Thứ Hai, 2024-12-30, 10:09 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 1 » Việt Nam có thể cứ tiếp tục lơ lửng giữa trời Trung Quốc và đất Hoa Kỳ được không?
6:52 AM
Việt Nam có thể cứ tiếp tục lơ lửng giữa trời Trung Quốc và đất Hoa Kỳ được không?

Phong Uyên
Trò láu cá: bắt cá hai tay

Ngày 16-1 vừa rồi, nhân dịp tổng thống Obama nhậm chức, ban Việt ngữ Đài BBC có phỏng vấn ông Lê Công Phụng, đại sứ tại Mỹ. Ông Phụng là người được giới truyền thông nước ngoài biết đến nhiều vì ông đã làm trưởng phái đoàn đàm phán về biên giới với Trung Quốc và được coi là đã gặt hái được kết quả trong cuộc đàm phán nên được thăng chức thứ trưởng Ngoại giao. Có thể BBC nghĩ việc đưa ông Phụng làm đại sứ tại Mỹ là nằm trong ý định của chính quyền CSVN đang muốn tăng cường quan hệ với Mỹ để đối lại và làm cân bằng quan hệ với Trung Quốc trước nay vẫn bị thua thiệt, nên đã phỏng vấn ông để qua những câu trả lời có thể đoán biết được một phần nào ý định đó.

Phân tích những câu trả lời của ông Phụng tôi thấy không thể không đưa ra những nhận xét sau đây:

1. Không có dấu hiệu gì chứng tỏ chính quyền cộng sản Việt Nam có ý thay đổi lập trường của mình, vẫn tưởng có thể tiếp tục bám lấy Tàu để giữ vững chế độ mà vẫn tiếp tục moi tiền của Mỹ như đưới thời Bush và như trước khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu:

Câu hỏi của BBC: "Việt Nam có bao giờ đặt vấn đề sẽ là đồng minh với Mỹ hay không" là có ý thăm dò Việt Nam có hay không ý muốn dựa vào Mỹ để thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc. Ông Phụng trả lời: "quan hệ 2 nước đi nhanh hơn không có nghĩa là Việt Nam đang chuẩn bị thành đồng minh của Hoa Kỳ".

" Đi nhanh hơn " chả có nghĩa gì cả và để đi tới đâu? Lẽ ra ông Phụng nên dùng từ ngữ "thắt chặt hơn" nếu sợ từ ngữ "Đồng minh" có thể làm phật lòng Trung Quốc. Vả lại muốn được thành Đồng minh của Hoa Kỳ không phải dễ: Trong lịch sử Hoa kỳ chỉ có 2 nước đồng minh là Anh và Pháp. Thật ra là từ sau Thế chiến thứ 2 chỉ có Anh là đồng minh thật sự của Mỹ.

Câu hỏi tiếp theo: "Quan hệ tay ba của Việt Nam với Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ như thế nào?"

Ông Phụng trả lời: "Với Trung Quốc Việt Nam phải học cách sống chung, còn với Mỹ Việt Nam sẽ.... thúc đẩy quan hệ hợp tác trên mọi lãnh vực."

Xin hỏi ông Phụng, một người đã có nhiều kinh nghiệm với Trung Quốc, Việt Nam phải học ai để sống chung với Tàu? Không có lẽ học Tây Tạng? Còn học Đại Hàn hay Đài Loan thì quan hệ hợp tác không đủ: Mỹ không rút quân khỏi Đại Hàn, Hạm đội 7 Mỹ canh chừng eo biển Đài Loan là vì Đại Hàn và Đài Loan có quan hê đặc biệt với Mỹ. Muốn "sống chung" với Tàu mà không bị bóp chết lần lần thì tất nhiên Việt Nam phải có một quan hệ với Mỹ gần như Đại Hàn và Đài Loan.

Vả lại, hợp tác theo nghĩa từ điển là “chung sức để làm một sự việc gì”. Cho tới nay có việc nào Hoa Kỳ cần phải chung sức với Việt Nam ngoài việc kiếm xương lính Mỹ chết và Mỹ đã phải trả với giá nào? CSVN chỉ hiểu "hợp tác" theo nghĩa "viện trợ" một chiều có lợi cho mình.

