Thứ Ba, 2024-12-03, 11:57 PM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 4 » Ông Obama, hãy đem tự do cho Việt Nam
12:44 PM
Ông Obama, hãy đem tự do cho Việt Nam

Quyền lực êm ái của người Mỹ có thể khích lệ việc thay đổi cho dân chủ

Duy Hoang, Wall Street Journal Asia 30/01/09, Phan Lưu Quỳnh lược dịch

Chế độ cầm quyền không ưa Hoa Kỳ, nhưng “trên các đường phố”
mọi người lại quý mến người Mỹ.

Ðối với bất cứ ai đã theo dõi bài diễn văn nhậm chức của ông Barack Obama hồi tuần trước từ một quốc gia không có tự do, thì chắc chắn một trong những câu phát biểu gây nhiều xôn xao chợt đến khi ông ta nói, “Và do đó, đối với tất cả các dân tộc và chính phủ khác đang theo dõi chúng ta hôm nay, từ các thủ đô lớn nhất tới ngôi làng nhỏ nơi cha tôi ra đời: quý vị nên biết rằng nước Mỹ là bạn với từng quốc gia, từng cá nhân dù là nam hay nữ, từng đứa trẻ, đang tìm kiếm một tương lai hoà bình và nhân cách. Và chúng ta sẵn sàng để đi đầu một lần nữa”.

Việt Nam sẽ là một nơi hoàn hảo để bắt đầu. Từ một quan điểm chiến lược đơn giản, Việt Nam nằm gần như ngay giữa Ðông Nam Á, kế cận Trung Quốc và Thái Lan, đồng thời nằm dọc theo những hải trình quan trọng xuyên qua Biển Nam Trung Hoa.

Hoa Kỳ chỉ có thể thu được lợi ích từ việc có một chế độ dân chủ ôn hoà được xếp đặt ở đó. Từ một viễn cảnh rộng lớn hơn, một trong những sai lầm lớn nhất trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thế kỷ thứ 20 là bỏ rơi Việt Nam cho Ðảng Cộng sản. Thời gian đã thay đổi, nhưng tiềm năng của Việt Nam là một nơi nương tựa cho một Ðông Nam Á tự do với một nền kinh tế sôi nổi năng động thì chưa. Bằng cách dùng quyền lực êm ái của mình, Hoa Kỳ có nhiều phương tiện ngoại giao để trợ giúp cho người dân Việt Nam và cho cả quyền lợi của người Mỹ.

Việt Nam đã tới thời kỳ chín mùi để thay đổi. Việt Nam không phải là Mã Lai Á hay Nam Dương, bị tai hoạ bởi những tranh chấp bè phái. Việt Nam cũng không giống như Trung Quốc, mặc dù trong một nền văn hóa Khổng giáo có nhiều điểm tương đồng ở bề mặt giữa hai chính phủ này, mà họ đang cố gạ gẫm người dân với tăng trưởng kinh tế để đổi lấy sự quy phục về chính trị.



Việt Nam có một trong những tập thể quần chúng ưa thích Hoa Kỳ nhất trên thế giới.


Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc đang có nhiều khát vọng cho một địa vị quyền lực vĩ đại, thì cộng sản Việt Nam vẫn duy trì một quan hệ chư hầu với Trung Quốc, lệ thuộc vào Bắc Kinh cho sự ủng hộ chính trị. Từ kết quả đó, trong khi Ðảng Cộng sản Trung Quốc có thể dùng mánh khoé để lôi kéo tinh thần dân tộc Trung Hoa hầu đẩy mạnh thêm quyền kiểm soát của họ, thì Ðảng Cộng sản Việt Nam phải nện chặt tinh thần dân tộc của người dân họ xuống vì e rằng quyền kiểm soát của họ có thể bị đe doạ.

Hà Nội cũng đã phải đương đầu với một cái giá phải trả cao hơn nhiều vì các chính sách kém cỏi và cải tổ thất bại. Các công ty đa quốc gia không thể làm ngơ thị trường khổng lồ ở Trung Quốc, nhưng họ có điều kiện để bỏ qua Việt Nam nếu môi trường kinh doanh trở nên quá thử thách hoặc hệ thống chính trị quá khe khắt.

Một nhân tố quyết định khác là tính đồng nhất và thái độ của người Việt hải ngoại. Với con số 1.5 triệu người ở Hoa Kỳ và 3 triệu trên toàn thế giới, người Việt hải ngoại hầu hết là các thuyền nhân bỏ nước ra đi tỵ nạn chính trị bắt đầu từ năm 1975. Cùng có chung một quá khứ giống nhau, nhiều người chia sẻ niềm hy vọng cho một nước Việt Nam tự do dân chủ trong tương lai.

Ðồng thời, Việt Nam có một trong những tập thể quần chúng ưa thích Hoa Kỳ nhất trên thế giới. Ở Việt Nam, chế độ cầm quyền không ưa Hoa Kỳ, nhưng “trên các đường phố” mọi người lại quý mến người Mỹ. Chừng nào mà chính sách của Hoa Kỳ vẫn tập trung vào việc gắn liền với người dân Việt Nam, thì họ có thể tìm thấy một nguồn thiện ý vô cùng to lớn.

Nói như thế không có nghĩa là Hoa Thịnh Ðốn nên hoàn toàn làm hết mọi chuyện để lật đổ chế độ Hà Nội. Khi nền chính trị thay đổi, đó phải là một công sức của người dân Việt Nam. Nhưng nếu ông Obama muốn khuyến khích phát triển chính trị ở Việt Nam, thì ông ta sẵn sàng có các công cụ để có thể tạo ra một tác động lớn.

