Trong các thế võ lợi hại của người Việt Nam mình, ngoài thế “võ chuồn”,
(ba mươi sáu chước, chước chuồn là hơn) là thế võ được người Trung Quốc
truyền cho chúng ta và đã được lưu truyền lâu đời trong dân gian, thậm
chí còn được đưa vào nhiều bộ giáo án quân sự của nhiều thời kỳ. Ngoài
thế võ chuồn nhập khẩu kia, chúng ta còn có một thế võ nữa: đó là thế
“võ cùn” hay còn gọi là thế võ “cù nhầy” là một thế võ đặc sản, một thế võ độc chiêu của một số người Việt Nam quen dùng…
Trong bộ máy công quyền của chúng ta, không ít cơ quan, cá nhân từng đã
sử dụng miếng võ cùn, cù nhầy khá là đắc dụng và đắc lợi; đó là trường
hợp: có những vị mà theo cách nói dân gian “cao không tới mà thấp thì không chịu thông”,
tức là do năng lực và uy tín hạn chế nên không thể cất nhắc, đề bạt lên
được nên cùn ra đấy: không chịu trả ghế. Ở ta cán bộ phần lớn chỉ có
lên ít khi xuống, do vậy nên mới xảy ra tình trạng: một số vị này chây
ra, cùn ra không chịu về hưu đúng tuổi. Đối với các trường hợp này,
công tác tổ chức của chúng ta thường có mẹo để đối sách lại với thế võ
cùn: không đảo ngược được thì đảo ngang ngang, đẩy xê dịch dần các vị
này ra... Có một Bộ nọ mà có năm tại Bộ này số công chức sử dụng võ cùn
này khá đông, cán bộ công nhân ở cơ quan này đã phải gửi đơn đi các nơi
mới giải tán được cái câu lạc bộ: Mãi mãi tuổi sáu mươi; một câu lạc bộ
có vài chục vị suýt soát 65-70 nhưng chưa chịu về hưu…
Thế võ cùn còn tỏ ra đắc lợi và đắc dụng trong lĩnh vực đất
đai, điền sản; nhiều ông nhờ tận dụng giỏi miếng võ cùn này mà con cháu
đời sau mát mặt, do cùn mà chiếm được nhiều nhà cao cửa rộng, nhiều đất
công…Thế võ cùn này đặc biệt lợi hại và triệt để được tận dung đối với
những kẻ tham nhũng. Bởi vì, do nét đặc thù của nền kinh tế nước ta:
một nền kinh tế tiền mặt đồng hành với một nền “văn hóa”
phong bì như một số học giả phương tây đã ngộ ra: do đó việc đút lót,
hối lộ và nhận hối lộ là một việc rất dễ bị phi tang, rất ít khi để lại
dấu vết. Công tác phòng chống tham nhũng ở ta khó hơn các quốc gia khác
vì có một trong các nguyên nhân kể trên. Nhiều vụ án rơi vào bế tắc, xử
lý chậm vì không dễ tìm ra đủ bằng chứng pháp lý để xử theo bộ Luật
Hình sự. Trong các vụ án tham nhũng ở nước ta chỉ có một vụ hi hữu:
tiền tham nhũng được chuyển qua tài khoản đó là vụ án tham những ở
Mường Tè năm xưa; một ông cán bộ ở đây đã nhận tiền của các B qua
chuyển khoản, bởi do ông cán bộ này là người dân tộc nên mới nhận theo
kiểu đó…Nếu tôi là cán bộ tòa án, nhất định tôi sẽ ghi điểm cho trường
hợp này một điểm về tình tiết giảm nhẹ vì: tham nhũng qua chuyển khoản,
đỡ mất công điều tra của các cơ quan chức năng. Còn bây giờ nhận tiền
thông qua phong bì gián kín, sau này nếu bị khai ra và các cơ quan điều
tra hỏi đến thì lập tức các đối tượng này sẽ giở miếng võ này ra để
choang phủ đầu: bằng chứng đâu?
Hiện nay việc hối lộ và nhận hối lộ đã được “lập trình”
một cách rất chi là bài bản, tinh xảo, tinh vi; người ta lập trình sẵn
các dữ liệu về các cách thức, đường đi, nước bước giống như các phần
mềm trong các computơ tân tiến nhất để đối phó với tình huống xấu nhất.
