hơi của ông tham tán Công Dũng cũng sẽ chỉ là “trùng hợp” ngẫu nhiên. Nếu được như thế thì vui biết mấy!

Vụ hối lộ 2 Triệu 6 USD

Như trên tôi đã tường trình, những tin tức về vụ án hối lộ hơn 2 triệu USD của nhà thầu Nhật Bản đã lùng bùng từ tháng 6 năm nay. Nhưng những thông tin chưa đưa ra chứng cớ đầy đủ và danh tính quan chức Việt Nam nào nhận hối lộ chưa được công bố. Mãi đến nay (tháng 11-2008) mới có những thông tin chính thức và người đưa hối lộ đã công khai danh tính người nhận hối lộ.

Hầu như ai cũng biết, muốn làm ăn xuôi chèo mát mái thì việc đầu tiên lo là "thủ tục đầu tiên". Dự án càng lớn thì "thủ tục tiền đâu" càng nhiều. Lương thiện lắm, không cần đòi hỏi, thì cũng phải 5-3 phần trăm tổng mức nhà thầu nhận được “đơn đặt hàng”. Cho nên việc nhận hối lộ kiểu này không còn gì đáng ngạc nhiên đối với dân VN. Từ những vụ vài chục đến vài trăm ngàn đô không còn là điều xa lạ. Nó nằm ở phía sau những suy nghĩ của người dân, đến nỗi nó trờ thành "bình thường" không cần nói ra.

Nhưng vụ này lại do người nước ngoài “đấu tranh chống tham nhũng'” mới lòi ra vụ hối lộ cho quan chức Việt Nam, nói rõ hơn là quan chức ở TP. Sài Gòn. Nó êm ru bà rù từ nhiều năm trước. Nhà thầu bắt tay ngầm với người đứng đầu công trình, khó mà phát hiện. Nhưng ở Nhật Bản làm được và cũng chính nhờ họ nên "ta" mới biết. Người dân có quyền đặt ra câu hỏi: Chưa biết chừng còn nhiều vụ như thế mà "ta" không biết, nay đã "mồ yên mả đẹp" thuộc về quá khứ.

Người nhận hối lộ là Giám Đốc Ban quản lý dự án

Trở lại vụ hối lộ hơn hai triệu đô, theo tin tức từ phía Nhật Bản: Trong phiên điều trần đầu tiên tại Tòa án quận Tokyo hôm 11-11. Các bị cáo gồm cựu chủ tịch PCI Masayoshi Taga, 62 tuổi; cựu giám đốc điều hành PCI Kunio Takasu, 65 tuổi; cựu giám đốc PCI Haruo Sakashita, 62 tuổi; cựu trưởng văn phòng đại diện PCI tại Hà Nội Tsuneo Sakano, 59 tuổi và chính Công ty PCI.

Các công tố viên cho hay các bị cáo này đã thừa nhận đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, giám đốc ban quản lý dự án TP. Sài Gòn , tổng cộng 2,6 triệu USD, tương đương 10% giá trị hợp đồng, để được ưu đãi trong các hợp đồng tư vấn của PCI giai đoạn 2001-2003.

Để bảo đảm lợi nhuận đạt hơn 20% sau khi đã hối lộ, PCI kê khai thêm chi phí nhân sự và các chi phí khác vào bản dự chi trình lên ban quản lý dự án TP. Ông Sakashita và những người khác bị cáo buộc đã đưa tổng cộng 650.000 USD hối lộ ông Sĩ từ tháng một đến tháng 7-2002, sau đó tiếp tục đưa hối lộ gồm: 860.000 USD trong năm 2003, 540.000 USD năm 2004, 160.000 USD năm 2005 và 220.000 USD năm 2006. Tuy nhiên, các công tố viên chỉ xác định vụ án hình sự liên quan đến hai đợt hối lộ 600.000 USD năm 2003 và 220.000 USD năm 2006.

Như thế mỗi lần hối lộ sơ sơ, kể cả hình sự và không phải là hình sự, cũng phải trên trăm ngàn USD trở lên.

Bao nhiêu tiền đổ vào dự án Đại lộ Đông Tây

Xin nêu vài nét sơ lược về Đại lộ Đông Tây, được khởi công từ ngày 31-1-2005, bắt đầu từ quốc lộ 1A huyện Bình Chánh và kết thúc tại xa lộ Hà Nội quận 2, tổng chiều dài toàn tuyến gần 22 km. Dự án có hạng mục hầm Thủ Thiêm vượt sông Sài Gòn lớn nhất Đông Nam Á.

