Thứ Năm, 2024-11-21, 6:54 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 29 » Hungari đối diện với quá khứ cộng sản
11:56 AM
Hungari đối diện với quá khứ cộng sản


http://www.rfi.fr/actuvi/articles/107/article_1719.asp

Trong năm 2008 qua, thú vị là không phải các tác phẩm văn học hay nghệ thuật được công luận Hungary để ý tới nhất, mà lại là hai cuốn cùng một đề tài lịch sử : hệ thống trại tập trung cải tạo lao động Gulag của Liên Xô cũ

Đó là tác phẩm nghiên cứu của nữ sử gia, một nhà Nga học nổi tiếng Gereben Ágnes, mang tựa đề “Những cuộc trò chuyện về Gulag”, và quyển hồi ký “Những trại tù Gulag, nơi diễn ra sự diệt chủng của chủ nghĩa Bolshevik” của ông Menczer Gusztáv.

Trước nay, đã có nhiều sử liệu về Gulag được công bố, nhưng nghiên cứu của nữ sử gia Gereben Ágnes đặc biệt ở chỗ, nó đã bác bỏ những ý kiến mới đây của nhiều sử gia mang tính bênh vực, bào chữa và “xét lại” khái niệm Gulag, cho rằng Gulag đơn thuần là một hình thức chiêu tập nhân lực để “xây dựng đất nước, nâng cao quốc phòng”.

Cơ hội làm chứng cuối cùng của các nạn nhân.

Đặc biệt, bên cạnh phần nghiên cứu, phân tích tổng quan, một phần đáng kể của cuốn sách là những hồi tưởng, những cuộc trò chuyện với các nhân chứng, đồng thời là nạn nhân của hệ thống Gulag cách đây hơn nửa thể kỷ. Đó là những người sống qua thế giới kinh khủng của hệ ngục tù hà khắc của thể chế Stalinist, và vì lý do tuổi tác, có thể đây là dịp cuối cùng họ có cơ hội thổ lộ những gì đã trải qua thời ấy.

Sử gia Gereben Ágnes, trong phần nghiên cứu, đã cho rằng những so sánh giữa Auschwitz và Gulag - hai hệ thống ngục tù, trại tập trung và lao động của hai thể chế độc tài thế kỷ XX -, là khập khiễng và vô nghĩa, vì ngoài mục đích diệt chủng toàn trị và trừng phạt, hai hệ thống đó không có điểm gì chung đáng kể.

Theo bà Gereben, Gulag không nhằm vào các nhóm dân tộc, sắc tộc, mà nhằm vào những giai tầng xã hội, những người bị coi là “kẻ thù của nhân dân”. Ngay từ khi mới lên nắm quyền, chính thể Bolshevik đã chủ trương đàn áp và trừng phạt không khoan nhượng những người bất đồng chính kiến, không tán thành chính quyền mới và liệt họ vào những giai tầng bị chụp mũ là “kẻ thù”. Sự báo thù được luật hóa trong các sắc lệnh của Nội đồng Dân ủy (chính phủ Liên Xô thời đó), chẳng hạn, sắc lệnh ra ngày 5-9-1918, mang tên “Về khủng bố đỏ”, trong đó Lenin tuyên bố rất rõ ràng: “Cần bắn chết những kẻ chủ trương âm mưu và nổi loạn”, “cần nhốt vào trại tập trung những kẻ thù giai cấp”. Ngày 1-11 cùng năm, trong tờ báo “Khủng bố đỏ”, một lãnh tụ Bolshevik khác là Mikail Lacis bổ sung thêm: “Chúng ta không tuyên chiến với những cá nhân. Chúng ta muốn tiêu diệt bọn tư sản, như một giai cấp. Vì vậy, trong quá trình điều tra, chớ tìm bằng cứ, hiện trạng để cho thấy bị can có lời lẽ hay hành động chống lại chính quyền Xô-viết. Câu hỏi đầu tiên của các đồng chí hãy là, các anh thuộc giai cấp nào ? Đây là ý nghĩa và bản chất của khủng bố đỏ”.

Thanh trừng, đàn áp ở quy mô lớn.

Nghiên cứu của sử gia Gereben cho thấy, sau bức điện tín gửi ngày 9-8-1918 của Lenin, trong đó lần đầu tiên ông nhắc đến khái niệm “trại tập trung”, những cuộc thanh trừng trở nên thông dụng và được tiến hành ở quy mô rất lớn, và Gulag trở thành công cụ ở tầm nhà nước của sự đe dọa và báo thù. Cũng theo bà Gereben, cho dù không nhằm vào các dân tộc và sắc tộc, mà được thực hiện theo từng giai tầng xã hội, tuy nhiên, trong lịch sử tồn tại của mình, đã có 17 sắc tộc bị đày ái hoàn toàn, và 55 sắc tộc bị đày ải một phần.

Những hồi tưởng của các nạn nhân đã cho thấy hiện thực kinh hoàng của Gulag, khi họ nhớ lại những cuộc thanh trừng, xử tử đối với trẻ vị thành niên, hoặc các thiếu nữ ở độ tuổi 16-20 đơn thuần trở thành “vật dụng” của các chính ủy thời đó. Trong các trại Gulag, bạo lực đối với trẻ vị thành niên xảy ra nh cơm bữa, và một hình phạt rất thông dụng là giam trẻ em cùng tù thường phạm, khiến rất ít em nhỏ sống sót.

Tóm lại, cuốn sách của bà Gereben được đánh giá là một tác phẩm sử học đáng giá, đồng thời, cũng là một hồi tưởng động lòng về hệ thống Gulag, gây chấn động đến độc giả hiện tại.

