Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:04 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 1 » Sức mạnh vô địch của chế độ dân chủ
7:02 AM
Sức mạnh vô địch của chế độ dân chủ

Trác Tuân

“…Hiểu rõ mục đích và đông cơ của "toàn cầu hoá" và bản chất của nước Mỹ, cái nôi của nền tự do dân chủ thế giới và những động thái của chính phủ cũng như TT Mỹ trong việc ủng hộ và cổ vũ dân chủ, những người dân chủ Việt Nam cần phải cụ thể hoá sự ủng hộ đó bằng cách nào có hiệu quả nhất mà vẫn phát huy được tính độc lập tự cường…”


Ngày nay, dân chủ đã đựợc mở rộng trên phạm vi toàn thế giới, nhưng có rất nhiều quốc gia, dân tộc và cá nhân vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết khái niệm về bản chất dân chủ, thế nào là thể chế dân chủ v. v.

Dân chủ là một khái niệm tương đối, dựa trên các quyền căn bản của con người, lấy lợi ích của số nhiều để xây dựng lên một thể chế, một nhà nước và pháp luật trong đó không xâm phạm lợi ích của thiểu số làm nền tảng căn bản cho một xã hội dân chủ.

Chính từ những khái niệm đó cộng với tư tưởng tiến bộ của thế hệ các nhà lãnh đạo đại diện tiêu biểu cho từng giai đoạn lịch sử mà nước Mỹ đã dần hoàn thiện để tạo lên một quốc gia hợp chủng tộc duy nhất trên toàn thế giới.

Chính từ việc hiểu rõ bản chất và lợi ích dân chủ mà nước Mỹ đã phát huy được sức mạnh muôn người như một, không phân biệt màu da, sắc tộc và thành phần xã hội, đã tạo thành một khối thống nhất về quyền lợi và ý chí của đa số công dân, trên cơ sở tự nguyện để xây dựng nên một nước Mỹ hùng cường như ngày nay.
Hòn đá to, hòn đá nặng. . . . một người vác. . . vác không đặng!
Hòn đá nặng, hòn đá to. . . . nhiều người vác. . . ắt sẽ đặng!
Rõ ràng nếu mọi người ý thức được tính ưu việt của dân chủ là thực hiện quyền làm chủ của mình. Làm chủ vận mệnh của mình cũng có nghĩa là vận mệnh đất nước sẽ tạo lên sức mạnh phi thường trong mọi lĩnh vực, nhất là trong chính trị và kinh tế.

Môi trường dân chủ- qui luật phát triển và đào thải!

Nước Mỹ, với lịch sử hơn 230 năm, được hình thành và phát triển trên nền tảng dân chủ do những nhà lập quốc Hoa Kỳ tạo dựng nên, trải qua quá trình phát triển theo qui luật tự nhiên là phát triển và thích nghi để tồn tại, cũng như sẽ bị đào thải khi không thích ứng được với môi trường dân chủ.

Bức tranh về lịch sử nước Mỹ cho ta thấy rõ nét nhất về điều đó. Môi trường là mảnh đất màu mỡ, là điều kiện lý tưởng về thời tiết và khí hậu, được cung cấp mọi thứ cần thiết để cho cây đời phát triển, mà trong đó sự điều tiết dành đất cho loài có ích và tiêu diệt loài có hại sẽ được tác động theo qui luật tự nhiên. 44 đời tổng thống Mỹ được sàng lọc lựa chọn từ những hạt giống tốt nhất, được dân "thuê" để điều hành đất nước.

Ngược lại, những thế lực đen tối dần bị đẩy lùi do không thích ứng, không có đất sống để tồn tại trong môi trường dân chủ. Từ việc loại bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ bằng cuộc nội chiến Nam-Bắc năm 1860, cho tới việc đào thải những băng đảng Gaxto, Mafia, những hội phái xã hội đen v.v. dần dần bị biến mất dưới chế độ dân chủ.

Chế độ phân biệt chủng tộc cũng không còn được dung dưỡng trong lòng nước Mỹ, khi bài phát biểu nổi tiếng của mục sự Luther King "Tôi có một giấc mơ" đã thức tỉnh mọi người.

