Hồi tôi còn nhỏ,tôi nhớ bố tôi thường hay hát ru mấy câu ca dao quen
thuộc cho tôi và các em tôi để ru ngủ. Thực ra ông không thuộc nhiều,
chỉ quanh quẩn mấy bài
Con cò bay lảbay la, Mẹ đi làm về…; rồi một vài bài về quê hương đất nước gì đó. Nhưng quen thuộc nhất vẫn là mấy câu ca dao:
Công cha như núi thái sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Bác Hồ hơn mẹ, hơn cha...
Rồi ông tự giải thích cho tôi nghe rằng: Núi thái sơn to lắm, vừa to
vừa cao, ở mình không có núi nào to, cao bằng. Nước ở nguồn chảy ra hết
ngày này qua ngày khác, hết năm này sang năm khác không bao giờ cạn.
Người ta so sánh như vậy để thấy công lao cha mẹ chăm sóc nuôi dưỡng
đối với người con là rất to lớn. Đạo làm con phải biết điều đó và luôn
phải có hiếu với cha mẹ, luôn phải vâng lời cha mẹ...
Bác Hồ như thế nào mà hơn cả bố mẹ ạ? Tôi thắc mắc. Ông giải thích cho
tôi: Lớn lên con sẽ hiểu. Bác Hồ là người có công rất lớn đối với đất
nước, đối với dân tộc Việt Nam. Công lao của người lơn như biển đông.
Con phải biết nếu không có bác Hồ thì không có chúng ta hôm nay, chúng
ta không được làm người, công lao bác Hồ là hơn cả mẹ, hơn cả cha đấy.
Nhà tôi thuộc thành phần bần nông. Bố tôi rất tự hào về thành phần
“cơ bản” này, cố gắng lắm mới dựng được căn nhà gỗ ba gian. Hôm vào nhà
mới có ông cán bộ tuyên huấn của huyện uỷ được hạ phóng xuống nằm ở xã
tôi đến hàng năm nay để vận đông nhân dân chấp hành đường lối chính
sách của đảng, nhà nước. Ông thường xuyên đi lại ăn nằm ở nhà tôi, vì
bố tôi cũng làm một chân nho nhỏ ở xã (làm phó chủ tịch UB xã). Ông đến
và đem tặng một câu đối viết bằng chữ quốc ngữ ép tròn, nguyên bản của
hai vế đối là:
Ơn Bác đảng ấm no kiến thiết
Nhờ tổ tiên phúc trạch bình an
Tôi
vừa treo xong ở nơi trang trọng nhất, mấy ông bạn bố tôi tấm tắc khen
hay và đua nhau đưa ra lời bình. Vế thứ hai thì đã rõ ít ai tranh luận
và giải thích; vế thứ nhất thì nhiều người hăng hái phân tích. Ông cán
bộ tuyên huấn của huyện uỷ nói dõng dạc và sâu sắc lắm. Ông nói: nếu
không có Đảng,không có Bác Hồ thì không thể có cái nhà mới này được, vì
loại người như chúng ta suốt đời đi làm thuê làm mướn cho bọn địa chủ,
cường hào, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, lấy đâu ra tiền của mà làm
nhà? Mà có tiền của đi chăng nữa thì chúng nó cũng không cho ta làm vì
nó chỉ muốn dân ta nghèo khổ suốt đời... Bác nói chí phải, câu đối thật
ý nghĩa, cứ gọi là đối chan chát... Liên tiếp hết người này đến người
kia chúc rượu ông. Lúc đó tôi cũng rất thán phục ông cán bộ của đảng
này. Mãi về sau tôi mới biết câu đối do một ông thầy đồ viết cho.
Tôi không thể nào quên được láng giềng cạnh nhà tôi có ông một hôm mua
được một tấm ảnh Bác Hồ để treo nhân dịp tết nguyên đán sắp đến. Ông
ngắm nghía mãi rồi quyết định treo lên một chiếc cột quân ở giữa
nhà,vừa đóng đinh xong,ông cán bộ của đảng vào liền xua tay và nói với
chủ nhà: “Ấy, chỗ này không được, phải treo lên chỗ trịnh trọng nhất
chứ! Cái ảnh này còn quan trọng hơn cả tổ tiên chúng ta. Ông phải treo
lên trên bàn thờ thì mới phải đạo chứ!” Thế là tấm ảnh được đưa lên
trên bàn thờ, cao hơn cả bát hương thờ tổ tiên. Từ đó ở làng tôi nhà ai
mua được ảnh Bác Hồ đều treo ở vị trí như ông cán bộ của đảng hướng dẫn.
Vào dịp năm học mới, các gia đình đều mua sắm cho con bộ quần áo mới.
Nhà tôi nghèo nên không có được niềm vui ấy. Cùng làng có đứa cùng
trang lứa tôi, sáng nay nó mong mỏi mẹ nó đi chợ về. Chả là mẹ nó hứa
mua cho nó bộ quần áo mới. Vừa thấy bóng dáng mẹ là nó chạy ùa về ngay,
bọn trẻ chúng tôi cũng ùa theo xem. Vẫn ông cán bộ của đảng hạ phóng ấy
ngắm nghía bộ quần áo mới mà mẹ nó vừa mặc thử cho nó rồi dõng dạc:
“Đây là áo của đảng, của Bác Hồ, nhờ công ơn của đảng,của bác ta mới có
cơm ăn áo mặc, cháu cố gắng học cho giỏi để đền đáp công ơn đảng, bác
Hồ nhé.” Đứa trẻ gật đầu vâng vâng dạ dạ. Bố mẹ nó cũng gật gù tán
thưởng và nói thêm với con: “Bác là cán bộ của đảng, bác nói cái gì
cũng đúng. Con phải nhớ lời bác dặn, nhớ chưa?” “Vâng ạ!” Đứa trẻ lại
gật gù. Tôi tủi thân vì mình không có quần áo mới; và lúc đó cũng biết
tự an ủi mình vì chắc còn rất nhiều bạn như mình, nhất là các bạn ở các
nước khác như Trung Quốc, Liên Xô chẳng hạn, vì ở đó làm gì có đảng, có
Bác Hồ như ở Việt Nam ta!