Nếu như nghiên cứu của bà Gereben Ágnes tập trung vào các nạn nhân người Nga của Gulag, thì cuốn hồi tưởng của ông Menczer Gusztáv lại thuật về những năm tháng khủng khiếp của một người ngoại quốc tại địa ngục Gulag. Bởi lẽ, như chúng ta đã biết, sau Đệ nhị Thế chiến, hàng triệu người từ các nước Đông Âu như Hungary, Ba Lan... đã bị đưa sang Liên Xô và đày ải trong các trại tập trung.

Ký ức tang thương, bút pháp nhân hậu.

Hơn nửa thế kỷ trước, ông Menczer Gusztáv đã trải qua 105 tháng trong các trại tập trung của Đế chế Xô-viết, nhưng phải đến đầu năm 2006 ông mới quyết định viết ra giấy những năm tháng đau đớn ấy, với một bút pháp nhân hậu, không hề có sự thù hằn.

Cuộc đời ông Menczer thoạt đầu diễn ra rất yên bình : ông trưởng thành trong một gia đình thị dân, đời sống đầy đủ, hồi nhỏ ông học giỏi các môn Khoa học Tự nhiên, ham đọc sách, thích thể thao, nói thành thạo tiếng Đức và theo học Đại học Y khoa. Menczer không hề quan tâm đến chính trị, tuy nhiên, khi Đệ nhị Thế chiến bùng nổ, Hungary bị cuốn theo phe Đức, Menczer bị điều ra mặt trận trên tư cách người điều khiển điện đài.

Hè năm 1945, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ một cách bất ngờ và vô lý. Buổi sáng, mẹ ông nói, lính Nga kiếm ai đó nhưng không thấy, họ sẽ trở lại. Trưa, ông Menczer chạm trán với người Nga nọ, lập tức ông bị dí súng vào hông và giải đi. Nhờ người phiên dịch, ông mới biết mình bị bắt, bị hỏi cung. Hóa ra, ông và nhiều người khác bị nghi là gián điệp, bị hành hạ về thể xác và tinh thần, để rồi đáng mất sự kháng cự cả về đạo đức. Biên bản hỏi cung ông Menczer dày 319 trang, khi tòa tuyên án, ông chỉ nghe được loáng thoáng con số 10, nhưng không hiểu là 10 năm, tháng hay ngày.

Sau đó là những ngày khổ sở khi ông và các đồng hương bị nhốt vào những toa tàu không có cửa và bị chở sang Liên Xô. Chuyến đi kéo dài 3 tuần, các nạn nhân chỉ được nhận món cá ướp muối rất mặn, nhưng không có nước uống. Ở trại tập trung Kharkov, do khẩu phần ăn bị giảm thiểu, ộng Mencuer kiệt sức và chỉ còn 36 kg. Vào viện, ông có dịp thực hành những kiến thức y học đã học tại đại học và tham gia công việc của các hộ lý.

Nhưng rồi, Menczer lại bị kết tội âm mưu phản loạn và bị chuyển đi hết trại này đến trại khác. Ông đã có mặt tại tuyến đường sắt Baikál – Amur - Magistral, được báo chí đương thời tuyên truyền là do các đoàn viên cộng sản tự nguyện xây dựng. Ông cũng từng bị giam ở Kolyma, trại Gulag khét tiếng nhất, đã trải qua cái lạnh -63 độ, trong đói khát và bệnh tật. Chỉ mãi về sau, ông mới ý thức được bản án 10 năm tù, và mới có ý thức tìm cách để sống sót qua 10 năm dài dằng dặc ấy. Đức tin đã cứu rỗi Menczer, hàng ngày ông cầu nguyện đều đặn 3 lần, để cầm lòng với những gì đang có. Ngoài ra, ông còn cố đọc nhiều sách, học tiếng Nga và nhận làm mọi việc để trở thành người hữu dụng ngày trong cảnh tù đày.

Những câu chuyện của Menczer đặt con người vào tiêu điểm, chúng ta không cảm thấy sự thù hận, căm giận ở ông. Thực chất, ông chỉ không tha thứ được một thượng úy mật vụ, đã tìm mọi cách để triệt hạ ông. Tuy nhiên, khi bắt gặp người sĩ quan này có quan hệ tình ái với một tù binh nữ và nếu tố giác, tay mật vụ có thể bị ít nhất là 15 năm tù, ông đã im lặng, cho qua.

Hồi hương sau 10 năm tù đày.  

Được hồi hương sau cái chết mùa xuân năm 1953 của Stalin, khi vừa đặt chân lên đất Hung, Menczer đã mua 1 tờ báo và chợt nhận ra, cứ đọc hai, ba từ thì lại có một từ ông không còn hiểu. Sự tái hội nhập diễn ra rất khó nhọc, nhưng Menczer cho rằng những năm tháng tù đày đã khiến ông trở nên minh triết hơn, khiến nhân cách của ông phát triển và hoàn thiện hơn.

Tại Hungary, sau biến cố 1989, công luận có điều kiện trực diện với quá khứ với rất nhiều đau thương và những vết trắng. Tuy nhiên, 20 năm đã trôi qua mà người dân Hung vẫn cảm thấy rằng, phải trực diện với quá khứ để nắm bắt được hiện tại và tương lai. Đấy là lý do khiến hai cuốn sách kể trên, cho dù đề cập tới một vấn đề đã rất cũ, vẫn được để tâm thích đáng và nhận được nhiều sự chia sẻ từ mọi giai tầng độc giả.

Category: Quốc Tế | Views: 809 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 77
Khách: 77
Thành Viên: 0