Thứ Ba, 2024-11-05, 8:44 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 29 » Một năm Tam Sa: Niềm đau nhức chung
11:34 AM
Một năm Tam Sa: Niềm đau nhức chung

Trần Hùng

Từ một năm nay, hai chữ "Tam Sa" đã trở thành niềm đau nhức chung cho người Việt ở khắp nơi. Hai chữ này nói lên nguy cơ mất nước mà dân tộc Việt Nam phải đương đầu, ngoài tình trạng lạc hậu mà chế độ cộng sản đã mang đến cho đất nước ta. Sau ải Nam Quan, sau thác Bản Giốc, sau Hoàng Sa, Trường Sa, những địa danh nào sẽ từ từ biến mất trên bản đồ Việt Nam, đó là câu hỏi nhức nhối mà tất cả những người yêu nước đều quan tâm tìm phương cách đối phó, vừa một lúc chống họa ngoại xâm từ phương Bắc, lại đồng thời tẩy trừ những kẻ nội thù, ăn cơm nước Việt mà lòng dạ để ngoài bờ cõi, bán rẻ đất đai của cha ông chỉ vì một miếng đỉnh chung.

Tam Sa là tên của một đơn vị hành chánh cấp huyện, được Quốc Vụ Viện Trung cộng thành lập do một đạo luật được thông qua ngày 2-12-2007, bao gồm các quần đảo Tây Sa, Hoàng Sa và Trường Sa. Không phải đến thời điểm này Trung cộng mới có dã tâm xâm chiếm đất đai của Việt Nam, mà nó đã được thực hiện đều đặn và không ngưng nghỉ từ nhiều năm nay, và được tiếp tay qua chính sách triều cống của Hà Nội. Con đường bán nước này đã khởi đi từ thập niên 1950, với công hàm bán nước của Phạm Văn Đồng. Chính sách bành trướng của Trung cộng thể hiện rõ rệt nhất qua trận đánh chiếm Hoàng Sa vào tháng giêng năm 1974, khiến 58 binh sĩ QLVNCH anh dũng hy sinh để tiếp nối truyền thống bất khuất của cha ông. Trước thái độ hèn hạ và khiếp nhược của CSVN, Trung cộng càng thêm hung hãn. Năm 1979, trong trận chiến biên giới, Trung cộng di dời nhiều cột mốc vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam, chiếm cứ nhiều cao điểm. Núi Đất thuộc huyện Vị Xuyên tỉnh Hà Giang đã trở thành Lão Sơn của Trung cộng, Núi Bạc thuộc huyện Yên Minh, nay là giải Âm Sơn thuộc Trung cộng. Tại Lạng Sơn, các dãy 820, 636 thuộc xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định cũng đã thuộc về Trung cộng… Tháng 2 năm 1988, Trung cộng xua chiến hạm đánh chiếm một số đảo của quần đảo Trường Sa, giết hại 74 bộ đội hải quân cộng sản. Cuối thập niên 1990, và cuối năm 2000, Trung cộng buộc CSVN ký kết những hiệp ước phân định biên giới trên bộ và trên biển, làm thiệt hại của Việt Nam nhiều vùng đất phiá bắc, và trên 11.000 cây số vuông trong vịnh Bắc Việt. Trong thời gian này, Bắc Kinh cho in lại bản đồ ghi rõ Hoàng Sa Trường Sa thuộc về Trung cộng. Trên biển Đông, hải quân Trung cộng ngang nhiên bắt giữ và giết hại ngư phủ Việt Nam. Trung cộng còn lên tiếng hăm dọa và xua đuổi những nhà thầu quốc tế ký hợp đồng với Việt Nam để thăm dò dầu khí…. Nhìn toàn bộ cuộc xâm lấn kéo dài hơn nửa thế kỷ nay, người ta thấy việc thành lập Tam Sa chỉ là sự kết thúc của một giai đoạn, giai đoạn mà Trung cộng với sự tiếp tay của chư hầu CSVN đã làm chủ nhiều vùng lãnh thổ và lãnh hải của Việt Nam. Trung cộng cũng muốn hợp thức hoá đối với quốc tế những vùng đất và vùng biển đã chiếm đoạt được. Tuy nhiên, sự việc này cũng mở đầu cho một giai đoạn kế tiếp, mà Trung cộng sẽ phải đương đầu với sự chống đối của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Ngay khi biết tin về việc thành lập đơn vị hành chánh Tam Sa, thanh niên sinh viên trong nước đã đứng lên biểu tình chống Trung cộng. Những ngày 9 và 16 tháng 12-2007 đã trở thành những ngày lịch sử của tuổi trẻ Việt Nam, khi họ bất chấp sự ngăn cản, cấm đoán và đàn áp của công an, hiên ngang hô to "Hoàng Sa Trường Sa Việt Nam" trước cổng dinh thái thú Trung cộng tại Sài Gòn và Hà Nội. Những tiếng hô của họ đã được mạnh mẽ đáp ứng, đưa những lời hô này vang dội trên các thành phố ở Âu châu, Úc châu, Bắc Mỹ… Từ một nỗi lo chung, từ một niềm đau chung, người Việt khắp nơi cũng tìm được một điểm hội tụ chung, không phân biệt nguồn gốc quá khứ hay hoàn cảnh hiện tại, nhưng đều "Hoàng Sa Trường Sa là Việt Nam", dứt khoát và quyết tâm. Dù Việt cộng khiếp nhược hay Trung cộng hung hãn, Hoàng Sa Trường Sa luôn luôn là Việt Nam…