Tôi lớn lên trong môi trường như vậy. Không riêng gì tôi, tôi mong
ước lớn thật nhanh để được vào đảng, để cống hiến được nhiều cho tổ
quốc, cho nhân dân. Tôi cũng rất tự hào về cái thành phần được gọi là
“cơ bản” của gia đình mình, tự hào về bố mình, tuy chẳng có trình độ gì
nhưng cũng được đứng trong hàng ngũ của đảng. Có chút ít về lợi thế nên
tôi đã sớm trở thành đoàn viên, hồi đó được gọi là cánh tay phải của
đảng. Có nhiều người thắc mắc, tôi là người thuận tay trái nên thấy
cũng có lý. Sau này được đổi thành cánh tay đắc lực của đảng, tôi tự
hào lắm. Nhớ lại những năm mới đi công tác, tôi nôn nóng muốn được đứng
vào hàng ngũ của đảng. Chả thế mà mấy lần chi đoàn cơ quan tôi bình bầu
đoàn viên ưu tú để giới thiệu cho đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp đảng,
tôi bị rớt mấy lần vì còn một số mặt hạn chế cần tiếp tục tu dưỡng, tôi
đã cảm thấy chán sống. Thế rồi lại trấn tĩnh lại. Và cái gì đến sẽ đến.
Năm 1980 tôi được kết nạp đảng, đánh dấu bước ngoặt trong cuộc đời tôi.
Tôi là người cũng chẳng có trình độ và tài cán gì, nhưng được cấp trên
quan tâm nâng đỡ nên vừa chuyển đảng chính thức tôi đã được bầu vào cấp
uỷ địa phương (cấp huyện). Rồi năm 1983, được cử đi học trường đảng
Nguyễn Ái Quốc hệ cao cấp tại Hà Nội, đến năm 1986 ra trường. Trong
thời gian học, tôi được tiếp nhận những thông tin rất quan trọng. Đó
là: chủ nghĩa mác lê-nin là đỉnh cao của khoa học xã hội; xã hội loài
người tất yếu phải đi lên cnxh và cncs; chủ nghĩa tư bản là thối nát,
đang giãy chết, là đêm hôm trước của cnxh; muốn xây dựng cnxh và cncs
thành công thì tất yếu phải có chính đảng cộng sản lãnh đạo, sự lãnh
đạo của đảng là tuyệt đối; đảng không chia sẻ quyền lực, quyền lãnh đạo
cho bất cứ ai vv và vv.
Ra trường, tôi như một con chiên ngoan đạo. Tôi luôn tin vào đảng. Tôi
là một trong những người lớn tiếng khẳng định đường lối của đảng luôn
đúng đắn, mặc dù trong thời điểm đó đất nước đang đứng bên bờ vực thẳm
do những chính sách sai lầm của đảng gây ra. Chắc vì thế tại đại hôi
huyện đảng bộ năm1986 tôi được bầu vào thường vụ huyện uỷ, phụ trách
công tác tổ chức của đảng bộ huyện.
Đại hội 6 của đảng mở ra đường hướng mới, đường hướng mở cửa, xóa
bỏ tập trung quan liêu bao cấp, đổi mới tư duy, nhất là tư duy kinh
tế... Tôi cũng là người hăng hái tuyên truyền về các quan diểm của đảng
theo đúng những gì đảng định hướng. Cũng vào thời điểm này tôi bắt đầu
vấp phải những hiện thực khách quan, tức là những thực tế sinh động
trong đời sống xã hội, nếu đem đối chiếu với các quan điểm của đảng thì
tôi thấy nó không đúng với những gì mà đảng đã nhồi nhét cho tôi. Tôi
bắt đầu hình thành lối tư duy mới theo phong trào đổi mới tư duy mà
đảng đang hô hào và bắt đầu chú ý và tiếp nhận những thực tế đó để rồi
tự mình đánh gia, phân tích, suy luận. Thật thú vị. Có những cái mà
trước đây mình cho là việc cỏn con, không đáng quan tâm, bỏ ngoài tai,
thì bây giờ suy ngẫm lại, lại thấy nó rất có ý nghĩa. Lần theo lối tư
duy này có những lúc tôi đã giật thót mình vì cảm thấy xấu hổ về những
gì mà mình đã nói và làm, về những gì mà mình đã thao thao bất tuyệt để
rồi đây thấy đổi hẳn 180 độ, không biết mình sẽ ứng xử sao đây.
Từ đó con người tôi đã có những chuyển biến căn bản trong tư tưởng, từ
một con người nói và làm theo định hướng sang con người biết tiếp nhận
hiện thực xã hội để rồi có thái độ nghiêm túc đánh giá, xem xét nó theo
nhiều giác độ khác nhau.