Vi Đức Hồi
“…sự
đàn áp dã man của chế độ cộng sản đã hình thành một trận tuyến mới ngay
trong lòng xã hội Việt Nam, một lực lượng to lớn và ngày càng đông đảo
về số lượng, tinh thông về nội dung và phương pháp đấu tranh trong giai
đoạn cách mạng mới tiếp theo…”
Toàn cầu hoá đã trở thành
xu thế tất yếu của thời đại. Ánh sáng văn minh của nhân loại đang toả
đến mọi đất nước, mọi dân tộc trên toàn cõi hành tinh chúng ta, thức
tỉnh hàng triệu, hàng triệu người đang sống trong mông muội dưới chế độ
đảng trị vùng lên để giành lấy những quyền mà lẽ ra con người ta sinh
ra đều được tận hưởng.
Chế độ cộng sản đang dùng bàn tay che chắn hòng chặn lại ánh hào
quang đang rọi đến dân tộc mà họ đang cai trị nhằm tiếp tục kéo dài
chính sách ngu dân để nắm giữ ngai vàng muôn thủa. Bốn anh em (Việt
Nam, Trung Quốc, Cuba, Bắc Triều Tiên) đang co cụm lại để tiếp tục
chống đỡ những đòn tấn công từ tứ phía (trong đánh ra, ngoài đánh vào)
đang dồn họ vào chân tường. Sự điên khùng của những kẻ tận số đã và
đang làm cho các dân tộc đang sống dưới ách đô hộ của bọn chúng càng
trở nên cơ cực, lầm than.
“Đâu có áp bức, đó có đấu tranh”. Áp bức càng dã man thì đấu tranh càng
quyết liệt, bất luận cuộc đấu tranh chống áp bức, đòi tự do dân chủ dù
diễn ra ở đâu, hoàn cảnh nào, hình thức đấu tranh ra sao thì cuối cùng
bao giờ chiến thắng cũng về tay những người bị áp bức.
Ở Việt Nam, cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột, đòi công lý, tự do
dân chủ đã và đang được hình thành và đã dẫy lên tầm cao mới.
Các cuộc bãi công của giai cấp công nhân diễn ra liên tiếp với quy mô
rộng khắp trên toàn quốc đòi tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện cuộc
sống và các điều kiện sinh hoạt, xoá bỏ phân biệt đối xử, phản đối
những hành động xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của
người lao động... Các cuộc biểu tình của những người nông dân bị mất
đất đã đẩy họ vào con đường cùng không có công ăn việc làm, cuộc sống
ngày càng cơ cực, những dân oan trăm đường khác nhau, nạn nhân của cách
hành xử của các cấp uỷ đảng, chính quyền nhà nước, của hàng triệu đồng
bào các tôn giáo tiến hành biểu tình đòi lại những tài sản bị tước đoạt
và những quyền lợi chính đáng của họ mà bị đảng, nhà nước xâm hại. Các
cuộc biểu tình dưới nhiều hình thức khác nhau của sinh viên, các tầng
lớp chí thức phản đối việc mất đất, mất hải đảo, cho đến hàng ngàn
chiến sĩ dân chủ quốc nội đang hoạt động công khai, bán công khai và bí
mật đang ngày đêm đối mặt đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền; cộng với
các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ, các giới chức, đồng bào hải
ngoại... lên tiếng, phản đối, gây áp lực. . . đã làm cho chế độ cộng
sản Việt Nam rơi vào tình trạng lúng túng, có những lúc hoảng loạn, báo
hiệu sự lung lay, sụp đổ hoàn toàn trong một tương lai không xa.
Nhìn lại chặng đường đấu tranh của các giới quần chúng nhân dân ta vừa
qua, tuy các mục tiêu đấu tranh chưa đạt được như mong muốn, song nó đã
tạo ra thế và lực mới để tiếp tục con đường đấu tranh ôn hoà của dân
tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Chính sự đàn áp dã man của chế độ cộng
sản đã hình thành một trận tuyến mới ngay trong lòng xã hội Việt Nam,
một lực lượng to lớn và ngày càng đông đảo về số lượng, tinh thông về
nội dung và phương pháp đấu tranh trong giai đoạn cách mạng mới tiếp
theo. Chúng ta đã có những bước tiến quan trọng, đó là vượt qua được sự
sợ hãi, thu hút được ngày càng đông đảo quần chúng dám đứng lên đối mặt
với bộ máy chuyên chính vô sản đồ sộ, bất chấp hiểm nguy, quyết tâm đòi
cho kỳ được về công lý và sự thật. Nhà nước cộng sản Việt Nam dùng sức
mạnh chuyên chính vô sản thẳng tay đàn áp đối với các phong trào của
ta. Chính họ đã đẩy lực lượng quần chúng nhân dân ta từ đối thoại sang
đối đầu, từ bức xúc sang phẫn nộ, từ bất bình sang căm thù chế độ. Đây
là việc làm người ta ví như tự đào mồ chôn thân.
