Thứ Ba, 2024-11-05, 8:34 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2008 » Tháng Mười Một » 29 » Không thể chống tham nhũng nếu không có báo chí
5:43 PM
Không thể chống tham nhũng nếu không có báo chí


- “Có những nơi, những cơ quan, những cá nhân né tránh, đùn đẩy thông tin nên nhà báo phải tìm đến những nguồn thông tin không chính thống, do đó có thể xảy ra những sai sót trong khi tác nghiệp” - đó là một trong những tiếp thu của Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn tại phiên đối thoại lần thứ 4 với các nhà tài trợ, một số sứ quán, tổ chức phi chính phủ... về phòng chống tham nhũng (PCTN) với chủ đề “Vai trò của báo chí trong PCTN” ngày 28-11

Phiên đối thoại do Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN tổ chức

Toàn cảnh phiên đối thoại về phòng chống tham nhũng - Ảnh: M.Q.

Liên quan đến việc xây dựng thể chế PCTN, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết hệ thống pháp luật về PCTN đang được hoàn thiện, VN đang xem xét phê chuẩn công ước quốc tế về PCTN và chuẩn bị ban hành chiến lược quốc gia về PCTN đến năm 2020 với những giải pháp cụ thể, đồng bộ và dài hạn. Minh chứng đầu tiên là việc Chính phủ sẽ hạn chế các thông tin quy định mật, tạo điều kiện công khai để báo chí đăng tải và thực hiện giám sát.

Kê khai tài sản chưa phải là công khai(!)

Theo đại diện nhà tài trợ Na Uy, các nhà báo có thể có một số nhầm lẫn nhưng cần coi trọng nhà báo, cơ quan báo chí và vai trò tích cực trong việc điều tra phanh phui tham nhũng chính xác.

 “Không nên nhằm bắn những người đưa tin”, đại diện sứ quán Na Uy nêu ý kiến. Để báo chí hoạt động hiệu quả, cần phải có khuôn khổ cho báo chí hoạt động, để khuyến khích động viên báo chí đăng tải các bài viết về chống tham nhũng. 

Đại diện sứ quán Phần Lan đặt vấn đề công tác đấu tranh chống tham nhũng của VN trong thời gian qua có phải đang chùng xuống? Theo vị đại diện này, qua nghiên cứu tại chín tỉnh, phía Phần Lan đã đưa ra đánh giá VN hiện chưa có cơ chế triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống tham nhũng (PCTN).

Thứ nhất, một số nội dung thực hiện có mâu thuẫn về lợi ích, ví dụ như chủ tịch UBND tỉnh, TP đồng thời là trưởng ban PCTN, điều này sẽ có mâu thuẫn về lợi ích. Thứ hai, việc kê khai tài sản đối với cán bộ công chức đã sát thực chưa, vì hiện chưa được cung cấp cho nhân dân, chưa công khai kết quả kê khai này. Thứ ba, các nhóm, tổ chức xã hội dân sự chưa thật sự mạnh trong đấu tranh PCTN.

Tương tự, các nhà tài trợ khác đều đề nghị có sự minh bạch về kê khai tài sản, kêu gọi ký kết các hiệp định và công ước quốc tế về đấu tranh chống tham nhũng. Đại diện sứ quán Đan Mạch cho rằng: “Đối với công khai tài sản, không nên chỉ công bố số liệu thống kê 360.000 người phải kê khai tài sản mà cần xác minh về kê khai đó. Cần đảm bảo phải thực hiện giám sát kiểm tra việc kê khai, cung cấp công khai thông tin cho toàn dân và các bên liên quan được biết để thực hiện giám sát”...

Sẽ hạn chế các thông tin quy định “mật”

Chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN Vũ Tiến Chiến khẳng định không có việc công cuộc đấu tranh PCTN bị chùng xuống. Về nội dung trưởng ban chỉ đạo PCTN tại địa phương là chủ tịch UBND tỉnh, TP có xảy ra tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hay không, ông Chiến cho rằng trong quá trình xử lý, nếu vụ việc tham nhũng xảy ra tại địa phương có liên quan đến chủ tịch thì có thể có những hạn chế. Tuy nhiên, Chính phủ VN kiên quyết xử lý bất kỳ cá nhân nào có hành vi sai phạm, không phân biệt chức vụ, do đó không thể có chuyện tập trung xử lý cấp dưới mà bỏ qua cấp trên. Đối với cán bộ như chủ tịch UBND tỉnh, TP còn có Ban chỉ đạo trung ương về PCTN và các cơ quan cấp trên xử lý.

Về nội dung kê khai tài sản, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết kê khai nhằm tiến tới minh bạch tài sản. “Hiện nay, VN mới chỉ thực hiện kê khai, vấn đề minh bạch được quy định khi có yêu cầu đánh giá cán bộ, ví dụ người nào tham gia bầu cử, được bổ nhiệm mới xem xét. Ngoài ra nếu có đơn thư tố cáo cần thẩm tra xác minh mới tiến hành kiểm tra” - ông Truyền nói. Ông Truyền cũng thừa nhận công tác kê khai tài sản hiện nay mới chỉ là giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý, chưa phải là công khai.

