Thứ Sáu, 2024-04-19, 2:59 AM
Welcome Guest | RSS

Dân Chủ Cho Việt Nam

Main » 2009 » Tháng Hai » 4 » Trông mong được gì vào gói kích cầu của ông Dũng
8:12 PM
Trông mong được gì vào gói kích cầu của ông Dũng

Tiến Hồng (Pháp), Nguyễn Quốc Khải (Hoa Kỳ)

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi đi từ khu vực ngân hàng Mỹ vào tháng 8-10/2008 và nhanh chóng lan toả sang các nước lớn châu Âu rồi đi đến suy giảm kinh tế toàn cầu chưa từng thấy kể từ 1930. Sự suy giảm mạnh này kéo dài trong năm 2009 cho dù bất cứ kế hoạch kích thích tài chính (giảm lãi suất, điều chỉnh tỷ giá hối đoái…) hay kích thích tài khoá (1) nào đã và đang được đưa ra. Nó sẽ tiếp tục kéo dài ít ra là đến hết 2010 dù có thể ở mức độ thấp hơn do hiệu quả của các kế hoạch cứu nguy.

Theo thống kê của IMF (có sai biệt chút ít với các thống kê khác) :

Tổng sản lượng quốc gia (PNB) của Mỹ từ 2% (2007)xuống còn 1,4% (2008) và -0,7% (dự kiến 2009). Cần lưu ý tỷ lệ thất nghiệp đã lên mức kỷ lục 7% tương tự như khu vực Euros (2008) và có thể lên 10% (dự kiến 2009).

PNB của khu vực Euros là 2,6% (2007) xuống 1,2% (2008) và -0,5% (dự kiến 2009).
PNB của Nhật là 2,1% (2007) xuống 0,5% (2008) và -0,2% (dự kiến 2009).

Riêng đối với Trung Quốc, có sự sai biệt quan trọng về con số : PNB 2007 là 11,9% trong khi các cơ quan thống kê khác đưa ra 11,4 -11,5%. PNB 2008 là 9,7% thay vì 9,1%. PNB 2009 dự kiến là 8,5% trong khi chính ông Ôn Gia Bảo chỉ dám mong mỏi 8%. Những cơ quan thống kê khác, theo cơ quan thông tấn tài chính hàng đầu Bloomberg (2) nêu ra còn thấp hơn rất nhiều : WB : 7,5%., ngân hàng Morgan Stanley : 5,5%, ngân hàng RBS : 5%.

Chúng ta có thể khẳng định ở đây là những con số của IMF là hoàn toàn sai lầm. Mặc dù dự đoán tương lai không phải là khoa học chính xác nhưng những chỉ dấu suy giảm đáng kể PNB của Trung Quốc ba tháng cuối năm (6,8%) đã cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang « xì hơi » bắt nguồn từ sụt giảm mạnh của xuất khẩu (2,8% trong tháng 12/2008 và dự kiến 6% cho 2009) đi kèm với sa thải hàng triệu công nhân. Với mức dự kiến PNB tăng 5-7%, chắc chắn Trung Quốc có thể khiến con số thất nghiệp năm 2009 lên tới 15-25 triệu và vì không có chế độ bảo hiệm thất nghiệp thích đáng như các quốc gia tiên tiến, nó sẽ là quả bom có thể làm sụp đổ chế độ.

Trước viễn cảnh đen tối của sự suy giảm kinh tế toàn cầu, Việt Nam lại được nhiều cơ quan kinh tế coi là sẽ chịu nhiều ảnh hưởng xấu nhất không thua gì Trung Quốc.

Trước hết là xuất khẩu 63 tỷ USD (2008) chiếm 70% GDP. Tháng 1/2009, xuất khẩu giảm sút chỉ còn đạt 3,8 tỷ USD, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu bình quân mỗi tháng là 6 tỷ USD cho 2009 để có thể tăng kim ngạch 13% so với 2008. Với lối dự báo lạc quan tếu này, sẽ có ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách vĩ mô. Những mặt hàng xuất khẩu chính sang các nước như Mỹ, EU, Nhật (50% kim ngạch) đều giảm theo thứ tự : may mặc giảm 33%, giày dép giảm,26%, dầu thô giảm 52% dù tăng số lượng 12%, thuỷ sản giảm 19%...Xuất khẩu giảm ảnh hưởng đến tình trạng việc làm của hàng triệu công nhân và có ảnh hưởng lan toả mạnh.

