Kazenka's Blog
Ông Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu có nói một câu bất hủ
như sau "Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng
sản làm!". Thật chí lý.
Đọc phần đầu bài viết "Giới nghiên cứu khoa học không sợ bị
quy chụp" đăng trên VNN thì có thể nhận thấy là tư tưởng của ông Phó
Trưởng ban Tuyên giáo TW có vẻ cởi mở, cấp tiến lắm: nào là các đồng
chí trí thức cứ việc bàn luận về tự do, dân chủ; nào là tích cực phản
biện lộn tùng phèo; nào là tư duy độc lập;...
Nhưng mà đến đoạn cuối thì mới lòi cái đuôi chuột ra. Ở đây
chưa cần nhìn kỹ những gì Cộng sản làm, mà chỉ cần đọc kỹ những gì Cộng
sản nói cũng đã là quá đủ rồi:
Trí thức là những người rất tự do, tư duy độc lập, mỗi người mỗi kiểu.
Đặc điểm này vừa là mặt mạnh, vừa là mặt yếu. Có những trí thức làm
công tác nghiên cứu có ý kiến khác nhau, tranh luận hàng chục năm trời
vẫn không thống nhất được, chưa ai chịu ai, và mỗi người vẫn hành động
theo cách nghĩ của riêng mình.
Với đặc điểm như vậy, trí thức khó có thể tự mình trở thành
một đảng cách mạng có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động
được. Do
đó, trí thức rất cần có một đảng lãnh đạo sáng suốt, có tổ chức chặt
chẽ, thống nhất được ý chí và hành động, để họ có thể nhân lên những tư
duy đúng của mình, phát huy những trí tuệ đơn lẻ thành một khối sức
mạnh tổng hợp phục vụ cho đất nước và xã hội.
Đảng có bản chất của giai cấp công nhân, đồng thời là của nhân
dân lao động và dân tộc nữa, có tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và
hành động (ý tôi muốn nói đến Đảng Cộng sản Việt Nam) là đảng lãnh đạo
mà trí thức cần.
Còn Đảng thì cần ở trí thức những tư duy mới, vượt trước, tất nhiên là
tư duy đúng, để Đảng bổ sung vào và làm giàu thêm tư duy của mình, để
lãnh đạo và phục vụ nhân dân tốt hơn.
"Rất tự do, tư duy độc lập" mà lại chấp nhận có một đảng nào đó "lãnh
đạo" thì đã thấy mâu thuẫn và nực cười rồi, nhưng "mỗi người một kiểu"
mà lại đều "cần" ĐCSVN lãnh đạo thì đúng là không còn gì có thể mâu
thuẫn và nực cười hơn. Thế bây giờ giả sử có những trí thức cóc cần
đảng nào lãnh đạo hết, và có những trí thức cần một vài đảng khác ĐCSVN
lãnh đạo thì đồng chí Phó Trưởng ban tính sao?
Cũng chưa hiểu đồng chí Phó Trưởng ban lấy tư cách nào đại
diện cho giới trí thức nước nhà, để đứng ra tuyên bố là ĐCSVN là "đảng
lãnh đạo mà trí thức cần"? Hành xử còn mang nặng tính chuyên chế, áp
đặt như thế mà cứ nhem nhẻm "Do đó đối với trí thức, vấn đề nhận thức
chỉ có thể hình thành thông qua cùng trao đổi bình đẳng, chứ không thể
áp đặt", đúng là cái đồ... tuyên huấn.
Như đã phân tích gần đây thì VietNamNet càng ngày càng trở
thành nơi tập trung dân chủ trong báo chí. Tự do báo chí thay vì tản
mác, được ban phát cho một vài nơi, thì nay chỉ còn tập trung ở VNN cho
dễ quản lý và can thiệp. Đây có lẽ là sáng kiến của anh Lê Doãn Hợp.
Trong tầm kiểm soát
Sau đợt thanh trừng báo chí lần này của ĐCSVN, chắc là có thách
kẹo cũng chẳng báo nào dám đi lệch khỏi lề đường bên phải nữa. Ngày hôm
qua thì đến lượt ông Tổng biên tập và Phó Tổng biên tập tờ Đại đoàn kết
đã lên máy chém, bởi những nguyên nhân như là cho đăng tải lá thư góp ý
của Tướng Giáp, hay là các bài viết bày tỏ thái độ bức xúc về hệ thống
chính trị...
Thực ra thuật ngữ "đi đúng lề đường bên phải" mà ông Bộ trưởng
bộ Thông tin & Truyền thông - Lê Doãn Hợp đưa ra chưa diễn tả chính
xác ý ông ta muốn nói. Không phải lúc nào báo chí cũng cần phải đi đúng
lề phải. Cái mấu chốt là đi sao cho phù hợp với tín hiệu điều khiển
giao thông. Trong thực tế ở Việt Nam, khi diễn ra tắc nghẽn hay gặp sự
cố bất ngờ, công an giao thông vẫn cho phép một số phương tiện đi lấn
vạch, lấn vỉa hè, thậm chí đi ngược chiều... Tín hiệu điều khiển này có
lúc là tường minh, có lúc là ngầm hiểu. Báo chí Việt Nam cũng như vậy.
Ví dụ, thông thường, báo chí không được bình luận, bày tỏ thái độ về
các vấn đề chủ quyền lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc, đó là cái lề
phải. Tuy thế, vào một số thời điểm nhất định, các bài viết như vậy vẫn
được cho phép đăng tải để tranh thủ lòng dân, hoặc hỗ trợ một động thái
chính trị ngoại giao nào đó, đây là việc đi lấn vạch. Trong trường hợp
này, tín hiệu điều khiển là tường minh thông qua các công văn chỉ thị
từ trên xuống.