Các cuộc đàn áp của cộng sản, một lần nữa, đã phơi bày tâm địa của
họ, cho ta thấy những mưu mô xảo quyệt của cộng sản là rất thâm hiểm,
dã man, họ không từ một thủ đoạn nào, kể cả những thủ đoạn bỉ ổi nhất
miễn là dập tắt được các cuộc biểu tình của các tầng lớp quần chúng
nhân dân. Sau mỗi cuộc đàn áp để giải tán các cuộc biểu tình, cộng sản
lại tiến hành sơ kết, tổng kết từng sự kiện để rút kinh nghiệm, tìm ra
phương thức đàn áp tinh vi xảo quyệt và khốn nạn hơn. Ngành công an lại
được trọng thưởng, cán bộ, chiến sĩ nhiều người lại được thăng quân
hàm, lên lương trước thời hạn. Số quần chúng tham gia tích cực theo sự
giật dây của đảng, ngay lập tức nhiều người được kết nạp vào đảng, được
tặng thưởng những danh hiệu “cao quý” do đảng nặn ra. Đội ngũ “cốt cán”
trong xã hội đen được đảng tuyển dụng để đầu tàu gương mẫu gây gổ, đánh
dân lành sẽ được giảm tội và trở thành đồng minh của đảng trong cuộc
chiến chống lại “các thế lực thù địch”.
Nhìn lại phong trào dân chủ trong năm 2008
Bản chất cộng sản là vậy. Hơn lúc nào hết, thực tế này buộc chúng ta
cũng phải bình tĩnh suy xét để tìm ra phương cách đối phó, chủ động
ngăn chặn những thủ đoạn của họ, duy trì phong trào đấu tranh trường kỳ
cho đến khi đạt được mục tiêu đề ra.
Trước hết phải thấy rằng chúng ta đang đối mặt với một bộ máy chính
quyền đã nắm quyền cai trị đất nước trên sáu thập niên qua, bản chất
xảo quyệt, tráo trở đã trở thành thâm căn cố đế khó trị chữa. Một bộ
máy nhà nước mang bản chất độc tài bao giờ cũng củng cố cho mình lực
lượng đồ sộ để bảo vệ chế độ, sẵn sàng thẳng tay đàn áp quần chúng nhân
dân khi họ muốn. Với thời gian cầm quyền lâu năm, tích lũy được bề dày
kinh nghiệm, cộng với việc đầu tư đào tạo về nghiệp vụ tinh thông, được
nuôi dưỡng bằng những đồng tiền của nhân dân đóng góp, nên có thể nói
chế độ cộng sản Việt Nam có nền chuyên chính đáng “kính nể”.
Tổng kết lại các sự kiện diễn ra trong năm 2008 cho thấy thủ đoạn của cộng sản nổi lên một số mặt đáng chú ý. Đó là:
1. Bất cứ cuộc biểu tình nào diễn ra, dù là nhỏ lẻ nhất, thì
chính quyền cộng sản cũng tìm cách dập tắt ngay khi còn trong trứng nước:
Bước này cộng sản sẵn sàng thẳng tay đàn áp. Họ ra tay trừng trị những
ai tham gia phong trào, đặc biệt là những người đứng ra nhen nhúm tổ
chức. Tranh thủ thời cơ các thông tin chưa lan toả rộng, chưa gây được
sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế. Đây được coi là giai đoạn
thích hợp nhất, thời cơ tốt nhất để thể hiện sở trường độc tài của mình
để dập tắt, ngăn chặn sự kiện lan rộng.
2. Khi mà sự kiện đã bùng phát, không thể bưng bít được nữa,
dư luận trong và ngoài nước đã chú ý đến, thì ngay lập tức họ chuyển
sang phương án đã định sẵn. Đó là:
- Huy động các phương tiện thông tin đại chúng sẵn có trong tay tiến
hành các biện pháp tung tin, bịa đặt, vu khống để đánh lừa dư luận,
điều chỉnh dư luận đi theo quỹ đạo của đảng.