Báo chí đóng vai trò quan trọng trong PCTN

“Trong nhiều trường hợp, cơ quan báo chí và các thành viên trong xã hội biết về các hành vi tham nhũng và người tham nhũng rõ hơn các cơ quan nhà nước hay Đảng. Nhưng biết thôi chưa đủ - sẽ chẳng có gì xảy ra trừ khi các thành viên trong xã hội, trong đó có nhà báo, biết rằng họ được phép và được khuyến khích thông tin về tham nhũng mà không phải chịu rủi ro bị trừng phạt” - ông Rolf Bergman, đại sứ Thụy Điển, đánh giá về vai trò của báo chí và điều cần thiết phải có một cơ chế bảo vệ người phát hiện, thông tin về tham nhũng.

Đánh giá vai trò của báo chí trong PCTN, đại diện Tổ chức Minh bạch quốc tế khẳng định không thể có chuyện đấu tranh chống tham nhũng nếu không có các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức này đánh giá cao vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền pháp luật và đấu tranh PCTN.

Đồng tình với nhận định này, bà Catherine McKinley, đại diện Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), cho rằng cơ quan báo chí là công cụ hữu hiệu trong PCTN. Đối với PCTN, bà Catherine nói “báo chí có vai trò theo dõi phân tích hoạt động của Nhà nước, phản ánh các vụ việc về tham nhũng và tạo ra diễn đàn cho thảo luận của công chúng về PCTN”. Theo khảo sát của UNDP, báo chí VN hiện chỉ mới thực hiện nhiệm vụ giám sát PCTN chứ chưa tập trung được vào phanh phui các vụ việc, hành vi, cá nhân tham nhũng. Đây là một hạn chế của báo chí VN hiện nay.

Sẽ sửa đổi, bổ sung Luật báo chí

Tiếp thu ý kiến từ các nhà tài trợ, Thứ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Đỗ Quý Doãn trao đổi: pháp luật VN nói chung, hệ thống pháp luật về báo chí và chống tham nhũng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tham gia thông tin và đấu tranh PCTN. Chính phủ VN không có văn bản và quy định nào hạn chế, cản trở việc thực thi nhiệm vụ báo chí.

Về việc cung cấp thông tin cho báo chí, thứ trưởng thừa nhận “có những nơi, những cơ quan, những cá nhân né tránh, đùn đẩy thông tin nên nhà báo phải tìm đến những nguồn thông tin không chính thống, do đó có thể xảy ra những sai sót trong khi tác nghiệp”. Theo ông Đỗ Quý Doãn, hiện nay VN đã có khung pháp lý và việc thực hiện tốt sẽ tạo điều kiện cho báo chí tác nghiệp. VN đang tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật báo chí nên ý kiến đóng góp từ các nhà tài trợ sẽ là một tham khảo tốt để hoàn thiện dự thảo Luật báo chí trình Quốc hội thông qua vào cuối năm 2009.

Liên quan đến vụ ông Huỳnh Ngọc Sĩ:

Lập ban chuyên án điều tra vụ án

Nhận định về tình hình đấu tranh chống tham nhũng, chánh văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về PCTN Vũ Tiến Chiến cho biết đã xuất hiện những vụ tham nhũng có quan hệ đến nước ngoài. Cụ thể, báo cáo tại cuộc đối thoại, Ban chỉ đạo trung ương về PCTN cho biết: theo thông tin từ phía Nhật Bản, khi thực hiện dự án ở TP.HCM, các quan chức Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương (PCI) đã hai lần đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ đông - tây và dự án môi trường nước TP.HCM. Tổng số tiền là 820.000 USD, năm 2003 đưa 600.000 USD và 2006 là 220.000 USD. Việc đưa hối lộ để nhận được các hợp đồng tư vấn cho dự án từ nguồn vốn ODA. Phía Nhật Bản đã bắt bốn cựu quan chức của PCI về tội danh đưa hối lộ và vi phạm pháp luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Nhật Bản.

Viện KSND tối cao đã có văn bản yêu cầu Cơ quan cảnh sát điều tra, Bộ Công an tiến hành điều tra, làm rõ. Sau đó, cơ quan điều tra đã thành lập ban chuyên án và đang tiến hành điều tra vụ án. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của VN phối hợp với Nhật Bản điều tra vụ việc, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành và cơ quan liên quan phối hợp với Nhật Bản thành lập ủy ban phối hợp đấu tranh, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong sử dụng nguồn vốn ODA.

Liên quan đến các vụ việc tham nhũng có yếu tố nước ngoài, đại diện sứ quán Mỹ cho biết trong nỗ lực điều tra PCTN, Hoa Kỳ cũng đang tiến hành điều tra hai công dân Mỹ đã hối lộ cho quan chức của VN. Phía Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng điều tra và phối hợp với VN để xử lý vụ việc.

Về nghi án quan chức PCI đưa hối lộ cho ông Huỳnh Ngọc Sĩ, trao đổi với báo chí bên lề cuộc đối thoại, ông Vũ Tiến Chiến cho biết ban chỉ đạo đã được nghe báo cáo và đang theo dõi, đôn đốc cơ quan điều tra thực hiện điều tra vụ án. Nghi án này, theo ông Chiến, đã gây ra những hình ảnh xấu về VN. Do đó, cơ quan điều tra sẽ phải nhanh chóng kết luận có hay không việc nhận hối lộ. Nếu có vi phạm phải kiên quyết xử lý. 

MINH QUANG

Category: Việt Nam ngày nay | Views: 881 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 107
Khách: 107
Thành Viên: 0