Thứ Ba, 2024-11-05, 8:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 1 » Hận Nam Quan
6:51 AM
Hận Nam Quan
Ngô Nhân Dụng


Tờ báo Xuân Kỷ Sửu của Tổng Cục Du Lịch trong chính quyền cộng sản trong nước đã đăng lại bài thơ Hận Nam Quan trong vở kịch thơ của Hoàng Cầm.

Trong số báo Xuân trên cũng đăng bài của thi sĩ Bùi Minh Quốc, một người mà mục này đã nhắc tới khi ông viết bài tố cáo “Âm mưu diễn biến hòa bình” của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Nhà thơ thấy Cộng Sản Trung Hoa đã tìm cách chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam bằng cách chiếm dần dần quyền lãnh đạo trong đảng Cộng Sản Việt Nam. Âm mưu đó đã thành công một phần, như chúng ta thấy trong thái độ nhu nhược của giới lãnh đạo cộng sản ở Hà Nội trước chính quyền Bắc Kinh trong vụ Hoàng Sa.

Bài viết của Bùi Minh Quốc nhắc tới “hồi ký” của Hoàng Tùng, một cựu cán bộ cao cấp và một đảng viên lâu năm đã từng theo sát các lãnh tụ cộng sản. Thực ra ông Hoàng Tùng không viết hồi ký, tài liệu được truyền bá trên Internet chỉ là những “lời tự thuật” của ông, được ghi lại và hiệu đính. Nội dung nhắm nhiều nhất vào những điều ông biết về Hồ Chí Minh, ông kể lại với chủ ý bênh vực cho ông Hồ. Riêng trong phạm vi này, ông Hoàng Tùng đã vô tình cho thấy “công cuộc diễn biến hòa bình” của Trung Cộng đã thành công từ thời 1950, khi các cố vấn đầu tiên của Trung Cộng sang chỉ huy quân đội cộng sản Việt Nam.

Trong một bài trước, mục này đã nhắc tới ý kiến của các cố vấn Trung Cộng là khai trừ các thành phần “không phải vô sản và bần cố nông” trong quân đội Việt Nam. Một người phụ tá của Văn Tiến Dũng đã lập một danh sách những sĩ quan nên khai trừ, nộp cho các cố vấn. Nhưng Hồ Chí Minh đã ngăn việc thanh lọc này vì sợ thiếu người. Mà quả thực, trong quân đội Việt Nam lúc đó thành phần thực sự vô sản và bần cố nông không có ai đáng làm sĩ quan.

Nhưng bài tự thuật của Hoàng Tùng cũng cho thấy sự thật về ảnh hưởng của các cố vấn Trung Quốc, bao trùm lên cả quân sự lẫn chính trị từ năm 1950. Theo Hoàng Tùng thì Hồ không thích rất nhiều chính sách của Trung Cộng. Hoặc Hoàng Tùng nói ông Hồ không phục Stalin và Mao Trạch Ðông mà ông ta còn hận vì bị hai người đó ép buộc. Các đảng viên cộng sản bây giờ hay nêu ra những chi tiết đó để chữa tội cho ông Hồ, có vẻ như muốn chứng minh ông ta không phải là cộng sản thứ thật, chỉ là cộng sản bất đắc dĩ mà thôi!

Nhưng đối với tất cả mọi người Việt Nam khác thì vấn đề không phải là ông Hồ phục Stalin hay không, không phải là trong thâm tâm ông ta đồng ý hay không thích những chính sách nào của Mao Trạch Ðông. Câu hỏi chính là: Cuối cùng ông Hồ đã làm gì và hậu quả ra sao?

Chúng ta thấy ông Hồ cuối cùng vẫn phải cúi đầu chấp thuận ý kiến của các cố vấn Trung Cộng. Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6 và 7, suốt những năm từ sau năm 1950 ông Hồ mỗi lần viết đều nhất thiết suy tôn “Ðại Nguyên Soái Xtalin,” hoặc Chủ Tịch Mao Trạch Ðông vĩ đại.

Hoàng Tùng kể rằng trong thời gian đó cố vấn quân sự của Trung Cộng “Vi Quốc Thanh chuẩn bị (chiến dịch Biên Giới) mọi việc nhất nhất đều xin ý kiến của Mao.” Trước khi chiến dịch đó bắt đầu vào đầu năm 1950, Hoàng Tùng kể rằng Võ Nguyễn Giáp chủ trương đánh Cao Bằng nhưng Tướng cố vấn Trung Cộng Trần Canh bảo phải đánh vào Ðông Khê. Sau phải đánh Ðông Khê.