Đã một năm từ khi Trung cộng đóng dấu ấn Tam Sa trên niềm đau nhức Việt Nam, trong thời gian qua, công cuộc đấu tranh cho dân chủ Việt Nam cũng đồng thời gắn liền với nỗ lực bảo toàn lãnh thổ. Hai yếu tố "dân chủ cho dân tộc Việt Nam" và "vẹn toàn cho lãnh thổ Việt Nam" đã trở thành những yếu tố khắng khít không thể tách rời. Điều này cho thấy rõ hơn nữa, việc bảo toàn lãnh thổ sẽ là bất khả ngày nào Việt Nam còn bị cai trị bởi chế độ độc tài. Bởi vì một chế độ độc tài như CSVN không thể huy động sức mạnh của toàn khối dân tộc để chống trả với ngoại xâm. Và cũng bởi vì những kẻ độc tài chỉ toan tính đến quyền lợi cá nhân, họ chăm chú khai thác những túi dầu, chứ không hề quan tâm bảo vệ những hòn đảo.

Trong sách lược đấu tranh bảo vệ lãnh thổ, việc lên tiếng xác định chủ quyền là nỗ lực vô cùng quan trọng, đặc biệt khi nhà nước cộng sản vì khiếp nhược nên đã lặng câm. Họ còn tìm cách viện dẫn sai lạc những bài học lịch sử để che đậy cho thái độ khiếp nhược cố hữu, cố tình không thấy rằng ông cha ta đã có chính sách khoan hồng cho quân Thanh, quân Minh… chỉ sau khi đã đánh chúng không còn manh giáp, và đã tống chúng ra khỏi bờ cõi, bảo vệ lãnh thổ được vẹn toàn. Không phải như hiện nay, khi quân thù còn chiếm đóng trên đất, biển của tổ tiên, khi quân thù còn giết hại người đồng chủng, thì lời biện bạch "chính sách khôn ngoan đối với nước lớn" chỉ là hành động đầu hàng trắng trợn. Sự lên tiếng của người Việt trong và ngoài nước vì thế sẽ mang một giá trị đặc biệt đối với cộng đồng quốc tế. Nó vừa tố cáo chính sách xâm lấn của Trung cộng, vừa hài tội chủ trương bán nước của CSVN.

Sự lên tiếng đó cũng đồng thời để lại cho lịch sử những chứng cứ rõ rệt là, mặc dù bị cai trị bởi chế độ độc tài CSVN, người dân Việt vẫn cương quyết bầy tỏ tinh thần yêu nước và bảo toàn lãnh thổ của cha ông để lại. Những thế hệ mai sau sẽ thấy rằng, trong hoàn cảnh nguy nan của đất nước, cha ông của họ đã làm tròn bổn phận con dân.

