Thứ Bảy, 2024-11-23, 2:06 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 2 » "Ôi những cánh đồng quê chảy máu"
6:40 PM
"Ôi những cánh đồng quê chảy máu"

Trần Khải Thanh Thủy

Câu thơ mà Nguyễn Đình Thi (nguyên tổng thư ký hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội) phải mất 8 năm cùng anh em chiến sĩ đi thực địa trong lòng địch mới viết nổi, bỗng vụt hiện trong tâm trí tôi khi xuống các làng quê Việt Nam chứng kiến cảnh nông dân bị mất đất, mất nhà, mất vườn, mất ruộng:

Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều

Chỉ cần chỉnh sửa lại một chút cho phù hợp. Không phải "Dây thép gai đâm nát trời chiều", mà là: "Tiếng dân than ướt sũng trời chiều". Khi đó (1945-1954) Việt Nam bị Pháp chiếm đóng, nhà thơ cũng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng, phải bám bộ đội chủ lực và dân quân du kích để lấy tư liệu viết bài. Tám năm thực hiện 3 cùng: "ăn cùng, ở cùng, làm cùng" với bà con, đi khắp các chiến trường Đông, Bắc, Tây Nam, Nguyễn Đình Thi mới chứng kiến cảnh máu chảy, đầu rơi, dây thép gai của thực dân vây quanh đồn bốt trên mảnh đất Việt Nam đau thương, căm hận, và viết được hai câu thơ xé ruột tất cả 31 triệu người Việt Nam lúc ấy. Không ngờ dưới con mắt vô thần, duy vật của đảng, lại bị quy là yếu mềm, uỷ mị, không những không khích lệ được tinh thần chiến đấu của anh em chiến sĩ, còn làm nản lòng những người ra trận cầm súng, buộc phải chuyển sang "đóng chữ", trong lò nung văn nóng bỏng nhiệt huyết cách mạng hàng nghìn độ, để cho ra đời hai mẻ gạch - xếp chặt trong hai khuôn chữ gần nghìn trang, đó là hai tác phẩm chuộc tội: "Xung kích", "Vỡ bờ", sặc mùi súng đạn, đao binh, ca ngợi thành tích chiến đấu ngoan cường của chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới sự lãnh đạo tài tình sáng suốt của đảng... mà không ai có đủ kiên trì để đọc, hoặc có cố cũng không thể "tiêu hoá" nổi vì chất tuyên truyền, giáo huấn, phi nghệ thuật qúa lộ liễu, cương cứng thể hiện rõ mồn một trong mỗi câu chữ, phủ bóng tối phủ dụ, độc tài lên toàn bộ tác phẩm.

Riêng tôi, "được" sống trong thời đại xã hội chủ nghĩa, 23 năm đảng và nhà nước Việt Nam tiến hành đổi mới tư duy (1986-2009) cũng là 23 năm bắt gặp hàng nghìn, hàng vạn, hàng triệu cảnh tượng "đồng quê chảy máu", các bà mẹ, người già, trẻ em bị đánh ngất xỉu, què lê què liệt, máu chảy đầm đìa trên đầu, trên mặt. Thay vào dây thép gai là dùi cui, lựu đạn hơi cay, giày đinh, roi gân bò, còng số 8, xe cấp cứu, xe chở tù. Thay vào sự tàn sát của đế quốc thực dân là cuộc "vây giáp và cưỡng chế tình thương", muôn nghìn lần độc ác dã man hơn. Đơn giản vì chúng là giặc ngoại xâm, là đế quốc thực dân khác máu, tanh lòng, là những cỗ máy giết người không ghê tay, làm nhiệm vụ xong rồi chúng xéo về cố quốc. Còn giặc đảng bao gồm cả trăm công an Việt Nam, vài trăm cảnh sát cơ động cùng lực lượng xã hội đen (xã hội chủ nghĩa) thì lại cùng chung huyết thống, giống nòi, cùng bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ đẻ ra, có tên gợi nhớ, gợi thương là "đồng bào, đồng chí" (cùng một bào thai, cùng chí hướng) dưới khẩu hiệu, biểu ngữ: "Lo cho dân giàu, nước mạnh, đưa đất nước đi theo con đường hội nhập, trong không khí chung của toàn cầu"... thì ngược lại, hành dân tới số, triệt dân đến cùng theo đúng quan điểm của đảng...cướp sạch, bắt sạch, đuổi sạch, lấy sạch, thông qua tư tưởng ...bất minh, thể hiện bằng chất giọng vô cùng ấn tượng, đầy lập trường cách mạng của đồng chí đại quan Tố Hữu:

