Thứ Năm, 2024-11-21, 7:16 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 1 » Trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế
8:59 PM
Trò chuyện với Bộ trưởng Bộ Y tế

Nguyễn Văn Tuấn (Viện Nghiên cứu y khoa Garvan, Sydney, Úc)

Ngành y tế và giáo dục có lẽ là hai ngành “nóng” nhất ở bất cứ nước nào trong thời bình. Do đó, không ngạc nhiên khi thấy người đứng đầu của hai ngành này hơi “bị” quan tâm nhiều. Trước đây (và ngay cả hiện nay), bất cứ việc làm nào của ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đều được giới quan sát bình luận và “chiếu tướng” rất tận tình. Có người còn mỉa mai này nọ.

Nay đến ngành y tế. Thật ra, ngành y tế được giới báo chí quan tâm còn nhiều hơn cả ngành giáo dục – tính theo tiêu chí số bài báo và thông tin liên quan đến các vấn đề y tế. Đọc bài trả lời phỏng vấn (http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/01/826107/) sau đây của người đứng đầu ngành y tế nước ta, tôi thấy rất thú vị vì qua đó mà có thể biết được một số suy nghĩ và định hướng của Bộ Y tế. Bài phỏng vấn tương đối dài, nhưng tôi chỉ trích vài đoạn (trích một cách trung thực chứ không ngoài văn cảnh) và có vài dòng nhận xét mà thôi.

Hồn nhiên ?

Có lẽ người phỏng vấn cũng muốn nhắn gửi một thông điệp nào đó nên đặt tựa đề cho bài phỏng vấn là “Trò chuyện với bộ trưởng ‘hồn nhiên’ nhất trước Quốc hội”. Chú ý hai chữ hồn nhiên được đưa vào hai dấu ngoặc nháy nháy, như cười cợt. Phóng viên Vietnamnet chẳng những viết rằng người đứng đầu Bộ Y tế là “hồn nhiên” mà còn “hồn nhiên nhất”, tức ông đứng đầu bảng trong danh sách những vị bộ trưởng hồn nhiên.

Vậy thì chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa của hồn nhiên ra sao. Tôi xem Từ điển Tiếng Việt thì thấy các nhà ngôn ngữ học giải thích như sau hồn nhiên là “biểu hiện có bản tính gần với tự nhiên, có sự đơn giản, chân thật, trong trắng, nhiều khi ngây thơ trong tình cảm, trong sự suy nghĩ, trong tâm hồn”. Từ điển còn chua thêm một ví dụ: “Tính hồn nhiên như trẻ thơ” (Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng 1998, trang 445. Tôi phải trích dẫn đàng hoàng để hóa giải những ai nghi ngờ tôi nói không có bằng chứng).

Tôi có cơ duyên làm người thông dịch cho ông Bộ trưởng, và có dịp trò chuyện một hai câu với ông, và tôi không nghĩ ông ngây thơ như trẻ thơ đâu. Ấn tượng của tôi thấy có lẽ những giải thích như thật thà, trong trắng và giản dị đúng với ông hơn.

Y đức

Bàn về tình trạng suy đồi đạo đức trong ngành y hiện nay, Bộ trưởng nói: “Nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã nói rõ nghề y là nghề đặc biệt, đào tạo, đãi ngộ đặc biệt. Nhưng thật ra đến bây giờ cũng chưa có đãi ngộ gì đặc biệt cả. Lương thì ra trường học 6 năm cũng như 4 năm, sản phẩm của ngành y là sức khỏe con người nhưng cũng 3 - 4 năm lên lương một lần. Trong khi ở các nước, hệ số lương của thầy thuốc khác. Chính vì vậy, một mặt, vi phạm y đức thì không có lý do gì để bào chữa, kể cả anh lương thấp, anh quá tải, nhưng mặt khác, phải cảm thông, chia sẻ với anh em”. Có cái gì lấn cấn ở đây, một mặt ông không chấp nhận tình trạng suy đồi đạo đức, mặt khác ông lại nói thông cảm cho các bác sĩ phi y đức.