Sức mạnh của dân chủ còn được thể hiện trong nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như việc phân biệt và phân tầng giai cấp cũng được phân bổ điều tiết hợp lý. Giai cấp công nhân lao động bằng sức mạnh của thể chế dân chủ đã đòi hỏi quyền lợi của mình bằng việc phân chia giá trị thặng dư thông qua con đường điều tiết nhà nước, cuộc tuần hành ngày 1/5/1890 tại các thành phố của nước Mỹ đã đảm bảo quyền lợi cho họ về điều đó. Việc bình đằng giới cũng được thể chế dân chủ làm hậu thuẫn khi những người phụ nữ Mỹ xuống đường đòi quyền bình đẳng!

Sức mạnh dân chủ được phát huy và có hiệu quả nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Một bức tranh thu nhỏ cho ta thấy điều đó: một gia đình có sự hoà thuận trên dưới bền chặt chắc chắn sẽ giàu có sung túc bởi những thành viên ý thức được rằng: Ta làm cho ta, của cải làm ra của chung mọi người, giá trị vật chất được sử dụng công bằng, điều tiết hợp lý. Người có thu nhập thấp thiệt thòi do số phận sẽ được sự giúp đỡ hỗ trợ từ những ngưòi may mắn giàu có thông qua sự điều tiết của nhà nước của xã hội. Của cải tài sản vật chất được xác định là của chung của xã hội, cá nhân chỉ là người sở hữu và quản lý khi còn sống, chứ không phải là giá trị cá nhân tuyệt đối.

Sức mạnh dân chủ cũng giống như đàn ngựa đang đua nhau tiến về phía đồng cỏ, mà trong đó không có chỗ cho kẻ ỉ lại, tất cả đều gắng sức theo khả năng của mình để đua chen.

Nước Mỹ có hàng trăm tổ chức đảng phái chính trị, nhưng suốt hơn 200 năm chỉ có hai đảng Cộng Hoà và Dân Chủ thay nhau điều hành đất nước mà không xảy ra mâu thuẫn, không xảy ra việc tranh giành đấu đá quyền lực. Tại sao vậy? Xin thưa, đó là sức mạnh dân chủ. Nhiều kẻ "làm thuê" đã không còn chỗ khi mà hai gã lực sĩ Dân Chủ và Cộng Hoà đã đáp ứng được các đòi hỏi và điều kiện của ông chủ. Trải qua quá trình phục vụ để "đẹp lòng" ông chủ, họ càng phải tự rèn luyện bản thân, cố gắng phát triển cho kịp với tầm thời đại nếu không muốn bị "rớt đài".

Còn đối với ông chủ, thì việc kiếm được kẻ đầy tớ trung thành như vậy thì cần gì phải tìm những tên đầy tớ khác. Hai kẻ "do dân và vì dân" này cũng luôn bị ông chủ khó tính cắt "hợp đồng" mỗi khi không vừa ý. Cho nên muốn làm đẹp lòng ông chủ, kẻ bị thải loại lại phải tìm cách làm sao lọt được vào "mắt xanh" của ông chủ, bằng cách chiều xem ý ông chủ muốn gì? và kiểm duyệt giám sát, xem đối thủ có sơ hở trong việc hầu hạ ông chủ để tìm cách hạ "đo ván". Nếu một lúc nào đó, chỉ còn một kẻ hầu hạ hết lòng với ông chủ, thì kẻ đó sẽ độc chiếm vị trí "đầy tớ" của dân, như đảng Nhân Dân Hành Động (DDP)của quốc đảo Singapore ở Đông Nam Á. Đó là bản chất của dân chủ và sức mạnh dân chủ.

Nhờ phát huy được bản chất dân chủ mà đã tạo nên môt nước Mỹ hùng cường với một tiềm năng vô địch mà không có bất kỳ thế lực nào có thể có được. Tiềm năng đó chỉ có thế lực dân chủ tạo ra. Tiềm năng đó không chỉ là sự hùng mạnh nhất thời, mà nó còn trở lên bền vững hơn bất kỳ thứ thành trì nào của bất kỳ thế lực nào, tư tưởng nào tạo nên.

