Thứ Ba, 2024-12-03, 11:39 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 1 » Vụ CPI sắp nổ to: Đến chân tường rồi, ra sao nữa?
6:44 AM
Vụ CPI sắp nổ to: Đến chân tường rồi, ra sao nữa?

Bùi Tín


Hình của Toà Ðại sứ Nhật tại Hà Nội

Vụ án siêu nghiêm trọng trong tiếp nhận ODA (Official Development Assistance) - Nguồn Hỗ trợ Chính thức cho Phát triển, liên quan đến Viện Tư vấn Đầu tư Thái Bình Dương (Pacific Consultant Institute) PCI có trụ sở tại thủ đô Tokyo/Nhật bản kéo dài từ tháng 7-2008, đến nay sắp nổ to.

Đây là vụ án siêu nghiêm trọng, có thể nói là nghiêm trọng nhất liên quan đến nguồn ODA, vì số tiền hối lộ của công ty này cho các quan chức Việt nam lên đến 2 tỷ 6 đôla; vì nó liên quan đến 6 dự án lớn về giao thông vận tải và môi trường, từ Tây sang Đông, từ Nam ra Bắc; vì nó liên quan đến Chính phủ Nhật là chính phủ đã tỏ ra rộng rãi nhất, đứng đầu trong viện trợ phát triển cho Việt nam.

Chính ODA của Nhật bản đã và đang giúp Việt nam xây dựng Khu Công nghiệp cao Hòa Lạc, đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường xe lửa cao tốc Bắc - Nam; Cầu Bãi Cháy, ga hành khách quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, đường hầm đèo Hải Vân/Thừa thiên.

Vụ án ngày càng trở nên nghiêm trọng thêm vì chính quyền Hànội được phía Nhật bản thông báo chính thức từ tháng 8-2008, nhưng vẫn "ỳ" ra, tỏ rõ trên thực tế không hợp tác với phía Nhật bản, chỉ ấm ớ hứa hẹn suông nhằm mua thời gian để ỉm vụ án.

Vụ án tăng thêm tính nghiêm trọng và kịch tính khi sáng 4-12-2008, giữa cuộc họp các nhà đầu tư quốc tế tại Hànội, đại sứ Nhật Mitsuo Sakaba bất ngờ thừa lệnh chính phủ Nhật "tuyên bố đình chỉ lập tức nguồn hỗ trợ ODA của phía Nhật, lên đến 900 triệu đôla, cho đến khi nào Vụ án PCI được phía Việt nam làm sáng tỏ".

Ngay sau đó, phía Việt nam buộc phải hứa với phía Nhật bản là sẽ "khẩn trương và nghiêm chỉnh hợp tác" với hy vọng có thể nối lại nguồn ODA trong vòng 2 tháng (!); Thủ tướng Dũng, khi bị đại biểu Nguyễn Minh Thuyết của Lạng sơn chất vấn tại Quốc hội, hứa rằng "chính phủ đang làm rõ vụ án này, làm rõ đến đâu sẽ xử lý đến đây". Khi gặp thủ tướng Nhật ở Lima/Péru, ông Triết cũng hứa hẹn "hợp tác chặt chẽ và khẩn trương với phía Nhật để giải quyết vụ án này".

Đến nay, gần 2 tháng đã trôi qua, Hà nội vẫn không động đậy.

Phía Nhật bản tỏ ra rất sốt ruột. Những lời hứa với Đại sứ Nhật, với thủ tướng Nhật, đăng đi đăng lại trên báo Nhật, như những lời cam kêt long trọng, như lời hứa danh dự, hoá ra vẫn chỉ là lời hứa suông!

Trong khi đó, không hẹn mà nên, nhiều điều không đẹp đẽ, còn làm xấu mặt Việt nam xảy ra trên đất Nhật. Hàng không Việt nam mang tai mang tiếng với phi công Đặng Xuân Hợp cúi đầu nhận tội trước cảnh sát và công an Nhật : "Tôi đã nhiều lần - không nhớ hết - chuyên chở hàng lậu, hàng ăn cắp, tiền không sạch về Việt nam và từ Việt nam đến";  "có hàng vài chục tu nghiệp sinh Việt nam trong đường dây ăn cắp và vận chuyển hàng ăn cắp ở các siêu thị và kho Nhật bản"; "các người lái và chiêu đãi viên hàng không chúng tôi đều làm những việc như thế cả" !

Phía Chính phủ Nhật hết kiên nhẫn. Mồng 3 Tết Kỷ Sửu, họ đi thêm một nước cờ.

Trước đây, đại sứ Nhật tuyên bố : "Chúng tôi mong sớm kết thúc vụ án này; những bị cáo Nhật bản đã nhận tội trước Toà án. Chúng tôi chờ phía Việt nam hành động. Chúng tôi theo dõi chặt chẽ tình hình".