Việc thể hiện chủ quyền của Việt Nam có thể được tiếp tục thực hiện qua những hình thức như tuyên ngôn, thông cáo, hay biểu tình trước những cơ quan đại diện Trung cộng tại các nơi. Để tạo thêm sự quan tâm của dư luận, chúng ta cũng cần quốc tế hoá vấn đề Hoàng Sa Trường Sa, kéo thêm nhiều quốc gia vào việc ngăn chặn chính sách bành trướng của Trung cộng. Trong tuần lễ trước, nhật báo Manila Times viết bằng Anh ngữ phát hành tại thủ đô của Phi Luật Tân đã đăng một lá thư ngỏ, kêu gọi 5 nước ASEAN hãy cùng hành động trong đối sách chung đối với Trung cộng. Lá thơ của Quỹ nghiên cứu Biển Ðông viết rằng các nước liên hệ cần dựa vào công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển để giải quyết tranh chấp, và chính phủ các nước Phi Luật Tân, Mã Lai, Brunei, Nam Dương và Việt Nam hãy hành động cùng nhau hướng tới một giải pháp cho Biển Ðông theo Luật biển.

Người ta biết rằng chủ trương của Bắc Kinh là vừa đánh vừa đàm. Một mặt họ phát triển hải quân, xây dựng căn cứ tầu ngầm ở Hải Nam, đưa tầu đi khống chế vùng biển Đông. Mặt khác, họ đàm phán song phương về lãnh thổ và lãnh hải với từng nước, chứ không chịu ngồi chung để giải quyết vấn đề. Trong các quốc gia liên hệ, Phi Luật Tân thường có thái độ đối đầu mạnh mẽ với Trung cộng, trái ngược với thái độ khiếp nhược của CSVN. Tuy một số chi tiết trong đề nghị vừa được nêu lên như "việc phân chia các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa không phụ thuộc vào vấn đề chủ quyền trên các đối tượng có tranh chấp" cần phải được thảo luận rõ ràng, nhưng việc thành hình một mặt trận các quốc gia Đông Nam Á để ngăn chặn bước chân xâm lấn của Trung cộng trên biển đông là điều cần thiết. Nó vừa tạo lực đối trọng để cân bằng với sức mạnh của Trung cộng, và mặt khác, vừa lôi CSVN ra khỏi cái vỏ của con ốc sên hèn nhát, chỉ biết tìm chỗ ẩn nấp trong cái vỏ mỏng manh của mình. Trong thời điểm một năm của niềm đau chung mang tên "Tam Sa", bất cứ một sáng kiến nào nhằm gia tăng triển vọng dân chủ cũng như giúp bảo toàn lãnh thổ nước Việt đều là những nỗ lực đáng ngợi ca.

Trần Hùng
Nguồn: Việt Tân



Chú thích của Wikipedia

Tam Sa
(tiếng Trung: 三沙市 Tam Sa thị) là một đô thị cấp huyện (huyện cấp thị, có thể dịch là "thị xã") thuộc tỉnh Hải Nam, do Quốc vụ viện nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phê chuẩn thành lập vào tháng 11 năm 2007, có phạm vi quản lý 3 quần đảo trên Biển Đông: Hoàng Sa, Trường Sa (mà Trung Quốc gọi là quần đảo Tây Sa và quần đảo Nam Sa) và Trung Sa, với diện tích bằng 1/4 diện tích nước Trung Quốc.
Trong 3 quần đảo trên, Hoàng Sa đang thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, còn Trường Sa thuộc diện tranh chấp với Việt Nam, Đài Loan, Philippines, Malaysia và Brunei. Trước đây, Tam Sa là cấp biện sự xứ (tương đương cấp huyện) với tên gọi chính thức là Tây Sa quần đảo (西沙群岛), Nam Sa quần đảo (南沙群岛), Trung Sa quần đảo biện sự xứ (中沙群岛办事处), hoặc Tây Nam Trung Sa quần đảo biện sự xứ (西南中沙群岛办事处) thuộc tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 781 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 527
Khách: 527
Thành Viên: 0