Ngày nay, dựa trên nền tảng ưu việt của thể chế dân chủ, rất nhiều quốc gia đã đi lên ổn định và phát triển thịnh vượng... Từ những quốc gia có diện tích số dân đông đúc và giàu có cho tới các quốc gia nhỏ bé hay nghèo nàn lạc hậu. Nếu họ đi đúng, hiểu đúng, và vận dụng tối đa thể chế dân chủ, tư tưởng dân chủ cho dân tộc mình, cho nhân dân mình, thì nhất định đất nước đó sẽ phát triển một cách nhanh chóng. Đất nước Cambodia là một ví dụ điển hình.

Dân chủ còn nhiều trăn trở

Bên cạnh đa số các quốc gia dân chủ có tính ổn định, thì một số nước đi theo đường lối dân chủ lại mất ổn định, hay nói đúng ra là chưa ổn định, mặc dù các quốc gia đó đã đi theo đường lối dân chủ hàng chục năm! Đây cũng là lý do để cho các thế lực Cộng Sản lấy cớ để che đậy cho quyền lực độc tài của chúng về một xã hội độc tài nhưng ổn định mà chúng vẫn thường rêu rao. Khi gặp phải vấn đề này rất nhiều người bị lúng túng để biện minh. Nhưng dựa trên khái niệm căn bản của dân chủ chúng ta thấy cái thế lực thiểu số bị thiệt thòi về quyền lợi kia chính là nguyên nhân gây nên tình hình bất ổn. Một điểm đặc biệt là cái thế lực gây mất ổn định lại nằm ở các nước tôn giáo truyền thống, có từ hàng ngàn năm nay. Do cuộc sống xã hội của thời đại có nhiều thay đổi đã bị khớp với các lợi ích và giá trị tôn giáo truyền thống, bị một số tín đồ cực đoan lợi dụng kích bẩy gây nên mâu thuẫn, làm xáo trộn đời sống xã hội của các nước đó. Điều chúng ta đặc biệt chú ý là các cuộc xung đột tranh giành đẫm máu, không có yếu tố phe phái chính trị, mà chính phe phái chính trị bị tôn giáo lợi dụng để gây nên.

Một điểm đặc biệt nữa là tình hình mất ổn định do quyền lợi sắc tộc, do trình độ dân trí thấp, hoặc chưa thực hiện triệt để thể chế dân chủ, họ coi việc lên nắm quyền điều hành đất nước là được bổng lộc quyền lợi vv... Nếu phe phái, dân tộc sắc tộc mình không giành được quyền lợi xứng đáng, lập tức sẽ nảy sinh ra mâu thuẫn, tranh giành đổ máu...

Nhưng những vấn đề mâu thuẫn đó chỉ là tạm thời, tuy thời gian nhanh chậm do điều kiện của mỗi quốc gia vùng lãnh thổ, nhưng nhất định các quốc gia đó sẽ ổn định và phát triển, vì các quyền lợi của thiểu số sẽ dần được đáp ứng. Ví dụ như Tây Ban Nha, hay Bắc Ailen vv. . .

Chủ nghĩa cộng sản: kẻ thù của dân chủ

Kẻ thù không đội trời chung và nguy hiểm nhất của chế độ dân chủ là chủ nghĩa Cộng Sản trước kia và những thế lực đội lốt Cộng Sản hiện nay.

Tại sao họ không đội trời chung với dân chủ? Bởi một điều hết sức đơn giản là nếu xây dựng một xã hội dân chủ thì chủ nghĩa Cộng Sản sẽ không thể tồn tại được. Bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản là tính giai cấp, mà giai cấp công nhân chỉ là một bộ phận, chứ không phải là giai cấp chủ thể hay thành phần chính trong xã hội. Còn chế độ dân chủ không có tính giai cấp và phân biệt giai cấp, mà nó bắt nguồn từ yếu tố quyền của con người.

