Gửi vào ngày Thứ Tư, 04 Tháng 2, 2009.
Bào chữa cho nông dân chống cưỡng đoạt đất, một luật sư bị tạt acid
Sau ngày 7 Tháng Giêng vườn, ruộng ở xã Phụng Công trở thành bình địa. (Hình: Người Việt)
Bà Lê Thị Phụ - người được chính quyền CSVN tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” dẫn đầu đoàn biểu tình ở xã Xuân Quan hôm mùng 5 Tết. (Hình: Người Việt)
Sáng mùng 5 Tết, một nhóm dân chúng xã Xuân Quan kéo đến nhà ông Ðàm Minh Thanh, bí thư xã, đòi ông này trả lời về việc tiếp tay cho chủ đầu tư cưỡng đoạt đất.
Một nhóm dân chúng khác kéo đến nhà chủ tịch xã với mục đích tương tự. (Hình: Người Việt)
Sau đó mọi người kéo nhau ra đồng - nơi từng là ruộng vườn của họ, nay đã bị san ủi
thành bình địa để giao cho “chủ đầu tư”. (Hình: Người Việt)
Hà
Nội (NV) - Tối 5 Tháng Giêng, khi vừa ra khỏi văn phòng của mình, Luật
Sư Mai Xuân Hải, thành viên Ðoàn Luật Sư Hà Nội, bị một thanh niên đội
mũ bảo hiểm có kính che kín mặt, tạt acid vào người. Vụ tạt acid này
khiến ông Hải bị phỏng nặng ở cổ và ngực. Mới đây, trả lời tờ Pháp Luật
TP. HCM, ông Hải khẳng định, ông không có bất cứ mâu thuẫn nào với ai
về tình ái hoặc tiền bạc. Nguyên nhân dẫn tới chuyện bị tạt acid có thể
bắt đầu từ một vụ án hình sự mà ông mới tham gia để bào chữa cho hai bị
cáo ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, nằm bên kia sông Hồng, cách trung
tâm Hà Nội khoảng 10 km...
Tờ Pháp Luật TP. HCM dẫn lời Luật Sư
Hải, giải thích nguyên do vì sao ông phán đoán như vậy: “Từ năm 2003,
có một công ty xin thực hiện dự án 'Khu đô thị thương mại du lịch Văn
Giang' nằm trên ba xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan của huyện Văn
Giang, tỉnh Hưng Yên. Tuy dự án này đã được chính quyền địa phương phê
duyệt nhưng công ty vừa kể không thể thu hồi đất để thực hiện dự án vì
bị dân chúng phản đối quyết liệt. Dân chúng huyện Văn Giang đã từng tổ
chức nhiều đợt khiếu nại, biểu tình (NV: một trong những vụ biểu tình
này đã trở thành cuộc xung đột xảy ra vào rạng sáng ngày 7 Tháng Giêng
mà nhiều cơ quan truyền thông bên ngoài Việt Nam, trong đó có Người
Việt, từng đưa tin). Tình hình an ninh tại đây trở thành phức tạp. Một
số phụ nữ dẫn đầu các cuộc khiếu nại bị dọa nạt, hành hung. Có phụ nữ
bị những thanh niên đội mũ bảo hiểm có kính che mặt kín mít đánh giữa
đường. Có phụ nữ bị những thanh niên lạ mặt với hành tung bí ẩn tương
tự lái xe lao thẳng vào người trên đường đi chợ. Một số người khác bị
ném thuốc trừ sâu vào sân nhà...
Trong lúc tình hình hết sức
căng thẳng như vậy thì trưa 25 Tháng Ba năm ngoái, một nhóm công nhân
của trung tâm nghiên cứu địa kỹ thuật thuộc Ðại Học Mỏ - Ðịa Chất tìm
tới cánh đồng thôn Hạ, xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên dựng
lều, dùng máy khoan lấy mẫu đất phục vụ đề tài nghiên cứu địa chất đang
thực hiện. Do ngộ nhận họ là người của chủ đầu tư xâm chiếm đất, dân
thôn Hạ đã kéo tới hỏi giấy tờ. Do hai công nhân này chưa xin phép ủy
ban nhân dân xã khi khoan thăm dò và cho rằng xe chở máy khoan làm hư
đường đi của thôn, dân chúng đã lập “biên bản phạm pháp quả tang”, đưa
người và máy về nhà văn hóa thôn. Tối hôm đó, cán bộ thôn triệu tập cả
thôn tới nhà văn hóa bàn việc “xử lý tổ khoan”. Buổi làm việc này rất
bài bản, có thư ký, lấy ý kiến mọi người. Dân chúng yêu cầu phạt 200
triệu đồng. Do không có tiền nộp phạt, hai công nhân tổ khoan bị buộc
phải ngủ lại nhà văn hóa cùng với nhiều người dân để trông giữ máy, chờ
ngày hôm sau. Trưa hôm sau, chủ nhiệm nhóm nghiên cứu của Ðại Học Mỏ -
Ðịa Chất tới, các bên lập một biên bản mới, theo đó, nhóm nghiên cứu
của Ðại Học Mỏ - Ðịa Chất đồng ý bồi thường việc làm hư hỏng đường đi
của thôn là 50 triệu đồng. Chủ nhiệm nhóm nghiên cứu của Ðại Học Mỏ -
Ðịa Chất đã báo cáo cho Ủy Ban Nhân Dân xã Cửu Cao và được trưởng công
an xã dẫn lại thôn Hạ nộp tiền rồi đưa người và máy móc về. Dân chúng
thôn Hạ đã gửi 50 triệu đồng này vào quỹ tín dụng xã...”