Câu hỏi: “còn 2 cường quốc kia (Trung Quốc và Mỹ) có lôi kéo Việt Nam không?

Trả lời: “Việt Nam nằm ở vị trí địa chính trị rất nhạy cảm, sát cạnh Trung Quốc nên cả 2 đều có nhu cầu tranh thủ Việt Nam.”

Ông Phụng hơi lạc quan. Cứ tưởng Việt Nam "quí giá đậu đen", hai cường quốc này đang tranh thủ Việt Nam về phe mình. Ông phải biết rõ hơn ai hết là cũng vì Việt Nam "nằm ở vị trí địa chính trị sát cạnh Trung Quốc" nên mới mang hoạ. Về chính trị Trung Quốc không cần tranh thủ với ai vì các nhà cầm quyền cộng sản đã tự "bó thân về với Triều đình" rồi. Từ thượng cổ Trung Quốc luôn luôn nuôi ý định chinh phục Việt Nam và lần này có nhiều hi vọng thành công vì đã biết tính giai đoạn để kết hợp quân sự với kinh tế: Giai đoạn 1, dùng sức mạnh quân sự để chiếm đoạt biên giới, chiếm đoạt các hải đảo của Việt Nam. Giai đoạn 2, dùng sức mạnh kinh tế bóp cho chết Việt Nam. Con đại xà Trung Quốc đang quẫy phá làm tan nát nền kinh tế bằng tràn ngập Việt Nam qua ngả nhũng lạm và buôn lậu, hàng hoá nhiễm độc rẻ tiền, sẽ tiếp tục phun nọc độc bùn đỏ bôxít phá hoại môi trường miền Nam Việt Nam để triệt tiêu sản xuất nông nghiệp Việt Nam, biến Việt Nam thành một bãi xả rác. Còn Hoa Kỳ với Obama "tranh thủ" Việt Nam để làm gì? Có một thời chính quyền Bush bị giới tài phiệt hám lợi chi phối, đã lơ là nhân quyền chỉ nghĩ tranh thủ thị trường kiếm lợi ở Việt Nam. Tham nhũng, lừa đảo, dối trá, đã làm những tay kinh doanh tài phiệt này vỡ mộng.

2. Những bất đồng về đối ngoại trong nội bộ không hề có mà chỉ có những phản ứng yếu ớt của một vài người còn chút lương tri khi thấy phải nhượng bộ Trung Quốc quá nhiều. Những "quyết sách" vẫn chỉ là những quyết định của phe Bảo Thủ:

BBC nhắc lại nhận xét của cựu thứ trưởng ngọai giao Trần Quang Cơ ".... trong chiến lược đối ngoại, nội bộ lãnh đạo cấp cao của Việt Nam có bất đồng".

Ông Phụng trả lời: "Ý kiến khác nhau đó là lúc bàn thảo. Còn khi đã quyết sách rồi mọi người quyết tâm thực hiện... bằng không sẽ không làm được gì... người ngoài sẽ thấy mình không ổn... không hiệu quả".

Ông Phụng tự thú nhận là ĐCSVN vẫn trung thành với nguyên tắc "Tập trung dân chủ" của Staline: bàn cãi cho lấy lệ chứ "quyết sách" đã được "ai đó" quyết định từ trước rồi, mọi người chỉ quyết tâm thực hiện. Ông Phụng không biết là trong một đảng dân chủ mọi bàn cãi đều công khai. Và trước một vấn đề, có thể có nhiều giải pháp khác nhau, đối lập nhau. Nhưng giải pháp chiếm được đa số (nghĩa là chỉ cần hơn một phiếu chứ không cần phải 99%) sẽ được chọn. Chính cái 99% mới là cái "người ngoài thấy mình không ổn" vì thấy ngay cái tính chất độc đoán của nó. Thử hỏi ở Việt Nam có cái "bỏ phiếu" nào bị dưới 90%? Ông Phụng cũng không lấy làm lạ là mọi quyết sách đều được quyết định trong nội bộ lãnh đạo cấp cao chứ không cần phải được Quốc Hội chuẩn y?

