Thứ Năm, 2024-11-21, 6:49 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 26 » KHỦNG HOẢNG – CƠ HỘI CUỐI
6:54 AM
KHỦNG HOẢNG – CƠ HỘI CUỐI
Vào tháng này năm ngoái, quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2008 theo đề xuất của chính phủ. Mặc dù tình hình lạm phát lúc đó đã đến mức báo động nhưng chính phủ và quốc hội vẫn xây dựng mục tiêu tăng trưởng GDP 8,5% - 9%.

Con số này là một cơ sở để đòi phải tăng cường đầu tư, nghị quyết nêu rõ đầu tư sẽ đạt 42% GDP trong cùng năm tài khóa 2008 - một con số rất cao và tỷ lệ nghịch với chất lượng tăng trưởng nhưng tỷ lệ thuận với giá trị tham nhũng. Kết quả là các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn và tổng công ty, được rót ngân sách khổng lồ và đầu tư tràn lan vào đủ thứ lĩnh vực. Nguy cơ lạm phát không hề được tháo ngòi nổ từ gốc mà lại còn bị đổ thêm dầu vào lửa bởi nạn đầu tư ăn xổi ở thì này. Hậu quả thì thấy ngay lập tức, lạm phát và nhập siêu phi mã chóng mặt. Chính phủ buộc phải thắt chặt tiền tệ nâng lãi suất lên còn chóng mặt hơn.

Lợi ích công hay tư?

Hậu quả đến giờ ai cũng nhìn thấy. Nông dân lẫn các doanh nghiệp vừa và nhỏ điêu đứng, phá sản hàng loạt; sản xuất đình đốn làm sức cung suy giảm nghiêm trọng. Nhưng điều tồi tệ hơn nữa là sức cầu đã và đang tiếp tục suy thoái nặng nề cho dù nhu cầu mong muốn của người dân vẫn tăng. Chính phủ buộc phải nới lỏng tiền tệ. Dù vậy, lãi suất có xuống thêm nữa thì nhu cầu vay để đầu tư cho sản suất cũng không thể phục hồi chỉ trong một vài tháng do lực lượng sản xuất đã thiệt hại nặng nề, không thể gượng dậy ngay được. Trong khi đó, các biện pháp kích cầu tiêu dùng nội địa và đầu tư đang được khởi động. Những cái vòng luẩn quẩn đang được lặp lại.

Kỳ họp quốc hội mới đây vừa thông qua nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Không hề tìm thấy những phân tích xác định các yếu kém căn nguyên của nền kinh tế và các vấn đề xã hội đang nóng bỏng để đưa ra những biện pháp sửa lỗi căn bản nhằm dần tạo ra sự phát triển bền vững. Thay vào đó, mục tiêu tăng trưởng được đặt khoảng 6,5%, tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên GDP là 39,5% (có giảm so với 2008 nhưng vẫn ở mức rất cao). Điều này cho thấy chính quyền vẫn tiếp tục theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn, kém chất lượng và không bền vững.

Các mục tiêu này vẫn xoay quanh lợi ích của các nhóm thiểu số và được chi phối bởi động lực của các nhóm này như từ nhiều năm nay, bất chấp những nguy cơ và hậu quả vẫn còn đó của cả nước, bất chấp những bất lợi từ tình hình kinh tế thế giới. Việt Nam đang cần một sự tăng trưởng mà cơ hội của nó được phân bổ công bằng cho hầu hết dân chúng. Một mức tăng trưởng thấp hơn nhưng chất lượng tốt hơn thì đa số người dân vẫn được hưởng thành quả. Với kiểu tăng trưởng như lâu nay, lợi ích thì các nhóm thiểu số chiếm đoạt nhưng hậu quả thì đa số dân chúng lãnh đủ. Đó là chưa kể tác hại của môi trường bị hủy hoại, kẹt xe tắt đường, v.v…, tất cả đều đè nặng lên đa số người dân.

Thực sự muốn bền vững?