Ba ngày
sau, công an tỉnh Hưng Yên khởi tố vụ án “cưỡng đoạt tài sản”, bắt khẩn
cấp ông Lê Thanh Hậu, trưởng thôn và ông Nguyễn Văn Triệu, phó thôn.
Luật Sư Mai Xuân Hải được dân chúng nhờ bào chữa cho hai bị cáo. Ngày
30 Tháng Mười Hai năm ngoái, tại phiên xử sơ thẩm, Luật Sư Mai Xuân Hải
lập luận rằng nguyên nhân dẫn tới vụ việc đáng tiếc vừa kể là do dân
chúng không đồng tình với dự án “Khu đô thị thương mại du lịch Văn
Giang”. Ông Hải cho rằng ngay cả chính quyền và công an cũng có lỗi,
khi xảy ra sự việc bắt giữ hai công nhân và tạm giữ máy khoan, đại diện
chính quyền, công an xã và cả công an tỉnh Hưng Yên cũng có mặt nhưng
tất cả đã không giải thích, ngăn chặn người dân đừng vi phạm pháp luật
mà cứ để tội phạm diễn ra. Theo ông Hải, việc truy tố hai bị cáo về tội
“cưỡng đoạt tài sản” là thiếu căn cứ bởi họ không chủ xướng việc bắt
giữ, phạt tổ khoan. Việc bắt - phạt là ý chí chung của dân chúng thôn
Hạ, tiền thu được cũng đã chuyển vào quỹ tín dụng xã, không ai chiếm
hưởng. Ðáng lưu ý là khi truy tố hai bị cáo “cưỡng đoạt tài sản”, cả
công an lẫn viện kiểm sát không xác định được ai là nạn nhân vì hai
công nhân tổ khoan đã từng làm đơn gửi các nơi, đề nghị xem lại vụ này.
Theo họ, hai “bị cáo” là những người đã từng bảo vệ họ, giúp họ an toàn
trước sự đe dọa của thanh niên trong thôn. Cuối cùng, tòa án đã đổi tội
danh cho hai “bị cáo” từ “cưỡng đoạt tài sản” thành “gây rối trật tự
công cộng” với mức án từ 12 đến 15 tháng tù, nhẹ hơn rất nhiều so với
tội danh mà họ bị truy tố trước đó.
Luật Sư Mai Xuân Hải tiết lộ
với tờ Pháp Luật TP. HCM: “Khi nhận bào chữa cho hai bị cáo, tôi đã
được dân chúng huyện Văn Giang nhắc nhở phải cẩn thận. Nay, sau khi xảy
ra chuyện tạt acid, xâu chuỗi các hiện tượng mất an ninh, trật tự quanh
dự án đã kể, tôi tin lời cảnh báo đó là có cơ sở”. Ông Hải cho biết đã
báo vụ mình bị tạt acid cho công an Hà Nội và đã có văn bản gửi Bộ Tư
Pháp đề nghị giúp đỡ nhưng sắp tròn một tháng, các cơ quan “bảo vệ pháp
luật” của chính quyền CSVN vẫn chưa làm gì cả.
Cùng liên quan
đến việc nông dân huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên chống chuyện cưỡng
đoạt đất để thực hiện “Khu đô thị thương mại du lịch Văn Giang”, một số
nguồn tin riêng của Người Việt vừa cho biết, hôm 30 Tháng Giêng (mùng
năm Tết Âm lịch), hàng ngàn nông dân ở các xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân
Quan thuộc huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên đã kéo đến nhà bí thư xã, chủ
tịch xã rồi dẫn những viên chức này ra trụ sở ủy ban nhân dân xã để
chất vấn về việc tiếp tay cho chủ đầu tư cày, ủi vườn ruộng của họ
thành bình địa hồi đầu Tháng Giêng. Dẫn đầu những đoàn nông dân - nạn
nhân của việc cưỡng đoạt đất tùy tiện để thực hiện các “dự án” - là
những “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” (“danh hiệu” mà chính quyền CSVN tặng
cho những phụ nữ có chồng, con chết sạch trong chiến tranh), những nạn
nhân từng bị công an CSVN đánh đập tàn tệ khi họ tham gia ngăn cản việc
“thu hồi đất” hồi đầu Tháng Giêng.
Trong vài tháng qua, tình
hình ở các xã Cửu Cao, Phụng Công, Xuân Quan thuộc huyện Văn Giang,
tỉnh Hưng Yên được mô tả là “càng ngày càng căng thẳng”. Nhiều viên
chức chính quyền cấp xã, thôn, cán bộ đoàn thể ở các địa phương vừa kể
đã xin từ nhiệm vì bất mãn hoặc vì không chịu nổi áp lực từ phía gia
đình, dòng họ, xóm giềng bởi là “người của nhà nước”. (G.Ð.)
Nguồn: Người Việt Online
|