Bùi Tín
Cái chủ trương "khoanh lại" đang được nhóm lãnh đạo ở Hà nội dùng ngày càng rộng rãi.
Vụ PCI - Pacific Consultant Institute (Viện tư vấn Pacific) được khoanh
lại; báo chí, phát thanh, truyền hình... bị cấm không được nói đến, bàn
đến. Vụ Hoàng Sa - Trường Sa có bị mất hay không, mất đến đâu rồi, giải
quyết ra sao cũng không được bàn đến, nói đến.
Vụ PMU 18 được coi là vụ tham nhũng số 1 trong 10 vụ lớn nhất năm 2006
cũng bị ém nhẹm, nói đến nó là "phạm húy", là vu cáo, là phạm pháp, là
vào tù.
Bộ chính trị đảng Cộng sản khoá X, gồm 14 quan lớn toàn quyền hiện nay, có thể được mang tên là: Bộ chính trị khoá "Khoanh lại ".
Chữ "khoanh lại" được chính thức dùng trong nghị quyết của
cuộc họp cuối cùng, mang số 14, của Ban chấp hành trung ương đảng CS
khoá IX, họp đầu tháng 4 năm 2006.
Trước đó, vào đầu năm 2005, Ban chấp hành Trung ương ra quyết định thành lập một Ban Kiểm tra Liên ngành
để điều tra về vụ án được gọi là "siêu nghiêm trọng" liên quan đến Tổng
cục 2 và Vụ T4. Đầu năm 2006, Ban kiểm tra liên ngành này gồm những
viên chức cấp cao được chọn từ Ban kiểm tra trung ương đảng, Ban Tổ
chức trung ương đảng, Ban Bảo vệ trung ương đảng, Viện kiểm sát tối
cao, Toà án Nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng, Bộ
Tư pháp... đã viết lên một tập báo cáo tuyệt mật cực kỳ hệ trọng để
trình trung ương và sau đó sẽ trình ra Đại hội đảng khoá X vào ngày
19-4-2006. Tại cuộc họp Trung ương 14 đầu tháng 4-2008, Tổng bí thư
Nông Đức Mạnh lẽ ra phải trình Trung ương Bản báo cáo ấy, nhưng ông ta
lại đề nghị với trung ương thôi, không nghe bản báo cáo ấy nữa, giao
cho bộ chính trị đọc thay (!) và coi như giải quyết xong xuôi (!), bởi
vì những vấn đề lớn nhất của báo cáo đã thuộc về quá khứ, không có hậu
quả lớn, nếu để lộ ra sẽ rất bất lợi cho đảng. Vì là cuộc họp trung
ương cuối cùng của khoá IX, các vị trung ương buộc lòng phải nghe lời,
từ nhiệm trách nhiệm của chính mình là có quyền lực cao hơn bộ chính
trị, "lập công" bóp chết bản báo cáo kinh khủng này, để còn hy vọng
được cử lại vào trung ương khoá X. Đây là hậu quả của nếp tổ chức riêng
của các đảng cộng sản là tạo nên các cấp uỷ bằng cách trên tuyển chọn
dưới, không phải dưới tuyển lựa bầu cấp trên.
Việc "khoanh" bản báo cáo kiểm tra liên ngành về vụ Tổng cục 2 là một
vi phạm ngang nhiên điều lệ của đảng Cộng sản, chà đạp thô bạo quyền
dân chủ nội bộ, đi ngược với xu thế công khai, minh bạch thời mở cửa và
hội nhập. Đây là sáng kiến, công đầu (!) của ông tổng Mạnh, cũng là món
nợ lịch sử của ông Mạnh đối với đảng cộng sản, đối với xã hội, ông
không thể trốn tránh và quỵt mãi được.