Cũng trong kỳ họp quốc hội vừa rồi, có đại biểu quốc hội chất vấn chính phủ về chiến lược phát triển bền vững thì được thủ tướng trả lời rằng phần này đã có trong báo cáo vừa mới đọc. Khi xem báo cáo này thì thấy một chiến lược tăng trưởng bền vững được viết trong vài dòng, với ý chung chung là xây dựng trên 3 trụ cột. Tiếng nói của những đại diện dân cử có đủ quyền hạn và tư cách còn bị dễ dàng lướt qua trước nghị trường, trước hàng triệu người dân mà họ đại diện, thì những cảnh báo khác làm sao thắng được sức mạnh của các nhóm lợi ích thiểu số. Những gì đang diễn ra ở Việt Nam gần một năm nay đã được cảnh báo ngay từ đầu năm 2006. Các phân tích cảnh báo này đã được gửi đến những đại biểu quốc hội với hy vọng họ sẽ tác động cần thiết để tránh những cơn bão cho nền kinh tế. Hy vọng này đã không thành hiện thực.

Bước sang 2007, những nguy cơ này càng trầm trọng hơn nhưng cả nước đang bị làm cho phấn khích với việc gia nhập WTO. Những cảnh báo nguy cơ và kiến nghị giải pháp đã được gửi đến các vị lãnh đạo chính phủ cao nhất với mong muốn nó sẽ được quan tâm để tháo gỡ ngòi nổ cho nền kinh tế. Những vấn đề được đề cập trong các bài “Một năm sau đại hội X – Cảnh báo những nguy cơ quốc gia”, “Việt Nam đồng đang ở đâu và sẽ đi về đâu” đều được trình bày rõ ràng kèm những giải pháp gửi cho các vị này. Khi chỉ nhận được sự thờ ơ của họ thì các bài viết này mới được cho công bố rộng rãi. Nhóm vận động này cũng đã tiếp cận bằng nhiều cách khác nhau thông qua những quan hệ khác nhau nhưng đều vô tác dụng trước sức chi phối của đồng tiền.

Vừa rồi, nhóm vận động này lại đổi cách tiếp cận, muốn thông qua báo chí chính thống trong nước để lên tiếng cảnh báo đến toàn dân nhằm tạo ra sự nhận thức đúng đắn vấn đề. Điều này ngoài việc giúp người dân khả năng tự chống đỡ khó khăn nó còn tạo áp lực lên các chính sách vĩ mô để có được sự điều chỉnh cần thiết, đặc biệt là lúc chính phủ và quốc hội chuẩn bị cho kế hoạch 2009. Kết quả nhận được vẫn là một sự im lặng đồng nhất, trong đó ứng xử có trách nhiệm nhất là “cảm ơn đã gửi bài”. Dù không quá ngạc nhiên nhưng những ai tham gia vào công việc này đều không thể tránh khỏi cảm giác xót xa cho số phận của dân tộc.

Chúng ta đều có thể hiểu được sức ép và sự bị khống chế mà các nhà làm báo gặp phải thời gian qua. Nhưng thái độ cúi đầu quá dễ dàng và nhanh chóng của họ thì thật khó mà tìm được sự đồng tình và thông cảm của người dân. Báo chí bây giờ thích khai thác sự bực dọc, uất hận của dân chúng đối với các sự việc đã gây hậu quả hơn là cung cấp cho họ những thông tin cần thiết để tránh hoặc đối phó với những nguy cơ có thể gây hại. Một khi người dân đủ khả năng tự bảo vệ mình thì những hành động của các tổ chức hoặc nhóm lợi ích muốn trục lợi trên người dân khó mà thực hiện được để có thể gây ra hậu quả.

Bong bóng và thực chất

Một cơ hội nữa lại bị bỏ qua. Vào cuối năm 2007 nếu các nhà hoạch định chính sách vĩ mô biết lắng nghe và đặt quyền lợi của đa số dân chúng lên trên hết thì đã có được những chiến lược đúng đắn để chủ động đối phó với khủng hoảng, giảm đi thiệt hại rất lớn, thay vì rơi vào bị động buộc phải dùng đến những biện pháp gây nhiều hậu quả như ngày nay. Còn bây giờ, cơ hội để tránh được một sự sụp đổ nặng nề cũng đã bị đánh mất khi các chính sách của 2009 được phê chuẩn. Vẫn như từ nhiều năm nay, các chính sách vĩ mô này chủ yếu tập trung sử dụng các công cụ tiền tệ và tài khóa. Những thứ này chỉ tạo ra các tác động trong ngắn hạn, nhất thời làm thay đổi giá trị danh nghĩa – tức là một sự thay đổi ở ngọn. Sự thay đổi các giá trị danh nghĩa này nếu không đi kèm với sự gia tăng nguồn lực thì trước sau gì chúng cũng sẽ bị điều chỉnh về giá trị thực.