Hay như tờ Tuần Việt Nam thi thoảng lại đăng tải những ý kiến
phản biện động chạm đến hệ thống chính trị, dù mới chỉ ở mức nói lòng
vòng, nói xa nói gần, theo kiểu đi ngược chiều nhưng vẫn lân la gần
vạch phân cách để sẵn sàng quay xe. Tuy thế thì cần chú ý là những bài
viết tương tự rất hiếm khi xuất hiện ở các tờ báo khác, và đặc biệt là
tờ Tuần Việt Nam còn chịu sự quản lý trực tiếp của Bộ Thông tin &
Truyền thông. Ở đây, tín hiệu điều khiển cho các tờ báo khác là ngầm
hiểu, rằng chỉ có tờ Tuần Việt Nam được phép đi như vậy thôi, các anh
đừng có lớ xớ làm theo mà bị phạt. Cách thức này của Bộ 4T hoàn toàn
phù hợp với nguyên tắc quản lý tập trung của Đảng. Ở đây, thay vì tản
mác ở nhiều nơi, tự do báo chí được tập trung vào một số ít điểm dễ
kiểm soát nhất, mà ở đó bàn tay của Đảng có thể tác động một cách trực
tiếp nhất và nhanh nhất.
Một ví dụ khác về báo chí tham gia chống tham nhũng. Báo chí
có quyền tham gia chống tham nhũng, nhưng phạm vi chống và giới hạn đưa
tin thì do Đảng quyết định. Cũng giống như tín hiệu điều khiển giao
thông, có những nơi (hội kín Bộ Chính trị) Đảng đặt tơ hơ tấm biển "Cấm
chống tham nhũng", cũng có những nơi mà sự cấm chống là ngầm hiểu. Thí
dụ trong vụ PMU18, khu vực "Cấm chống tham nhũng" là đường dây chạy án
liên quan tới "các lãnh đạo cấp cao". Để tỏ rõ thái độ "quyết tâm chống
tham nhũng" trước nhân dân, Đảng không bao giờ đặt tấm biển "Cấm chống
tham nhũng" ở các khu vực này, nhưng các nhà báo, phóng viên cần ngầm
hiểu rằng, hãy tránh xa khu vực này ra nếu không muốn bị xử như Nguyễn
Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến. Chống một anh Bùi Tiến Dũng thì chỉ là
chống một Đảng viên thoái hoá biến chất, điều mà các phe phái trong
Đảng dù cùng phe với Dũng hay không, đều chấp nhận để tránh "bứt dây
động rừng". Nhưng khi anh cả gan động tới cả một đường dây, thì vấn đề
đã chuyển sang "hệ thống chính trị" và "lợi ích hợp pháp của Đảng" rồi.
Cần nói thêm về điểm này. Ở bất cứ phiên toà nào và ở bất cứ
nơi đâu, lý lẽ của anh không phải là cái quyết định tội của anh nhẹ hay
nặng, cái quyết định là ai là người nghe anh nói, và họ diễn giải luật
ra sao. Luật càng mập mờ thì các hướng diễn giải càng đa dạng. Một sự
độc lập giữa những người lập pháp, những người có quyền phán quyết (tư
pháp) và các bên bị phán quyết là cực kỳ quan trọng. Khi mà ở Việt Nam,
những người lập pháp, những người có quyền phán quyết lại luôn bị ràng
buộc và chia sẻ lợi ích (quyền lực) với Đảng, thì có nghĩa là, bất cứ
hành vi nào xâm hại đến lợi ích của phe thắng thế trong Đảng, sẽ hoàn
toàn có thể được diễn giải theo chiều hướng bất lợi cho người sở hữu
hành vi đó. Đừng bao giờ hy vọng vào công lý trong những phiên toà kiểu
vậy. Những người lập pháp đủ thông minh để tạo ra các cái bẫy thông qua
những đạo luật mập mờ, ví như "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm
phạm đến lợi ích hợp pháp của Đảng và công dân". Minh bạch hoá những
luật lệ này chẳng khác gì tự sát.
Những việc trên nói lên rằng, điều quan trọng không phải là
báo chí đi ngược hay đi xuôi, đi lệch hay đúng lề, điều quan trọng là
đi theo sự chỉ đạo của Đảng, tức là "Hãy làm đúng bổn phận!". Bổn phận
của báo chí XHCN là làm công cụ phục vụ Đảng. Đảng là số 1, nhân dân là
thứ yếu. Đó là những thông điệp chính yếu nhất mà ĐCSVN muốn gửi tới
báo chí Việt Nam sau tất cả những vụ việc xét xử nhà báo, cách chức
Tổng biên tập... vừa qua. Tư duy của người quản lý là làm sao để những
hành vi của người bị quản lý luôn phải nằm trong tầm kiểm soát. Vì thế,
những người bị quản lý cần có sự hiểu biết và nhạy cảm để đánh hơi xem
ý đồ của người quản lý anh là như thế nào để từ đó lựa việc mà làm. Và
làm gì thì làm, hãy luôn biết cách để tỏ ra mình đang nằm trong tầm
kiểm soát, dù có sẵn sàng vâng lời hay không. Chỉ có như thế, tất cả
chúng ta mới đều được an toàn.
Nguồn: Kazenka's Blog
|