Một
thời để gây chiến, và rồi tới một thời để làm hoà. Đó là chuyện của
những người cộng sản với tôn giáo. Ít nhất, thì mặt ngoài là thế, và
điều này có vẻ như sẽ có lợi cho cả hai phía - trong một chừng mực nào
đó. Không chỉ tại Trung Quốc, mà cả tại Việt Nam.
Báo Anh Quốc The Times
hôm 26-1-2009 có một bài viết của phóng viên Jane Macartney từ Bắc Kinh
gửi về, cho thấy rằng chính phủ CSTQ "mở các cuộc nói chuyện bí mật với
các hội thánh [Tin Lành] bị cấm trong khi 100 triệu tín đồ kình chống
lại quyền lực đảng CSTQ".
Chúng ta đã từng thấy nhà nước Bắc
Kinh đàn áp phong trào sinh viên Thiên An Môn năm 1989, vào một thời mà
các hội thánh Tin Lành chưa lan rộng nổi và vẫn còn bị kềm kẹp chặt
chẽ. Vậy mà 20 năm sau, bàn tay sắt đã phải nới ra, và đảng CSTQ phải
thương lượng với các tiếng nói tôn giáo.
Bản tin viết:
"Một
buổi họp bí mật giữa các cán bộ Trung Quốc và các lãnh đạo của Hội
Thánh Tin Lành bị cấm đã ghi dấu một bước quan trọng đầu tiên về hướng
hoà giải trong nhiều thập niên.
Các cuộc thương thuyết này, tổ
chức tại một văn phòng ở Bắc Kinh, là lần đầu tiên các cán bộ CSTQ và
các lãnh đạo của các 'hội thánh tại gia' bị cấm đã ngồi xuống với tư
cách những người thương thuyết với nhau thay vì là kẻ thù, theo The
Times được biết.
Thời điểm này có ý nghĩa: năm nay là kỷ niệm 60
năm đảng CSTQ nắm quyền và chính phủ muốn bảo đảm là không có rối loạn
nào đối với các lễ hội nhà nước. Năm Con Trâu (Kỷ Sửu) cũng bắt đầu
rồi, và Bắc Kinh mong muốn tiến vào một năm của ổn định thay vì các khó
khăn kinh tế.
Trong ba thập niên, Trung Quốc đã cho các giáo hội
mà nhà nước công nhận được hoạt động trong hạn chế nghiêm ngặt. Người
Tin Lành phải sinh hoạt trong Phong Trào Yêu Nước Tam Tự (tự quản trị,
tự giáo dục và tự hỗ trợ). Người Công Giáo có thể thờ phượng trong các
nhà thờ quản trị bởi Giáo Hội Công Giáo Yêu Nước Trung Quốc. Các tổ
chức Cơ Đốc khác đều là bất hợp pháp.
Trong các năm gần đây, tín
đồ Cơ Đốc tăng vọt. Các cán bộ trong chỗ riêng tư ước tính rằng tổng
cộng phải là 130 triệu giáo dân - vượt xa hơn con số 74 triệu đảng viên
Đảng CSTQ. Hầu hết là tín đồ Tin Lành và thuộc các hội thánh tại gia
ngoài luồng.
Các lãnh đạo hội thánh tin đây là một lý do vì sao
Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Hội Đồng Nhà Nước - một viện
nghiên cứu chính thức của Đảng CSTQ - đã mở hai hội nghị đột phá hồi
cuối năm ngoái. Hội nghị đầu có liên hệ tới khoảng một tá học giả và
luật sư, nhiều người được biết là thành viên của hội thánh ngoài luồng.
Hội nghị thứ nhì mang tới cả 6 lãnh đạo hội thánh tại gia.
Không
có đại diện nào của Giáo Hội Công Giáo ngoài luồng được mời - Vatican
vẫn còn bị Đảng CSTQ xem như thế lực kình địch, và các cuộc nói chuyện
sơ khởi không có tiến bộ bao nhiêu.
Mục Sư Ezra Jin, người sáng
lập Hội Thánh Zion mới 2 năm trước, nói là ông cảm thấy lời mời họp là
tất yếu. Ong nói, "Chính phủ có thái độ cởi mở hơn đối với tôn giáo,
nên khi họ mời tôi tới, tôi không cần họ giải thích vì sao".
Các
lãnh đạo hội thánh nói là chính phủ - kể cả công an, những người bố ráp
và đập phá các nhà thờ ngoài luồng nhiều năm qua - đã nhận thức rằng
thời kỳ kình địch đã qua rồi.
Hàng trăm giáo dân tụ họp mỗi chủ
nhật với Mục Sư Jin để hát thánh ca và cầu nguyện tại một trụ sở văn
phòng ở thủ đô; nhiều người hơn nữa vào các phòng khách nhà của nhau ở
khắp Trung Quốc để cầu nguyện chung, ngay cả khi họ không thể tìm được
ai để làm chủ lễ.
