Hoàng Cúc
Dấm dúi với thần thánh
Những năm giữa thế kỉ 20, làn sóng đỏ lan tràn trên thế giới. Các nhóm
cộng sản đã khá nhanh nhạy chộp lấy cơ hội ngàn vàng khi thế giới đang
biến động mạnh để leo lên giành quyền lãnh đạo ở nhiều nước. Với trang
bị lí luận là “chủ nghĩa duy vật biện chứng” và “chủ nghĩa duy vật lịch
sử”, họ đã phủ nhận triệt để quá khứ để bắt tay xây dựng thiên đường
ngay trên mặt đất. Những “thắng lợi dồn dập của phong trào cách mạng
thế giới” đã khiến rất nhiều người chỉ còn nhìn thấy màu hồng nơi mọi
hiện tượng, nhưng với đa số các lãnh tụ, chủ nghĩa cộng sản và công cụ
“chuyên chính vô sản” đơn giản chỉ là phương tiện tuyệt vời để họ trở
thành những hoàng đế, những giáo chủ toàn năng của một tôn giáo mới,
trong khi chính họ dường như lại rất e dè với thế giới thần thánh cũ.
Trong phạm vi bài viết này, tôi chỉ xin kể ra vài hiện tượng để độc giả
có dịp ghé mắt nhìn qua cái gọi là vô thần trong giới lãnh đạo tại Việt
Nam.
Dấm dúi với thần thánh
Người am hiểu nội tình của chế độ đều biết rằng ngay từ đầu, những lãnh
tụ cao nhất của chính thể cộng sản Việt Nam đã không hề vô thần. Cứ
trong khoảng một tuần từ ngày nhậm chức, các đồng chí vô thần gộc đều
đến lễ bái tại đền Lý Bát Đế ở Đình Bảng, Bắc Ninh, để xin được yên vị
trên ngai. Độc giả có dịp ghé qua ngôi đền này sẽ được đồng chí trông
đền hướng dẫn theo phong cách rất “duy vật biện chứng”, nhưng quan
trọng hơn, độc giả nên quan sát những hàng cây trước đền với biển đề
danh tính, chức vụ ngày thăm viếng của tất cả các đồng chí tai to mặt
lớn trong đảng và chính phủ. Với dụng cụ chuyên chính vô sản trong tay,
các đồng chí vẫn chưa yên tâm nên phải tới xếp hàng xin xỏ chút ân huệ
và sự che chở của thánh thần.
Cũng cần nói thêm rằng khi lớp sơn hào nhoáng của thứ thần thánh từng
được gọi tên “chủ nghĩa Mác Lênin vô địch” đã hết màu xuân sắc và lớp
cốt tàn tạ hiện ra nát mủn dưới ánh sáng mặt trời, đám tín đồ từng một
thời tung hô lên tận trời xanh vị thánh vô địch nay chợt ú ớ những lời
huênh hoang sáo rỗng. Với bản chất lưu manh chụp giật, họ tìm cách lân
la với những thần thánh xa xưa theo cách ngày càng lộ liễu và trơ tráo
hơn.
Vậy nên từ vài chục năm nay, hầu như mỗi đồng chí lãnh đạo cao cấp của
đảng và nhà nước đều tậu cho mình một vài thầy pháp hoặc thầy chùa
riêng, thậm chí xây dựng đền chùa ngay trong khuôn viên biệt điện của
gia đình để tiện bề cúng vái.
Tượng Hồ Chí Minh trong Ðại Nam Quốc Tự ở Bình Dương
Trung tâm nghiên cứu tiềm năng con người
Các đồng chí vô thần mà lại chơi bài khấn xin đồng cốt thì dù sao cũng
không ổn lắm. Chuyện này cần phải suy nghĩ chút xíu, nhưng với các đồng
chí, đây chỉ là chuyện rất nhỏ. Bài đánh tráo khái niệm, nghĩa là gán
cho những hiện tượng hay sự vật cũ một cái tên mĩ miều dễ lọt tai vốn
là sở trường của các đồng chí. Và như thế, một ngày đẹp trời, “trung
tâm nghiên cứu tiềm năng con người” xuất hiện đàng hoàng dưới ánh mặt
trời chói chang của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.
Dĩ nhiên, trước đó, báo chí của các đồng chí đã đưa tin từ từ và rất có
kế hoạch về những “nhà ngoại cảm”, những cô đồng bà cốt nơi nọ nơi kia
trổ tài trước cặp mắt kinh ngạc của “nhà khoa học” kia hay vị “giáo sư
tiến sĩ” nọ. Rồi những tin tức như thế cứ tuần tự xuất hiện trên mặt
báo “theo định hướng” rất nhịp nhàng tự nhiên.
Đi xa hơn đôi chút, các đồng chí cho xây dựng đền thờ của ai đó khắp
nơi trên đất nước, rồi phát tán một đoạn ghi hình ảnh và âm thanh
chuyện đồng chí Minh râu nhập vào một cô đồng nói chất giọng đàn ông xứ
Nghệ, có sự chứng kiến của một vị tướng và một vài người khác, dạy dỗ
dặn dò cứ như một anh chính trị viên! Rồi một ngày đẹp trời, đồng chí
Minh râu vào chùa ngồi chễm chệ sánh vai cùng Đức Phật từ bi. Sự nghiệp
thần hoá đồng chí như thế kể như cũng đã gần tới đích.
