Thứ Tư, 2024-12-04, 0:06 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 26 » Sơn La: “Nhà nước tự trị về tôn giáo”, kỳ 2
11:56 AM
Sơn La: “Nhà nước tự trị về tôn giáo”, kỳ 2

§ Song Hà

KỲ 2: ĐỜI SỐNG ĐỒNG BÀO VÀ GIÁO DÂN SƠN LA

Vài nét cảm nhận qua chuyến đi

Trên chuyến xe đưa chúng tôi thăm Sơn La, anh bạn lái xe khá vui tính trả lời mạch lạc khi chúng tôi hỏi về cuộc sống và tập tục của đồng bào Sơn La, đặc biệt những ảnh hưởng của đời sống tôn giáo trong đồng bào. Qua câu chuyện, những sự việc làm chúng tôi hết sức ngạc nhiên, anh bạn tỏ ra hết sức bình thường. Những lúc đó, anh chỉ buông một câu “ở Sơn La là thế”.

81125SonLa1.jpg

Đường lên bản H'mong

Thị xã Sơn La đã lên thành phố, ánh điện sáng rực trời ban đêm, đèn hoa giăng đầy và ảnh Hồ Chí Minh cười vẻ rất mãn nguyện nhìn búa liềm bên những câu khẩu hiệu dày đặc “quyết tâm thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ai đến Sơn La lần đầu, nhìn đường phố và những hàng cờ đỏ rực với những câu khẩu hiệu trên đây, chắc hẳn phải nghĩ rằng nhân dân Sơn La đang hưởng một cuộc sống an bình và hạnh phúc lắm nơi xứ sở này.

Nhưng đó chỉ là bề mặt của Sơn La, nơi đám cán bộ cư ngụ, còn đi thực tế vào đời sống đồng bào, nhất là các dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào công giáo người ta mới nhìn rõ bộ mặt thật của “Nhà nước tự trị về tôn giáo Sơn La”.

Rời Thành phố Sơn La, chuyến xe đưa chúng tôi đi ngược vào vùng đồng bào dân tộc H’Mông thuộc khu vực 3 là khu vực đặc biệt khó khăn. Con đường đi lên bản thật là con đường đau khổ. Chiếc xe Uaz của thời kỳ mồ ma Liên xô cũ ì ạch đưa chúng tôi leo lên những con đường chỉ có đủ hai vệt bánh xe leo lên sống trâu hai bên, giữa đường là khe cho nước chảy. Bên cạnh là núi thẳm, bên kia là vực sâu. Người yếu bóng vía chỉ có cách duy nhất là nhắm mắt lại phó mặc cho trời. Những tảng đá làm xe lắc lư, chao đảo nhảy chồm chồm đến nhổ hết cả đinh của ghế ngồi. Đến những đoạn ngầm, xe chết máy, nước ập vào cả xe lại thuê đồng bào dân tộc kéo trở lại bờ. Chiếc xe đi đoạn đường 40km mất hơn 2 tiếng rưỡi đồng hồ vì chỉ cài được số 1.

Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thế, không khá lên được bao nhiêu. Vẫn hết sức khó khăn, trẻ em vẫn hàng ngày ăn thứ bột ngô áp chảo qua ngày, trẻ nhỏ lấy vách núi, ven đường làm chỗ chơi. Anh bạn ở Sơn La cùng đi kể với tôi rằng, nếu ra đồng đặt bẫy bắt được con chuột, họ nướng qua rồi cho muối, ớt vào giã nhỏ và làm thức ăn cả tháng. Gà, lợn nuôi được, không bao giờ họ tự thịt để ăn, họ chỉ dùng để tiếp khách hoặc nếu họ thân thiết thì cho luôn. Trâu nuôi dùng để chờ khi có việc tang việc hiếu của bố mẹ chứ không bao giờ mổ thịt. Trận rét năm ngoái, trâu bò ngã hàng loạt, bán vội vàng cho những anh bạn người kinh với giá rẻ như… đất.

Người kinh lên đây buôn bán, giờ nhiều trò láu cá, vặt đồng bào thiểu số đến tận xương nhờ lợi dụng sự thiếu hiểu biết của họ. Một anh bạn người Công giáo kể tôi nghe khi hỏi về những gian kho đựng ngô bên đường rằng: “Chúng em lên đây mua ngô cho họ, giá cả thoả thuận nhưng chúng em cân đầy đủ, cân đúng cho họ. Còn một số người khác, họ mua cao hơn vài giá, nhưng cân 1 tạ chỉ tính cho họ 60kg. Vì vậy, khi chúng em lên, họ rất quý”. Một lít xăng lên tận đây giá 45.000 đồng. Đồng bào không có tiền có thể chịu nợ, đến mùa tính lãi trả bằng ngô hoặc thóc. Vì vậy có những gia đình làm cả chục tấn ngô mà nợ vẫn cứ hoàn nợ như thường.