Cướp cướp mãi bàn tay không ngừng nghỉ
Cho ruộng đồng cây trái héo hon thêm
Cho nhân dân phải mất đất, mất vườn
Mất hết cả tương lai sự sống

Có thể lấy cả 1001 ví dụ từ những trận càn của đảng từ khắp 64 tỉnh thành cả nước, từ Kiên Giang, Tiền Giang, Đồng Nai, Tây Nguyên, Đắc lắc, Đắc Nông, Lâm Đồng, Đà Lạt, Thái Bình, Hoà Bình, Hà Nội, Hà Tây (cũ) và Hưng Yên, Hải Dương v.v ..

Mảnh đất Thái Bình, còn được gọi là đất lúa, với những cánh đồng bờ xôi ruộng mật, hàng năm cho ra những vụ mùa trĩu trịt đơm bông, 5 tấn, 10 tấn hoặc cánh đồng 50 triệu ... dẫu không được như lời huênh hoang, khoác lác trên mặt báo lá cải, mặt vô tuyến...tàng hình của đảng, cũng là đất đã từng nuôi dưỡng người dân bao nhiêu đời, biến Thái Bình thành kho cung cấp sức người, sức của cho chiến tranh , với khẩu hiệu hào hùng của một thời: "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người". Chỉ 1,5 triệu dân mà 4,6 vạn bộ đội thanh niên xung phong, đưa Thái Bình lên thành tỉnh có số lượng người đầu quân đông nhất miền Bắc khi ấy (hơn cả Thanh Hoá anh hùng). Vậy mà bỗng trở thành đất chết, cho các dự án treo, các trung tâm lừa, siêu thị ảo, với cái giá đền bù vô cùng bèo bọt 14.000 đến 24.000 VND cho 1m2 đất. Tất nhiên, đúng như lời Học giả Phan Huy Chú (1788-1840) từng nói:

Của báu của một nước không gì quý bằng đất đai, nhân dân và của cải do đó mà sinh ra. Khi dân có ruộng để cày cấy, làng xã tất yên ổn, từ đó mà hướng dẫn xây dựng phong tục, kỷ cương cho dân. Ngược lại mọi tai hoạ trong một nước đều do chỗ ruộng đất không quân bình mà ra... nếu không giúp họ được no đủ thì mầm loạn tất nảy sinh. Dân nổi loạn là vì đói, rét. Nếu không biết cách từ bỏ mọi tai vạ cho dân thì mầm loạn diệt chỗ này sẽ nổi lên ở chỗ khác...


Ảnh : Lê thị Kim Thu


Và như một vệt dầu loang, không ngày nào ở Thái Bình không có cảnh dân chửi, dân la, gần đây nhất là chuyện dân làng Đoan Túc (phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình). Từ năm 2002 đến nay, 3 lần đào xới nghĩa trang, di chuyển mồ mả hết chỗ này, chỗ khác, chỉ vì Nhà nước thu hồi đất canh tác của dân làm khu công nghiệp. Họ đổ cát tôn cao mặt bằng của khu vực xung quanh nghĩa trang. Ngay từ ban đầu đã cắt đứt đường vào nghĩa trang, chưa kể còn san lấp cống rãnh… Cùng với sự cô lập về mặt bằng, nước thải của các doanh nghiệp rò rỉ và ngấm ra cả nghĩa trang, khiến khu vực nghĩa trang 6, 7 năm qua chìm trong ô uế. Hàng chục đám tang vì mưa lụt không có chỗ chôn, dân làng phải vùi thi thể thân nhân của mình vào ven đường, vừa mất vệ sinh, vừa không yên tâm về mặt tư tưởng, tâm linh. Nghĩa tử là nghĩa tận, sống đã khổ đủ đường vì sưu cao thuế nặng, vì đói ăn, đói thuốc mà chết cũng không được mồ yên mả đẹp. Chưa kể còn bị nỗi nhục mạ của người dân xung quanh bêu riếu, khi một số đám ma, không chôn được ở nghĩa trang làng mình, phải bấm bụng đưa lên nghĩa trang thôn Nhân Thanh để chôn cất, vừa xa hơn hàng chục cây số, trên đường về, còn bị dân làng Nhân Thanh cất mồm chửi:

- "Đ. mẹ dân Đoan Túc chúng mày, bán hết đất đi ăn, hết cả chỗ chôn bố mẹ đẻ rồi hay sao mà phải đem đến làng ông để chôn?"

Trăm cay nghìn đắng, vì chủ chương chính sách của đảng, "ăn" đất hương hoả tổ tiên để lại từ bao đời, với giá 21.000 đồng 1m2 (tương đương với 1,5 kg gạo thường), Tuy là phận con sâu, cái kiến, nhưng bố đảng, mẹ dân bắt dân phải đi ngược lại đạo lý truyền thống của cha ông nên dân làng Đoan Túc nhất tề nổi dậy, thể hiện đầy đủ nỗi bức xúc của mình bằng cách kiến nghị, la ó... Bao nhiêu lần không được, ông Phạm Văn Phong, bí thư Chi bộ 6 đập bàn thách thức tại cuộc họp ở phường: "Từ giờ cứ hễ có người chết, mà không có chỗ chôn, chúng tôi mang ra trụ sở uỷ ban phường để các ông muốn giải quyết ra sao thì mặc kệ".

Cậy là cha mẹ dân, chính quyền xã còn tự ý chuyển lối vào, xây cổng ra phía sau và tự tiện đặt tên "Nghĩa trang Tiền Phong" thay cho tên cũ của làng là "Nghĩa trang Đoan Túc". Đấu tranh mãi, đem cả áo quan vào đặt trước cổng nghĩa trang rồi kéo nhau đến cửa uỷ ban mà họ lấp liếm qua loa cho qua chuyện, còn đất có giá thì cứ bán. Cả nghìn m2 đất ruộng, bắt dân phải chấp hành lệnh thu hồi để bán hết, thu một, bán gấp trăm, nghìn lần (mua 21.000 VND/1m2, bán lại 5,7 triệu/1m2). Tiền tỷ mà chẳng đâu vào đâu, đất mất mà không có lấy một khoản tiền nào phụ cấp cho mấy người quản trang, lại bổ vào đầu dân, bắt dân è cổ đóng góp hàng năm (mỗi năm 122 thứ thuế), riêng tiền chăm sóc, tu bổ nghĩa trang, nuôi quản trang đã dăm bảy chục nghìn một hộ!!!

Chính vì sống không yên mà chết cũng không xong, lại động mồ, động mả quanh năm suốt tháng như vậy nên không sao tránh khỏi cảnh xúi quẩy, khiến dân tình Đoan Túc (Tiền Phong) phải "nổi loạn". Kể từ 2002 đến nay, bao nhiêu lần cánh đồng làng Đoan Túc chảy máu, còn nước mắt người dân ướt sũng trời chiều vì thương bố, thương mẹ, thương người ra đi không vẹn toàn, và thương cả bản thân gia đình mình sống không yênm chết không xong như vậy?

