Thứ Bảy, 2024-11-23, 3:37 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 29 » Trung quốc ngang nhiên khai thác dầu trong lãnh hải VN,
5:41 PM
Trung quốc ngang nhiên khai thác dầu trong lãnh hải VN,





Hà Nội (NV) - Hôm 28 Tháng Mười Một, ông Lê Dũng, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, tuyên bố với tờ Tuổi Trẻ: “Việt Nam quan tâm và theo dõi chặt chẽ thông tin do hãng tin Bloomberg loan báo về việc công ty Cnooc (một thành viên của Tập Ðoàn Dầu Khí Trung Quốc), đầu tư 29 tỉ USD để thăm dò, khai thác dầu khí trong vùng nước sâu ở biển Ðông”.

Về chủ quyền của Việt Nam trên biển Ðông, ông Lê Dũng cho rằng: “Trong khi đang có những nỗ lực để thúc đẩy đàm phán nhằm tìm giải pháp lâu dài và cơ bản thì các bên liên quan cần duy trì ổn định và không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình. Mọi hoạt động tiến hành trên vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam mà không có sự đồng ý, chấp thuận của Việt Nam đều là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, vi phạm lợi ích quốc gia của Việt Nam và hoàn toàn vô giá trị”.

Trước đó, vào ngày 24 Tháng Mười Một, hãng tin Bloomberg tiết lộ: “Trước nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Trung Quốc, công ty Cnooc đã tiến hành việc khai thác dầu ở khu vực mà các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Indonesia tuyên bố chủ quyền”.

Việt Nam đã đưa ra hàng trăm “tuyên bố phản đối” Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ giống như vậy và tất cả các “tuyên bố phản đối” này chỉ ngừng ở mức... “tuyên bố”.

Các “tuyên bố phản đối” chỉ được đưa ra sau khi dư luận thế giới đã trở thành ồn ào về việc Trung Quốc xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam. Ðáng lưu ý hơn là ngoài việc đưa ra các “tuyên bố”, không những không làm gì để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, chính quyền CSVN còn tìm nhiều cách ve vuốt phía đã ngang nhiên xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của mình.

Cách nay hơn hai tháng, vào ngày 9 Tháng Chín, tại Hà Nội, đại diện Tập Ðoàn Dầu Khí Việt Nam (PetroVietnam) và Tập Ðoàn Trung Hoa Chiêu Thương Cục (China Merchants Group - CMG) của Trung Quốc đã cùng ký một “bản ghi nhớ” (MOU) hợp tác chiến lược.

Tờ Tiền Phong cho rằng: “Bản ghi nhớ này tạo cơ sở quan trọng để hai bên hợp tác tìm cơ hội đầu tư chung trong các lĩnh vực cùng quan tâm và phát huy thế mạnh mỗi bên”.

Theo tờ Tiền Phong, CMG hình thành từ năm 1872, hiện là một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Trung Quốc, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông vận tải, vận tải biển, tài chính, thương mại, bất động sản, cung ứng vật tư kỹ thuật giao thông vận tải, sản xuất hàng tiêu dùng...

Theo nội dung MOU, hai bên sẽ cùng nhau tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư chung trong các lĩnh vực: Cảng biển và các dự án Logistics Project liên quan tại khu kinh tế trọng điểm miền Nam. Khu công nghiệp và các dự án kinh doanh bất động sản của PetroVietnam, tài chính, chứng khoán. CMG hứa hỗ trợ PetroVietnam trong việc phát triển hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc và nước khác.

Tuy nhiên đáng chú ý nhất là từ đầu năm 2009, hai bên sẽ ký tiếp các dự án hợp tác trong lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí trên lãnh thổ Việt Nam.

Ông Ðinh La Thăng, chủ tịch hội đồng quản trị PetroVietnam và ông Phó Dục Ninh ủy viên hội đồng quản trị, tổng giám đốc CMG, khẳng định với báo giới rằng “hai bên quyết tâm đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện, lâu dài, làm động lực thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam-Trung Quốc”.

Việc Petro Vietnam ký “bản ghi nhớ” với CMG được xem là sự nhượng bộ đáng trách khi trước nay, giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn có những tranh chấp hoặc công khai, hoặc ngấm ngầm về quyền khai thác các mỏ dầu trên biển Ðông.

Hồi Tháng Bảy, Trung Quốc công khai xác nhận chuyện đã từng yêu cầu tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Hoa Kỳ chấm dứt thương thảo với Việt Nam về việc thăm dò và khai thác dầu khí tại biển Ðông.

Báo South China Morning Post xuất bản tại Hong Kong hôm 20 Tháng Bảy viết rằng, giới ngoại giao Trung Quốc tại thủ đô Washington đã liên tiếp phản đối ban lãnh đạo của công ty ExxonMobil, đồng thời đe dọa rằng công việc kinh doanh của công ty này tại Hoa Lục có thể gặp trở ngại trong tương lai nếu ExxonMobil hợp tác với PetroVietnam trong việc thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Hai ngày sau, Trung Quốc chính thức lên tiếng xác nhận điều mà báo South China Morning Post đã đăng tải. Trong một cuộc họp báo thường lệ, người phát ngôn của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc là ông Lưu Kiến Siêu tuyên bố rằng lập trường của Trung Quốc về biển Nam Trung Hoa (tức biển Ðông) là rõ ràng và kiên định, rằng Trung Quốc chống lại bất cứ hành vi nào vi phạm chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của họ trên biển Nam Trung Hoa.