Hoàng Tùng kết luận, “Ðúng là Trung Quốc có công giúp ta trong trận Biên Giới.” Cái giá phải trả cho công “giúp” đó là, “Sau thắng lợi mới, tổng kết chiến dịch và sau đó là tiến hành chỉnh huấn, chỉnh quân, thay đổi lại tổ chức quân đội.” Những chữ “chỉnh huấn, chỉnh quân” không phải là những khẩu hiệu suông mà là những cuộc tranh đấu nội bộ trong quân đội, theo mẫu đã thực hành ở Trung Quốc, với mục đích tiêu diệt những thành phần “chưa giác ngộ quyền lợi giai cấp vô sản.” Cho nên Hoàng Tùng nói tiếp, “Thế là năm 1950-51, đoàn cố vấn thực hiện chỉnh đốn quân đội.”

Trong bài tổng kết về chiến dịch này, Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh, “Trung Quốc có câu Quân Lệnh Như Sơn,” tức là lệnh trong quân vững chắc như núi, không thể thay đổi được. Rõ ràng lối nói trên cũng nhắm để khi dịch bản tổng kết này ra tiếng Trung Hoa thì các cố vấn phải khen Hồ là một học trò giỏi của Mao Chủ Tịch.

Ðó là một bước đầu của “diễn biến hòa bình” mà Bùi Minh Quốc tố cáo. Từ đó, các cố vấn Trung Cộng còn tiến thêm nhiều bước nữa.

Trong thời gian đó Hồ Chí Minh chỉ đóng vai như một bù nhìn, bảo Võ Nguyên Giáp thi hành các lệnh hành quân của Tướng Trần Canh. Hồ Chí Minh cũng đóng vai cán bộ tuyên truyền, viết những lá thư gửi ra mặt trận hô hào các chiến sĩ Việt Nam hãy liều chết hy sinh. Trong lá thư đề ngày 8 tháng 10 năm 1950 Hồ còn hứa sẽ “khao các chiến sĩ một bữa thịt bò.” Trong Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 6, bản in năm 2000, in lá thư thịt bò này ở trang 103, nhưng trước đó 2 trang còn in một bài thơ của Hồ Chí Minh tặng Tướng Trần Canh, cố vấn mặt trận. Bài này bắt chước gần nguyên văn bài Lương Châu Từ đời Ðường, trong câu đầu Hồ Chí Minh chỉ thay tên rượu “Bồ Ðào mỹ tửu” bằng tên một thứ rượu mới: “Hương Tân mỹ tửu dạ quang bôi.” Theo chú thích của nhà xuất bản thì “Hương Tân” ở đây là rượu champagne. Thế mới biết, trong thời gian kháng chiến gian khổ của toàn dân Việt Nam, các cố vấn Trung Quốc vẫn được trọng đãi!

Hoàng Tùng lại kể rằng tại đại hội đảng Lao Ðộng năm 1951, La Quý Ba là đại biểu ngoại quốc duy nhất (ngoài Lào và Cam Pu Chia) tới dự, ông cố vấn đã giảng về thuế nông nghiệp. Và, “Sau đó (Việt Minh) bắt đầu đánh thuế. Họ (Trung Cộng) đem các nề nếp từ bên Trung Quốc sang, đem kinh nghiệm chỉnh đảng, chỉnh phong từ Diên An sang. Sau đại hội ta không nói gì đến cải cách ruộng đất. Vì thế nên Mùa Hè năm 1952 Mao Trạch Ðông và Stalin gọi Bác sang, nhất định bắt phải thực hiện cải cách ruộng đất.”

Vâng lệnh đó, năm 1953 Hồ Chí Minh phát động chính sách cải cách ruộng đất trong Hội Nghị Trung Ương kỳ thứ tư, khóa 2. Bài diễn văn báo cáo của ông, đọc ngày 25 Tháng Giêng năm 1953, đăng trong Toàn Tập 7, đã ca ngợi công cuộc cải cách ruộng đất ở Trung Quốc. Ông Hồ kể Trung Quốc đã “chia ruộng cho 500 triệu nông dân” thành công rộng và lớn! Con số 500 triệu này là do các cố vấn cung cấp, vì lúc đó Bắc Kinh khoe nước họ đã có 582 triệu dân. Ðó là bước nhẩy vọt trong cuộc đời lệ thuộc Trung Cộng của Hồ Chí Minh.