Gần đây nhất là chuyện làm trung tâm thương mại Văn Giang, trị giá đầu tư 3.600 tỷ, song nuốt 520 ha đất vàng đất bạc của người dân ba xã Cửu Cao, Hưng Yên và Xuân Quan- vốn được coi là đất tỷ phú đã làm cho hàng chục nghìn hộ gia đình khuynh gia bại sản. 23.000 con người từ đất đi lên, mưu sinh kiếm sống bằng nghề trồng tỉa, chăm sóc buôn bán cây cảnh, 1 m2 vuông đất giá thị trường là 7 triệu, cán bộ xã bán trao tay nhau là 6 triệu, song chỉ giả cho dân 135 nghìn 1 sào 360m2 (48 triệu một sào). Biết đất là vàng ròng, bạc đống, sinh lợi nhiều đời, nhiều mặt, người dân làm đơn xin mua lại với cái giá cắt cổ là 6 triệu, bằng đúng cái giá cán bộ giao bán trên mạng, nhưng những con buôn của đảng bộ xã lại phân biệt thành phần giai cấp, phân biệt đối xử, cho nên không chịu bán cho dân làm cây cảnh và duy trì cuộc sống yên bình như cũ, mà chỉ bán cho cán bộ, chức sắc của xã để xây biệt thự, nhà lầu, hoặc kinh doanh nhà hàng, khách sạn, sau khi đã trả cho công ty Việt Hưng theo mức thoả thuận...

Điều đình từ năm 2004 đến hết năm 2008 không xong, đêm 6, rạng ngày 7-1-2009, cả lực lượng hùng hậu 600 công an, cảnh sát cơ động, xã hội đen đem theo dùi cui, tấm chắn, kiếm sắc, còng xích, xe ủi, xe cứu thương, xe tù và hàng chục xe chở người tràn vào làng, lập tức cây đổ la liệt như xác chết, chuồng trại bị ủi phá tan hoang, bao nhiêu lán trại bà con dựng để giữ đất bị vùi sâu dưới bàn tay tử thần, gồm cả chăn màn, lều bạt, vô tuyến, xoong nồi, mì tôm v.v. Sáng ra xót của, bà con xô vào lấy nhưng tất cả đã muộn, hàng chục tấn cát đã rải đầy trên những luống hoa, ao cá, lều bạt, thay vào đó là cả rừng dùi cui chờ sẵn, kể từ em bé lên 7, xót của xót tiền của mẹ cha, cũng là tiền ăn tiền học của mình, nhảy lên trên đầu xe ủi yêu cầu ngừng lại, lập tức bị những bàn tay thô bạo chộp lấy, quẳng ra xa để tiếp tục tàn sát nát đồng, trong tiếng kêu gào phản đối, tiếng than khóc uất hận của cả vạn người dân 3 xã. Những người mẹ 70,80 tuổi đầu lăn xả vào giữ đất, giữ cây, giữ tài sản và tương lai con cháu mình lập tức bị cả đám xã hội đen và đám công an xông vào đánh đến ngất , cứ tấm kính che mặt và dùi cui nện xuống, không cần biết trước mặt mình là ai, nhi đồng hay phụ nữ, bô lão, để xứng với cái giá mà công ty Việt Hưng thuê: 500.000 VND một tên (đầu gấu) và 1 triệu một chiến sĩ công an, riêng cấp chỉ huy thì cứ thế mà nhân lên theo cấp bậc phù hiệu. Kết quả hàng vạn gốc cây bị lấp, ủi, hàng tỷ tiền gà, lợn, cây cối hoa màu, cam quýt, cây cảnh, từ lộc vừng, xanh, sung, si, đa, phượng vĩ, cau vua bị lấp theo. Chưa kể hàng trăm trang trại bốc bay trên mặt đất, cũng là 6000 người dân xã Cửu Cao và 17.000 người dân của hai xã Xuân Quan và Phụng Công... trắng mắt, trắng tay trong một ngày.


Hàng loạt cau vua trên cánh đồng Xuân Quan bị máy ủi húc đổ

(ảnh chụp lại từ video clip)


Trong khi cánh đồng quê chảy máu, tiếng dân than ướt sũng trời chiều, thì 600 "bạn dân" và xã hội đen - những người giúp dân thành bần cố , thu quân về trụ sở uỷ ban nhân dân huyện Văn Giang ăn mừng thắng lợi, báo cáo thành tích lên cấp trên: Cuộc vây giáp tình thương đã thu được kết quả tốt đẹp, 100% dân ủng hộ, tự nguyện, cảm ơn công ty Việt Hưng, cảm ơn chính sách sáng suốt của đảng và chính quyền xã (vì đã đem lại sự nghèo đói cho dân) và còn cam kết không đi kiện, cho dù có chết đói trong lòng đảng.