Ông thông cảm là vì đồng lương của họ thấp. Nhưng tôi không thấy hai về này liên quan nhau mật thiết gì cả. Ở bên này, lương bác sĩ cũng cao (hay rất cao) nhưng họ vẫn có vấn đề y đức (dù vấn đề của họ không nghiêm trọng như ở nước ta). Tiền bạc chưa hẳn là yếu tố quan trọng. Trong trường y, người ta hay nói hoặc là anh có đạo đức, hoặc là không. Đạo đức, theo quan điểm này, là một tính bẩm sinh. Nhưng quan điểm mới trong các trường y ngoài này là y đức cũng cần được DẠY, chứ không để mặt cho cảm tính chi phối (như thông cảm) được. Một nghiên cứu mới đây trên Academic Medicine hết sức thú vị, vì theo kết quả này thì khi bác sĩ được dạy về đạo đức, dạy cách biểu lộ cảm xúc với bệnh nhân, cách nói chuyện và cầm tay bệnh nhân, v.v… rõ ràng có cải tiến. Vấn đề ở nước ta là môn y đức chưa được đưa vào chương trình giảng dạy một cách có hệ thống và nghiêm chỉnh. Đó mới là mấu chốt của vấn đề, chứ không phải “thông cảm” là giải quyết được vấn đề.

Đồng lương và những tính toán

Ông Bộ trưởng còn tỏ ra có số liệu khi ông làm những so sánh sau đây. Nói về đầu tư cho ngành y tế, ông nói: “Đầu tư của ta lại rất thấp. Thái Lan gấp 16 lần ta, Mỹ gấp 120 lần. Nước nghèo thì ngành y tế cũng nghèo, cái này ngành cũng rất chia sẻ với Chính phủ, khắc phục phải dần dần”. Hình như ông so sánh con số tuyệt đối (đôla) về đầu tư. Nhưng so sánh như thế là sai nguyên tắc số 1 của khoa học, vì bối cảnh kinh tế các nước khác nhau. Thu nhập bình quân của Mĩ mà đem so với Việt Nam thì chẳng khác gì lấy trái táo so sánh với trái cam. Một cách so sánh công bằng hơn là so sánh tỉ lệ đầu tư cho y tế. Tôi xem qua số liệu thì thấy chi tiêu của Nhà nước ta cho ngành y tế chỉ chiếm 6,1% tổng số chi tiêu của Nhà nước. Tỉ lệ này thấp nhất so với các nước láng giềng như Campuchea (16%), Lào (khoảng 7%), Mã Lai (6,5%), Trung Quốc (10%), và Nhật (16.4%). Tuy thấp, nhưng khó mà nói chi tiêu ngành y tế của Thái Lan cao gấp 16 lần nước ta!

Nhưng có lẽ ông quên rằng người dân cũng đầu tư nhiều cho ngành y tế. Ngân sách gia đình cho ngành y tế chắc chắn cũng 20%. Tuy nhiên, con số này thì chắc ông Bộ trưởng không nắm được và chắc cũng chẳng quan tâm. Ông quan tâm đến lương của bác sĩ hơn. Ông nói: “Mục tiêu lớn nhất trong năm nay... là bảo vệ thành công đề án tăng thu nhập của các bác sĩ”. Hóa ra, nâng cao lương bổng cho bác sĩ mới chính là mục tiêu lớn nhất của ông, chứ ông không quan tâm đến các vấn đề lớn hơn của ngành y tế!

Ông làm những so sánh rất ngạc nhiên. Khi được hỏi: “Chúng tôi chia sẻ với ông những trăn trở đó. Thực tế là bất cập trong ngành y thì mọi người dễ thấy, ai cũng có thể kêu ca, vào bệnh viện không được khám chữa bệnh như ý là kêu, nhưng ít người hiểu bác sĩ được đãi ngộ như thế nào, mổ một ca, trực một đêm được hưởng bao nhiêu phụ cấp” ông trả lời rằng: “Thu nhập của y bác sĩ còn thấp lắm. Ở Singapore trực 1 đêm được 70 đôla, ta có 45.000 đồng, chưa đầy 3 đôla, mà đấy là bệnh viện đặc biệt đấy”.