ĐCSVN còn bảo thủ hơn đàn anh Trung Quốc là không dám bắt chước ĐCSTQ thay "Tập trung dân chủ" bằng cái gọi là "Dân chủ nội bộ đảng": các phái trong ĐCSTQ có quyền đưa ra những ý kiến đối chọi nhau, những đường lối hoàn toàn khác nhau. Phái nào thắng sẽ áp dụng thẳng cánh đường lối của mình và sẵn sàng thanh trừng phe có ý chống lại. Vì vậy mà có thể thay đổi chính sách, cải tiến chế độ. Thí dụ như hiện nay "lãnh đạo" và "quản lí" đều nằm trong tay Hồ Cẩm Đào vừa là Bí thư Đảng vừa là Chủ tịch nước, nên không có sự chồng chéo. Còn trong ĐCSVN, cái gọi là "quyết sách" chỉ là kết quả của một sự mặc cả chia nhau giữa phe "Lãnh đạo" và phe "Quản lý" để đi đến "Đồng thuận" và để các phe phái cứ tiếp tục "dậm chân tại chỗ".

3. Người Việt hải ngoại vẫn bị coi là thù địch với chế độ mà điển hình là ông Joseph Cao:

BBC nhắc lại: "Ông Joseph Cao vừa trở thành dân biểu gốc Việt đầu tiên trong QH Mỹ. Một trong những việc làm đầu tiên của ông là đề nghị đưa Viêt Nam trở lại danh sách các nước đàn áp tôn giáo" và hỏi: “Đại sứ có đồng ý là những vấn đề chính trị, nhân quyền sẽ luôn là khúc mắc giữa chính phủ trong nước và Việt kiều tại đây?

Ông Phụng trả lời: “
Giữa Việt Nam và Mỹ đang có cách nhìn khác nhau về dân chủ và nhân quyền

... Nhưng tôi nghĩ...ông Obama làm tổng thống thì ông vẫn là người gốc Kenya. Bà con người người Việt ở đây muốn làm đến thủ tướng, tổng thống thì vẫn là người Việt. Mà nếu đi nói xấu Việt Nam, người nghe cũng cảm thấy mình không đứng đắn lắm... Không nên chống lại đồng bào mình.


Tôi hơi lạ là một vị đại sứ ở một nước lớn nhất hoàn cầu, học rộng biết nhiều, lại có cái lí luận sơ đẳng y hệt như các vị "tiến sĩ" trong Ban Tư duy của Đảng:

1. BBC hỏi một đường ông Phụng trả lời một nẻo: Ông Phụng tự nhiên so sánh "cách nhìn” Nhân quyền của Việt Nam với Mỹ. Ông không biết là cả thế giới (trừ mấy nước XHCN cha truyền con nối) chỉ có một cách nhìn Nhân quyền. Muốn biết định nghĩa Nhân quyền chỉ cần truy Wikipédia: "Nhân quyền là những quyền gắn liền với nhân vị của mỗi con người trong nhân loại, bất di bất dịch, không thể biến đổi được trong bất cứ trường hợp nào và chống lại mọi áp chế đến từ mọi xã hội, mọi quyền uy, mọi hệ thống, mọi chế độ đặt trên nền tảng một đẳng cấp, một chủng tộc, một dân tộc, một giai cấp, một tập đoàn xã hội”. Ý tưởng Nhân quyền đã phát sinh ra từ khi loài người biết suy nghĩ. Nghĩa là đã từ 3000 năm nay với Thánh Kinh, với các tư tưởng Ba Tư và Hi Lạp chứ không phải là sản phẩm của Tây phương đặt ra để khuynh đảo các nước "Xã hội Chủ nghĩa" còn lại như lí luận của ban Tư duy. Cũng vì coi trọng nhân quyền hơn cả quyền của dân tộc mình, của đất nước mình, mà các tổ chức bảo vệ nhân quyền ở Mỹ như Amnesty International, Human Rights Watch... đã luôn luôn đả kích chính quyền Bush về nhà tù Guantánamo. Chính quyền Bush cũng chả bao giờ dám quy tội các tổ chức này là bênh khủng bố chống lại nước Mỹ cả. Thử hỏi ở Việt Nam số trại Cải tạo gấp bao nhiêu lần Guantánamo? Chắc chắn là số phận người tù Guantánamo không đến nỗi hẩm hiu bằng những "ngụy quân", "ngụy quyền", "ngụy văn nghệ sĩ, bác sĩ" Nam Việt Nam.