Phía Việt nam vẫn bất động. Phía Nhật bản lại tiết lộ qua con đường báo chí : "Phía Nhật bản đã thông báo hàng nghìn trang tài liệu về vụ án; những khẩu cung, những khai báo, những tài liệu, những chứng cứ, những vấn đề còn tồn tại... Phía Nhật bản đã hỏi và yêu cầu phía Việt nam trả lời về 23 vấn đề, toàn là 23 vấn đề bình thường trong bất cứ vụ án kinh tế nào".

Phía Việt nam vẫn ngậm tăm. Vẫn câm như hến. Vấn bất động.

Hứa hẹn "khẩn trương hành động", hứa hẹn "hợp tác chặt chẽ" mà như vậy à ?!

Đúng mồng 3 Tết Kỷ Sửu (28/1/09), Tòa án Tokyo họp phiên kết thúc vụ án, kết luận và kết án :

- Shakashita Haruo, Giám đốc điều hành CPI,
- Takasu Kunio , Trưởng ban Quản trị CPI,
- Tsuneo Sakano, Đại diện Văn phòng CPI ở Hànội,

đã phạm và nhận tội đưa hối lộ lớn cho phía chính quyền Việt nam và tuyên án phạt mỗi người từ 1 năm rưỡi đến 2 năm tù giam, cho hưởng án treo. Bốn tội phạm phải bồi hoàn nhà nước Nhật 70 triệu Yên, bằng 780.000 đôla.

Còn Tổng Giám đốc CPI Masayoshi Taga cũng bị kết tội như trên nhưng án phạt sẽ tính vào với tội trạng trong một vụ án khác chưa kết thúc.

Báo chí Nhật bản cho biết những vụ án kinh tế lớn hay nhỏ thường cho hưởng án treo, coi thế là đủ, vì trong một xã hội mà danh dự và niềm tin là những giá trị tinh thần, cũng là những giá trị vật chất, những kẻ phạm tội, có tiền án, sẽ rất khó kiếm việc làm mới, khó được bầu vào các vị trí lãnh đạo, quản trị, quản lý các công ty kinh tế, tài chính, thương mại. Uy tín xã hội cũng như uy tín trong địa phương, giòng họ, công đoàn nghề nghiệp cũng bị sứt mẻ lâu dài. Ngoài ra trong các vụ án kinh tế, luật pháp các nước dân chủ văn minh thường yêu cầu tội phạm và các thành phần liên quan phạm pháp đều phải hoàn trả nhà nước, cũng là hoàn trả xã hội đến mức đầy đủ nhất những khoản tiền và tài sản công đã bị nhũng lạm, đã bị dùng sai mục đích.

Do đó, 15 vị trong bộ chính trị chớ có phạm thêm sai lầm là thở phào, nhẹ nhõm, khi thấy toà án Nhật đã kết thúc vụ án bằng những bản án treo cho 4 bị cáo Nhật bản. Phía Nhật vẫn còn nguyên 23 câu hỏi đặt ra cho chính quyền Hànội.

Những câu hỏi là :

- kẻ bị cáo ăn hối lộ mang tên Huỳnh Ngọc Sỹ, phó giám đốc Sở Giao thông Sàigòn, bí thư đảng uỷ của Sở đó là con người ra sao?

- ông Sỹ có nhận sai lầm và tội lỗi như 4 bị cáo Nhật đã khai rõ ràng, cụ thể hay không ? ông Sỹ đã nhận tội cụ thể đến mức nào? ông Sỹ đã nhận riêng những khoản hối lộ hay đã chia cho những ai khác?

- phía Việt nam có ý định xét sử ra sao vụ án nghiêm trọng này ? Phía Việt nam đã thu lại được bao nhiêu trong số tiền đã hối lộ, có ý định bồi hoàn lại cho phía Nhật không? Việt nam tiến hành điều tra đến đâu rồi?

- phía Việt nam có nhân dịp này rà soát lại các khoản ODA khác mà Nhật bản đã cấp, cũng như các khoản ODA do các nước khác cấp để phát hiện những vụ án khác tương tự, để nguồn ODA được phát huy đúng mục đích hay không?

Xin nhớ trong kết luận vụ xử án trên, chánh án Toshihiko Sonohara nhận xét rằng những kẻ phạm tội Nhật và Việt đều "tỏ ra rất tinh vi, tính toán nhiều mưu đồ và có tổ chức chặt chẽ""đây là những âm mưu có hệ thống"...

Chừng nào phía Việt nam không đáp ứng những yêu cầu chính đáng trên đây của chính phủ Nhật bản, làm rõ những hành động tội phạm ở phía Việt nam một cách đầy đủ minh bạch thì nguồn ODA Nhật bản sẽ còn lâu mới có thể nối lại. Chính đại sứ Nhật ở Hà nội cho biết "sau vụ này, rất khó lấy lại sự ủng hộ từ công chúng Nhật bản để tiếp tục cấp nguồn cho ODA".