Hệ quả suy giảm kinh tế toàn cầu tất nhiên sẽ ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài. Đầu tư trực tiếp (FDI) năm 2008 tăng gấp ba về đăng ký cấp giấy phép (lên tới 60 tỷ USD) nhưng chỉ giải ngân được 10 tỷ, thua cả năm 2007 (11,5 tỷ USD). Tỷ lệ giải ngân ngày càng sút giảm là một nút thắt cổ chai nghiêm trọng trong cơ cấu điều hành nền kinh tế của chính phủ. Năm 2009, FDI chuyển dịch sang các nước đang phát triển có thể sút giảm đến 50% theo một lượng định bi quan. Việt Nam phải chuẩn bị cho tình huống xấu sụt giảm FDI, dù có những cam kết ban đầu 65 tỷ USD đã đưa ra, hy vọng giải ngân 12 tỷ USD xem ra khó đạt vì các nhà đầu tư nước ngoài phụ thuộc nhiều vào vay nợ ngân hàng đang gặp khó khăn về thanh khoản. Việt Nam hiện được coi là nơi có rủi ro cao về đầu tư. Đầu tư gián tiếp năm 2008 đã sụt giảm từ 6,5 tỷ USD (2007) còn 2,5 tỷ USD. Năm 2009 chắc chắn đầu tư gián tiếp sẽ sụt thêm trước viễn ảnh xấu của thị trường chứng khoán Việt Nam (hiện chỉ số Vn-index đã xuống mức đáy 300).

Số lượng ngoại hối vượt mức 8 tỷ USD trong năm 2008 góp phần chính trong việc ổn định cán cân chi phó do nhập siêu 17,5 tỷ USD sẽ có nguy cơ sút giảm. Lợi tức của kiều bào và lao động xuất khẩu giảm, nhu cầu mua nhà trong nước là một động cơ tăng kiều hối đã gặp nhiều khó khăn. Số lượng du khách năm 2008 đã sút giảm và sẽ tiếp tục đà này trong năm nay dù những biện pháp khuyến khích được đưa ra. Sự sụt giảm không những về ngoại tệ du khách thu được mà còn liên quan đến các ngân hàng Việt Nam đã tài trợ hàng tỷ USD cho các dự án đầu tư du lịch.

Về phương diện ngân sách, sự thâm hụt sẽ gia tăng khoảng 2tỷ USD do bản ước tính ngân sách 2009 căn cứ trên giá dầu thô 90 USD/thùng và giảm sụt thu thuế VAT, thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Căn cứ vào những dữ kiện nêu trên và chỉ dấu sút giảm tăng trưởng 2 quý cuối năm cùng căn cứ trên khả năng chuyển biến tồi tệ của nền kinh tế đối với những nút thắt cổ chai cơ bản (thủ tục nhiêu khê, tham nhũng tràn lan, việc chọn lựa dự án đầu tư không thích đáng, thực hiện tiến độ thi công chậm, hiệu suất đầu tư rất thấp trong lĩnh vưc công mà không tạo việc làm (ICOR=5)…) khiến cho IMF dự trù mức tăng trưởng của Việt Nam năm 2009 là 5%, Deutsch Bank còn đưa ra con số thấp hơn 4,1%, trong khi chính phủ đưa ra con số 6,5% không thực tế. Kinh nghiệm dự đoán năm 2008 đã cho thấy dù đã điểu chỉnh nhiều lần nhưng con số dự đoán cuối cùng vẫn cao hơn nhiều so với con số thực tế 6,23% (so với 8,5% năm 2008). Tất nhiên với tỷ lệ tăng trưởng 5%, con số lao động mất việc (30000 chỉ riêng cuối năm 2008) (4) hay 2 triệu thành phần trẻ gia nhập thị trường lao động không có việc làm là một yếu tố gây bất ổn xã hội và chính trị mà nhà cầm quyền cộng sản sẽ phải đối phó trong năm 2009.