- Tìm cách tạo dựng chứng cứ để đẩy sự kiện lên nhằm hình sự hoá, tiến
hành các biện pháp bắt bớ, đe doạ, hành hung những người đứng ra tổ
chức và đặc biệt là những phóng viên lạ mặt.
- Phong toả thông tin toàn bộ khu vực và tịch thu các phương tiện của
những ai có mặt tại hiện trường nhằm đưa thông tin sự thật về diễn biến
cuộc biểu tình.
- Tập trung công kích một số người được gọi là “chủ mưu” bịa đặt, tạo cớ để làm căn cứ bắt giam.
- Cài cấy người trà trộn vào trong quần chúng nhân dân để nắm bắt tình
hình, tìm những lãnh tụ phong trào để bắt hoặc có những hành động bỉ ổi
thình lình tấn công.
- Tổ chức lực lượng cái gọi là “quần chúng nhân dân”, bồi dưỡng kiến
thức, mớm lời để ra mặt lên tiếng phản đối, lên án, vu khống...
- Thành lập nhiều phái đoàn người đến tận gia đình những người tham gia biểu tình để vận động, đe doạ, uy hiếp.
- Thuê mướn bọn xã hội đen đến gây gổ, cà khịa, hành hung gây rối làm cho đồng bào ta sợ hãi.
- Tổ chức phong toả, cô lập nơi diễn ra biểu tình, hạn chế các điều
kiện sinh hoạt đối với những người tham gia biểu tình như cắt điện
nước, kiểm tra hộ khẩu, phương tiện và các điều kiện khác gây khó khăn
hòng làm nản chí đồng bào ta.
- Gọi hỏi, thẩm vấn, bắt giam, khởi tố vụ án... để đe doạ, khủng bố tinh thần.
- Yêu cầu chính quyền địa phương có người tham gia biểu tình ra tay hỗ trợ bắt bớ đưa về địa phương để xử lý, răn đe...
Về phía những người dân chủ:
- Qua các cuộc biểu tình ôn hoà, nhìn chung, ta chưa có kinh nghiệm đối
phó, chưa lường hết được những âm mưu thủ đoạn của chính quyền cộng
sản.
- Lực lượng của ta tuy đông nhưng chưa có tinh, ta chưa có kế hoạch, phương án chủ động để vạch mặt những thủ đoạn của họ.
- Quá trình tổ chức còn biểu hiện lúng túng, bị động.
- Tính liên kết, hiệp thông chưa cao, chưa tạo ra được sức mạnh tổng
hợp để đối măt vơí chính quyền cộng sản, vì thế cộng sản rễ cô lập, rễ
phong toả, giải tán.
Những người dân chủ: liên hiệp lại
Trước mắt chúng ta là cả một quãng đường dài, đầy những cam go và quyết
liệt hơn, để tiếp tục sự nghiệp đấu tranh chống bạo quyền, đòi công lý,
dân chủ nhân quyền đến thắng lợi. Một trong những yếu tố quan trọng
nhất là: phải tổ chức liên hiệp các lực lượng lại.
Trước mắt phải ra mắt được bộ phận tham mưu bao gồm đại diện các lực
lượng các tôn giáo, công nhân, nông dân, dân oan, phong trào dân chủ...
để tập hợp lực lượng quần chúng. Bộ phận tham mưu này là cơ quan, tổ
chức đối trọng với đảng, nhà nước Việt Nam. Tổ chức này không phải là
tổ chức đảng phái chính trị, không tiến hành các hoạt động mang mầu sắc
chính trị.
Nhiệm vụ chủ yếu của cơ quan này là:
1. Bảo vệ, bênh vực mọi công dân khi tiến hành các hoạt động
đòi công lý, đòi sự thật, đòi tự do dân chủ, nhân quyền theo phương
thức ôn hoà.
Đại diện cho người dân đứng lên đối mặt với chính quyền để đòi hỏi
những quyền và lợi ích hợp pháp. Lên án, tố cáo với những hành động sai
trái, vi phạm nhân quyền, vi phạm hiến pháp và pháp luật của chính
quyền cộng sản. Ngăn chặn những manh động của một số quần chúng do quá
khích dẫn đến việc vượt ngưỡng của cuộc đấu tranh ôn hoà, bất bạo động.