2. Làm đại sứ ở một nước mang tên là Hợp Chúng Quốc gồm cả trăm chủng tộc khác nhau, tới từ trăm nước khác nhau, mà ông Phụng không biết là mỗi người Mỹ xử sự như một công dân Mỹ chứ không theo gốc gác của mình. Ông còn sai lầm và trong tiềm thức chắc vẫn chưa bỏ được óc kỳ thị chủng tộc, óc theo phụ hệ nên ông nghĩ ông Obama gốc Kenya vì cha ông Obama là người Kenya. Và dẫu 100% gốc Kenya đi nữa, ông Obama cũng sẵn sàng với tư cách một chức trách Mỹ chỉ trích chính quyền Kenya nếu chính quyền này có chính sách đàn áp dân chủ nhân quyền.

3. Ông Phụng cũng vẫn coi Đảng với nước là một và mọi người phải tuân theo khẩu hiệu "Trung với Đảng là trung với nước". Ông Cao đã dám đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước đàn áp tôn giáo thì ông Cao là người "không đứng đắn lắm... nói xấu Việt Nam.... chống lại đồng bào mình". Ông Cao đã phạm tội nói xấu nước vì cho là Đảng đàn áp tôn giáo. Thử hỏi nếu còn ở Việt Nam mà bị qui tội như vậy thì ông Cao sẽ bị nằm trong trại Cải tạo bao nhiêu năm? Chính sách đàn áp tôn giáo là của Đảng chứ đâu phải của người dân Việt Nam, nạn nhân của chính sách đó? Nếu Đảng nghĩ đến thanh danh của nước, nghĩ đến nhiều người dân Việt chỉ còn chút hi vọng là bám vào tôn giáo mà cũng bị áp chế, thì chỉ cần thay đổi chính sách không chiếm đất, không bỏ tù, không quản thúc các linh mục, các mục sư, các nhà sư, các chức sắc Hoà Hảo, Cao Đài thì ông Cao sẽ không có lí do gì mà không rút lại đề nghị của mình.

Tôi xin trở lại câu hỏi của BBC mà tôi cho là cốt lõi: "Đại sứ có đồng ý là những vấn đề chính trị, nhân quyền sẽ luôn là khúc mắc giữa chính phủ trong nước và Việt kiều tại đây?":

Tôi thông cảm với ông Phụng là ông rất khó trả lời vì vẫn phải nói theo tư cách một người đại diện cho Đảng. Ông đành phải đánh trống lảng và đưa ra những cái "ưu ái" mà Đảng dành cho Việt kiều như được “miễn visa", cho hưởng "song tịch", cho "mua nhà”... Tôi xin nói thẳng là "cho hưởng song tịch" là cái làm nhiều người gốc Việt, nhất là những người đã phải bỏ nước ra đi, không dám về Việt Nam. Còn miễn visa, mua nhà... chỉ là chính sách thương mại mà nhiều nước đã thực thi để khuyến khích du lịch, phát triển ngành địa ốc, tạo công ăn việc làm cho người dân.

Nhưng nếu ông Phụng chịu khó để Đảng qua một bên, tự đặt mình vào đúng cương vị một đại sứ Việt Nam phải nghĩ đến quyền lợi đất nước và tiền đồ dân tộc, thì sẽ không thể không đồng ý là chính quyền cộng sản phải giải quyết những vấn đề chính trị, nhân quyền nếu thật sự muốn bớt đi những khúc mắc với người Việt nước ngoài:

Phải thoả mãn những đòi hỏi tối thiểu về chính trị và nhân quyền:

Không cần phải giải quyết toàn bộ những vấn đề chính trị mà chỉ cần bắt đầu ban bố cho người dân một vài tối thiểu dân chủ như tự do ngôn luận. Báo chí không mở miệng được, truyền thông trên mạng bị tường lửa ngăn chặn thì làm thế nào phanh phui diệt trừ được tham nhũng? Đất nước sẽ rơi vào tay Trung Quốc vì tham nhũng là vũ khí sắc bén nhất mà Trung Quốc đang dùng để chặt phá kinh tế Việt Nam.