Bởi vì ý muốn về công bằng, công khai, minh bạch của xã hội là một sức
mạnh không thế lực nào ngăn chặn được. Lịch sử của mọi xã hội là từ độc
đoán đến dân chủ, từ bị đè nén áp bức đến được tự do, bình đẳng, tù tối
tăm, mờ ám đến minh bạch, sáng tỏ. Xu thế phát hiện, khám phá ra sự
thật và chân lý là xu thế phát triển của khoa học.
Cho nên có "khoanh" tất có "vỡ". Có "khoanh lại"
tất có "vỡ ra". Vì khoanh lại tạo nên sức dồn nén, khoanh càng chặt sức
công phá càng lớn. Bức tường Berlin khoanh "phe xã hội chủ nghĩa hiện
thực" đã vỡ tan trong có vài giờ.
Quốc hội Hà Nội họp mới rồi lẽ ra đã phải bàn về "Luật đất đai sửa đổi"
và về "Luật báo chí mới", nhưng bộ chính trị lo sợ rằng cuộc thảo luận
công khai về 2 luật này sẽ mang tính bùng nổ, nên quyết định "khoanh
lại" cho đến cuối năm 2009. Bởi vì dự thảo lần thứ 6 do bộ Tài nguyên
Môi trường và bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn chuẩn bị vẫn bất cập
so với đòi hỏi chính đáng của xã hội. Nông dân ta đòi lại quyền sở hữu
tư nhân về đất đai như ở hầu hết mọi nước khác; sao tư nhân ngành
thương nghiệp, ngành công nghiệp, ngành dịch vụ đều đã có quyền sở hữu
cá nhân mà riêng nông dân ta vẫn trắng tay, vẫn chỉ là người bơ vơ, làm
thuê trên đồng ruộng của chính mình? Về luật báo chí, hơn 10 vạn nhà
báo viết, báo nói, báo mạng, báo ảnh hầu hết đều mong được là nhà báo
tự do, như gần một triệu nhà báo khác trên thế giới; không ai có quyền
bắt buộc mọi nhà báo phải là viên chức, công chức của nhà nước, của
đảng, để bị sai bảo, kiểm soát như con trẻ chưa trưởng thành. Có bao
giờ báo chí Việt Nam nhạt nhẽo, nhàm chán, giống nhau như mặc đồng
phục, bị xã hội chê trách như hiện nay, trong khi cuộc sống sôi động,
cần đến một công luận kịp thời, sắc sảo, định hướng cho xã hội đang hỗn
loạn.
Với mấy chục triệu nông dân từng góp hàng triệu thanh niên liệt sỹ cho
cuộc chiến, để rồi bị cướp hết ruộng đất, thành dân oan; liên minh công
nông trên đầu lưỡi của đảng chỉ còn là khẩu hiệu cay đắng; với hơn 10
vạn nhà báo bị đảng khinh thị xử sự như tôi đòi, việc khoanh lại 2 đạo
luật chỉ làm cho sự phẫn nộ khi nổ ra sẽ xung thiên như sấm động.