Các giá trị danh nghĩa ở Việt Nam hiện nay là những bong bóng khổng lồ liên thông nhau. Thời gian qua chúng chưa hề được xả hơi để giảm nguy cơ nổ tung, áp lực từ chỗ này chỉ được chuyển tạm thời qua chỗ khác mà thôi. Chứng khoán và bất động sản bơm hơi qua lạm phát và lãi suất, từ đây bơm tiếp vào tỷ giá. Bây giờ nó đang tìm cách để bơm vòng lại bất động sản, nếu biện pháp “kích cầu” bất động sản lần này không có tác dụng thì quả bóng tỷ giá sẽ nổ tung. Khủng hoảng do bong bóng xảy ra trong tình trạng nội lực suy kiệt như Việt Nam lúc này sẽ gây ra một sự sụp đổ toàn diện.

Nhiều nước trên thế giới cũng đang khủng hoảng, nhưng nước nào có nguồn lực trong nước được chăm sóc tốt và thực chất – tức là có nền tảng vững thì cho dù khủng hoảng có rất nặng nề đi nữa, nền kinh tế nước đó vẫn có khả năng điều chỉnh và nhanh chóng tạo ra cơ hội mới để phát triển. Việt Nam lâu nay luôn thiếu vắng những biện pháp chăm sóc từ gốc làm nó ngày càng mục ruỗng do đó mà nội lực của quốc gia ngày càng suy kiệt. Nguồn lực trong nước không chỉ ít được tạo mới mà còn bị khai thác tràn lan và phí phạm. Nguồn lực quan trọng nhất là con người thì ngày càng kém chất lượng và bị xem thường. Vốn xã hội thì bị xói mòn và xuống cấp. Niềm tin thì bị đem ra chơi trò cút bắt bịt mắt bắt dê. Chúng ta rất muốn lạc quan để vượt qua khó khăn nhưng thật khó để tìm thấy những sở cứ cho nó.

Vẫn theo đuổi ngắn hạn

Vì sao các chính sách vĩ mô thời gian qua chỉ thích ở ngọn thì cũng không khó hiểu. Dù các công cụ tiền tệ và tài khóa này chỉ có tác dụng ngắn hạn nhưng chúng lại dễ làm, và lại rất dễ bị lợi dụng để trục lợi bởi các nhóm lợi ích và cả những người sử sụng công cụ. Hậu quả dài hạn của nó thì người dân “hưởng” trọn. Các biện pháp cải cách hành chính và thể chế là điều vừa khó, lại vừa làm mất đi quyền lực để trục lợi cho nên vẫn ì ạch giậm chân tại chỗ. Vừa rồi có một đại biểu quốc hội chất vấn thủ tướng đại ý là làm sao cải cách hành chính có tiến triển để dân gian không phải kêu hành dân là chính nữa. Người đứng đầu chính phủ thay vì trả lời thì phản bác lại rằng qui kết như thế là không có thực tiễn.

Tuy nhiên điều đáng quan ngại hơn nữa là những phát biểu của các thành viên chính phủ trước kỳ họp quốc hội vừa rồi cho thấy trong những năm kế tiếp chính phủ sẽ vẫn theo đuổi những chính sách ngắn hạn bằng các công cụ tiền tệ và tài khóa; không nhìn nhận tình trạng khủng hoảng để giải quyết tận gốc. Chi phí cho việc duy trì bong bóng này rất tốn kém, làm cho nguồn lực trong nước đã yếu lại càng thiếu hụt, chỉ những kẻ trục lợi và đầu cơ chính sách là hưởng trọn. Dự trữ trong dân bị “xén lông cừu” nên đã vơi cạn bởi những cơn sốt phình lên xẹp xuống của các bong bóng chứng khoán, nhà đất, lạm phát, lãi suất, tỷ giá. Dự trữ ngoại tệ quốc gia được cho biết là có tăng lên chút ít. Tuy vậy, sau lời khẳng định nhiều lần của người đứng đầu chính phủ trước quốc hội và toàn dân về việc người nông dân trồng lúa lời trung bình 60% trong năm 2008, người dân đã có cơ sở để hoài nghi về tất cả những số liệu khác mà chính phủ công bố.