Hà nội đang bị dồn đến tận chân tường. Bộ chính trị độc đảng không còn đất lui.

Những yêu cầu phía Nhật đã đành, còn là yêu cầu của các nước tài trợ, nước cấp ODA khác như: Anh, Úc, Thuỵ Điển, Na Uy, Canada, Pháp ... họ đếu coi vụ PCI là một thử thách xem lời hứa chống tham nhũng, lãng phí của Hà nội đáng tin đến mức nào. Mất niềm tin là mất sạch.

Lại còn nhân dân Việt nam, xã hội Việt nam, công luận Việt nam. Lời hứa của ông thủ tướng Dũng trước Quốc hội khóa XII liệu có chút giá trị gì?

Ngày Tết, gia đình có văn hoá thường dạy con cái phải sống có lễ phép. Có lễ phép với ông bà, với Tổ tiên. Phải tu thân để là con nhà có gia giáo.

Vụ PCI nổ lớn trong dịp Tết Kỷ Sửu nhắc mọi người phải sống cho có lễ. Kẻ ăn hối lộ, cấu véo 10 đến 15% nguồn ODA là vô lễ với nhân dân, các chính phủ bạn đã có lòng tốt giúp ta khôi phục, phát triển kinh tế. Bọn chúng cũng vô lễ với dân mình vì chúng ăn cắp bao nhiêu, sau này nhân dân ta phải trả đủ, cả gốc và lãi, dù cho lãi rất thấp.

Cái vô lễ, láo xược mang tính tội ác với nhân dân còn là ở chỗ do ăn hối lộ, chất lượng cầu đường đều xuống cấp, sẽ gây nên tai nạn bất ngờ không tránh khỏi.

Khi bạn thông báo ngày càng tường tận về vụ án, khi họ mở cuộc điều tra từ tháng 8, bắt giữ bị cáo từ tháng 10, mở toà án từ tháng 11, liên tiếp yêu cầu phía Việt nam phối hợp, nhưng phía Việt nam vẫn bất động suốt 4 tháng, có thái độ nào vô lễ hơn, vô văn hoá hơn, mất dạy về mặt ngoại giao hơn?

Bộ chính trị độc đảng ngay ngày đầu xuân đã bị dồn vào chân tường.

Họ sẽ dở tài quỷ thuật nào để thoát khỏi cảnh trên đe dưới búa này ? Mở phiên toà xử Huỳnh Ngọc Sỹ ư? Sử bí mật hay công khai? Coi đó là con dê tế thần ư? Chỉ có một mình Sỹ là tội phạm ư? Cho Sỹ hưởng án treo ư? Chỉ là hạ sách. Gây thêm sự khinh bỉ của xã hội và thế giới. Vì ai cũng biết Sỹ không ăn một mình. Vẫn chỉ chồng thêm tội vô lễ với nhân dân, coi khinh sự suy luận tỉnh táo và sự xét đoán công minh của dư luận. Ai chẳng biết Sỹ thân thiết với Lê Thanh Hải, với Trương Tấn Sang ra sao.

Bộ chính trị gồm 15 kẻ độc đoán trơ tráo đang bị dồn vào chân tường. Một tuần nữa, họ sẽ đón Hoàng Thái Tử Nhật bản Naruhito sang thăm chính thức nước ta (từ 9-2 đến 15-2). Họ sẽ trả lời ra sao cho ông Hoàng này? Chẳng lẽ lại đóng kịch coi như không có chuyện gì bất thường cả. Trong khi đoàn nhà báo Nhật đi theo sẽ hỏi, chất vấn gay gắt, nhân danh dân Nhật.

Bị dồn đến tận chân tường, chỉ còn có cách duy nhất thoát khỏi cảnh nhục nhã là thay đổi bản chất, từ bênh che bọn tội phạm chuyển thành nghiêm trị bọn tội phạm, từ chỗ chây ỳ chuyển sang khẩn trương mở phiên tòa như hồi xét sử bọn Năm Cam, công khai xin lỗi chính phủ và dân Nhật, công khai nhận tội với nhân dân, cam kết từ nay "tiên học lễ, hậu nắm chính quyền", tôn trọng pháp luật, thực hiện trọn lời hứa khẩn trương phòng chống tham nhũng, trừng trị thẳng tay mọi sâu mọt, bất kểđó là ai, ở bất kỳ cương vị nào. Nhưng với kẻ vô lễ, "mất dạy" tự gốc thì đó là việc đội đá vá trời.

PCI - bài học thâm thuý về chữ "LỄ" sẽ còn thấm mãi vậy.

Bùi Tín Mồng 5 Tết Kỷ Sửu
(30-1-09)

Chương trình ODA của chính phủ Nhật Bản trên thế giới
(Hình cuả trang nhà chính phủ Nhật)
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 754 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 25
Khách: 25
Thành Viên: 0