Chẳng phải chờ lâu. Ngay lúc này, vụ PCI bắt đầu nổ. 4 viên chức cấp
cao của Nhật bản đã khai nhiều tình tiết, thú nhận tội trước Toà án
Tokyo, hồ sơ của vụ án đã được chuyển đến Hà Nội với những quan chức
Nhật bản đi theo. Hà nội cố khoanh lại suốt 3 tháng trời, buộc phải ngọ
nguậy, sờ gáy bị cáo Huỳnh Ngọc Sỹ, hỏi thăm ông ta và cử người thay
thế. Các bị cáo Nhật khai đã đưa ông Sỹ 820 ngàn đôla tiền mặt, và số
đưa hối lộ cho Việt nam các đợt cộng lại là 2 triệu 6 đôla. Nếu như
phía Việt nam vào cuộc sớm thì sau 3 tháng việc phá án đã được thực
hiện sâu lắm rồi, danh sách đồng phạm với ông Sỹ không thể ngắn. Nhưng
biện pháp "khoanh" đã được áp dụng, từ từ, đủng đỉnh, vì quân ta đối
với quân mình mà, vì "đồng chí nhà ta " cả. Khoanh chừng nào tốt chừng
ấy. Bức màn vén dần lên; thì ra ông Huỳnh Ngọc Sỹ là từ cán bộ Thanh
niên xung phong mà lên, từ 1995 đến 1999 là Giám đốc công ty Thanh niên
xung phong Sàigòn khi đảng dùng sức trẻ làm kinh tế cho đảng, nhận thầu
các công trình lớn. Rồi ông lên chức Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải
Sài gòn, kiêm luôn Trưởng ban quản lý dự án Đại lộ Đông tây, cũng là
trưởng ban quản lý dự án cải tạo môi trường nước Sài Gòn. Bộ máy cai
trị Sài gòn hiểu ngay ông Sỹ là viên chức có thế lực, được trọng dụng
từ thời ông Trương Tấn Sang làm chủ tịch thành phố (ông Sang do mang
tiếng ăn chơi buông thả quá xá phải dời ra Hà Nội ngồi ghế trưởng ban
kinh tế); ông Ngọc cũng thân cận với ông Nguyễn Minh Triết khi ông
Triết làm Bí thư thành uỷ và khi ông Lê Thanh Hải làm chủ tịch thành
phố. Ông Sỹ và ông Hải còn chuẩn bị thông gia với nhau. Ông Hải hiện là
Bí thư thành uỷ Sàigòn, uỷ viên bộ chính trị.
Đã 2 năm nay, các nhà nghiên cứu về Việt nam của Trường Đại học Harvard
dùng danh từ "nhóm lợi ích" - interest-groups - để chỉ một hiện tượng
kinh tế - chính trị nguy hiểm, sự cố kết ám muội của những kẻ có quyền
lực và vốn liếng thành từng nhóm riêng biệt nhằm kiếm chác những quả
thầu béo bở nhất, đục khoét tài sản của đất nước với quy mô lớn. Ở Nga,
các nhà kinh tế quốc tế gọi các nhóm lợi ích - tội phạm - cầm quyền này
là "mafia - cộng sản".
Đúng vào lúc ở Quốc hội Hà Nội ông thủ tướng Dũng buộc phải hứa sẽ xử
lý nghiêm vụ PCI, ở Lima (Pêru) ông Triết buộc phải hứa với thủ tướng
Nhật Taro Aso xử lý nghiêm các quan chức liên quan, thì... ở Sài Gòn
ông Sỹ lăn ra bất tỉnh tối 23-11 vì một cơn nhồi máu ở tim, phải vào
bệnh viện nằm riêng một nơi, không ai được gặp. Một cuộc đột quỵ. Vì
quá lo nghĩ? Vì bị Trời hành do ăn bẩn? Hay là theo lệnh đảng? Để
khoanh thêm một thời gian? Hay để xoá một đầu mối? Màn tuồng Lê Lai
liều mình cứu chúa?
Ở các nước có tự do báo chí, các nhà báo có tâm và có tài tha hồ đua
nhau lao vào cuộc; họ sẽ đến sở giao thông, cơ quan quản lý dự án đường
cao tốc Đông tây, lấy tài liệu, phỏng vấn, đến bệnh viện, nhà riêng,
hỏi bạn bè, cộng sự của ông Hải, xem kỹ các biên bản đấu thầu... Sau
100 ngày điều tra, đã khui ra khối chuyện. Nhưng họ đang bị trói tay,
bịt mắt. Ở nhiều nước có những phóng viên, thám tử chuyên điều tra
riêng biệt về tự sát, về tai nạn, về giết người, cướp của, về án kinh
tế. Ở ta nhà báo chỉ có một "chuyên môn" là bất động, chờ đảng mớm cho
điều gì là nói theo đúng như vậy.