Cuộc cải cách ruộng đất làm chết hàng trăm ngàn người Việt Nam, trong đó có những người đã theo kháng chiến chống Pháp từ đầu. Nhưng vụ giết người thê thảm nhất là vụ đấu tố bà Nguyễn Thị Năm, còn gọi là bà Cát Thanh Long. Bà là người đã ủng hộ chính phủ kháng chiến hàng trăm lạng vàng, các con theo kháng chiến trong quân đội, các cán bộ cao cấp cộng sản như Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê Ðức Thọ đã được bà nuôi. Ðó là những chi tiết mà Hoàng Tùng kể lại, trước khi ông tiết lộ có người Việt Nam đã mách cho các cố vấn Trung Cộng biết về bà Nguyễn Thị Năm để họ chọn làm “thí điểm,” đấu tố trước hết để làm gương. Hồ Chí Minh chống lại, nhưng sau cùng lại phải gật đầu đồng ý.

Theo nhận xét của Hoàng Tùng thì vụ “cải cách ruộng đất” chỉ là một cái cớ. Mục đích của các cố vấn Trung Cộng là thay đổi toàn thể cơ cấu đảng Cộng Sản Việt Nam. Hoàng Tùng viết về mưu đồ của Trung Cộng: “Họ muốn qua cải cách ruộng đất để chỉnh đốn lại Ðảng ta... họ phủ nhận hết các tổ chức khác như chính quyền, các đoàn thể... họ thẳng tay bỏ hết, trong đó có mấy ngàn người bị xử tử. Mục đích của họ không phải là cải cách ruộng đất mà là đánh vào Ðảng ta.”

Thế Hồ Chí Minh làm gì trong lúc đó? Ngoài việc vâng theo lệnh các cố vấn Trung Cộng ra, ông chỉ còn phải lo viết những bài ca tụng các chính sách mà các cố vấn chỉ bảo, ra lệnh các cán bộ, đảng viên thi hành tốt các chính sách đó. Ngoài ra, ông còn để thời giờ làm thơ nữa, nhất là thơ bằng chữ Hán mà các cố vấn có thể đọc được. Trong một bài “Ngọ Quá Thiên Giang” viết ngày 17 Tháng Ba năm 1950, in trong Toàn Tập cuốn 6, trang 22, ấn bản năm 2000, Hồ Chí Minh đã viết bốn câu ca ngợi hồng quân Trung Hoa. Ðây là một trong những bài thơ Hồ Chí Minh viết trong chuyến đi Trung Quốc năm đó, ngẫu hứng viết về cảnh Bắc Kinh, Hồ Bắc, Trường Sa (ở Hồ Nam). Hai câu chót trong bài Ngọ Quá Thiên Giang ca ngợi chiến thắng của đạo quân Mao Trạch Ðông tại Thiên Giang, câu chót có khí thế rất hùng hồn, oanh liệt:

“Hồng quân trực đáo Trấn Nam Quan!”


Phan Văn Các dịch là “Hồng quân thẳng đến Trấn Nam Quan!”

Nếu các nhà báo trong Tổng cục Du lịch ở Việt Nam bây giờ mà đăng bài thơ Hận Nam Quan, họ nên nhớ, xin đừng quên, rằng trước đây 59 năm, hồi Tháng Ba năm 1950 Hồ Chí Minh đã hào hứng hoan nghênh đoàn quân của Mao “trực đáo Trấn Nam Quan” rồi!

Ngô Nhân Dụng
Nguồn: Người Việt Online


Hận Nam Quan - kịch thơ

Tác giả: Hoàng Cầm

Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường.

Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.

Phi Khanh

Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan… con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan… chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất!
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu?

(Nguyễn Trãi đi đến, nép vào một bụi cây, lắng nghe)

Trãi

Góc trời Nam, ánh sao thần vụt tắt,
Thành Thăng Long nghi ngút chuyện thương đau
Phụ thân ôi! Chiến bào đầy nước mắt,
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?!

Phi Khanh

Ai?

Trãi

Thưa phụ thân, con, đây Nguyễn Trãi!

Phi Khanh

Kìa, đêm khuya sao lại đến tìm cha?

Trãi

Đêm giá lạnh, quân canh vì trễ nải
Con băng rừng, tìm nẻo đến thăm cha.

Phi Khanh

Đây là chốn ải địa đầu nước Việt
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết
Cha hằng mong thiên hạ được bình an
Bên đất khách khi đến giờ nhắm mắt
Cha sẽ cầu con trả được thù chung
Ngày mai đây, tấm thân tàn sẽ mất
Nhưng linh hồn bay lại với non sông
Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san
Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ
Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang
Con về đi!