Bởi vậy, hai tư tưởng hai quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau đối lập với nhau như nước với lửa, nó lại càng trở nên rõ rệt và gay gắt hơn khi mà những thế lực đen tối đã lợi dụng chủ nghĩa Cộng Sản, lợi dụng giai cấp công nhân để chiếm đoạt nhằm thâu tóm quyền lực để tạo nên một thế lực mới, một giai cấp mới, giai cấp "nhà nước" tuy chiếm thiểu số, mà mục đích là mưu lợi phục vụ cho chủ nghiã cá nhân.

Điều nguy hiểm nhất mà thế lực đen tối đang lợi dụng chủ nghĩa Cộng Sản để chống phá cách mạng dân chủ thế giới là trong tình hình hiện nay, nhằm củng cố và tồn tại tránh bị sụp đổ, theo cái thành trì Xô Viết trước kia, chúng đã kịp thời biến thái theo chủ nghĩa Kỳ Nhông (đổi màu), lợi dụng học thuyết "Toàn cầu hoá" của các chính khách Hoa Kỳ, nhằm tranh thủ vực dậy nền kinh tế, lấy kinh tế làm chỗ dựa để nuôi chế độ độc tài. Còn nhớ lại cách đây không lâu, khi lò dò bước vào hội nhập thế giới, chúng thường cảnh báo cho nhau cảnh giác với "diễn biến hoà bình" của các thế lực phản động. Khi đã vững vàng hội nhập chúng lại sáng tác ra vở kịch "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" mà thực chất là lấy “Kinh tế tư bản nuôi tư tưởng cộng sản”.

Ngày nay khi đã "thành tinh" và trước trào lưu dân chủ thế giới đang ngày càng mở rộng, chắc chắn chiếc ghế quyền lực của chủ nghĩa Cộng Sản cải lương sẽ lung lay. Với tư tưởng bá quyền nước lớn, Bắc Kinh đang chuyển hướng nấp sau chủ nghĩa dân tộc bá quyền để lợi dụng nhân dân Trung Quốc, bành trướng tư tưởng ra toàn thế giới nhằm duy trì đảng Cộng Sản mà thôi.

Chế độ độc tài CSVN cũng vậy. Họ ngoan cố bám giữ quyền lực chẳng qua cũng vì lợi ích cá nhân thiểu số. Những chiêu bài, những tư tưởng chủ nghĩa xã hội chỉ là cái vỏ bên ngoài, nhằm che đậy cho dã tâm phản dân hại nước, nhằm trấn an bè đảng cho nhau trong việc bóc lột áp bức nhân dân. Họ cũng không cần giấu giếm việc đoạn tuyệt không chấp nhận nền dân chủ, bằng những thủ đoạn và thái độ ngoan cố như tuyên bố mới đây của mấy tên bọn đầu sỏ, đại khái là "không chấp nhận trò chơi dân chủ", hay "bỏ điều 4 là tự sát". Đồng thời với việc đó là tăng cường bộ máy đàn áp bằng tăng thêm quyền lực, tăng thêm quân số và thặt chặt việc kiếm soát báo chí, khủng bố bắt giam xử tù những nhà dân chủ yêu nước.

Vì vậy, để xác định rõ bản chất độc tài của thế lực Cộng Sản Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta sẽ không khoan nhượng, không thoả hiệp với bất cứ chiêu bài thủ đoạn nào của chúng.

Hiểu rõ bản chất để xác định lập trường đấu tranh

Xác định bản chất và diễn biến của lịch sử, đâu là khái niệm và bản chất dân chủ, động cơ của lưc lượng dân chủ tiến bộ trong bối cảnh hiện nay, đâu là bản chất của chủ nghĩa Cộng Sản và các thế lực đen tối nấp sau để lợi dụng nó và ý đồ của các thế lực đen tối trước tình hình thế giới hiện nay, là vấn đề hết sức quan trọng, không khác gì người thầy thuốc phải khám chẩn đoán đúng bệnh cho bệnh nhân. Có bắt đúng bệnh thì mới chữa được bệnh và ngược lại nếu chẩn đoán sai thì "lợn lành chữa lợn què" sẽ đi chệch đường lối do tư tưởng bất phân định, không phân biệt hoặc hiểu lơ mơ đâu là chính nghĩa, đâu là phi nghĩa.