Trò tráo đổi và chộp giật với cả thần thánh như thế dù sao cũng ru ngủ
và lừa lọc được không ít người “nhẹ dạ cả tin”. Khoa học tâm linh thực
chất chỉ là biến tướng của những loại bói toán lên đồng, thậm chí là
kiểu loè bịp của những kẻ đang cố tìm một chỗ bấu víu cho chế độ khi
tất cả những lí tưởng hão huyền của một thời lần lượt vỡ vụn và sụp đổ
tan tành.
Cuốc cuốc tự
Tại Bình Dương cách đây vài năm, Dũng Lò Vôi đã cho xây dựng Đại Nam
Quốc Tự với qui mô đồ sộ, phong cách pha trộn đủ mọi thứ hoa hoè hoa
sói. Người biết chuyện cho rằng Dũng Lò Vôi làm việc đó chính là nhằm
giải hạn cho quan thầy Nguyễn Minh Triết. Rồi sau đó, Nguyễn Minh Triết
cứ tai qua nạn khỏi như có phép mầu. Vậy là trên khắp nước, quan to xây
đền to, quan nhỏ xây đền nhỏ, cứ y hệt như phong trào “bách gia tranh
minh, bách hoa tề phóng” ngày nào.
Chùa Bái Ðính ở Ninh Bình do sư quốc doanh Thích Thanh Tứ làm trụ trì
Gần đây hơn, ở ngay Ninh Bình, đường dây quan tham Nguyễn Việt Tiến đã
rước thầy rước thợ xây cất ngôi chùa Bái Đính với qui mô đồ sộ nhất
Việt Nam. Khi ai đó phát hiện ra rằng việc xây dựng chùa Bái Đính giống
như cơ hội ngàn vàng giải hạn cho chế độ cộng sản hiện nay, cũng là lúc
Nguyễn Việt Tiến ra khỏi lao lung và xuất hiện như một vị hộ pháp của
đảng. Việc xây chùa Bái Đính trở thành mối bận tâm của “toàn đảng, toàn
dân và toàn quân”. Dịp lễ Vesak, quan cao quan thấp cùng sư sãi lớn nhỏ
kéo nhau về tạm khánh thành ngôi chùa, thầy pháp Tầu được rước về đăng
đàn trai giới để yểm tâm cho ba pho tượng Phật bằng đồng lớn nhất tại
Việt Nam. Ngôi chùa này nghiễm nhiên trở thành quốc tự với đảng và
chính phủ. Cũng vì thế, ở khuôn viên vườn hoa phía trước ngôi chùa cổ,
tức là phía sau ngôi chùa mới, các vị lãnh đạo đảng và chính phủ lại
đem cây tới trồng, lại đặt biển đề danh tính, chức vụ và ngày tháng
viếng thăm.
Cách chùa Bái Đính không xa, du khách có thể thăm khu di tích Cố Đô Hoa
Lư, nơi ghi dấu hai triều đại Đinh – Lê. Ở phía cửa Bắc của Đền Vua
Đinh, du khách có thể đọc dòng chữ Hán “Bắc môn toả thược”, giải thích
một cách nôm na là lời căn dặn dành cho hậu thế người Việt rằng đối với
phương Bắc nhớ phải cửa đóng then cài cho kĩ.
Một điều kì lạ là ngôi chùa Bái Đính được xây dựng theo hướng đại kị
của thuật phong thuỷ. Gã thầy Tầu lấy cớ rằng ngôi chùa hướng về làng
Đại Hữu, quê hương Đinh Bộ Lĩnh, nên đặt ngôi chùa ở vị trí trống trải
chầu thẳng về hướng chính Bắc, cửa mở toang hoang. Những công nhân xây
dựng ngôi chùa không giấu vẻ tự hào với ý nghĩ rằng chúng tôi đang làm
nên lịch sử. Họ cũng không ngần ngại cho biết tất cả cách bố trí đều có
thầy Tầu hướng dẫn. Mọi chi tiết từ câu đối đến trang trí đều do thầy
Tầu chỉ dạy! Nếu quả thật như thế, không biết có nên gọi ngôi chùa này
là Việt Nam Vong Quốc Tự?!
Dẫu sao, vài hiện tượng như thế cũng giúp ta phần nào thấy được rằng
chính quyền cai trị dân bằng nỗi sợ, rồi cũng chính nỗi sợ khiến họ trơ
tráo dấm dúi với thần thánh. Khi thành trì lí luận đã tan thành mây
khói, những kẻ từng một thời ra rả vô thần nay hiện nguyên hình là
những gã chụp giật ngay cả với thần thánh, chạy theo đủ loại dị đoan,
tin vơ thờ quấy.
Bài viết có lẽ nên dừng ở đây. Nhiều độc giả hẳn muốn tôi đưa thêm vài
chứng cứ. Thực ra tôi chỉ kể ra đôi điều mình biết, phần còn lại, xin
mời độc giả thân hành tới tận nơi quan sát. Vả lại, ở Việt Nam mình,
những chuyện bình thường, hoàn toàn có thể đưa ra ánh sáng mặt trời như
chuyện lấy vợ, sinh con, người ta còn tìm đủ mọi cách bưng bít, thì
chuyện các đồng chí chịu để lộ chừng đó chân tướng thiết nghĩ là đã quá
nhiều để ai cần có thể đưa ra một vài kết luận.
Hoàng Cúc
Nguồn: VietCatholic
|