Thật là ngạc nhiên! Làm sao mà so sánh tiền trực đêm ở Singapore với Việt Nam đơn giản như thế trong khi hai nước có thu nhập rất khác nhau. Thu nhập bình quân đầu người ở Singapore là 48.900 USD, còn Việt Nam ta thì mới ngoi lên con số 1024 USD năm nay. Bảy chục đôla ở Singapore tương đương với 0,14% thu nhập bình quân, còn ở nước ta 45.000 đồng hay 2,65 USD, tương đương với 0,26% thu nhập bình quân. Nếu nhìn như thế này thì tiền phụ trội cho bác sĩ ở nước ta là cao hơn Singapore đó chứ! Biết rằng so sánh như thế cũng đâu phải công bằng, nhưng tôi muốn chỉ ra rằng so sánh của người đứng đầu ngành y tế có phần thiếu tính khách quan.

Tuy nhiên, ông đề nghị: “Theo tôi, với thời giá bây giờ, bác sĩ phẫu thuật chính một ca phải được hưởng 400-500 nghìn đồng mới xứng đáng” . Lại ngạc nhiên! Tôi không biết nước nào có cái khoản này, chứ ở Úc thì không có. Với bác sĩ ngoại khoa, giải phẫu là nghề nghiệp của họ, là nhiệm vụ (cũng như bác sĩ nội khoa phải khám bệnh, hay như người lính biên phòng có nhiệm vụ bảo vệ biên giới vậy), không có chuyện bồi dưỡng, phong bì, hay cho thêm. Nhưng con số 400-500 ngàn này đến từ đâu? Cơ sở tính toán là gì? Thường dân như chúng ta thì phát biểu như thế chẳng ai để ý, nhưng một người đứng đầu ngành y tế mà “nói khơi khơi” như thế thì thật là ngạc nhiên.

Quan điểm

Quan điểm của ông Bộ trưởng về Quốc hội không hẳn là một nghị trường quốc gia, mà là trận chiến. Khi được hỏi “Như vậy, những bộ trưởng không có kinh nghiệm ở HĐND như ông sẽ bị căng thẳng hơn khi trả lời chất vấn của Quốc hội” , ông nói: “Rõ ràng một anh lính chiến trận nhiều bao giờ cũng gan dạ, can trường hơn, tôi không nghĩ các ông ấy yếu hay kém, nhưng có người đến lúc làm bộ trưởng chỉ ở một bộ ấy thôi, còn tôi, số vất vả, xông pha trận mạc nên có 4 khóa HĐND, 3 khóa Thành ủy và 2 khóa UBND TP, trong đó một khóa làm phó chủ tịch và một khóa làm chủ tịch nên có thực tiễn nhiều” . Hình như ông thể hiện tính “hồn nhiên” của ông. Miễn bình luận!

Quan điểm của ông về chức vụ Bộ trưởng cũng làm tôi suy nghĩ. Khi được hỏi “Có bao giờ ông nghĩ giá mình vẫn làm Chủ tịch Hà Nội thì sung sướng hơn bao nhiêu?”. Ông trả lời: “Hai nơi đường trơn như nhau cả thôi. Làm Chủ tịch HN thì thích chứ, sắp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long rồi. Nhưng Đảng, Nhà nước phân công thì mình phải thực hiện, mà lên đây cũng có nhiều niềm vui, khi sửa xong 621 bệnh viện huyện, rồi bệnh viện tỉnh nữa chẳng hạn” . Nói cách khác, ông thấy chức vụ của mình là một niềm vui! Không thấy nói đến cái buồn, cái làm ông mất ăn mất ngủ.