Có một số quan điểm và nhân định tình hình của một số nhà chính trị về tình hình thế giới hiện nay. Họ không phân biệt được bản chất của sự việc bằng việc đánh đồng khái niệm giữa các thế lực chủ yếu hiện nay, là những quốc gia có tiềm lực và ảnh hưởng mạnh mẽ trên thế giới. Đọc các bài phân tích và nhân định của họ, ta có cảm tưởng hai thế lực này đại diện cho hai trường phái nào đó đối chọi nhau, mà họ không phân biệt được rằng hai thế lực này bản chất là hoàn toàn khác nhau.

Một nghịch lý hết sức khó hiểu ngay cả cộng đồng người Việt tại Mỹ, nơi khai nguyên và thực hiện thành công chế độ xã hội dân chủ, cũng chưa hiểu hết bản chất và khái niệm dân chủ. Khi đã trở thành công dân Hoa Kỳ, được thực hiện quyền công dân, quyền dân chủ trong đời sống, họ lại không hiểu chính phủ của họ điều hành đất nước dựa trên nguyên tắc nào. Liệu tổng thống của họ có được quyền mang quân đi xâm lược hay không, nếu chưa được sự đồng ý của lưỡng viện quốc hội? Chỉ cần một hành động sai lầm cá nhân hay vi phạm pháp luật đã bị ra toà, hay ít nữa cũng phải điều trần trước quốc hội rồi! Làm sao tổng thống của họ lại tạo ra cái thế lực nào đó của riêng ông ta?
Một thế lực dân chủ là thể hiện ý chí của toàn thể nhân dân yêu chuộng tự do hoà bình trên thế giới lấy nền tảng căn bản vì quyền con người làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Một Hoa Kỳ là trung tâm, đại diện cho nền dân chủ thế giới, một tổng thống Hoa Kỳ (do nhân dân bầu lên) sẽ đại diện diện nhân dân Mỹ hoạch định những chính sách bảo vệ hoà bình thế giới chứ không phải nước Mỹ và tổng thống của họ đại diện cho lợi ích nước Mỹ hay cá nhân tổng thống Mỹ.

Tất nhiên sẽ có những kẻ sẽ nêu câu hỏi: Vậy lợi ích của nước Mỹ có nằm ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ hay không? Tại sao họ lại đem quân ra can thiệp tại nước ngoài? Câu trả lời là có! Họ đem quân ra nước ngoài để bảo vệ nền tự do dân chủ thế giới cũng chính là bảo vệ họ!

Một nước Mỹ là thế giới thu nhỏ mà trong đó cộng đồng xã hội Mỹ có đầy đủ thành phần các dân tộc trên thế giới! Một cộng đồng người Pháp không thể thờ ơ khi thấy quê cha đất tổ bị hoạ phát xít, cũng có tâm trạng như vậy là cộng đồng người Anh ở nước Mỹ sẽ không ngồi yên khi tổ quốc của họ bị lâm nguy và ngay cả nước Mỹ, sẽ là mục tiêu số 1 của chủ nghĩa Phát xít, sau khi thôn tính xong châu Âu. Đó là lý do tại sao nước Mỹ lại tham gia đại chiến Thế Giới thứ II.

Hay lý giải một cách đơn giản nhất, tôi không thể thờ ơ trước một kẻ hàng xóm hay quậy phá, tôi không thể ăn ngon, mặc đẹp được khi thấy đồng loại của mình đói khổ, tôi sẽ cảm thấy hổ thẹn và day dứt khi nghĩ đến họ. Đó chính là suy nghĩ chân chính, là lương tâm và đạo lý của nước Mỹ. Cách chứng minh đơn giản và hiệu quả nhất cho quan điểm đó là hãy xét tiêu chuẩn ISO 14 000 mà nước Mỹ đề ra, sẽ thấy tính nhân đạo cao cả như thế nào!