Thực tế qua các cuộc bãi công, biểu tình diễn ra vừa qua cho thấy chúng
ta chưa có một cơ quan đại diện cho quần chúng nhân dân đủ mạnh để bênh
vực họ, hậu thuẫn cho họ để họ phấn chấn và làm cho chính quyền cộng
sản phải chùn tay trong việc đàn áp quần chúng. Tuy nhiên trong thực tế
mỗi sự kiện diễn ra đều có những nhân vật, những tập thể đứng lên làm
rất tốt việc bênh vực dân, trở thành chỗ dựa cho quần chúng song nhìn
chung là còn đơn lẻ, chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp để đối phó với
chính quyền cộng sản, ta chưa có lực lượng ngang tầm để sẵn sàng đối
mặt với mọi tình huống nhằm bênh vực đồng bào ta. Vì vậy việc ra đời cơ
quan này là việc làm vừa mang tính cấp thiết vừa có tính khách quan đòi
hỏi.
Nhân dân Việt Nam đã chán cảnh chiến tranh huynh đệ tương tàn, nhồi da
nấu thịt. Các cuộc xung đột từ sau Cách Mạng Tháng Tám, kháng chiến
chống thực dân Pháp, rồi đặc biệt trong cuộc chiến giữa hai miền Nam
Bắc đã đem lại bao đau thương tang tóc cho người dân được núp dưới
chiêu bài cái gọi là “cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước” đã làm biết
bao nhiêu người dân ngã xuống để giành lại sự thống trị cho một nhóm
người. Cho đến ngày nay nhiều người mới thức tỉnh rằng sự hy sinh của
họ xét cho cùng chỉ phục vụ cho những ý tưởng tham vọng thâu tóm quyền
lực của một tập đoàn hiếu chiến. Bởi vậy bạo lực sẽ không đi vào lòng
dân và nó không phù hợp với xu thế thời đại ngày nay là hoà hợp, hợp
tác và phát triển; nó đi trái với chủ trương của chúng ta về tiến trình
dân chủ hoá đất nước.
Xét cho cùng thì bạo động sẽ gây tổn thất về người, tài sản của nhân
dân, bởi vậy phương châm đấu tranh ôn hoà để đi đến thay đổi chế độ nó
hoàn toàn phù hợp với tiến trình dân chủ hoá không những đối với đất
nước ta mà còn với bất kỳ một quốc gia nào trong thời đại ngày nay.
2. Tuyển chọn, đào tạo bồi dưỡng một lực lượng quần chúng để phản ứng có hiệu quả đối với các thủ đoạn của chính quyền cộng sản.
Để đối phó có hiệu quả đối với cộng sản dùng thủ đoạn lực lượng xã hội
đen hoặc lực lượng công an ở những nơi xa đến tập kết tiến hành các
biện pháp đàn áp đồng bào ta, chúng hành động bất thình lình hoặc tiến
hành vào lúc ta sơ hở, chủ quan nhất. Để đối phó với những thủ đoạn
trên, ta cũng cần có lực lượng quần chúng tinh thông để bám sát những
động thái của cộng sản, chủ động đối phó với mọi tình huống có thể xẩy
ra, như quay phim, nhiếp ảnh, ghi âm hoặc truyền thông phản ánh trực
tiếp...
Chúng ta cũng cần có lực lượng quần chúng làm nhiệm vụ giữ hiện trường
như giữ lấy kẻ hành hung, quấy rối, đập phá để lấy chứng cứ, không để
chúng tẩu thoát, phi tang những hậu quả do chúng gây ra; vạch mặt những
kẻ đội lốt, giả danh trước quần chúng để truyền thông cho bàn dân thiên
hạ biết về thủ đoạn hèn hạ, đê tiện của họ.
3. Xây dựng đội ngũ phóng viên, những cây bút xuất sắc, có bản
lĩnh và năng lực đủ sức tuyên chiến với cộng sản trên mặt trận lý luận,
thông tin truyền thông.
