Thời
sự ở Việt Namcũng lắng dịu hẳn cùng với những ngày nghỉ Tết, tuy rằng
một số báo điện tử vẫn đưa lên mạng những bài viết đầu năm. Chủ đề được
khai thác nhiều nhất là viễn ảnh kinh tế Việt Nam năm 2009.
Đây là đề tài chúng tôi đọc
báo trên mạng tuần này. Nam Nguyên điểm qua các bài báo đầu năm Kỷ Sửu, cùng
trình bày với Phương Anh và Thanh Quang.
Phần lớn các chuyên gia
kinh tế, thể hiện quan điểm khá dè dặt, khi nhận định về tình hình kinh tế tài
chánh sắp tới. Tuy vậy ở giữa những bụi gai lại có một đóa hồng, chúng tôi ví
von như thế vì đây là ý kiến khá hiếm hoi, tiên đoán là “sẽ không có suy thoái ở
VN”.
Sẽ không có suy thoái ở VN?
Việt Nam không cần phải lo lắng quá mức
về những thách thức toàn cầu, vì VN là quốc gia sản xuất lương thực lớn và cũng
là một đất nước sản xuất nhiều hàng tiêu dùng.
Đại sứ Lal T. Muana
Báo điện tử Vn Express
ngày đầu năm âm lịch đã đăng lại một bài của báo Đầu Tư, theo đó Đại sứ Ấn Độ tại
Hà Nội Lal T. Muana cho rằng, Việt Nam sẽ vẫn là một trong những nước có tốc độ
tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2009, và đây cũng sẽ là một năm bận rộn
trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ.
Ông đại sứ nhận định rằng Việt Nam
đã đương đầu khá tốt trước sự suy giảm kinh tế toàn cầu. Đại sứ Ấn Độ ghi nhận
thành tựu của VN năm 2008 là vẫn xuất khẩu lượng hàng hóa trị giá gần 63 tỷ đô
la, thu hút hơn 60 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
Chúng tôi xin
thêm rằng đây là con số đăng ký trên lý thuyết, không phải là con số được giải
ngân.
Vẫn theo trích thuật của
Vn Express, Đại sứ Ấn Độ phân tích rằng, Việt Nam không cần phải lo lắng quá mức
về những thách thức toàn cầu, vì VN là quốc gia sản xuất lương thực lớn và cũng
là một đất nước sản xuất nhiều hàng tiêu dùng. Đại sứ Lal T. Muana còn nhấn mạnh
là “Sẽ không có suy thoái ở VN”.
Biện giải cho ý kiến của mình, ông đại sứ viện
dẫn điều gọi là những ước tính khắt khe nhất, qua dự báo của Trung Tâm Thông
Tin Kinh Tế, trực thuộc tuần báo The Economist, đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái,
theo đó tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 của VN là 6,1% và trong năm 2009 là
4,3%.
Kinh tế suy giảm khiến không khí Tết năm nay không được nhộn nhịp như những năm trước.
Đại sứ Lal T. Muana cho rằng,
còn quá sớm để đánh giá những tác động của sự suy giảm kinh tế toàn cầu trong
năm 2009. Nhưng theo ông, với nguồn tài nguyên và năng lực sản xuất lương thực
và hàng hóa, VN sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao
nhất trong năm 2009. Đại sứ Ấn Độ tiên đoán mức sống của người dân VN sẽ ở mức
của năm 2008, dù rằng hầu hết sẽ không còn tiêu xài xa xỉ và thoải mái như trước.
Cơ hội cho cải cách
Trên Tuổi Trẻ Online ngày
mùng 4 Tết đã đưa lên mạng bài viết báo Xuân của TS Trần Đình Thiên, quyền viện
trưởng Viện Kinh Tế VN. Chuyên gia này cho rằng giai đoạn khó khăn hiện nay là
cơ hội cho cải cách lớn.
Nếu
nhân dịp này VN xóa triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, những chi
phí không tên cho doanh nghiệp, chống được tham nhũng triệt để… thì cuộc khủng
hoảng dù có gây thiệt hại nhưng lại là một cơ hội lớn cho đất nước.