Trãi

Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa
Như thân con có quản gì bụi lấm
Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa,
Để cùng cha, một mai cùng biết chết,
Cùng hai anh chia xẻ nỗi đau buồn.

Phi Khanh

A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết
Trông đằng sau: xương máu ngập giang sơn
Cha sinh con, nghĩa là gây sức mạnh
Cha nuôi con, là hy vọng về sau
Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh
Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!
Con về đi! Cha vui lòng vĩnh biệt
Con về đi! Rửa nhục cho non sông
Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng

Trãi

Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu
Con lòng nào yên sống giữa quê hương
Ôi! Ðại Việt! vào tay loài thảo khấu,
Khói nghìn năm thoi thóp trên sa trường
Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng
Tình yên vui, trăm họ nén đau thương
Ai đồng chí trong đám người ham sống
Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!
Kìa nghìn dặm trên đường về thui thủi
Lưới quân Minh căng đợi khách giang hồ
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
Con xin cha, cho con theo bóng áo,
Cùng ôm nhau, cùng chết dưới gươm thù
Không tận trung, thôi đành con tận hiếu,
Kiếp này mong khỏi thẹn với nghìn thu

Phi Khanh

Không thể được! Định sang Tàu chết nhục
Làm con ma uất hận giữa quê người!
Con hèn quá, con làm cha tủi cực,
Thôi! Mong gì báo đáp một ngày mai!
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao
Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu
Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!
Gái cùng trai trên non sông gấm vóc
Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao!
Con là trai mà không bằng nhi nữ
Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh
Mong chết uổng chỉ là người úy tử
Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh.
Người trượng phu nên tìm đường mà chết
Chết làm sao vang động khắp nghìn phương
Chết làm sao cho kẻ thù tiêu diệt!
Chết làm sao mà vạn thuở nhớ thương!
Kìa cái cchết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
Con hãy trả xong thù nhà nợ nước,
Muốn theo cha thì chết trên sa trường!

Trãi
(mơ màng nhìn về phía xa)

Ôi! Bóng quê hương ngả nắng chiều
Những mùa thu cũ gợi thương yêu
Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh
Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu
Tre xanh san sát chuyện gươm đao
Đứng rũ tà huy nhuốm máu đào
Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,
Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao
Chí khí phai dần trên kỷ niệm
Như đường tơ nhạt nếp thời gian
Bao giờ dứt lệ quên đau khổ
Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.

Phi Khanh

Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.

Trãi
(quỳ lạy)

Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.

Phi Khanh

Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.

Trãi

Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!

Phi Khanh

Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.

Trãi

Chân trời xa!

Phi Khanh

Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.

Trãi

Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.

Phi Khanh

Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.

Trãi

Đêm Nam Quan là con dao hai lưỡi,
Trích lòng con thành một vết thương sâu
Trông phía Bắc thì xót thương dòng máu
Ngó về Nam thì tan tác gia hương
Càng thảm khốc, càng bền gan chiến đấu
Bụi hồng bay, quay tít một thanh gươm
Giống nòi ấy, nghe lời oanh liệt cũ
Sẽ vùng lên như trận gió điên cuồng!
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
Hãy chờ đấy mà nếm mùi thất bại,
Tàn ác đi rồi trả nợ về sau!
Hãy chờ đấy, trông sao thần sáng chói,
Trong trần ai, ai dễ biết ai đâu!
Một ngày mai con tung gươm cất cánh
Trời quê hương rực lửa những đêm thiêng
Cha phù hộ cho con tròn sứ mệnh
Bại hay thành là theo lệnh Hoàng Thiên
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, con nguyện cầu cùng thiên địa,
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.

Phi Khanh

Máu anh hùng! Trôi đi mà rửa nhục,
Kìa con trông: nắng nhuộm chân trời xa.

Trãi

Con xin về, mài gươm chờ báo phục.

Phi Khanh

Cha mỉm cười nhắm mắt bên Trung Hoa.

Trãi

Tình phụ tử chia lìa, ai nín khóc
Bóng đêm tàn cay đắng tấm lòng con!
Trời thẳm xa, đoạt mất quyền họa phúc.

Phi Khanh

Kìa con trông: nắng xõa trên đầu non

Trãi

Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng
Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa
Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng
Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa
Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!
Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân

(lùi dần vào các khóm cây)
Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,
Vui từ nay cho đến lúc ly trần.

(Tiếng tiêu vẫn mơ màng, gió sớm nổi lên, Phi Khanh quắc mắt nhìn theo con)

Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 648 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 545
Khách: 545
Thành Viên: 0