Nhưng Việt Nam không phải chỉ đối phó với nguy cơ suy giảm kinh tế. Nguy cơ lạm phát phi mã năm 2008 tuy đã được ngăn chận chút ít (19,89%(3), chủ yếu do cắt giảm 45000 tỷ đồng đầu tư công và xu hướng giảm giá săng dầu mạnh cuối năm) nhưng vẫn sẵn sàng tái phát bất cứ lúc nào. Lý do là những chỉ số kinh tế vĩ mô cơ bản đều đều chưa có chuyển biến đáng kể. Khiếm hụt ngân sách tuy có giảm chút ít (từ 5% GNP năm 2007 xuống 4,5% năm 2009 ) nhưng vẫn ở mức báo động. Tỷ lệ nhập siệu năm 2008 là 17 tỷ USD (gia tăng 3 tỷ USD so với 2007) tương đương với 20% GDP là con số quá cao so với các nước quanh vùng. Tỷ lệ đầu tư toàn xã hội năm 2008 là 43%/GDP (thuộc loại kỷ lục thế giới) gia tăng 22% so với 2007 (tăng 7,7% nếu loại trừ yếu tố giá) nhưng chỉ khiến GDP giảm nhiều (từ 8,5 xuống còn 6,23% ). Chỉ có một yếu tố tích cực là đầu tư công giảm 11% trong khi khu vực ngoài Nhà nước tăng 43%, khu vực FDI tăng 47%). Những dự kiến tăng giá điện, nuớc sạch, than, cước vận chuyển…cũng có nhiều hệ quả tăng giá tổng quát và chi phí đầu tư. Đặc biệt là gói kích cầu đầu tư và tiêu dùng mà ông Dũng đã nêu sơ lược trong thông điệp đầu năm (5).

Theo sự lượng định của một số nhà phân tích, tỷ lệ lạm phát năm 2009 có thể chung quanh con số 10%, thấp hơn con số chính phủ dự kiến 15%. Thực ra với việc chủ trương phấn đấu « ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội » chủ yếu dựa trên gói kích cầu 6 tỷ USD thì con số lạm phát 15% là hoàn toàn hiện thực. Và đây chính là một vấn đề.

Việc lựa chọn chính sách trong trường hợp vừa có khả năng suy giảm cao vừa có tiềm năng lạm phát đáng kể - một đặc thù của Việt Nam- là rất hạn chế. Sự mô phỏng gói kích cầu 586 tỷ USD trong hai năm (Nhà nước chỉ tài trợ 1/3, số còn lại do địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội) là không thích đáng và nguy hiểm. Thực vậy, Trung Quốc có thặng dư thương mại là 11% GDP (2008) thì Việt Nam lại thâm hụt thương mại (nhập siêu) là 20% (2008) phải bù đắp chủ yếu bằng kiều hối. Dự trữ ngoại hối của Trung Quốc khoảng 1700 tỷ USD (chủ yếu là do dòng đầu cơ và bất hợp pháp) trong khi Việt Nam chỉ có 25 tỷ USD. Lạm phát của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam nhiều (khoảng 6% năm 2008). Xét về đại thể, việc đưa ra gói kích cầu lớn so với khả năng của nền kinh tế Việt Nam đang có nguy cơ lạm phát là rất phiêu lưu vì nếu nó không có hiệu quả mong muốn do các yếu tố nội tại thì sẽ gia tăng lạm phát nhiều với nguy cơ khó lường và làm hỏng các chỉ số vĩ mô đã có.

Trung Quốc có khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước vì là nước xuất khẩu đủ loại hàng tiêu dùng. Vì thế chủ trương hướng tới tiêu thụ nội địa là có khả năng hiện thực. Trong khi đó Việt Nam phải nhập khẩu máy móc, nguyên liệu với trị giá cao để sản xuất hàng tiêu dùng (gia tăng nhập siêu) trong khi phải cạnh tranh ráo riết với hàng ngoại nhập (được mở rộng theo cam kết cới WTO) và đặc biệt là hàng Trung Quốc qua biên giới. Vì vậy chủ trương của ông Dũng hướng tới tiêu thụ nội địa một cách chung chung mà không có chính sách cụ thể thích hợp (thí dụ như tỷ giá hối đoái, loại hàng cần sản xuất…) để gia tăng khả năng cạnh tranh là không hiện thực trong hoàn cảnh hiện nay. Đã biết bao lời hô hào « dùng hàng Việt Nam » được bộ Công thương đưa ra nhưng đều không có tác dụng.