TS Trần Đình Thiên
TS Thiên nhận định rằng, năm 2008 là năm ổn định kinh
tế vĩ mô. Việt Nam đã chỉ rõ những yếu kém cơ bản đang làm điều gọi là ‘nút thắt’ cản
trở sự phát triển, đó là thủ tục hành chính, nạn sách nhiễu, hạ tầng yếu kém,
thiếu nhân lực trình độ cao, rồi tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp… Khi khó khăn
những nút thắt ấy không thể không giải quyết.
TS Trần Đình Thiên đặt vấn đề, nếu
nhân dịp này VN xóa triệt để những nhiêu khê về thủ tục hành chính, những chi
phí không tên cho doanh nghiệp, chống được tham nhũng triệt để… thì cuộc khủng
hoảng dù có gây thiệt hại nhưng lại là một cơ hội lớn cho đất nước. TS Thiên nhấn
mạnh rằng, khi những khó khăn tự mình gây cho mình như vừa nói được giải quyết,
nó sẽ tiếp thêm nguồn sinh khí lớn không kém bất kỳ gói cứu trợ tài chính nào.
Trong bài viết cho Tuổi Trẻ
số Xuân, TS Trần Đình Thiên nhận định rằng, doanh nghiệp VN sau cơn thử thách
2008 đã được cơ cấu lại, kiểu đầu tư theo phong trào, đầu tư không có chiến lược,
mang tính đầu cơ không còn nữa. Cơ hội cho một đội ngũ doanh nhân hiện đại đang
gần kề. Vấn đề là làm sao kích thích khu vực này phát triển lên. TS cho rằng,
không nên để tình trạng doanh nghiệp VN sau nhiều năm chỉ có một vài đơn vị lớn
lên, từ giã địa vị doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn lại đa số vẫn như cũ.
Cuối cùng TS Trần Đình
Thiên đưa ra nhận định rằng năm 2009 VN có nhiều cơ hội hơn các nước trong khu
vực. VN hoàn toàn có thể vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính thế giới, nhưng VN
có vượt được nhanh hay chậm, câu trả lời có lẽ không phải chỉ chờ đợi ở tương
lai khủng hoảng lớn thế nào, mà cả ở chỗ người VN đã tận dụng, ứng xử với những
cơ hội ra sao.
Cùng về vấn đề trong khủng
hoảng là cơ hội cải cách, chúng tôi xin trích ý kiến ông Diệp Thành Kiệt, Phó
chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, ngành hàng xuất khẩu được mô tả là quan
trọng nhất nhì hiện nay:
“Thứ nhất tôi nghĩ rằng
việc thu hẹp là không tránh khỏi, thứ hai tôi nghĩ rằng nếu không phải năm 2009
hay 2010, thì chắc chắn trong quá trình phát triển nó sẽ có một giai đoạn nào
đó sẽ có sự sàng lọc mạnh không phải vì cuộc suy thoái này mà sẽ bằng những
hình thức khác.
Trong cái rủi ro là đang trong thời kỳ suy thoái, chúng tôi
nghĩ rằng đó cũng là cơ hội cho những doanh nghiệp có định hướng tốt, nhưng vì trước
đây họ phải chạy vạy phải cạnh tranh theo một số cách nào đó buộc lòng họ phải
đa dạng hóa làm theo phong trào, thì đây là dịp để họ cắt bỏ những cái đó và trở
nên chuyên nghiệp hơn.”
Nếu nông thôn
phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó
sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Ô. Bùi Kiến Thành
Nhiều vấn đề trước mắt
Trong số những bài viết được
đưa lên mạng trong những ngày đầu năm Kỷ Sửu, VNExpress đã giới thiệu chuyên
gia kinh tế Bùi Kiến Thành, một trong những Việt kiều đầu tiên về VN lập nghiệp.