Nhưng có khoanh mấy đi nữa thì vụ án rồi cũng bị lộ, bị vỡ, bị bể.
Tiếng Việt ta có những từ thật hay, giàu hình tượng, gây ấn tượng. Đó
là từ vỡ, và "vỡ lở". Vỡ lỡ là vỡ rộng dần, vỡ lan ra, vỡ và tan nát...
Vụ án siêu nghiêm trọng Tổng cục 12, với bản Báo cáo tuyệt mật tháng 4-2006 của Ban điều tra liên ngành rồi cũng sẽ vỡ lở ra.
Vụ án PCI đang rập rình vỡ dần ra, vẫn có thể vỡ lở ra như vụ Năm Cam hồi nào.
Vụ án khá lớn nữa là vụ Nexon - Technologies (Hoa kỳ) cũng hối lộ lớn ở
Việt nam với 4 công dân Mỹ đã bị khởi tố, nổ ra 3 tháng nay cũng khó mà
khoanh lại cho êm, như vụ Trịnh Vĩnh Bình, công dân, đảng viên đảng Dân
chủ Hà lan, từng đòi nhà nước phải đền bù 100 triệu đôla, buộc bộ chính
trị phải đánh bài lùi, chịu thua, nhưng tiền đền bù lớn lấy từ đâu?
Và vụ PMU18 nữa, gần 3 năm rồi, "khẩn trương", "trách nhiệm chính trị
chống tham nhũng cao", "không để lọt tội phạm", "xử tội bất kể cấp nào
phạm tội" mà như thế ư?
Vụ PCI và vụ PMU18 dính liền nhau, cùng do thứ trưởng thường trực bộ
giao thông Nguyễn Việt Tiến phụ trách, dùng vốn ODA viện trợ của chính
phủ Nhật bản.
Mà Nguyễn Việt Tiến cùng Bùi Tiến Dũng đều nằm trong nhóm lợi ích với
ông tổng bí thư Nông Đức Mạnh, người gửi cả con gái và con rể cho 2 ông
này trông nom, coi sóc, lại chính là người đẻ ra biện pháp "khoanh",
theo ý tưởng chung: ta là đảng, ta là nhà nước, ta là pháp luật, ta
muốn "khoanh lại" là khoanh. Ta là độc đảng, là độc quyền, là Chúa tể
sơn hà.
Nhưng thưa ngài tổng bí thư và 14 vị thái thú, trên đời này còn có nhân
dân đang thức tỉnh , còn có lẽ phải, còn có luật pháp quốc tế, còn có
công luận, còn có các nhà đầu tư quốc tế rất khó tính, còn có những
chính phủ dân chủ giàu có - chủ nợ của nước ta, rất công bằng, tôn
trọng luật pháp và công pháp quốc tế. Quý vị sức mấy mà "khoanh" họ
lại!
Cái vụ "vỡ lở" cực lớn sẽ có thể sớm nổ ra cuối năm nay chính là từ sự
việc Bắc Kinh vừa triệu thủ tướng Dũng sang để thông báo trực tiếp:
"cần ký hiệp định hoàn thành việc đặt cột mốc suốt giải biên giới trước
khi năm 2008 này kết thúc", với tập bản đồ tỉ mỉ kèm theo; sau đó họ
thò ngay ra tuần dương hạm Trịnh Hòa để ra oai. Khoanh lại suố 8 năm
nay tập bản đồ ký tháng 12-1999 (tỉ lệ 1/25.000), khó mà khoanh lại tâp
bản đồ tỉ mỉ hơn (tỉ lệ 1/5.000), nóng bỏng hơn của năm nay, hai bên
phải phổ biến rộng rãi ngay để thực hiện ngiêm chỉnh. Mất bao nhiêu đất
rành rành ra đấy. Không ai khoanh nổi.
Câu chuyện Khoanh lại và Vỡ lở sẽ còn dài.
Paris 26-11-2008
Bùi Tín
|