Tóm lược tổng quát về Thông điệp đầu năm với 5 nhóm giải pháp :

- Tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh kinh doanh và xuất khẩu : hỗ trợ chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa tạo nhiều việc làm nhưng đầu tư công vẫn dẫn đạo, hỗ trợ thiết thực khu vực xuất khẩu và thị trường nội địa.
- Huy động nguồn lực để kích cầu đầu tư và tiêu dùng : tăng đầu tư xây dựng và kết cấu hạ tầng nông thôn, dùng 17000 tỷ (1 tỷ USD) bù lãi xuất vay thương mại để hỗ trợ doanh nghiệp, chủ yếu doanh nghiệp nhỏ và vừa, Đầu tư công hướng vào công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, các dự án thâm dụng nhân công. Tăng quyền chủ đầu tư, cải cách thủ tục, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu, tăng đầu tư khu vực dân doanh
- Bảo đảm an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo.
- Thực hiện chính sách tiền tệ, tài chính tích cực, hiệu quả : miễn, giảm, hoãn thuế thu nhập DN, VAT, hỗ trợ lãi suất khu vực sản xuất, hỗ trợ đầu tư phát triển khu vực nông thôn. Tài trợ bằng ngân sách đầu tư phát triển, phát hành trái phiếu, nguồn ODA, vốn tín dụng ưu đãi. Điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường.
- Tập trung điều hành quyết liệt, linh hoạt, phù hợp với thực tế, tình hình.

Nếu nhìn chung, bố cục của 5 nhóm giải pháp có vẻ mạch lạc. Tuy nhiên, xét kỹ, người ta thấy có một số điểm mơ hồ và càng ngày càng đưa ra những tín hiệu làm suy giảm niềm tin vào gói kích cầu đầu tư và tiêu thụ.

Trước hết, qua nhóm giải pháp 2, ông Dũng nói : « Tăng đầu tư, không chỉ làm tăng GDP trong ngành xây dựng… ». Ở đây, người ta không biết ông muốn tăng đầu tư bao nhiêu, đầu tư công hay đầu tư dân doanh. Vả lại, nếu tăng đầu tư xây dựng nhà ở rẻ tiền xã hội hay cho công nhân mua hay thuê thì hiệu quả của biện pháp này đã được các nhà kinh tế phê phán là rất xấu (6). Trong hoàn cảnh kinh tế hiện nay, việc tăng khối lượng đầu tư vốn đã quá cao (43% GDP) là một điều mà hầu hết các kinh tế gia đều cho là rất nguy hiểm, chưa chắc đã làm gia tăng GDP mà còn tác động tai hại đến lạm phát. Phần lớn các đề nghị chú trọng đến điều chỉnh ưu tiên đầu tư công, từng bước giảm giá VND để hỗ trợ xuất khẩu, tạo điều kiện cho sự cạnh tranh lành mạnh giữa hai khu vực dân doanh và đầu tư công.

