Tôi
không còn tin vào mắt mình khi lướt qua những con số trong bài viết:
“Gần 6.900 văn bản trái luật đã được ban hành” của Hoà Khuê trên
VnExpress.net, ngày 25/11/2008. Cố đọc cho thật kỹ kẻo nhầm lẫn, nhưng
càng đọc tôi càng cảm thấy phẫn nộ và xót xa. Phẫn nộ bởi thói lộng
hành của chính quyền từ trên xuống dưới, nhưng xót xa cho chính bản
thân cũng như hàng triệu người Việt đã, đang bị những thứ văn bản kia
đè nặng trên lưng.
Con số văn bản trái luật làm lộ rõ thói lộng
hành của các cấp chính quyền. Hình như thói lộng hành này đã ăn sâu vào
guồng máy lãnh đạo nên từ ông to đến ông nhỏ cứ hứng là ban hành, bất
chấp pháp luật. “Chỉ riêng 800 văn bản của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn đã thấy khoảng 200 văn bản trái pháp luật…Tỷ lệ này tại
Bộ Giao thông vận tải là 12 trong số 60 văn bản được kiểm tra. […] Tại
tỉnh Cao Bằng có một nửa trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm. Tỷ
lệ này ở Nghệ An là 660 trong 1000 văn bản được “sờ” tới…”. Đó là
số lượng kiểm tra rất khiêm tốn và do “địa phương tự kiểm tra phát
hiện”. Nếu cứ đem hết văn bản đã ban hành của các cấp chính quyền cho
dân kiểm tra thì con số sai phạm còn đi tới đâu? Chính quyền suốt ngày
tuyên truyền “sống theo hiến pháp và pháp luật” nhưng họ lại đang đạp
lên đống hiến pháp và pháp luật để lộng hành.
Khi ra những văn
bản trái luật-những văn bản đen, chắc chắn không hoàn toàn do các cấp
chính quyền (các quan) thiếu hiểu biết hay vô tình. Lâu nay người dân
đã quá quen cách ban hành văn bản của các quan nhà ta. Những văn bản vì
lợi ích cộng đồng thì các quan “nghiên cứu”, lưỡng lự; đôi khi người
dân cứ đợi dài cổ hết năm này qua năm khác nhưng cũng chẳng thấy ban
hành. Ngược lại, những văn bản đen có lợi cho các quan thì chỉ qua một
đêm đã xong (như việc quyết định làm vườn hoa của chính quyền Hà Nội
trên hai khu đất đang tranh chấp vừa qua chẳng hạn). Tới đây tôi tự
hỏi, đằng sau những con số văn bản đen kia là bao lợi ích, bao nhiêu tỷ
tỷ đã vào túi các quan?
Lợi ích như chiếc bánh, quan ăn thì dân
đói. Bao nhiêu tỷ rơi vào túi quan, bấy nhiêu tỷ người dân mất. Các
quan phất lên nhờ những văn bản đen thì người dân thấp cổ bé miệng rơi
vào cảnh bần cùng đói khổ. Người nông dân cả nước đã mất mát gì do hơn
200 văn bản đen của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gây ra? Liệu
tình trạng bỏ học ngày càng tăng nơi học sinh các vùng nông thôn có
phần đóng góp đáng kể của những văn bản đen do Bộ này đã ban hành? Đằng
sau 12 văn bản đen của Bộ Giao thông vận tải là gì? Hậu quả của nó gây
ra tới đâu không biết nhưng có điều chắc chắn rằng, những văn bản đen
của Bộ này đã đóng góp đáng kể vào tình trạng kẹt xe hàng ngày tại các
thành phố, tình trạng người dân phải nhồi nhét trên các phương tiện
giao thông vào mỗi dịp lễ, tết…Văn bản đen của Bộ Công thương thì sao,
nó có gây ra nỗi khốn khổ cho dân khi giá xăng, giá điện mỗi ngày một
tăng? Bộ Giáo dục đóng góp bao nhiêu văn bản đen để đẩy nền giáo dục
nước nhà vào tình trạng phá sản như hiện nay?...
Các quan cấp Bộ
đã vậy, quan địa phương còn lộng hành hơn. Tại tỉnh Cao Bằng có một nửa
trong số 124 văn bản kiểm tra có sai phạm và tỉnh Nghệ An là 600 văn
bản sai phạm trên tổng số 1000 văn bản được kiểm tra. Như vậy con số
văn bản đen chiếm đến hơn 50% văn bản được kiểm tra. Tại các tỉnh khác,
tình trạng ban hành văn bản đen chắc cũng không kém hai tỉnh này. Lâu
nay người ta chứng kiến cảnh dân oan khiếu kiện mỗi ngày một đông. Liệu
đây có phải là hậu quả từ các văn bản đen, những văn bản bất nhân mà
các quan địa phương đã đặt lên lưng người dân?
Tới đây tôi lại
nghĩ tới những văn bản đen của các quan tỉnh Sơn La. Mấy ngày qua,
loạt bài ký sự: Sơn La: “nhà nước tự trị về tôn giáo” của Sơn Hà trên
các trang mạng đã thực sự làm “những ai cầm hộ chiếu Việt Nam đi nước
ngoài đều cảm thấy nhục”. Nhục bởi một nước có bộ luật ghi rõ các quyền
cơ bản của con người: bình đẳng trước pháp luật, tự do tôn giáo…lại tồn
tại cái “nhà nước Sơn La” ngang nhiên đàn áp đồng bào dân tộc theo Công
giáo. Đã có bao nhiêu văn bản đen của “nhà nước Sơn La” đang đè lên
lưng người dân tại đây?
Những văn bản đen không chỉ là những con
số khơi khơi vô hại. Mỗi văn bản ban hành đều tác động trực tiếp đến
sinh mạng hàng ngàn, vạn, triệu con người cụ thể. Đằng sau con số 6.900
văn bản đen là những mảnh đời của trẻ thất học, những tâm hồn đau khổ
vì mất tự do; là tiếng kêu ai oán của kẻ chịu thiệt thòi và là cảnh
nghèo của hàng triệu người dân trên khắp đất nước.
Hàng ngàn
văn bản đen đã và đang là gánh nặng cho người dân (dân chứ không phải
quan) nhưng các quan ban hành “hiện mới có một vài người bị xử lý với
hình thức ‘kiểm điểm’, nhắc nhở”. Cứ với đà này thì người dân còn phải
chịu cảnh áp bức dài dài do những văn bản đen sẽ tiếp tục được ban
hành. Có lẽ vì thế mà hàng triệu người trong và ngoài nước đang hướng
về Hà Nội theo dõi phiên toà xử 8 giáo dân Thái Hà (ngày 08/11/2008) để
tỏ tình liên đới và cũng là dịp để chứng kiến những văn bản đen lộng
hành.
Ngày Mới