Ngày
mồng 8 tháng 12 này, tòa án nhân dân Hà Nội sẽ đem ra xét xử tám giáo
dân giáo xứ Thái Hà. Nguyên nhân khởi tố vụ án, theo tòa án nhân dân Hà
Nội, tám giáo dân này đã phá hoại tài sản và gây rối trật tự công cộng.
Đây là một vụ án gây nhiều công phẫn trong quần chúng trong ngoài nước
nói chung, với người công giáo Việt nam nói riêng. Một lời cho các giáo
dân yêu chuộng công lí này là: “Đừng sợ tòa án bạo lực”.
Trở lại
một vụ án cách đây gần hai ngàn năm, khi mà tập đoàn kinh sư biệt phái,
luật sĩ Do Thái đã tìm mọi lẽ vẫn không có cách gì loại bỏ được Đức
Giêsu, họ đã viện đến tòa án La Mã. Nhục nhã thay khi họ là những người
lãnh đạo dân mà lại cầu viện kẻ thù giết hại đồng bào mình. Đáng trách
hơn khi Philato đã năm lần bảy lượt tìm cách để tha cho Đức Giêsu, vì
“không có tội gì” (Lc 23,5); hơn thế ông ta còn khẳng định chắc chắn
với họ: “Các người nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân,
nhưng ta đã hỏi cung ngay trước mặt các người, mà không thấy người này
có tội gì, như các người tố cáo”. (Lc 23,14) thì chính những luật sĩ,
biệt phái kia lại gào thét đòi giết Đức Giêsu cho bằng được. Họ đưa ra
lí do vì “người này dám xưng mình là vua của chúng tôi, nhưng chúng tôi
chỉ có một vua là Cê-za-rê”. Như thế, từ chỗ sợ dân chúng thấy rõ bộ
mặt giả tạo, trá hình của mình; lo sợ bị mất những đặc quyền đặc lợi
trước dân chúng, họ đã trở thành kẻ phản bội dân tộc, phản bội đức tin
tổ tiên, mà nhận kẻ bóc lột mình, bóc lột nhân dân mình là vị vua duy
nhất phải tôn kính.
Một nỗi oan khiên đến là vậy nhưng Đức
Giêsu đã chẳng thốt lên một lời kêu ca phản kháng. Trái lại, Người im
lặng, một sự im lặng đến độ cả Phi-la-tô phải kinh ngạc. Nói đúng hơn,
Người đã nói những gì cần phải nói, đó chính là “sự thật”, một sự thật
mà những kẻ sống giả tạo, tham quyền hãm lợi chẳng bao giờ muốn nghe.
Chính vì những lời sự thật ấy mà họ tìm mọi cách để bịt miệng, khử trừ
Người. Ngay cả với Phi-la-tô, dù ông có thịnh tình muốn tha bổng cho
Đức Giê-su, nhưng vì ông chưa dám từ bỏ quyền lợi của một tổng trấn với
nhiều quyền hành và lợi lộc nên chẳng thể hiểu: “Sự thật là cái gì?”
(Ga 18,38). Sự thật ấy vượt trên mọi uy quyền mà người La Mã những
tưởng là tuyệt đối: “Ngài không quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng
ban cho ngài” (Ga 19,11).
Bị lăng nhục mọi bề, hành hạ tàn tệ và
cuối cùng là bị treo lên một cách thảm hại, trần trụi trên cây thánh
giá, Đức Giêsu vẫn chẳng thốt lên một lời than vãn, kêu trách. Người
khiến cho mọi kẻ thù ghét phải tức tối, vì sau tất cả những cực hình
tàn bạo nhất, kể cả đặt vào trong sự chết gần kề, họ vẫn không thể làm
cho Người vì sĩ diện hay đau đớn mà sợ hãi, tự mình chối bỏ sự thật.
Sau
ba ngày trong mộ đá, Người đã trỗi dậy từ cõi chết. Giữa lúc đó, bọn
Pha-ri-sêu, luật sĩ, biệt phái tìm mọi cách để ém nhẹm sự thật, xuyên
tạc sự thật thì Đức Giêsu lại tìm đến với các môn đệ - những người yêu
mến sự thật, cho họ mục kích một sự thật trọn vẹn: “Các con đừng sợ
chính Thầy đây”.
Ngày hôm nay, chính quyền Hà Nội cũng đang làm
cái việc đó với các giáo dân yêu chuộng công lý, khát khao sự thật.
Không thể nói rằng họ không biết những gì mà người giáo dân đã, đang và
sẽ làm là không hề sai trái. Lại càng không thể nói họ không hiểu sức
mạnh của niềm tin vào Thiên Chúa luôn vô địch đến mức nào, nhất là với
một Giáo hội Việt nam, dù đã trải qua hàng mấy thế kỷ bị bách hại thảm
khốc mà vẫn đứng vững kiên cường. Vậy vì sao họ vẫn dùng hình thức trấn
áp hèn hạ ấy?. Thưa vì họ cũng chẳng khác những tập đoàn lãnh đạo Do
Thái xưa là mấy. Họ sợ bị lột trần bộ mặt dân chủ giả hiệu, sợ mất đi
quyền lực cai trị độc đoán và hơn cả là những nguồn lợi béo bở, được
rút từ cái gốc nhân dân – những người chủ bị nô bộc. Trước mớ những
quyền lợi ấy, thì chính những lời chân lý – lời sự thật mà người ki-tô
hữu được nghe và đang thực hành là “vật cản, là viên đá chắn đường”.
Nhưng
đừng sợ chúng, như xưa Thầy Giêsu đã chiến thắng bằng sức mạnh của sự
thật thế nào thì ngày nay, với tinh thần bất bạo động, cộng với sự che
chở của Đấng là Chủ Chân lý, chúng ta tin tưởng rằng những anh chị em
chúng ta sẽ có đủ sức mạnh để vượt qua mọi trấn áp, mọi mánh khóe mị
dân của tập đoàn toàn trị độc đoán.
Ngày
xử án đang gần kề, hẳn là có nhiều người lo lắng cho những anh chị em
giáo dân Thái Hà, sợ họ không đủ khôn khéo để đối phó với tập đoàn giảo
hoạt, nhưng chính Thầy Giêsu đã hứa: “Các con đừng lo phải nói gì và
nói như thế nào. Vì trong giờ đó Thánh Thần của Cha sẽ nói trong các
con”...Điều chúng ta có thể làm bây giờ là tiếp tục cầu nguyện trong
phó thác, tin tưởng như chính Thầy Giêsu đã làm, đó là tinh thần “Một
theo ý Cha”. Và chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những kẻ đang nằm
trong bóng tối tăm lầm lạc. Thử hỏi có ai đáng thương hơn những kẻ luôn
phải sống trong phập phồng lo sợ vì làm trái tiếng lương tâm. Đó cũng
là điều mà Thầy Giêsu đã dạy, đã làm và hằng ao ước: “Ta đến để kêu gọi
người tội lỗi”.