Trên đường vào xã, thỉnh thoảng chúng tôi gặp những cán bộ người Kinh đi về bằng xe máy, phía sau là một lồng gà hoặc con lợn bản. Họ đi xe máy xuống dốc dựng đứng cứ vèo vèo thật điêu luyện. Những người dân bán ngô bảo chúng tôi rằng đấy là các thầy cô giáo về xuôi cuối tuần. Chúng tôi đến trường PTCS xã, hiệu trưởng đang đi mua gà, lợn để chuẩn bị chiều mang về thị trấn.

Chờ hiệu trưởng về trường nói chuyện, anh cho biết: Giáo viên chỉ học được vài tiếng H’Mông là mua gà, đổi lợn, uống rượu… thậm chí anh hiệu trưởng trường PTCS ở xã người H’Mông năm năm nay cũng không biết được nổi một câu nào ngoài mấy câu nói trên.

Người dân vẫn lầm lũi trên ruộng nương từ già đến trẻ. Một phong tục hiện diện ở đây là trừ người ốm, còn lại là phải làm mới có phần ăn, kể cả trẻ em. Vì vậy đến mùa rẫy, chuyện học sinh lên nương mà không đến trường là chuyện đương nhiên. “Ở đây, kêu gọi trẻ em đến trường còn khó, nói chi chuyện học hành có chất lượng, điều đó chưa đặt ra. Thậm chí trước còn có hiện tượng ở nhiều trường giáo viên hàng ngày gặp nhau, ghi tên chấm công, cuối tháng lĩnh lương, phụ cấp các loại mà không có học sinh nào. Bây giờ đã đỡ hơn” – anh bạn hiệu trưởng bảo thế.

81125SonLa2.jpg

Sân chơi

81125SonLa3.jpg

Trẻ em H'mong

Năm nay mất mùa ngô, giá ngô lại hạ nên đời sống bà con càng lao đao. Trận rét cuối năm ngoái, đầu năm nay đã giết đi hàng loạt trâu bò của bà con. Sự giúp đỡ của nhà nước cho việc khắc phục hậu quả này đến được với bà con dân tộc đã khó, riêng với người những người theo Công giáo thì chắc chắn là không.

Theo anh bạn giáo viên hiệu trưởng “sự quan tâm của chính quyền các cấp đối với sự phát triển toàn diện về kinh tế văn hoá của xã thì sự giám sát, đôn đốc là không có. Các chủ trương, chính sách có được phổ biến thì cũng chẳng có ai đôn đốc thực hiện. Vì vậy mà đời sống kinh tế, văn hoá của xã mấy năm nay vẫn thế, không khá lên được”.

Sơn La có nhiều dân tộc sinh sống, trong đó có nhiều dân tộc thuộc nhóm đồng bào ít người. Những vùng này, những hủ tục vẫn tồn tại khá nặng nề. Đặc biệt là trong việc ma chay, cưới xin và chữa bệnh.

Đến nay, việc lấy vợ lấy chồng ở tuổi vị thành niên vẫn khá phổ biến. Những cậu bé đang độ tuổi học sinh phổ thông, sẵn sàng nghỉ học để lấy vợ ở độ tuổi lớp 7, lớp 8. Thấy chúng tôi ngạc nhiên khi nói rằng vậy là đã vi phạm luật hôn nhân gia đình, chính quyền không có ý kiến gì sao? một giáo viên trả lời: “Ở đây, con em cán bộ cũng thế, nên chẳng ai nói được ai”. Một số nghỉ lấy vợ xong thì còn học tiếp, nhưng đa số là không trở lại.

Việc kêu gọi trẻ em đến trường ở những vùng này là vấn đề nan giải. Vì vậy, việc nâng cao dân trí cho đồng bào rất vất vả. Đến nay, có những vùng, cán bộ xã chỉ học vài lớp, mới được tập trung để “phổ cập” cho hết lớp 9 xong. “Nhưng anh biết đấy, chất lượng trình độ của cái học phổ cập ấy như thế nào rồi” – anh bạn giáo viên cười buồn. Anh bạn hiệu trưởng vùng cao nói với tôi một câu thế này: “Xã nhận định là nếu như số học sinh theo đạo càng tăng, thì số học sinh bỏ học có nguy cơ càng giảm(!), khi đoàn kiểm tra của phòng giáo dục lên xã, trước mặt đoàn họ khảng khái nói như thế”(?)