Tin từ việc chuẩn bị hội nghị của chính phủ trong tháng tới để triển khai nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2009 cho hay: các tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ lại được dành ưu tiên rất lớn trong việc đầu tư kích cầu và đầu tư đón đầu hậu khủng hoảng. Cho dù quốc hội có yêu cầu xiết chặt quản lý các tập đoàn kinh tế, nhưng sự khẳng định của người đứng đầu chính phủ trước quốc hội về vai trò quan trọng của các doanh nghiệp này trong việc điều tiết vĩ mô và kiềm chế thành công lạm phát vừa rồi, đã cho họ những kim bài miễn tội, thúc đẩy họ tiếp tục đi vào những kế hoạch tai hại. Những kiểu điều hành vĩ mô thế này cho thấy mong muốn phát triển bền vững chỉ là những khẩu hiệu suông.

Bất ổn đang gia tăng

Tình trạng bất ổn xã hội đang gia tăng. Trong cả 2 kế hoạch của 2008 và 2009 đều đặt mục tiêu tạo ra 1,7 triệu việc làm mới mỗi năm. Nếu đây là một tính toán nghiêm túc thì nó thể hiện sự thụt lùi về chất lượng tăng trưởng vì năm 2008 ban đầu được dự kiến sẽ tạo ra 8,5 - 9% tăng trưởng GDP; con số tương tự cho 2009 là 6,5%; số việc làm được tạo mới bằng nhau cho một mức tăng sản lượng thấp hơn, tức năng suất lao động trên đầu người sẽ sụt giảm. Sự tăng trưởng không dựa trên tăng năng suất thì làm sao nói đến phát triển bền vững được. Mà làm sao có được việc làm mới trong khi lực lượng duy nhất làm được điều này trong nhiều năm qua là các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang hấp hối và đã chết gần một nửa. Thực ra không ít người thừa hiểu rằng những con số mục tiêu về việc làm này được đưa ra để che dấu tình trạng thất nghiệp đã và sẽ còn tăng nhanh và phức tạp trong thời gian tới. Tội phạm và tệ nạn xã hội cũng theo đó mà tăng mạnh.

Với người nông dân thì tương lai trước mắt còn mờ mịt hơn rất nhiều. Lực lượng lao động trong khu vực này ngày càng tăng cả về con số lẫn tỷ lệ. Trong khi đó tư liệu sản xuất quan trọng nhất là đất đai thì đang bị thu hẹp nhanh chóng, mà đầu tư cho công nghệ để gia tăng năng suất lao động thì gần như bằng không. Chuyển đổi sang việc làm trong khu vực công nghiệp và dịch vụ thì gặp phải những chiếc bánh vẽ của các kẻ đầu tư để chiếm đất nông nghiệp. Số cầu lao động do các doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo ra hàng năm cho khu vực nông thôn thì bây giờ là một con số âm to tướng. Những công nhân gốc nông dân giờ đây trở về quê với hai bàn tay trắng, không đất không nghề. Mưu sinh với họ là cả một thử thách đạo đức. Hàng tỷ đô-la đầu tư kể cả từ nước ngoài lẫn từ nhà nước thì số dành cho nông nghiệp và nông thôn chỉ là phần thừa đuôi thẹo. Lúa, cá, tôm, cà phê, v.v… giảm giá và ế ẩm đang chồng chất nợ nần lên người nông dân. Doanh nghiệp nếu phá sản còn áp dụng được luật để giải trừ trách nhiệm trả nợ, còn người nông dân thì có chết cũng không hết trách nhiệm do vỡ nợ. Con giun xéo mãi cũng oằn.