Công cụ quan trọng nhất, đơn giản chính là giọng điệu mà Hoa Thịnh Ðốn xếp đặt trong mối quan hệ của họ với Hà Nội. Giới chức thẩm quyền Hoa Kỳ nên làm cho rõ ràng rằng họ sẽ làm việc với chế độ Hà Nội chỉ tới một chừng mực như trong chính phủ hiện thời, nhưng đầu tiên và trước nhất, Hoa Kỳ là đối tác của người dân Việt Nam.

Hoa Kỳ có thể bắt đầu bằng cách lên tiếng phản đối lại các vụ bắt bớ bừa bãi, đe doạ các nhà tranh đấu dân chủ và hạn chế sự hoạt động của các tổ chức tôn giáo lẫn chính trị. Ðể cho Hoa Kỳ cùng nói chung một tiếng nói, tất cả các bộ có liên quan đến chính sách về Việt Nam, bao gồm Bộ Ngoại giao, Thương mãi và Quốc phòng phải có những ưu tiên đều đặn như nhau.

Một chính sách nhân quyền mạnh mẽ hơn cũng cần thiết để chính phủ phải tôn trọng ý nghĩa và tinh thần của Ðạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế. Chính quyền của ông Bush đã gây ra một sai lầm khi họ tháo gỡ Việt Nam ra khỏi danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt vì những vi phạm đến tự do tôn giáo, để nhằm đạt được những mục tiêu ngoại giao khác.

Hoa Kỳ nên liên hệ vào tất cả các khía cạnh của xã hội Việt Nam. Giáo dục là một phạm vi chính yếu. Các chương trình cho giới trẻ Việt Nam đến học tập trong các trường cao đẳng ở Hoa Kỳ nên được gia tăng thêm ngân sách. Cùng lúc đó, các cơ hội cần được tạo ra cho giới khoa bảng và chuyên gia Hoa Kỳ đến chia sẻ các ý kiến với khán giả tại Việt Nam, thí dụ như qua các diễn đàn do Toà Ðại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức. Các cuộc đối thoại chính trị - quân sự của Hoa Kỳ với nhà nước Việt Nam cùng chương trình Ðào tạo Giáo dục Quân sự Quốc tế của Ngũ Giác Ðài sẽ khuyến khích Quân đội Nhân dân Việt Nam hiện đại hóa không phải chỉ về khả năng tác chiến mà cả tư tưởng của họ về phương diện quan hệ quân dân được cân nhắc đúng đắn, và sứ mệnh căn bản của quân đội –là bảo vệ đất nước chống lại những đe dọa từ bên ngoài.

Hoa Kỳ cũng có thể giúp người dân Việt Nam có một tiếng nói cho tương lai của chính họ bằng cách ủng hộ một xã hội dân sự. Ðưa y tế, giáo dục, tài chánh vi mô và các chương trình khác vào Việt Nam thông qua các ngõ ngách chính thức của nhà nước Việt Nam thì không phải là một giải pháp lâu dài có hiệu quả. Hoa Kỳ có thể trợ giúp khả năng tiếp thu ở địa phương bằng cách thăm dò tất cả các đường lối để phối hợp trực tiếp riêng biệt với các cá nhân và tổ chức quần chúng ở Việt Nam

Hoa Kỳ nên thiết lập nhiều cuộc đối thoại với các tổ chức tranh đấu dân chủ tại Việt Nam và các thành phần cải cách trong chế độ. Thông điệp của Hoa Kỳ nên là: “Tuỳ thuộc ở người dân Việt Nam để quyết định lập ra một chính quyền cho chính họ. Như một người bạn của Việt Nam, chúng tôi sẵn lòng lắng nghe tất cả những ai có các quan điểm xây dựng”.

Thật vậy, chính sách của Hoa Kỳ phải phù hợp với lòng nhiệt tình muốn thay đổi ở Việt Nam. Rút tỉa từ kinh nghiệm ở Ðông Âu và những nơi khác, Hoa Kỳ cũng có thể giúp để cam đoan với những kẻ đang nắm quyền lực rằng thay đổi không nhất thiết là phải phá huỷ hoặc gây ra hỗn loạn.

Các quyết định quan trọng trong chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngọai giao năm 1995 –chẳng hạn như hiệp ước thương mãi song phương và quy chế bình thường hóa quan hệ thương mãi– thường được chứng minh là đúng đắn qua hiệu quả lâu dài bằng việc khuyến khích cho một sự mở rộng lớn hơn. Nhưng thời hạn lâu dài có thể là một thời gian xa vời còn rất lâu.

Việc lựa chọn ra một chính sách về Việt Nam của chính phủ Obama, không biết chỉ đơn thuần có phải một nước Việt Nam tự do là kết quả ưa thích hơn về lâu dài, hay là một mục tiêu thiết thực trong một kỳ hạn ngắn hơn. Bằng cách cùng đứng chung với người dân Việt Nam, Hoa Kỳ có cơ hội để chuyển đổi Việt Nam và cuối cùng cả một khu vực rộng lớn ở Á Châu.

http://online.wsj.com/article/SB123325940583929853.html
Category: Chính trị | Views: 719 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 57
Khách: 57
Thành Viên: 0