Đời sống hết sức vất vả và khó khăn, việc học hành ít ỏi, nên những hủ tục trong đời sống nhân dân các dân tộc ít người ở Sơn La vẫn cứ ung dung tồn tại. Những khi có bệnh tật, đồng bào vẫn mời thầy cúng thay vì mời cán bộ y tế là chuyện bình thường. Trạm y tế xã có khi cả 6 tháng không một viên thuốc, dù mỗi tháng vẫn lĩnh từ huyện vài triệu tiền dùng cho việc này nhưng không biết nó đi đâu.

Tại vùng đồng bào H’Mông, vẫn có phong tục dựng người chết ở góc nhà bón cơm lâu ngày, cho đến khi đi chôn thì cơm nước, thịt thà vương vãi mới được quét dọn, có khi đến năm, bảy ngày là chuyện vẫn tồn tại.

Khi được hỏi về những hủ tục đó có tồn tại ở đồng bào theo công giáo hay không, nhiều người đã công nhận rằng, những người theo đạo công giáo, không hiểu sao họ bỏ những điều đó rất nhanh.

Kẻ chăn dân, chẳng muốn hiểu lòng dân

Những cán bộ của thôn bản và xã vùng cao và ngay cả chính quyền Sơn La coi tôn giáo như một mối nguy, trong khi họ không biết mối nguy đó như thế nào. Ngay cả các cán bộ xã, cán bộ giáo dục khi được hỏi về công giáo, họ đều bảo chẳng biết nó là cái đạo gì, không hiểu tại sao bên đạo nói họ nghe lời đến thế. Anh hiệu trưởng còn bảo tôi: “Trước đây, bên xã cạnh, còn có những người theo đạo đòi xây một giếng nước để tắm chung trần truồng với nhau”. Tôi bật cười, thì ra anh chàng này không hiểu tí nào về công giáo như anh nói thật. Đạo công giáo làm gì có trò đó? Anh cũng “chẳng hiểu vì sao, khi người ta chết rồi, thì chiều tối họ tụ tập nhau trước một cây gỗ có thanh ngang để đọc và hát những gì không rõ, khi chúng tôi đến xem, thì họ giải tán”?

Ở một môi trường, mà cán bộ cơ sở còn không hiểu những người dân mình làm gì, muốn gì thì chuyện các cán bộ thành phố và tỉnh không hiểu dân chúng muốn gì là chuyện đương nhiên. Nhưng dù không hiểu, cán bộ Uỷ ban các cấp vẫn cứ nói bừa và vơ vào mình như đinh đóng cột rằng: “Nhân dân các dân tộc Sơn La cùng 54 dân tộc anh em trong cả nước đoàn kết gắn bó tin tưởng đi theo con đường của Đảng và Bác đã lựa chọn” (Trích Tài liệu tuyên truyền của Tỉnh Uỷ Sơn La).

Thật ra, đó là một bài kinh của nhà nước đang theo tôn giáo Mác - Lê, được tụng niệm mấy chục năm nay mà thành thuộc lòng. Tuy nhiên, câu tụng niệm đó ngày nay đã không còn được ai coi là có nửa xu giá trị, đó là sự cưỡng ép một cách sống sượng với những con người có chút lương tâm và suy nghĩ. Nhưng ở Sơn La, nơi đất rộng người thưa, đồng bào dân tộc lạc hậu, thì chuyện ma quỷ, chuyện lừa bịp là chuyện chẳng cần nói cũng biết là rất dễ dàng.

Cũng trong văn bản tài liệu này, “Nhà nước tự trị về chính sách tôn giáo Sơn La” viết: “Ở Sơn La từ xưa đến nay, các tổ chức hoạt động tôn giáo đều là trái phép…”

Điều này đã khẳng định Nhà nước Sơn La đã tước đoạt trắng trợn quyền tự do tôn giáo của người dân.

Thật ra, ở Sơn La đã và đang có một tổ chức tôn giáo hoành hành và áp đặt, nếu bạn đi qua Thành phố Sơn La, thủ phủ tôn giáo này lại hoành tráng nhất, lớn nhất và đep đẽ sang trọng nhất đang ngự trị có tên là Tỉnh uỷ Sơn La. Hàng năm, người dân Sơn La dù đói khổ, rách rưới vẫn phải cúng tiền bạc, của cải để nuôi cái đạo này cùng với đám tín đồ của nó, đứng đầu là Giáo chủ Thào Xuân Sùng mang danh Bí thư Tỉnh uỷ.

Thào Xuân Sùng, có tấm bằng Tiến sỹ (không biết thật hay giả, hay lại bằng Tiến sỹ Mác – Lênin – loại bằng mà ở VN dễ được cấp nhất và vô giá trị nhất) nghe nói cũng là người dân tộc H’Mông.