90 mâm cỗ (mỗi mâm 6 người) được ngả ra đánh chén, hàng chục két bia được khui ra để nâng cốc ăn mừng thắng lợi có một không hai, trên nỗi đau ngút trời của 23.000 người dân ba xã.

Hiện tại, câu thường trực cửa miệng của mỗi người dân, từ cụ già gần đất xa trời đến trẻ em trong độ tuổi cắp sách đến trường là: "Trần đời chưa bao giờ thấy cảnh tàn sát dã man đến như vậy, qúa phát xít, hít le, thực dân đế quốc ngày xưa. Vì thực dân càn quét rồi còn rút đi, dân còn có cơ phục hồi lại thành quả lao động của mình, còn công an đảng thì ăn tiền của công ty Việt Hưng để cướp trắng, trừ 2/3 số dân bị cưỡng ép nhận tiền bù (nhưng không đền) còn 1/3 còn lại không hề có một đồng nào cũng bị phá sạch, cướp sạch. Tàn bạo và dã man gấp 2 lần phát xít vì đất đã mất mà thành quả lao động, trị giá cả vài trăm triệu (riêng một cây lộc vừng đã 12-15 triệu đồng, chưa kể hàng nghìn cau vua, xanh, si khác) mỗi cây có giá từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, cũng bị huỷ hoại dã man, tất cả chỉ vì 500 nghìn đến 1 triệu tiền công mà tiền tỷ của bà con thành nước lã trôi sông, không hiểu lương tâm của chúng để đâu? Hay táng vào mả chó rồi?

Nhiều người, sống qua các thời đại Pháp, Nhật, Mỹ xâm chiếm, so sánh:

- Ngày xưa ai cũng kêu thằng Nhật ác, bắt dân nhổ lúa để trồng đay, làm cho hai triệu người dân Việt Nam chết đói năm 1945, nhưng Nhật còn trả được 50 kg gạo một đầu người cho một sào lúa, và khi đay được thu hoạch còn mua của dân để dân có tiền đong gạo. Còn ngày nay, công an đảng, chính quyền các cấp từ xã đến huyện, tỉnh còn ác hơn cả giặc Nhật. Cứ cái đà này thì 23.000 người dân Cửu Cao, Xuân Quan, Phụng Công sống làm sao đây, khi 100% đất bị mất, nhà ít là hai sào, nhà nhiều, 5,7 sào? Dân đang lại lặp lại câu ca cũ: Oai oái như củ khoái xin tương... lai đây chính phủ (chú phỉnh) và nhà nước xã hội (đen) xã hội chủ nghĩa ơi (!) .

Nếu phải kể hết cảnh "đồng quê chảy máu" và "tiếng dân than ướt sũng trời chiều" trên khắp 64 tỉnh thành cả nước, tôi e phải viết cả vài chục đầu sách mới có thể phản ảnh được một phần nào nỗi đớn đau này. Vạt áo một nhà văn như tôi không sao đựng được hết máu của các cánh đồng quê Việt Nam dưới bàn tay tàn bạo, khát máu của đảng cộng sản Việt Nam cũng như những giọt nước mắt của triệu triệu dân lành. Xin nhại bài thơ trong lễ khai mạc lần thứ 30 ngày thành lập đảng (5-1-1960) của Hồ chủ tịch để khép lại bài viết :

Đảng ta vĩ đại như bầy đảng như ma-fi-a
79 năm trấn áp và lãnh đạo biết bao nhiêu cực hình
Đảng ta là giả dối, là điêu linh
Là bưng bít lọc lừa, là đủ trò thối inh
Công ơn đảng thật là kinh
79 năm lịch sử đảng chỉ linh tinh tội tình

Văn Giang 5 tết Kỷ Sửu
Khâm Thiên 31-1- 2009
(Kỷ niệm một năm ngày ra tù)
TKTT

Nguồn: Dân Lên Tiếng
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 810 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 23
Khách: 23
Thành Viên: 0