Về gói kích cầu, đã có một sự hỗn loạn trong các thông tin về con số đưa ra :17000 tỷ VND (1 tỷ USD) rồi hơn 100000 tỷ VND (6 tỷ USD). Trong thông điệp đầu năm, ông Dũng chỉ đề cập đến gói kích cầu 17000 tỷ VND để hỗ trợ lãi suất 4% cho các doanh nghiệp. Con số hơn 100000 tỷ VND (6 tỷ USD) là do Văn phòng chính phủ đưa ra ngày 24/12/2008 theo đó ngoài 1tỷ USD đã nêu, 5 tỷ USD còn lại bao gồm : không thu về 20000 tỷ đồng tạm ứng cho các DNNN năm ngoái, hoãn miễn giảm thuế TNDN chưa thu 20000 tỷ đồng, phát hành thêm trái phiếu 20000 tỷ đồng, sử dụng tiếp vốn giải ngân năm ngoái chưa dùng 30000 tỷ đồng, xây dựng Quỹ nhà ở xã hội. Như vậy số tiền trực tiếp bơm vào các doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi chỉ là 1 tỷ USD. Và thế là các bộ ngành tranh đua nhau đưa ra các dự án để sử dụng 1 tỷ USD. Bộ Kế hoạch Đầu tư hăng hái đưa ra 10 dự án xét cấp vốn (Nhà ga sân bay quốc tế Đà Nẵng, cải tạo đường sắt Hà Nội-Lào Cai, cải tạo quốc lộ 6, 70, 209…). Bộ Công thương cũng đưa các dự án sử dụng 1 tỷ USD. Các tập đoàn cũng đòi chia phần (chạy dự án). Trong khi đó, các nhà kinh tế thì đề nghị chỉ nên sử dụng số tiền cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không nên đưa thêm cho các doanh nghiệp nhà nước (7), và chủ yếu đưa vào khu vực nông thôn. Vấn đề tổ chức thực hiện, giám sát cốt yếu để cho các dự án khả thi có thể thực hiện là then chốt cho việc kích cầu đúng chỗ.

Đùng một cái, ngày 30/12/2009, báo Vn-Express đưa tin : Trong phiên họp giao ban, thủ tướng đã chấp thuận đề xuất của UBND TP HCM xin hỗ trợ 1 tỷ USD trong gói kích cầu để đầu tư vào các công trình đang dở dang và cho phép thành phố phát hành trái phiếu với tổng trị giá 1 tỷ USD !

* Ông Dũng có còn nhớ những gì ông đọc trong thông điệp đầu năm không ?
* Ông có phải là người «trung thực» không, mọi người đều rõ.
* Đảng cộng sản Việt Nam có thể tiếp tục lãnh đạo đất nước trong giai đoạn cực kỳ khó khăn này với tầng lớp lãnh đạo gian dối như hiện nay hay không?

Chúng tôi tin rằng những gì phải đến, sẽ đến trong năm Kỷ sửu này.


Chú thích:

1. Các nước lớn đều có kế hoạch giúp đỡ thanh khoản cho ngân hàng,chính sách giảm thuế , chính sách giúp đỡ các lãnh vực công nghiệp trọng điểm, công nghiệp xây dựng, vận tải, môi sinh hay các khu vực cần giúp đỡ ..Tại Mỹ, ngoài kế hoạch Paulson 700 tỷ USD, tổng thống Obama đang chờ Quốc hội thông qua kế hoạch 825 tỷ USD. Đức mới đưa ra thêm kế hoạch 50 tỷ euros, Pháp đưa ra kế hoạch 26 tỳ euros ngoài các kế hoạch trợ giúp ngân hàng. Trung Quốc đưa ra kế hoạch 586 tỷ USD trong hai năm (15% PNB) hướng tới tiêu thụ nội địa và một số lãnh vực trọng điểm như thép và khu vực nông thôn. Hy vọng của Trung Quốc là giải quyết việc làm cho 16 triệu người trong tổng số 25 triệu có nguy cơ mất việc.
2. VnEconomy/Bloomberg. « Một loạt số liệu gây sốc của kinh tế châu Á ». Người lao động. 20/01/2009.
3. Tính theo phương pháp bình quân, chỉ số gia tăng là 22,97%.
4. Kể từ 1/1/2009, chính phủ ban bố thiết lập chế độ bảo hiểm thất nghiệp, nhưng phải sang năm 2010 mới có hiệu quả.
5. « Thông điệp đầu năm của Thủ tướng ». Vn-Express. 2/01/2009.
6. Vũ Quang Việt. « Kích cầu, kích vào đâu ?». Cánh én. Mục chính trị, thời sự kinh tế.
7. « Không nên chậm triển khai gói kích cầu ». VietNamNet. 23/12/2008.


Nguồn: Vietnam Review
Category: Hồ sơ Tham nhũng CSVN | Views: 798 | Added by: danchu | Rating: 0.0/0
Total comments: 0
Only registered users can add comments.
[ Registration | Login ]
Login form
Search
Our poll
Đánh giá
Total of answers: 887
Site friends
Statistics

Đang online: 1
Khách: 1
Thành Viên: 0