Nếu không may xảy đến thì vẫn còn có cơ, có chỗ để cho thế võ cùn được
giở ra để mà tử thủ: Bằng chứng đâu?
Về vụ các quan chức PCI của Nhật Bản đưa tiền hối lộ mà theo
họ khai với Tòa án Nhật: người nhận số tiền này về phía Việt Nam là ông
Huỳnh Ngọc Sĩ; theo những thông tin từ phía tòa án Nhật Bản thì mấy vị
này cũng đã bị “Việt Nam hóa”
trong việc sử dụng tiền mặt để làm điều gian; họ đã rút tiền mặt ra từ
tài khoản, một điều cấm kỵ tại đất nước họ để giao dịch nhằm mục đích
giành được gói thầu gần 30 triệu USD này.
Vấn đề ở đây là: Khi nhận số tiền này, các bên đưa và nhận
chắc chắn cũng đã tính, đã đề phòng đến hậu quả xấu nhất chứ không thật
thà như cái ông cán bộ dân tộc ở Lai Châu kia. Vậy thì nếu như Huỳnh
Ngọc Sĩ giở miếng võ cùn độc chiêu của Việt Nam này ra để choang lại:
Bằng chứng đâu, thì các cơ quan điều tra phải tính sao? Vụ án chưa khởi
tố về phía Việt Nam, chưa rõ các quan chức Nhật Bản tại PCI có lưu được
những gì là bằng chứng để chứng minh người nhận là ông Huỳnh Ngọc Sĩ
chứ không phải là một ông “Huỳnh Ngọc Si” nào đó?!
Những việc mà dân ta quen gọi là đi đêm này để phát hiện đòi
hỏi phải dày công lắm. Rất nhiều vụ án rơi vào tình cảnh botay.com. Và
đây cũng là tình cảnh mà ma và người dễ lẫn lộn với nhau. Chắc chắn các
cơ quan chức năng sớm muộn phải vào cuộc và phải tìm ra bằng chứng để
chứng minh rằng ông Huỳnh Ngọc Sĩ chứ không phải là ông Huỳnh Ngọc Si
đã nhận số tiền 2,6 triệu USD này. Trong toán học A+B=C, trong hoạt
động pháp lý tội hối lộ bao giờ cũng phải có hai yểu tố cấu thành:
người đưa hối lộ và người nhận hối lộ. Phía Nhật Bản, các quan chức ở
PCI đã thừa nhận và đã bị kết án; còn về phía ta, nếu ông Huỳnh Ngọc Sĩ
giở võ cùn này ra thì có khi chúng ta lại phải yêu cầu phía Nhật xem
lại xem công dân họ có vu cáo làm mất, tổn thương danh dự của công dân
Việt Nam hay không? Hy vọng các cơ quan tư pháp dày kinh nghiệm của
Nhật thu thập chứng cứ đủ khả năng tâm phục khẩu phục người của họ mà
còn bàn giao giúp các cơ quan điều tra của chúng ta. Nếu các cơ quan
chức năng không tìm ra bằng chứng, còn ông Huỳnh Ngọc Sĩ lại giở cái
miếng võ lợi hại kia ra thì cũng rắc rối chứ không đùa được.
Đây là một bài toán pháp lý hy hữu từ trước đến nay về loại
tội danh tham nhũng! Hy vọng rằng các cơ quan điều tra tài giỏi và uy
tín của chúng sẽ sớm tìm ra các bằng chứng, các đáp án để giải bài toán
pháp lý nan giải này. Chứng minh được ông Huỳnh Ngọc Sĩ đúng là ông
Huỳnh Ngọc Sĩ, người đã nhận khoản tiền 2,6 triệu USD kia. Nếu không
làm được thì theo thông lệ cơ quan ngoại giao của chúng ta chắc chắn
buộc phải yêu cầu phía Tòa án Nhật Bản cải chính, bồi thường danh dự
cho công dân Việt Nam và phải điều tra xét xử lại mấy vị quan chức PCI
kia khai nhầm?
Dư luận đang lo cho các nhà ngoại giao cúa chúng ta và các cơ
quan tư pháp Nhật Bản sẽ bị rầy rà khi phải đối đầu với thứ võ cùn này.
Hy vọng miếng võ cùn lợi hại này không gây nên những chuyện rắc rối ảnh
hưởng đến quan hệ hữu nghị, làm ăn giữa hai nước.
Phúc Lộc Thọ