Lịch sử cũng đã chứng minh cho chúng ta điều đó, nếu quả nước Mỹ xâm lược vì quyền lợi nước Mỹ có lẽ Kuwait hay Iraq đã là bang thứ 55, 56 của nước Mỹ rồi! Những quốc gia dù chưa bằng một tiểu bang của nước Mỹ chắc chắn sẽ giàu tài nguyên dầu lửa hơn Việt Nam nhiều lần. Nhưng nền dân chủ Hoa Kỳ chưa bao giờ cho phép chính phủ của họ đi xâm lược bất kỳ một quốc gia nào, để vơ vét của cải của dân tộc khác về làm giàu cho nhân dân Mỹ!

Xét về quá trình lịch sử đã cho thấy cái trò biện luận đổi trắng thay đen xưa kia của chủ nghĩa Cộng Sản, giờ đây tưởng cũng xin nhắc lại để mọi người nhận xét: Ai là kẻ đi xâm lược? Ai là lực lượng làm nghĩa vụ quốc tế?

Bởi vậy khi đã hiểu được bản chất của các thế lực hiện nay thì các lực lượng dân chủ, các nhà đấu tranh dân chủ sẽ xác định được đường lối đấu tranh. Ngoài việc tự lập tự cường thì cần phải tranh thủ sự ủng hộ của ai để thực hiện đấu tranh có hiệu quả và cần hiểu rõ được bản chất của "địch" thì mới lật đổ được thế lực đen tối, góp phần mang lại nền dân chủ cho đất nước.

Thế nào là tự lực tự cường?

Thật ra khái niệm "tự lực tự cường" thường bị ngộ nhận. Khái niệm đó chỉ mang tính tương đối, chỉ một cá nhân, hay một tập thể bó hẹp trong khuôn khổ tự khắc phục hoặc duy trì cuộc sống cá nhân hay tập thể đó, không cần nhờ sự giúp đỡ hay liên kết với cộng đồng xung quanh. Nhưng chúng ta đều biết, mối quan hệ cộng đồng đều có tính ràng buộc hỗ trợ, trên cơ sở độc lập làm chủ của người cần được giúp đỡ, chứ không phải dựa hoàn toàn vào người khác. Bởi vậy cần nhận thức và hiểu đúng khái niệm "tự lực tự cường" trong lĩnh vực đấu tranh dân chủ là công việc đấu tranh đòi nền dân chủ của Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết. Các quốc gia các tổ chức trên thế giới họ chỉ là người ủng hộ hay phản đối bằng tỏ thái độ hay hành động dựa trên nguyên tắc có lợi cho họ.

Vậy thế nào là có lợi và không có lợi cho họ? Như trên tôi đã ví dụ, với suy nghĩ coi việc "cháy nhà hàng xóm bình chân như vại" đã trở thành lỗi thời trong các mối quan hệ quốc tế, nhất là sự ổn định phải dựa trên nguyên tắc công bằng bình đẳng và dân chủ, có đường lối phát triển tiến bộ nhân đạo. Việc phát triển bang giao thương mại kinh tế cũng vậy. Nếu chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt, cái lợi của những cường quốc hùng mạnh, chắc chắn họ sẽ tận dụng lợi thế để vơ vét bóc lột chứ không thể đưa ra chính sách "toàn cầu hoá" mang lại lợi ích nhiều hơn cho những nước nghèo. Nhưng họ quan niệm là họ không thể phát triển nền kinh tế bên cạnh thùng thuốc súng được, sự phát triển đó phải có tính ổn định và bền vững, phát triển trong hoà bình và hạnh phúc của mọi dân tộc trên thế giới. Bởi vậy chúng ta phải nhìn nhận vấn đề trên quan điểm lịch sử và bản chất của lợi ích, lợi ích lâu dài hay lợi ích trước mắt

Một chế độ độc tài chỉ biết đến lợi ích cá nhân hay một thiểu số, mọi lợi nhuận thu được nhờ kinh tế sẽ là rất nguy hiểm khi vô tình "nối giáo cho giặc" sẽ tạo nên một xã hội bất công, một xã hội cai trị bằng bạo lực, bằng nhà tù và súng đạn, một chế độ dùng tiền thuế của dân để nuôi dưỡng bộ máy đàn áp nhằm bảo vệ chế độ độc tài, sẽ chỉ là lợi ích trước mắt đối với những nhà hoạch định thế giới.