Trả lời phỏng vấn VnExpress, vị chuyên gia Việt kiều nhận định rằng, “Những khó
khăn, thách thức hiện tại chỉ là nhất thời và người Việt sẽ vượt qua tất cả, sẽ
làm được điều đáng ngạc nhiên, như cách đây 20 năm họ đã làm được trong công cuộc
đổi mới.”
Ông Bùi Kiến Thành tán
dương chính sách đổi mới cuối thập niên 1980, điều ông gọi là một cuộc cách mạng
cực kỳ vĩ đại, nó thay đổi cả hệ thống, bỏ bao cấp, bỏ kinh tế tập trung, đi
qua kinh tế thị trường. Vẫn theo lời ông Bùi Kiến Thành, Liên Sô hay các nước
Đông Âu đã có thời điểm sụp đổ, phải phá hết và làm lại. Nhưng Việt Nam thì vẫn
xây dựng được cái mới trên nền cái cũ.
Ông Bùi Kiến Thành tiếp lời rằng, cái
siêu việt của Việt Nam chính là có được trí tuệ đầy đủ để chuyển đổi những cái
dường như không thể chuyển đổi được, giống như hình ảnh của con tằm, chuyển đổi
thành con ngài, con bướm. Nhưng vị chuyên gia Việt Kiều nhấn mạnh là, không phải
VN đã chuyển đổi được 180 độ, mà mới chỉ chuyển đổi được 150 độ, còn 30 độ nữa
thì hiện giờ chính là cơ hội để chuyển đổi.
Ông Bùi Kiến Thành có tính cách khá
độc đáo, khi ông nói ‘trong nguy bao giờ cũng có cơ’. Nguy cơ thấy mình tụt hậu,
nguy cơ thấy mình yếu kém, nguy cơ đứng trước những bất ổn kinh tế xã hội, thì
VN phải tiếp tục chuyển đổi, tiếp tục đổi mới.
Trong các nhận định của
mình, chuyên gia Việt Kiều Bùi Kiến Thành cho rằng VN nên xem xét lại chính
sách hối suất, giữ giá trị tiền Đồng ở mức cao không làm tăng được khả năng cạnh
tranh cho xuất khẩu. Theo lời ông, Ngân hàng Nhà Nước VN chưa thể hiện được vai
trò điều tiết tiền tệ của mình và cũng chưa có được tính cách độc lập đối với
chính phủ để làm việc này.
Nhận định về tác động suy thoái
kinh tế thế giới, ông Bùi Kiến Thành cho rằng:
“Có rất nhiều việc cần
phải làm, nhưng việc đầu tiên là, các nhà quản lý Nhà nước cũng như các doanh
nghiệp cần phải ngồi lại với nhau. Để cùng bàn tính xem mình sẽ phải rút những
bài học gì, phải rút ra những dự báo gì, mới đi đến được những chính sách mà nó
đáp ứng được với thời cuộc.”
Vẫn theo nhận định của ông
Bùi Kiến Thành, VN gặp nhiều khó khăn vì xuất khẩu chiếm 70% tổng sản phẩm quốc
nội GDP. Vì thế nên tìm kiếm thị trường xuất khẩu đồng thời phát triển thị trường
nội địa.
VN theo lời ông Thành có định hướng vào thị trường nội địa, nhưng chưa
có chính sách cụ thể. 70% dân số ở nông thôn phải được tạo điều kiện để ăn nên
làm ra. Phải tạo cho nông thôn có được lợi thế phát triển bằng những biện pháp
tài chính, hỗ trợ giống tốt, thủy lợi tốt, hạ tầng cơ sở tốt. Tất cả những gì
nông nghiệp cần, nông thôn cần, phải làm cho tới nơi tới chốn. Phải nâng công
suất lao động ở nông thôn lên.
Ông Bùi Kiến Thành nhấn mạnh rằng, nếu nông thôn
phát triển tốt sẽ kích cầu tốt, cả nền kinh tế cùng phát triển theo. Rồi sau đó
sẽ dẫn đến thay đổi cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang công nghiệp.