Dự án với tổng vốn đầu tư ban đầu gần 10.000 tỷ đồng, trong đó có 6.394 tỷ đồng vay ODA của Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), số còn lại từ ngân sách thành phố. Dự trù hoàn tất dự án vào tháng 2-2008 nhưng phải dời lại đến đầu năm 2010.

Mới là thời gian vốn đầu tư ban đầu đã là 10.000 tỷ đồng, vậy tổng số đầu tư toàn diện sẽ là rất lớn. Và cứ tà tà làm đến 2010 mới xong. Từ tháng 7 năm 2002 mỗi năm ngài giám đốc ban quản lý dự án Huỳnh Ngọc Sĩ, ngồi rung đùi “nhấm nháp” vài trăm ngàn đô la. Mới đến năm 2006 đã thu về hơn hai triệu đô la thì 2 năm sau, nếu cứ “yên vui hương thái bình” cho đến khi làm lễ “báo công hoàn thành tốt đẹp dự án” thì không biết số triệu đô la sẽ lên đến bao nhiêu.

Ông Huỳnh Ngọc Sĩ hiện nay là phó giám đốc Sở Giao thông Vận Tải TP. Sài Gòn, giám đốc ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và môi trường nước TP. Sài Gòn.

Nhiều ông bạn tôi ở nước ngoài về VN hoặc chưa về nhưng cứ ngẩn ngơ hỏi tôi: “Sao thiên hạ lại giàu đến thế được nhỉ. Mua vài căn nhà ở những khu chung cư hạng sang như The Manor, hoặc hạng trung như Phú Mỹ Hưng không thèm ở, cho “lính lác”, người quen ở coi nhà giùm. Vác cả tiền sang Mỹ mua nhà cho thuê”.

Nay thì xin các ông đừng hỏi nữa nhé.

Nhà cầm quyền Việt Nam làm gì?

Theo một Đại biểu Quốc Hội VN trả lời báo chí, cho biết: “Thông tin về số tiền hối lộ lên tới cả triệu USD có thể khiến nhiều người băn khoăn, không biết có thực hay không. Nhưng muốn giải được câu hỏi ấy thì việc đầu tiên là phải tiếp xúc với đối tượng bị nêu tên. Theo tôi biết, cho đến lúc TP. Sài Gòn đình chỉ công tác ông Sĩ, cơ quan điều tra vẫn chưa tiếp cận với ông ấy. Đây là một sự chậm trễ khó giải thích. Tôi nhớ rằng cũng trong thời gian nêu nghi án hối lộ của PCI, báo chí Nhật còn loan tin về một vụ hối lộ tương tự diễn ra ở Bangkok. Biết tin này, chính quyền Bangkok đã vào cuộc ngay.

Và ông cũng không quên yêu cầu:"Chính phủ cần kiểm tra chất lượng dự án đại lộ Đông Tây" và những dự án do ông Sĩ làm được cử làm "chủ dầu tư". Chưa biết chừng từ hai “nghi án” này còn tóe loe ra nhiều vị khác “dính chùm”. Hãy chờ xem.

Trả lời trước Quốc Hội VN, ngày 13-11, người đứng đầu chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết: “Khi báo chí Nhật Bản đưa tin việc hối lộ liên quan đến một quan chức của Việt Nam, chúng tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại giao liên hệ với bạn, yêu cầu chuyển hồ sơ cho chúng ta xử lý, không thể công dân Việt Nam mà để cơ quan tư pháp nước khác điều tra.

Phía bạn một thời gian dài mới gửi hồ sơ, nhưng hồ sơ đó cũng chưa đủ cơ sở pháp lý, chúng tôi đã yêu cầu cơ quan điều tra tiếp nhận, phối hợp để làm rõ vấn đề này, làm rõ tới đâu sẽ xử lý đúng pháp luật của Việt Nam. Cơ quan chức năng đang thực hiện việc này, giữa ta và Nhật Bản đã lập một Ủy ban phối hợp để đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng ODA”.

Chúng ta lại vui lòng chờ đợi Cái Ủy Ban Phội hợp Việt Nhật kia sẽ đưa ra những kết luận như thế nào? May ra ông Sĩ cũng vô tội thì vui quá! Phải không bạn?
Nguồn: Viendong Daily
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 840 | Added by: danchu | Rating: 4.0/1
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 41
Khách: 41
Thành Viên: 0