Họ sẽ không thể làm ngơ, họ sẽ phải tính đến lợi ích lâu dài vì cuộc sống và lợi ích của con người, để có kế hoạch và hành động ủng hộ những con người, tổ chức và quốc gia tiến bộ, nhằm thủ tiêu những thế lực đen tối.

Nhưng cái rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là quyền tự quyết. Một khi dưới áp lực của cộng đồng quốc tế chỉ là hỗ trợ, thì người dân quốc gia đó phải tự đứng lên hành động, phản kháng và lựa chọn cho họ một thể chế phù hợp với đa số. Cái ranh giới và cái kẽ hở đó là điểm yếu nhất, khó khăn nhất trong việc giải quyết các chế độ độc tài phản động ngày nay. Mục đích của chính sách "toàn cầu hoá" chính là giải quyết vấn đề này. Với mũi nhọn kinh tế làm đột phá cho việc toàn cầu hoá các lĩnh vực khác, quốc tế mong muốn, người dân ở các chế độ độc tài sẽ được tiếp cận với các giá trị văn minh của nhân loại, trong đó có việc hiểu được giá trị cơ bản nhất về quyền con người, để từ đó có một mặt cải thiện đời sống vật chất và nâng cao dân trí cho người dân. Đó là mục đích và động cơ tốt, chúng ta cần hiểu bản chất cội nguồn của mục đích đó để tranh thủ sự ủng hộ của họ.

Cụ thể hoá vận động quốc tế ủng hộ và hậu thuẫn Cách Mạng Việt Nam

Hiểu rõ mục đích và đông cơ của "toàn cầu hoá" và bản chất của nước Mỹ, cái nôi của nền tự do dân chủ thế giới và những động thái của chính phủ cũng như TT Mỹ trong việc ủng hộ và cổ vũ dân chủ, những người dân chủ Việt Nam cần phải cụ thể hoá sự ủng hộ đó bằng cách nào có hiệu quả nhất mà vẫn phát huy được tính độc lập tự cường. Đây là một câu hỏi khó mà rất nhiều người nhiều tổ chức hiện đang lúng túng trong khâu vận dụng. Nhưng chúng ta cần hiểu là trước hết, phải nêu bật tính chính nghĩa và tính ưu việt của nền dân chủ Hoa Kỳ, tư tưởng dân chủ của những chính khách trước kia và hiện nay bằng cách tuyên truyền phổ biến, sao cho trong tâm thức và tư tưởng của mọi người thay đổi (nếu có) trong nhận thức có thiện cảm với Hoa Kỳ, làm sao nêu bật được Hoa Kỳ đại diện cho chính nghĩa. Đây là yếu tố rất quan trọng, bởi hai vấn đề.

Một là trong nước hiện nay, ảnh hưởng của Hoa Kỳ đối với người dân là rất lớn; ngày nay trong suy nghĩ của nhiều người dân đều hướng về nước Mỹ. Họ mong muốn được là đồng minh của Mỹ. Vậy thì tại sao chúng ta lại bỏ qua yếu tố này để không vận dụng nâng cao tầm uy tín của Hoa Kỳ bằng những phương thức tuyên truyền vận động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm tác động cho mọi người hiểu về một nước Mỹ với những ưu việt nhất thế giới. Tôi chưa thấy có tổ chức cá nhân nào làm được điều này!

Hai là, việc chúng ta tôn vinh nước Mỹ một cách trung thực, sẽ tạo được tình cảm của chính giới và nhân dân Mỹ đối với chúng ta. Từ những thiện cảm đó cộng với sự tư lực từ cường kết hợp công tác vận động, tạo nên mối quan hệ tốt đẹp, họ sẽ ủng hộ chúng ta hết lòng.

Trác Tuân

© Thông Luận 2009
Category: Tiếng nói dân chủ | Views: 828 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 4
Khách: 4
Thành Viên: 0