Và lời hứa nổi tiếng

Còn nhớ hồi năm ngoái, khi vấn đề an toàn thực phẩm trở thành đề tài thời sự nóng bỏng, Quốc hội chất vấn ông Bộ trưởng giải quyết ra sao, thì ông phát biểu như sau (nguyên văn): “Câu chuyện về an toàn thực phẩm là cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chưa biết hồi kết đến bao giờ. Ông Thích Ca 2.552 năm đã kêu gọi từ bi. Chúa Jesus cũng thế thôi, đến chủ nghĩa Mác - Lênin cũng kêu gọi đấu tranh giữa thiện và ác, bây giờ vẫn phải tiếp tục. Tức là anh làm tiêu cực, là hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến sức khỏe, đó là cái ác, cái thiện là chúng ta phải bảo vệ nhân dân”. Một bài giảng về đạo đức! Nhưng tôi ngờ rằng chủ nghĩa Mác – Lênin là về giai cấp, đấu tranh giai cấp, chứ đâu có dính dáng gì đến thiện và ác đâu.

Khi ông mới nhậm chức Bộ trưởng Y tế, vấn đề quá tải (hai ba bệnh nhân nằm một giường bệnh) rất được xã hội quan tâm, rồi khi được phóng viên hỏi ông có biện pháp gì để khắc phục thì ông đưa ra sáng kiến sử dụng các phòng họp, nhà ăn, khoảng trống để kê thêm giường. Ông còn cho biết phương án đó trước đây đã được triển khai ở Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) rất có hiệu quả. Từ kinh nghiệm ban đầu đó, ông tin rằng tình trạng một giường hai, ba bệnh nhân nằm sẽ được khắc phục trong vòng 2-3 năm. Có báo tỏ vẻ không tin nên đặt cái tít “Chỉ mong Bộ trưởng nhớ giữ lời” (http://tuanvietnam.net/vn/sukiennonghomnay/838/index.aspx).

Nhưng cho đến nay, sau 2 năm lời hứa đó nói ra, thì tình trạng vẫn chưa được khắc phục. Sẵn đây xin kể các bạn một câu chuyện khá vui. Tháng 12 rồi, tôi có dịp làm thông dịch viên bất đắc dĩ cho một VIP của tổ chức năng lượng quốc tế đến thăm Bệnh viện Kiên Giang. Ông VIP này người Ý, và cũng là một chuyên gia về tim mạch. Trong một buổi trình bày về tình hình y tế của tỉnh, anh Đ (giám đốc bệnh viện) cho biết bệnh viện có 1200 giường và 1500 bệnh nhân. Ông VIP quay sang tôi nói nhỏ: “Bác sĩ Đ nói lầm hả ông? 1500 giường và 1200 bệnh nhân chứ?” Tôi cười nói nhỏ với ông ta: “Không, Bs Đ không lầm đâu, chút xíu nữa ông sẽ thấy”. Sau đó, anh Đ, vài đồng nghiệp khác, và tôi dẫn ông đi vòng vòng bệnh viện để biết sự tình. Bệnh nhân đông nghẹt người. Đến khu outpatient, ông ấy hỏi một ngày một bác sĩ ở đây khám bao nhiêu bệnh nhân? Trả lời: khoảng 80. Ông ấy há hốc nói: “Nhiều như thế mà không sai sót thì chắc là phép lạ”. Đến các khu nội khoa, ông thấy phía ngoài bệnh viện người ta nằm la liệt, thậm chí có người ngủ dưới gốc cây, ông hỏi họ là ai, tôi nói họ là thân nhân. Đến khu bệnh nhân thấy có nhiều giường mà 2 người nằm chung giường, rồi phía dưới là ghế bố cũng có bệnh nhân, ông ấy mới quay sang tôi nói: bây giờ thì tôi hiểu câu ông nói rồi và Bs Đ không lầm. Sau buổi ghé thăm, ông tỏ ra lo lắng, không vui. Ông nói với tôi bằng tiếng Anh là ông không ngờ tình trạng quá thê thảm như thế, ông cảm thấy “upset”. Chữ upset ở đây không có nghĩa là giận, mà là cảm xúc buồn rầu. Người nước ngoài mà còn như thế. Ấy thế mà người đứng đầu ngành y tế nước ta xem tăng lương cho bác sĩ là mục tiêu số 1! Hồn nhiên? Hay là lời hứa đó của ông đã có cánh ...
Nguồn: Tuan’s Blog
Category: Việt Nam ngày nay | Views: 795 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 77
Khách: 77
Thành Viên: 0