Hội thánh nhà nước nói là có tín đồ Tin Lành
khoảng 21 triệu và Công Giáo khoảng 5 triệu. Như thế là hơn 100 triệu
giáo dân Ky Tô thờ phượng độc lập ngoài luồng…."
Như
thế là thời bố ráp qua rồi. Nhưng làm sao có thể làm hoà giữa tư tưởng
Mác Lê Mao với tôn giáo thì lại là chuyện khác. Vậy rồi đối với Việt
Nam thì sao? Thực tế, chúng ta đã thấy có vẻ như Đảng CSVN đang lặng lẽ
làm hoà với các tôn giáo, mặt ngoài hầu hết là tại các thành phố lớn.
Các bản tin cho thấy vẫn còn căng thẳng cá biệt ở một số nơi, thí dụ
như tại Sơn La với một số giáo dân, hay tại Miền Tây với Phật Giáo
Khmer Krom, hay với các tăng sĩ đang bị quản thúc nhiều năm qua.
Hình
như không có thương lượng bí mật giữa CSVN và các giáo hội ngoài luồng,
nhưng đã có các cử chỉ cho thấy không còn gay gắt nữa. Hay ít nhất, Đại
Sứ Mỹ Michael Michalak đã nói như thế, kể cả khi có cuộc tranh chấp về
đất nhà thờ giữa giáo dân Hà Nội và công an Hà Nội.
Như mới những ngày Tết vừa qua, CSVN đã lộ vẻ cởi mở thấy rõ, theo bản tin đài VOA hôm 28-1-2009:
"VN: Phái đoàn Giám mục Hoa Kỳ cử hành Thánh lễ mừng Tết Kỷ Sửu
Hàng
chục ngàn giáo dân đã tụ tập đông đảo tại nhà thờ Phú Cam ở Huế khi một
phái đoàn giám mục Hoa Kỳ tới cử hành Thánh lễ tối thứ Hai 26 tháng
Giêng vừa rồi, buổi tối đầu tiên của năm Kỷ Sửu.
Đây là lần đầu
tiên kể từ nhiều thập niên, tín đồ Công Giáo tại Huế được tham dự buổi
thánh lễ nhân dịp Tết Nguyên Đán với các giám mục người nước ngoài.
Theo
truyền thống, đối với các tín đồ Công Giáo Việt Nam, ngày mùng 1 Tết
được coi như ngày lễ Tạ Ơn, tạ ơn những ân sủng của Chúa trong năm qua
và tạ ơn ông bà, cha mẹ. Tin của Independent Catholic News và Catholic
News Agency cho hay Đức Tổng Giám Mục George Niederauer của giáo phận
San Francisco đã dẫn đầu phái đoàn giám mục Hoa Kỳ cử hành thánh lễ với
Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể của địa phận Huế cùng với hàng trăm
linh mục Việt Nam khác…"
Đó
là lần đầu, cũng là một dấu mốc lớn của sự cởi mở. Có phải đây là một
cách làm hoà lặng lẽ sau các căng thẳng giữa chính quyền CS Hà Nội và
Toà Tổng Giám Mục Hà Nội? Chính thức, không có lời giải thích. Nhưng
thấy rõ, nhà nước CSVN muốn cho biết rằng CS không xem tôn giáo là kình
địch nữa.
Cũng một dấu hiệu có vẻ như tình cờ, nhưng có thể được
suy đoán là cố ý: nhiều tấm ảnh của một phái đoàn quan chức tới thăm
Tết tại nhà ông Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, và 10
tấm ảnh này được gửi tới Đài BBC để đăng nơi trang ảnh đài này.
Các dòng chú thích của BBC viết:
"Nhiều
bức ảnh chụp tư dinh của cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả
Phiêu được gửi tới BBC qua mạng internet vào ngày mùng Một Tết Kỷ Sửu…
Trong nhà ông Phiêu có treo hình các lãnh tụ quốc tế vô sản Mác, Lênin và cố Chủ tịch Hồ Chí Minh…
Trên điện thờ người ta thấy tượng Phật và tượng bán thân cố Chủ tịch Hồ Chí Minh…"
Đúng
vậy, trong ảnh cho thấy trong tư dinh của ông Phiêu có đủ cả Mác Lê Hồ
và cả Đức Phật. Chúng ta có thể suy đoán rằng, người gửi ảnh cho Đài
BBC không tình cờ tí nào: chuyến thăm nhà ông Phiêu là đúng Mồng Một
Tết, và hình ảnh cố ý cho thấy có tượng Phật trong nhà.
Hình ảnh
này sẽ cho thấy CSVN muốn lộ ra vẻ quân bình với hình ảnh phái đoàn
giám mục Mỹ đi và làm lễ khắp từ Bắc ra Nam trong dịp Tết?
Nhưng
ông Phiêu là người đã về hưu, còn các lãnh tụ đang tại chức thì sao?
Chúng ta không thể biết chắc điều gì hết. Dù vậy, chỉ có thể đoán rằng,
trong khi CSTQ chuyển động, chắc chắn là CSVN cũng sẽ chuyển động theo
cách riêng để tìm cách làm hoà với các tôn giáo.
Trần Khải