Mong qua ngày đoạn tháng

Bức tranh chung thật là u ám. Và điều đáng lo sợ nhất là tư duy đối phó ngắn hạn của những người cầm chèo cầm lái. Người ta vẫn còn trông chờ vào những phép màu nên tiếp tục mua thời gian bằng cách vay mượn tương lai để tạm qua năm tháng hiện tại. Nhưng không ai mua mãi như thế được vì thời gian mua được càng về sau càng ngắn đi do chi phí mua càng tăng lên. Cũng giống như phải chấp nhận vay siêu cao của người sau để trả lãi cao cho người cho vay trước đó vậy, càng ngày càng cụt dần. Nếu trước đây những chính sách ngắn hạn chỉ thấy hậu quả khoảng vài ba năm sau đó, thì bây giờ chỉ vài tháng là hiển hiện.

Năm 2007 tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kém chất lượng vào đầu năm thì cuối năm lạm phát tăng mạnh; giảm thuế nhập khẩu để chống đợt lạm phát này thì ngay lập tức nhập siêu tăng vọt vào đầu năm 2008; kéo theo lạm phát cùng phi mã. Rồi nó lại được chữa trị bằng lãi suất cao, giết chết sản xuất trong nước chỉ vài tháng sau đó. Bị buộc phải cam kết với giới tài phiệt giữ giá tiền đồng cao đến không tưởng nên tất yếu phải nâng lãi suất càng cao hơn nữa để giữ chân dòng vốn đầu cơ không chạy ra ngoài. Nhưng bài học chưa kết thúc. Sau khi đã trục lợi chán chê bằng cách đó thì các dòng vốn này đang được rút dần và gia tăng áp lực lên tỷ giá.

Cả nước đang gồng mình chịu đựng sức căng của bong bóng tỷ giá. Bây giờ nếu không muốn dòng vốn này chuyển ra khỏi Việt Nam thì phải có những món gì khác rất hời hơn nữa để giữ chân họ lại. Dài hạn hay ngắn hạn, chấp nhận xì hơi bong bóng tỷ giá hay bơm áp lực của nó qua chỗ khác là bài toán đang đợi sự quyết định khôn ngoan lẫn dũng cảm hay không của những người cầm lái. Có rất ít hy vọng để tin cơ hội cuối cùng này sẽ không bị đánh mất. Những kẻ cơ hội và các nhóm lợi ích tư vẫn đang chực chờ vây quanh các tay chèo và bánh lái với hàng trăm biện pháp trục lợi được che dấu dưới những chiêu bài “ổn định kinh tế vĩ mô”.

Dân phải tự cứu mình?

Thiếu tỉnh táo chiến lược lần này sẽ dẫn đến một sự sụp đổ. Hậu quả của nó sẽ rất kinh hoàng và còn phải chịu thêm tác động kép của khủng hoảng thế giới. Việt Nam đang phụ thuộc quá nhiều vào ngoại lực. Lần này không chỉ dân nghèo, bình dân phải hứng chịu nặng nề, mà thành phần trung lưu thành thị lẫn nông thôn đều sẽ phải chịu đựng những hậu quả kinh khủng, chưa thể lường hết được. Những lúc khó khăn, người dân có quyền trông chờ vào sự ra tay của nhà nước, điều đó không thể gọi là ỷ lại. Nhưng nhà nước sẽ làm gì thì đến giờ vẫn chưa rõ ngoài việc kêu gọi toàn dân cùng chia sẻ khó khăn và làm mọi người lạc quan ảo.

Trong những tình huống như vậy, nếu không có những cam kết thành thật và dẫn hướng từ nhà nước thì dân chúng sẽ hành động ở trạng thái mất niềm tin để tự cứu lấy mình. Đó là lúc rối loạn xã hội sẽ phát triển nhanh chóng. Và những kẻ đầu cơ trên sự rối loạn đó lại xuất hiện đúng lúc.

Chúng ta đều mong điều tốt đẹp, nhưng có lẽ người dân phải dự phòng tình huống xấu nhất để tự lo cho mình.

Trần Đông Chấn

Mùa đông tháng 11, 2008

_________________

Kỳ sau: Làm gì để vượt qua khó khăn này? Để trả lời tốt nhất câu hỏi này, rất mong các bạn đọc đóng góp ý kiến, giải pháp bằng hộp comment bên dưới hoặc gửi email đến tdc2010@gmail.com. Nhóm nghiên cứu rất hoan nghênh và quan tâm đến tất cả mọi ý kiến xây dựng. Xin cảm ơn.

Category: Kinh tế | Views: 1290 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 80
Khách: 80
Thành Viên: 0