Vấn đề nhân quyền cũng vậy. Người thường dân chỉ đòi hỏi quyền tối thiểu được làm người: có tự do tín ngưỡng, có một chút của riêng mình, một mảnh đất, một căn nhà mà không bị cướp đoạt. Quyền tự do đi lại muốn ở đâu thì ở không cần phải có hộ khẩu. Quyền không phải kê khai trên tờ giấy tùy thân mình thuộc sắc tộc nào, Kinh hay Thượng, theo tôn giáo nào ... Vì tất cả những qui định, những xác định thành phần, sắc tộc, đều chỉ có mục đích kiểm sát, khống chế mỗi con người.

Nếu những đòi hỏi tối thiểu mà còn không được thoả mãn thì khó mà có thể có hoà giải với người Việt nước ngoài và chỉ nuôi dưỡng những hận thù đưa đến những hành động quá khích, tuy đơn lẻ, như vụ phá hoại vài bức tranh của triển lãm "Nghệ thuật cất tiếng" vừa rồi.

Thoả mãn những đòi hỏi này cũng là điều kiện tất yếu để cứu vãn nền kinh tế tài chính nước nhà:

Như tôi đã nói trên, âm mưu thôn tính Việt Nam của Trung Quốc đã đi tới giai đoạn 2 là phá hoại kinh tế, môi trường Việt Nam, làm cán cân xuất nhập với Trung Quốc mỗi ngày lại thêm mất thăng bằng để làm kiệt quệ tài chính Việt Nam vì nguồn tiền đến từ thặng dư xuất khẩu với Âu Mỹ và kiều hối sẽ chui vào túi Trung Quốc hết. Giai đoạn này còn nguy hiểm gấp 10 lần giai đoạn 1 dùng áp lực quân sự chiếm đất chiếm đảo.

Để đối phó lại, nhất là trong hiện tình kinh tế toàn cầu suy thoái, chỉ có cách là:

- Tăng cường xuất khẩu, tăng cường kinh doanh với các nước phương Tây.

- Nới rộng tự do cho người dân trong nước để Việt kiều các nước Tây phương có lí do tiếp tục gửi tiền về.

Cho tới nay nguồn ngoại tệ chảy vào nước đều đến từ Tây phương theo 2 nguồn là thặng dư xuất nhập và kiều hối. Lượng tiền này tương đương bằng 1/3 tổng sản lượng của cả nước. Nhưng có điều cần phải biết:

Trong hiện tình suy thoái kinh tế toàn cầu, rất khó mà cạnh tranh được với dumping của Trung Quốc. Ngoài ra những loại hàng đến từ các nước kém mở mang phần nhiều là giống nhau nên người tiêu thụ Âu Mỹ có nhiều lựa chọn, thường dành ưu tiên cho những đồ đến từ những nước biết kính trọng nhân quyền. Nếu nhà cầm quyền CSVN vẫn cứ coi "Đòi hỏi Nhân quyền Dân quyền" là chống lại mình thì khó mà bán đồ cho các nước dân chủ Tây phương được.

8 tỷ Đô la kiều hối (không kể tiền chui) phần nhiều là tiền của người Việt di tản gửi về giúp gia đình trong nước và nhờ vậy cả chục triệu người sống được. Những người gởi tiền đã luống tuổi, người thân trong nước cũng mỗi ngày một ít; nguồn kiều hối sẽ cạn dần nếu con cháu những người này thấy không có lí do gì tiếp tục gửi tiền về để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp dân quyền nhân quyền của Đảng.

Tôi xin kết luận: Nhà cầm quyền ĐCSVN không thể cứ tiếp tục lơ lửng giữa bầu trời Trung Quốc và đất Hoa Kỳ được nếu không muốn như một trái khí cầu, càng bay cao gần trời Trung Quốc, càng dễ bị nổ tung. Đã đến lúc phải có một sự chọn lựa rõ ràng.


Phong Uyên

Category: Chính trị | Views: 1022 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0