Trên mặt trận thông tin truyền thông, đội ngũ phóng viên của ta đã làm
được rất nhiều việc, nhiều cây bút đã tỏ ra rất xuất sắc trong việc
tuyên chiến với đội ngũ bồi bút nô dịch của chế độ cộng sản. Cuộc đấu
tranh ôn hoà, bất bạo động đòi hỏi trên mặt trận này phải là mũi nhọn
và luôn được coi là yếu tố quan trọng nhất để chuyển hoá, để thay đổi
thể chế chế độ. Vì vậy để đáp ứng được nhiệm vụ trong giai đoạn mới,
cần quan tâm xây dựng đội ngũ những người cầm bút có năng lực, có bản
lĩnh không ngừng nâng cao về trình độ mọi mặt để không những đi sâu sát
trong thực tế, phản ánh khách quan trong đời sống xã hội, vạch trần bản
chất xấu xa của chế độ, tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật của
những cá nhân, tổ chức cơ quan của đảng cộng sản mà còn chủ động nhận
định, đánh giá tình hình trong tương lai, vạch trần những âm mưu thủ
đoạn của đảng, nhà nước cộng sản trong thời gian tới và trong tương lai
xa hơn để định hướng, thức tỉnh đồng bào ta chủ động phòng ngừa, không
mắc mưu cộng sản.
Cần mở rộng các hình thức thông tin đa rạng khác đến với công chúng
nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ phong trào
của ta ngày càng rộng rãi. xây dựng một số cây bút chính luận xuất sắc
đủ sức để chống lại, phản bác lại sự xuyên tạc vu cáo, bôi nhọ của
những cây bút chuyên nghiệp cộng sản.
4. Quán triệt phương châm ôn hoà, bất bạo động, chủ động phòng tránh những âm mưu gây hấn của cộng sản.
Đây là quan điểm xuyên suốt trong quá trình đấu tranh. Chủ trương của
ta là đòi cộng sản xoá bỏ thể chế độc tôn cai trị, thực hiện đa nguyên
chính trị để phù hợp với xu thế phát triển. Tạo ra sân chơi bình đẳng
giữa các đảng phái, trao quyền cho người dân có quyền lựa chọn người
đại biểu của mình. Khi cộng sản chấp nhận và thực hiện mục tiêu đó,
chúng ta bắt tay họ cùng chung xây đất nước với phương châm cạnh tranh
bình đẳng.
Vấn đề hết sức nhạy cảm là chính quyền cộng sản có nhiều âm mưu thâm
hiểm để tìm cách chống phá phong trào biểu tình ôn hoà của đồng bào ta,
một trong những thủ đoạn đó là việc tìm cách tạo dựng nhiều sự kiện
khiêu khích để kích động gây rối, bạo loạn, nếu không cảnh giác cao sẽ
mắc mưu họ, từ đó có cớ để cộng sản dùng bạo lực đàn áp.
Hơn lúc nào hết, bất luận dù thế nào chúng ta cũng không được manh
động, vì thế cần phải có một tổ chức, cần có lãnh tụ để đưa phong trào
lên đi lên theo đúng đường hướng.
5. Tiến tới cần có một cuộc biểu tình ôn hoà với quy mô rộng lớn.
Đó là bước đi tiếp theo của những cuộc biểu tình diễn ra trong thời
gian qua đã bị cộng sản rập tắt. Cuộc biểu tình này bao gồm nhiều lực
lượng, ở nhiều vùng miền khác nhau, được diễn ra cùng thời điểm để tiếp
tục yêu cầu lãnh đạo cấp cao của đảng, nhà nước trực tiếp đối thoại với
dân, trả lời cho dân những vấn đề mà nhân dân đang bức xúc. Xem xét,
giải quyết thoả đáng những quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân,
chao trả lại hoặc bồi thường thoả đáng cho dân những tài sản mà nhà
nước đã chiếm dụng... với hình thức, quy mô như vậy sẽ tạo ra thế và
lực của ta có tác dụng gây áp lực lớn cho đảng, nhà nước cộng sản buộc
phải trực tiếp đối thoại với dân, không thể lẩn tránh, đùn đẩy cho địa
phương như vừa qua. Tạo dư luận rộng rãi để quốc tế lên tiếng, gây áp
lực đối với nhà nước cộng sản Việt Nam, hạn chế sự vu khống, bôi nhọ và
những hành động bỉ ổi, đê hèn của cộng sản. Là cuộc tập duyệt lớn để
tiến tới gây áp lực cho cộng sản xoá bỏ độc tài, mở rộng tự do dân chủ,
hoà nhịp với tiến trình phát triển của thế giới.
Mục tiêu của các cuộc biểu tình ôn hoà phải đạt được
Mục tiêu trước mắt:
1. Buộc cộng sản Việt Nam phải tôn trọng các ý kiến, tâm tư nguyện vọng
của nhân dân, cụ thể là phải chấp nhận các cuộc biểu tình ôn hoà là
việc bình thường, nó diễn ra trong bất kỳ ở đâu, với quy mô thế nào?
