SBTN
Tin
Hà Nội - Vụ án tham nhũng ODA và PMU-18 một lần nữa trở thành đề tài
bàn tán cho các nhà tài trợ quốc tế trong buổi đối thoại sáng ngày hôm
nay tại Hà Nội, khi đại diện những quốc gia viện trợ cho Việt Nam đã
tuyên bố rằng không khí chống tham nhũng đang có vẻ chùng xuống. Một sự
kiện rất chú ý là buổi hội thảo lần này có chủ đề là Vai trò của báo
chí trong phòng chống tham nhũng, và vì thế nhiều cơ quan báo chí được
xếp ghế đại biểu danh dự của Hội thảo. Các nhà tài trợ bày tỏ hy vọng
lần đối thoại sau sẽ được nghe thêm tiếng nói của chính các ký giả báo
chí, chứ không chỉ từ đại diện của Bộ Thông tin Truyền thông và Hội Nhà
báo. Trong phần trình bày của mình, Hà Nội tiếp tục tuyên truyền một
cách trơ trẽn về những cái gọi là thành tựu lớn được báo cáo như ban
hành luật phòng chống tham nhũng, lập văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương,
ban hành nhiều Nghị định, thông tư và đang xây dựng chiến lược phòng
chống tham nhũng, vân vân, nhưng các nhà tài trợ cho rằng Việt Nam mới
dừng lại ở chỗ hoàn thiện thể chế chứ chưa để ý đến công việc cụ thể.
Ðại sứ Phần Lan là Pekka Hyvonen tuyên bố việc chống tham nhũng tại
Việt Nam đang khựng lại, nhiều văn bản ban hành mâu thuẫn về lợi ích.
Tùy viên tòa đại sứ Hòa Lan Beng Van Loosdlecht lo ngại khi cho rằng họ
đang có cảm nhận là thế cờ chống tham nhũng đã đảo ngược, bị sai lệch.
Con cá bé bị bắt, con cá to lại lọt lưới. Ông khuyến cáo tinh thần
chống tham nhũng phải được quán triệt và cam kết từ cấp cao nhất.
Phó Ðại sứ Ðan Mạch Tove Degnbol nói chống tham nhũng vẫn chưa đi
đúng hướng và chưa được cải tiến, nhà nước đã nỗ lực nhưng mọi người
đều cho rằng việc này đang khựng lại. Ngay lập tức những cán bộ cao cấp
Cộng sản Việt Nam đều rộ lên bênh vực đảng và nhà nước, khi lập lại
rằng đích thân Thủ tướng Cộng sản Việt Nam đã cam kết bất kỳ ai có chức
quyền, nếu tham nhũng và bị phát hiện đều phải xử phạt, và Việt Nam đã
từng xử phạt cả ủy viên Trung ương Ðảng, thứ trưởng, bộ trưởng, vân
vân. Tổng thanh tra nhà nước cho rằng việc chống tham nhũng bị khựng
lại là ngộ nhận, nhưng sau đó thú nhận là vì những vụ xử chống tham
nhũng đưa đến những kết quả không như dư luận trông đợi, và báo chí đã
tỏ ra ngần ngại sau khi đưa tin về vụ PMU-18 và có nhiều ký giả bị bắt
giữ và tuyên án tù. Nhân dịp này cũng phải ghi nhận là giới báo chí
trong nước đã có dịp để trả thù, khi ngay chính những tờ báo của nhà
nước Cộng sản Việt Nam đã viết bài đăng tải những lời chỉ trích, khi
cho rằng việc tiến hành Luật phòng chống tham nhũng hiện nay hoàn toàn
dựa vào cơ quan quyền lực, ít dựa vào dân. Khi khảo sát về đánh giá mức
độ xử phạt tham nhũng, có tới 73% cho là xử phạt chưa hết và không kiên
quyết. Ða số người dân đều xác nhận các vụ án tham nhũng là do người
dân và báo chí phát hiện. Sau giai đoạn rầm rộ ban đầu, tính hiệu quả
của thi hành Luật giảm dần, đến 2008 thì nhiều hoạt động phòng chống
tham nhũng thực hiện lẻ tẻ, rời rạc, báo chí đăng tải tin chống tham
nhũng thì bị trừng phạt, viên chức tham nhũng thì lại trốn thoát. Hội
nghị sẽ tiếp tục vào ngày mai, và người ta tin rằng nhân dịp này báo
chí tại Việt Nam sẽ tiếp tục khai thác và đòi hỏi thêm quyền tự do cho
ngành này trong những ngày tới. |