Lẽ ra, với bằng cấp và nhận thức bởi cái đầu của mình, Giáo chủ Thào Xuân Sùng phải hiểu được những hủ tục của ngay chính đồng bào, đồng tộc của mình đang có là sự phản khoa học. Để ngăn chăn những hủ tục đó, đạo Mác – Lê đã tốn công tốn của hơn nửa thế kỷ nay nhưng không thể có tiến triển. Nhưng đạo Công giáo chỉ một thời gian ngắn thôi đã loại trừ được hủ tục đó. Việc tảo hôn, viêc cúng tế bằng những cách mất vệ sinh phản khoa học là điều được loại trừ dễ dàng bởi đạo Công giáo. Ở đó, người ta biết “Thảo kính cha mẹ, yêu thương đồng loại, đồng bào” theo luật Chúa dạy.

Nhưng, để bành trướng và áp đặt tôn giáo Mác – Lê mà mình là giáo chủ, Thào Xuân Sùng đã để cấp dưới lộng hành, tiếp tay cho đồng đạo của mình triệt tiêu các quyền tự do khác của công dân. Họ kết luận rằng: “Việc học và truyền đạo trái phép đã xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sơn La, gây mất đoàn kết giữa người theo đạo và không theo đạo ngay trong một dòng họ và những người thân trong gia đình” (Trích Tài liệu đã dẫn).

Hẳn là đội quân giáo sỹ của giáo chủ Thào Xuân Sùng còn muốn để người dân mãi mãi trong cảnh một con chuột ăn cả tháng, một người chết phơi mấy ngày, trẻ con mới nhú đã lấy chồng lấy vợ mà ông ta cho là truyền thống văn hoá tốt đẹp là “tập quán thông thường từ trước tới nay của đồng bào các dân tộc Sơn La”.

Chính vì lẽ đó, mà từ tỉnh, thành phố, phường, xã và đến tổ dân phố ở Sơn La đã đồng loạt tấn công vào giáo dân và những hoạt động tín ngưỡng của họ.

Tôi đã xem một số biên bản của UBND Phường Quyết Thắng, thuộc Thành phố Sơn La với gia đình giáo dân Trịnh Văn Thuỷ về việc được tự do tôn giáo nhưng chỉ “tu tại gia”. Biên bản lập khi Linh mục Nguyễn Trung Thoại lên thăm giáo dân và đã bị cán bộ, công an truy quét khốc liệt.

Dù ông Thuỷ đã nhiều lần làm đơn đến các cấp chính quyền, nhưng nơi nào họ vẫn một mực “không nhất trí theo đơn xin sinh hoạt tôn giáo của ông Trịnh Văn Thuỷ đề nghị”.

Ngay những ngày giữa tháng 11, khi chúng tôi đến Sơn La, những người dân cho chúng tôi biết là “nhà nước Sơn La” đã có kế hoạch trấn áp gần 1000 giáo dân tại Thành phố Sơn La trong dịp lễ Noel sắp tới khi họ thực hiện các công việc thờ phượng của mình.

81125SonLa4.jpg

Xe chở ngô về xuôi

Rời Sơn La trong sự lưu luyến bịn rịn của những giáo dân, chúng tôi không khỏi xót xa ngậm ngùi cho họ khi đang sống trong một đất nước được tuyên bố là hoàn toàn tự do, được hiến pháp và pháp luật bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng.

Ở Sơn La, đời sống người dân tộc rẻo cao vẫn đầy những khó khăn và vất vả, đời sống của họ chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm.

Ở Sơn La, những hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại khó lòng lay chuyển, dù đảng và nhà nước đã hiện diện ở đó với đủ loại chính sách hơn 60 năm nay.

Ở Sơn La, chính quyền các cấp của “Nhà nước tự trị về tôn giáo Sơn La” vẫn hoành hành một cách ngang nhiên sự chà đạp lên quyền lợi của người dân, quyền tự do tín ngưỡng, người công giáo Sơn La vẫn bị phân biệt đối xử nghiêm trọng.

Ở Sơn La, giáo chủ và các giáo đồ của thứ tôn giáo được dung túng đang tìm mọi cách triệt hạ các tôn giáo chân chính khác, nhằm bảo vệ ngôi vị độc tôn của tôn giáo mình, tiếp tục dìm đồng bào vào con đường đau khổ, nghèo nàn và lạc hậu.

Ngày 26.11.2008

Song Hà

Category: Công giáo khắp nơi | Views: 1099 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 43
Khách: 43
Thành Viên: 0