2. Nhà nước cấp có thẩm quyền phải trực tiếp đối thoại với nhân dân để tìm ra giải pháp tốt nhất trên tinh thần xây dựng.
3. Chấm dứt việc sử dụng những thông tin sẵn có trong tay để độc quyền
vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, bôi bác, xúc phạm sự kiện và những người
tổ chức, tham gia biểu tình.
4. Chấm dứt việc tiến hành đàn áp và dùng các thủ đoạn bỉ ổi hèn hạ để hành xử đối với các cuộc biểu tình.
5. Yêu cầu phải nhà nước cộng sản Việt Nam phải có chế tài xử lý nghiêm
minh đối với những nhân viên có hành vi thô bạo đối với nhân dân.
Mục tiêu lâu dài:
1. Đối với các tầng lớp giai cấp công nhân:Bãi bỏ tổ chức công đoàn
theo mô hình hiện nay. Xây dựng hệ thống tổ chức công đoàn độc lập với
đảng, nhà nước, để làm nhiệm vụ chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao
động, tổ chức các cuộc bãi công ôn hoà đòi tăng lương, giảm giờ làm,
yêu cầu được cải thiện điều kiện sinh hoạt và những hành vi xâm hại lợi
ích, sức khoe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người lao động.
2. Đối với giai cấp nông dân: Xoá bỏ chế độ công hữu về đất đai. Đây là
nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến quyền lợi của người nông dân bị
xâm hại bởi “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước thống nhất quản
lý”, nhà nước có quyền thu hồi bất kỳ lúc nào, người dân chỉ có quyền
sử dụng. Xét cho cùng chế độ công hữu là việc cùng với việc độc tôn về
chính trị, đảng cộng sản Việt Nam đẻ ra chính sách này nhằm thâu tóm
quyền lực vào tay đảng về chế độ kinh tế.
Xác lập chế độ tư hữu về ruộng đất, trao quyền cho người nông dân được
toàn quyền sở hữu về đất đai là đường lối duy nhất để người nông dân có
được quyền lợi về kinh tế, vĩnh viễn xoá bỏ việc dùng quyền lực núp
dưới chiêu bài “các quy định của pháp luật” để cướp của dân. Trong thời
kỳ công nghiệp hoá đất nước hiện nay, người nông dân có quyền thoả
thuận, liên doanh với các doanh nghiệp bằng mảnh đất của mình, họ có
thể trở thành cổ đông của công ty, xí nghiệp, tạo cho người nông dân họ
được gắn bó với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp, xoá bỏ sự sự
mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế giữa giai cấp nông dân với giai cấp công
nhân, củng cố sự đoàn kết giữa liên minh công-nông thêm vững chắc.
3. Đối với đồng bào các tôn giáo: Buộc nhà nước cộng sản Việt Nam phải
tôn trọng các quyền tự do tôn giáo một cách triệt để. Trả lại vô điều
kiện toàn bộ đất đai, tài sản của các tôn giáo mà cộng sản Việt Nam đã
tịch thu, chiếm dụng vô căn cứ. Những tài sản nào được sử dụng vào
ngoài mục đích phúc lợi xã hội, phải được hoặc hoàn trả lại hoặc những
tổ chức cá nhân đang sử dụng có trách nhiệm thực hiện chế độ thuê đất,
thuê nhà đối với các tổ chức tôn giáo.
4. Đối với phong trào dân chủ: Buộc nhà nước cộng sản Việt Nam phải
chấp nhận sự hiện hữu của phong trào dân chủ quốc nội. Tôn trọng sự
khác nhau về tư tưởng, quan điểm, coi đó là sự phản biện khách quan, Là
yếu tố thúc đẩy cho sự phát triển đất nước.
5. Tiến tới có cuộc tổng bãi công ôn hoà trên toàn quốc, buộc đảng cộng
sản Việt Nam phải từ bỏ sự độc tôn cai trị đất nước. Xoá bỏ điều 4 hiến
pháp Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện đa nguyên chính trị.
Tổ chức tổng tuyển cử tự do, dân chủ, xây dựng hiến pháp mới, bộ máy tổ
chức nhà nước thật sự của dân, do dân và vì dân.Vi Đức Hồi © Thông Luận 2009
|