Công ty ExxonMobil thì tuyên bố, cho đến nay, chưa ký hợp đồng thăm dò dầu khí nào trên vùng biển của Việt Nam cả nhưng họ xác nhận đang chờ đợi những dự án hợp tác với PetroVietnam sau nhiều năm hợp tác sơ khởi về kỹ thuật và lượng giá.

Năm ngoái, Trung Quốc đã có những cảnh báo tương tự với công ty BP của Anh Quốc và công ty này đã phải ngừng công việc thăm dò ngoài khơi miền Nam Việt Nam.

Cũng vì vậy, người ta tin rằng, việc PetroVietnam hợp tác với một tập đoàn của Trung Quốc chủ yếu chỉ nhằm tránh phản ứng và áp lực của Trung Quốc khi PetroVietnam tổ chức thăm dò, khai thác các mỏ dầu ở biển Ðông, cho dù các mỏ dầu ấy nằm trong lãnh hải Việt Nam.

Hôm 22 Tháng Bảy, trả lời RFA về sự kiện Trung Quốc cảnh cáo hãng dầu ExxonMobil của Hoa Kỳ, khi hãng này muốn hợp tác với Việt Nam, Tiến Sĩ Peter Navarro, giáo sư kinh tế, hiện đang giảng dạy tại đại học University of California, Irvine, tác giả “The Coming China Wars”, đồng thời là cộng tác viên của chương trình CNBC, nhận định: “Dầu mỏ là một vấn đề tại biển Ðông”.

Tiến Sĩ Navarro xác định: “Trung Quốc đang mở rộng việc tuyên bố chủ quyền về tài nguyên ở đó. Họ dùng quân sự để ngăn chặn tiến trình của các quốc gia khác mở rộng khai thác tài nguyên tại đây. Trong số các quốc gia ấy, có Việt Nam”.

Khi được đề nghị đánh giá thực chất quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến Sĩ Navarro nhận xét: “Các hoạt động kinh tế đã và đang giúp hâm nóng quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội. Thế nhưng hễ nhắc đến dầu mỏ thì mối quan hệ lại ‘băng giá’. Trong một bài viết trên tờ Asia Times, tôi đã viết rằng, rất tiếc là Trung Quốc, Việt Nam cùng một số quốc gia khác không hợp tác được tại khu vực này, vì cả vùng đều rất cần dầu mỏ. Chẳng hạn trường hợp Việt Nam, chúng ta thấy là gần đây, giá dầu đã tăng rất cao. Mối quan hệ về kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể xem là tốt nhưng khi nói đến dầu mỏ và việc Trung Quốc xây các đập nước ở sông Mê Kông thì các mâu thuẫn lại hết sức căng thẳng”.

Về khả năng xảy ra một cuộc chiến giữa Việt Nam và Trung Quốc, Tiến Sĩ Navarro phán đoán: “Trung Quốc đã xây căn cứ, quân cảng mới, đang hiện đại hóa quân đội. Tôi lo là Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực đối với các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, xác suất sử dụng vũ lực để tiến hành chiến tranh tương đối nhỏ, vì thực tế là Trung Quốc hiện nay đã có thể bắt nạt các quốc gia khác. Nếu Trung Quốc tiến hành chiến tranh, tình hình khu vực sẽ trở nên tồi tệ và thế giới sẽ gặp nhiều nan đề hơn”.

Tiến Sĩ Navarro nhận xét: “Trung Quốc vẫn đang hành xử theo kiểu đe nẹt các quốc gia trong khu vực và ngăn cản các quốc gia ấy đụng đến những mỏ dầu mà họ đang rất cần.

Tiến Sĩ Navarro tin rằng: “Trước sau gì thì những sự kiện như thế cũng sẽ xảy ra. Trung Quốc không bao giờ để cho bất cứ ai khai thác dầu tại đây. Ðể điều ấy xảy ra thì đó không phải là Trung Quốc. Họ đã từng làm điều đó với Nhật Bản, cho đến khi họ đạt được một thỏa thuận tốt hơn với Tokyo. Còn trước đó, họ đã dùng tàu chiến đe dọa Nhật Bản. Ðối với Việt Nam thì sao? Thẳng thắn mà nói, tôi tin là họ cũng sẽ dùng cách thức tương tự”.

Bất chấp thái độ ngang ngược và vô số nguy cơ tiềm ẩn từ phía Trung Quốc, đến giờ này, từ tổng bí thư, tới chủ tịch nhà nước, thủ tướng của chính quyền CSVN vẫn ra rả khẳng định sẽ cố gắng thực hiện “bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) và phương châm được gọi là “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) như họ đã cam kết với Trung Quốc. (G.Ð.)


Nguồn: Người Việt Online
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 915 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 60
Khách: 60
Thành Viên: 0